Ngay từ nhỏ, trẻ đã có nhu cầu giao tiếp.
Khi trẻ bắt đầu nhận thức về thế giới bên ngoài thông qua các hoạt động sơ khởi của đôi bàn tay, bàn chân, đôi mắt, cái miệng thì cùng lúc chúng cũng học cách giao tiếp để nâng cao năng lực nhận thức của mình.
Vào thời điểm trẻ bắt đầu hình thành ngôn ngữ, việc giao tiếp đã không còn là một bản năng thôi thúc bộc lộ để đáp ứng những nhu cầu cá nhân mà nó đã mang thuộc tính xã hội. Nói một cách dễ hiểu là nếu không có sự giao tiếp với những người xung quanh,trẻ sẽ không thể phát triển ngôn ngữ để đạt đến trình độ giao tiếp cần có của một con người.
Do vậy, người cha, người mẹ phải trở thành những đối tượng giao tiếp đầu tiên để giúp trẻ dần đạt đến sự hoàn thiện của tiến trình phát triển ngôn ngữ. Theo đó, bố mẹ có thể thực hiện những bước đi sau:
1. Dạy trẻ nhận biết bản thân, bố mẹ và những người thân
Trẻ tập nhận biết bố mẹ.
Trẻ tròn 1 tuổi đã có thể phát triển ý thức về bản thân như việc nhận biết cơ thể, phân biệt những cá nhân độc lập, chuyển hành vi vô thức thành ý thức. Vì thế, để giúp trẻ nâng cao năng lực nhận biết hơn nữa, bố mẹ cần giúp trẻ nhận biết tất cả những gì thuộc về bản thân.
Bố mẹ có thể chỉ cho con các vị trí của cơ thể như đầu, bụng, tay, chân… Trong lúc chỉ dẫn như vậy, hãy phát âm và lặp lại các từ khóa “đầu”, “bụng”, “tay”, “chân”… để trẻ tiếp thu dần. Khi bé đứng trước gương, hãy chỉ cho bé biết đó là ai bằng cách hỏi bé. Trong gia đình, những lúc có mặt các thành viên khác hãy giới thiệu cho bé biết đâu là mẹ, đâu là bố, ông, bà, chị, em... Những việc làm này hãy lặp lại liên tục qua mỗi ngày để trẻ dần hình thành ý thức phân biệt rõ ràng.
2. Xem trẻ là thành viên trong một số cuộc thảo luận
Muốn kích thích bé vận dụng khả năng giao tiếp hãy cho chúng tham gia bàn luận.
Hãy bàn với bé dù chúng chỉ sắp tròn 1 tuổi. Đó là cách kích thích bé vận dụng khả năng giao tiếp để đáp trả. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi ý kiến con xem nó thích đựng nước trong cái ly màu xanh hay màu đỏ? thích mang quần dài hay quần ngắn? thích mang dép hay mang giày khi ra ngoài… Bằng cách gợi mở cho trẻ nói lên ý kiến của mình, bạn sẽ giúp con cố gắng phát âm và đạt được sự giao tiếp bằng nhận thức.
3. Dạy trẻ yêu thương mọi người
Năng lực giao tiếp dùng ngôn ngữ làm công cụ để đi đến nhận thức. Vì thế, chỉ ngôn ngữ không thể làm nên giao tiếp. Chúng còn phụ thuộc vào cách trẻ xử sự ra sao với các cung bậc cảm xúc của mình. Theo đó, điều cần phải làm trước nhất là dạy cho trẻ biết yêu thương. Hãy bắt đầu việc này từ những người thân thuộc nhất, tiếp xúc với bé nhiều nhất như ông, bà, anh, chị, cô, bác… Hãy nói cho trẻ nghe về từng người một bằng những từ ngữ đơn giản nhất để trẻ có thể nhận biết. Chỉ cho bé thấy họ là những người dành nhiều tình yêu thương cho bé và bé cần phải đáp lại bằng những cử chỉ, lời nói yêu thương.
4. Mở rộng phạm vi giao tiếp
Không nên cho bé hoạt động trong một phạm vi hạn hẹp gói gọn trong hai từ gia đình. Trái lại, hãy để bé có cơ hội được gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người, chơi nhiều trò chơi với bạn bè trạc tuổi. Như thế, trẻ sẽ trở nên dạn dĩ chứ không thu mình rụt rè hay e ngại giao tiếp.
Gặp gỡ bạn bè giúp trẻ mở rộng giao tiếp.
Do đó, ngoài những lúc đưa trẻ đi dạo, chỉ cho trẻ biết con chim, bông hoa, cái lá… bạn cũng nên cho trẻ gặp gỡ bạn bè của bạn, những người cũng có con cái trạc tuổi. Chúng sẽ được gặp gỡ, vui đùa và giao tiếp với nhau để bổ sung cho nhau nhiều điều khiến bạn phải ngỡ ngàng.
Đồng hành cùng con trên chặng đường phát triển giao tiếp sẽ cần bố mẹ học hỏi thêm nhiều kỹ năng khác. Hy vọng, những bước đi căn bản này sẽ giúp các bạn trở thành những người đồng hành tuyệt vời của bé.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: