Luật bàn tay: Vòng tròn giao tiếp của trẻ

Năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được 5 vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác.

banner ads

Trong nhiều năm giao tiếp với trẻ con ở các phòng khám nhi, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, lớp học của “trường sơ” (những ngôi trường Mầm non do các nữ tu Công giáo mở ra ở nhiều nơi trên toàn quốc), đặc biệt là với các em bị lạm dụng tình dục đang được chăm sóc trong các mái ấm, nhà mở (của nhà nước, nhà chùa, nhà thờ và của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước), tôi đã đúc rút được vài bài học giáo dục giới tính thật ngắn để các bé dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng.

39881-n1.jpg

Năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được 5 vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác

“Luật bàn tay” với 5 vòng tròn giao tiếp của trẻ em, đã được bạn bè đồng nghiệp vận dụng:

- TS Vũ Thu Hương - khoa Tiểu học ĐHSP Hà Nội nhiều lần hướng dẫn các bà mẹ dưới dạng “Quy luật Lòng bàn tay”, “Nguyên tắc 3 vòng tròn”.

- Nhà giáo Đinh Thanh Phương - ĐH Sài Gòn có sáng kiến vẽ thành những vùng màu sắc ngay trong lòng bàn tay của các con.

- Ths Xã hội học Phạm Thị Thúy - Học viện Hành chính quốc gia chia sẻ trên mạng xã hội và trên truyền thông.

- Hội quán Các bà mẹ TP.HCM đưa vào các hoạt động huấn luyện phòng tránh xâm hại trẻ em cho các bậc cha mẹ.

- Ths giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - ĐH Sư phạm TP.HCM viết bài “Dạy con phòng tránh bị xâm hại tình dục” đăng báo Phụ nữ TP HCM…

Hai lý do đặt tên “Luật bàn tay”

Trước hết, bàn tay rất gần gũi, gắn bó với trẻ, nhất là các bé khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, chậm trí).

Các bé “chơi” với tay mình từ lúc lọt lòng bằng cách mút tay, cầm nắm. Bàn tay dùng để tìm hiểu bản thân và “khám phá thế giới” qua việc đụng chạm, sờ, vuốt ve.

Bàn tay để tham gia trò chơi (ù à ù ập, chi chi chành chành, nặn đất, xếp hình, trong bài hát quen thuộc “xòe bàn tay, đếm ngón tay”, bấm phím điện tử,…).

Bàn tay là “dụng cụ học tập” thực hành các phép tính cộng trừ nhân chia thời “vỡ lòng”. Bàn tay cùng với đôi mông còn là nơi nhận các “hình thức kỷ luật” như khẻ tay, tét đít. Nhờ vậy trẻ dễ cảm nhận và phân biệt khi được hướng dẫn.

Thứ hai, năm ngón tay tương ứng 5 vòng tròn giao tiếp của trẻ.

Luật bàn tay gồm những gì?

Giống như khi ta ném viên sỏi xuống mặt nước, những gợn sóng vòng tròn cứ mở rộng ra mãi, mối liên hệ của một con người cũng mở rộng dần theo năm tháng.

Lúc chào đời chỉ biết những người trong nhà (bố mẹ, ông bà, anh chị em) và họ hàng thân cận (cô, dì, chú bác).

Lớn hơn chút nữa, tiếp xúc với những người hàng xóm và bạn bè của gia đình. Đến tuổi đi học, gặp gỡ bạn bè, thầy cô giáo, người quen, người lạ.

Khi trưởng thành, “ra đời” đi làm sẽ có các mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng, người phụ trách, đối tác, “kẻ thù”. Về mặt tình cảm, sẽ có bạn thân (cùng giới, khác giới), người yêu, ý trung nhân, kết hôn, sinh con. Vòng đời lại tiếp tục mở ra những vai trò mới.

Năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được 5 vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác:

1.Tâm vòng tròn: dành cho người ruột thịt (bố đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột), trẻ được quyền (hoặc cho phép) VÒNG TAY ôm hôn, bế ẵm, cõng, tắm khi chưa tự mình làm vệ sinh, ngồi vào lòng, ngủ chung,... Đây là điều tế nhị bảo vệ bố dượng/ mẹ kế khi tiếp xúc với con riêng của người kia, vì ngay cả con ruột, dân gian Việt Nam vẫn phòng xa khi con cái đến tuổi lớn kia mà: "Con gái 13 không qua giường bố, con trai 17 không nhảy giường mẹ".

2.Vòng tròn tiếp theo, dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè: bé được quyền NẮM TAY, “cho phép” vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ.

3.Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), bé được quyền BẮT TAY, chào hỏi, trò chuyện,...

4.Vòng tròn thứ 4: dành cho người lạ, bé chỉ cần VẪY TAY chào, tạm biệt.

5.Ngoài tất cả các vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé XUA TAY, không tiếp xúc (chứ không phải là xua đuổi, chọc phá, kỳ thị người ta). Người đáng ngại không phải là người đen đủi xấu xí, ngớ ngẩn, tâm thần hay làm cái nghề nào đó, mà là tự trẻ cảm thấy không thích, bất an, không thoải mái. Khi bị họ cố tình đụng chạm vào người nhất là vùng quần áo lót, trẻ có quyền “tỏ thái độ” bằng cách bảo người đó dừng lại. Nếu họ vẫn tiếp tục, hãy hét to lên rồi bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.

Người thân, người quen, người lạ mà gây cho bé cảm giác ấy cũng bị coi là “người đáng ngại”. Phụ huynh phải tin vào cảm nhận này của trẻ và đừng ép con phải xã giao với họ mà chưa hỏi rõ vì sao con “ngại’.

39882-n2.jpg

Năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được 5 vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác

Hướng dẫn thế nào?

Cần nhớ những điểm nhấn về các mức độ giao tiếp liên quan đến “tay” (vậy mới gọi là Luật bàn tay): VÒNG TAY, NẮM TAY, BẮT TAY, VẪY TAY, XUA TAY.

“Luật” cần được đưa vào đầu óc non nớt của bé qua các hoạt động sống hằng ngày. Để bé dễ nhớ, cha mẹ có thể chơi trò xếp các nhân vật (cha mẹ, thầy cô, người quen, người lạ, “người đáng ngại”) vào các vòng tròn vẽ trên giấy, trên bảng, thậm chí trên đất, cát và cách giao tiếp phù hợp. Chơi trò “đố em”. Nhắc đi nhắc lại và thực tập cùng với bé mỗi khi gặp từng “đối tượng”. Khen ngợi thật lòng khi bé làm tốt. Ngoài ra, cha mẹ có thể thường xuyên đặt câu hỏi tình huống cho trẻ trổ tài ứng xử, chơi trò sắm vai các nhân vật khác nhau để bé tập giải quyết tình huống,

Vài ngoại lệ:

Lớn thêm vài tuổi, nếu không phải là người trong gia đình và người yêu, khoảng cách tiếp xúc giữa hai người nên cách xa ít nhất 20cm, tức là 1 gang tay. Cũng có lúc không giữ được khoảng cách này vì:

  • Chen chúc chỗ đông người (va chạm vào người khác trên xe buýt, trong thang máy, nơi lễ hội,… ), hãy xin lỗi vì đã làm phiền họ.
  • Người khác cần thì mình nên “giúp một tay” (đỡ em bé bị té ngã, dắt cụ già qua đường).
  • Tương tác khi sinh hoạt tập thể (nắm tay múa hát, tham gia trò chơi, nối vòng tay lớn).

“Luật bàn tay” phù hợp cả với trẻ lớn, vị thành niên và người trưởng thành, do đó cần thường xuyên “văn ôn võ luyện” cho con trẻ.

Sau bài học giới tính đầu tiên này, cha mẹ cần tiếp tục dạy con nhận biết các nguy cơ và cách phòng tránh bị xâm hại: không lên xe của người xa lạ cho dù họ có xe đẹp và cho quà bánh, la hét và chạy đi ngay cả khi họ nói rằng ba mẹ đang bị ốm và họ sẽ đưa về nhà, không bước vào nhà ai vì bất cứ lý do gì nếu cha mẹ chưa đồng ý, không mở cửa hay trả lời điện thoại cho người khác biết là đang ở nhà một mình, báo cho cha mẹ biết cảm giác bất an với ai đó trên Internet...

Theo THs.BS LAN HẢI (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ)

Nguồn TTO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI