Hãy bồng bé đến trước gương mà xem, bạn sẽ thực sự lây chính niềm vui thú mà bé đang trải qua. Đó là một thực tế có thể thấy được ở hầu hết các bé. Chẳng những thế, nhiều bố mẹ thường bồng con đến trước để dỗ dành mỗi khi bé khóc hoặc khó chịu. Vậy, việc soi gương như thế có giúp ích gì ngoài những khoảnh khắc vui vẻ trên?
Quan niệm dân gian về chuyện cho trẻ nhỏ soi gương
Theo dân gian, chiếc gương dường như là một vật dụng gắn liền với các yếu tố tâm linh và chi phối tâm lý con người. Do đó, chiếc gương soi trở thành vật cấm kỵ trong nhiều trường hợp, kể cả việc sử dụng nó làm trò vui cho trẻ nhỏ. Người ta tin rằng khi đứa trẻ nhìn vào gương chúng sẽ bị thôi miên, bị ám hoặc cũng vì đó mà sinh ra chậm nói, tự kỷ hoặc chậm mọc răng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, việc để trẻ soi gương và hoạt động cùng chiếc gương soi lại đem đến nhiều lợi ích cho sự phát triển trí não.
Soi gương là một trong những hoạt động giao tiếp đầu đời của một đứa trẻ
Việc soi gương hiển nhiên không phải là một nhận thức về chính bản thân bé trong gương.
Trẻ chỉ đang ở những tháng đầu đời, do đó việc soi gương hiển nhiên không phải là một nhận thức về chính bản thân bé trong gương. Đơn giản đó chỉ là những hành vi đáp trả lại các chuyển động trẻ nhìn thấy trong gương.
Thực tế, trẻ soi gương không phải để nhìn xem mình xinh đẹp hoặc ngộ nghĩnh ra sao mà là sự ngẫu nhiên đã kích thích những phản ứng của trẻ. Khi trẻ nhìn thấy một hình ảnh trong gương nhìn mình, cười với mình, vui đùa với mình… ngay lập tức, một cách bản năng trẻ đáp trả lại các giao tiếp đó. Đây chính là cách thức con người vẫn thực hiện các giao tiếp trong xã hội. Do đó, có thể xem hoạt động soi gương của một đứa trẻ là một cách học tập giao tiếp đầu đời.
“Định hướng” cho trẻ soi gương
Tất nhiên, không thể ép buộc việc soi gương như một bài tập trẻ phải học. Hãy xem đó là cách bạn cùng con khôn lớn. Nghĩa là đừng để bé chơi một mình trước gương.
Mẹ cùng bé chơi những trò chơi phát triển giao tiếp qua gương.
Nếu có điều kiện, bạn nên lắp một chiếc gương lớn và cùng bé chơi các trò chơi. Trước hết, bạn có thể cùng trẻ chơi trò nhận diện các bộ phận trên gương mặt. Hãy đặt bé ngồi vào lòng và cho bé được nhìn vào gương. Sau đó, bạn lần lượt chỉ từng bộ phận trên gương mặt từ mắt, mũi đến miệng, cằm… Dù lúc này bé có thể không hiểu hết những gì bạn nói nhưng bạn đừng e ngại mình đang độc thoại. Thực chất, những lời trò chuyện của bạn với con là con đường hình thành ngôn ngữ của trẻ cho dù chúng có thể chưa hiểu. Nhưng đến một lúc nào đó, não của trẻ sẽ tập hợp những thông tin đã tiếp nhận và biến nó trở thành nhận thức.
Khi bé đã làm quen với gương mặt, bạn có thể chuyển tiếp đến những bộ phận khác và cứ thế lặp lại những từ khóa hoặc trò chuyện cùng bé.
Sẽ rất nhanh, bạn nhận thấy con mình hình thành khả năng nhận biết gương mặt của chính mình, sự tập trung, óc quan sát và sự phát triển tương tác mang tính xã hội.
Một mẹo nhỏ để các mẹ có thể kiểm tra xem con mình phát triển nhận thức đến mức nào đó là hãy quẹt một dấu son hoặc kem bánh lên mũi con và dẫn bé lại trước gương. Nếu con dùng tay chùi nó đi tức bé đã nhận thức được. Ngược lại, bé dùng tay chùi vết bẩn trên gương chứng tỏ bé vẫn còn rất “ngây thơ”.
Bé 2 tuổi sẽ biết chính mình trong gương.
Phải đến khi bé lên 2, những hình ảnh trẻ nhìn trước gương mới thực sự được trẻ nhận thức là chính mình.
Như vậy, bài học với gương hoàn toàn không phải là những gì đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ mà ngược lại còn mang đến những lợi ích không nhỏ góp phần vào tiến trình phát triển vượt trội của bé phải không?
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: