Cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả mà không cần la hét đòn roi

Cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời là một trong những “cuộc chiến” khá khó khăn của cha mẹ. Từ khi trẻ chập chững bước những bước đi đầu tiên, con đã hình thành mong muốn độc lập. Sự khẳng định mình đôi khi dẫn đến thái độ ngang bướng, phản kháng ở trẻ. Do vậy, hiểu được những người lớn tí hon này để con biết nghe lời là việc mọi bậc phụ huynh đều muốn thực hiện được. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu làm thế nào để làm được việc này hiệu quả nhé. 

banner ads
Dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời không dễ
Dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời không phải là việc dễ dàng. Ảnh: Pinterest 

1. Tình trạng trẻ 3 tuổi không nghe lời có phổ biến không

Cậu con trai 3 tuổi của bạn rất đáng yêu, ngoan ngoãn và biết quan tâm đến người khác. Tuy vậy, cũng không ít lần bé khiến bạn mất kiên nhẫn hay tức giận. Từ đó thái độ tiêu cực mà cả bạn và trẻ đều không muốn thấy sẽ dễ dàng xuất hiện. Đây là tình trạng chung mà rất nhiều cha mẹ gặp phải.

Thông thường, vào cuối buổi chiều, trẻ sẽ thấy mệt và đói. Lúc này, trẻ dễ trở nên cáu kỉnh khi không được làm theo ý mình. (Đôi khi người lớn cũng cư xử như vậy khi mệt mỏi). Chính vì vậy, khi bạn yêu cầu trẻ làm một việc gì ví dụ như dọn dẹp đồ chơi, đi tắm, thay quần áo,…trẻ có thể phản đối và không thực hiện lời bạn.

Trên thực tế, năng lượng và ý chí của một đứa trẻ 3 tuổi có thể khiến bạn ngạc nhiên. Những hành vi ương ngạnh, bướng bỉnh , phản kháng, không chịu lắng nghe,…thật không may lại khá điển hình ở độ tuổi này của trẻ. Đặc biệt, bạn sẽ nhận thấy chúng thường xảy ra vào cuối ngày, thời điểm mà trẻ đã khá mệt mỏi. 

Trẻ 3 tuổi không nghe lời
Tình trạng trẻ 3 tuổi không nghe lời khá phổ biến. Ảnh: Parents 

2. Hiểu tâm lý để sử dụng các cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả

Để áp dụng các cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả, bạn cần hiểu được tâm lý của con.

Các nhà tâm lý học thường đề cập đến một thứ gọi là “lý thuyết về tâm trí” (theory of mind – là mức độ của một cá nhân về khả năng đồng cảm và thấu hiểu người khác) khi “đối phó” với trẻ dưới 5 tuổi. Vì sao lại như vậy? Vì trẻ ở độ tuổi dưới 5 chưa có khả năng này. Đây là thứ có khả năng giúp trẻ nhận ra lịch trình của người khác không giống của trẻ.

banner ads

Đối với hầu hết trẻ hai, ba và bốn tuổi, khi trẻ muốn thứ gì, trẻ cho rằng người khác cũng muốn trẻ có thứ đó. Trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, kích động khi chúng ta cho trẻ biết trẻ không thể có thứ chúng muốn. Đồng thời, trẻ sẽ phản kháng lại thực tế bạn yêu cầu chúng làm điều chúng không muốn.

Thông thường, trẻ phải đến độ tuổi bảy hoặc tám mới có khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình một cách thành thạo. Do vậy, trước đó, khi lịch trình của mình không được thực hiện theo ý muốn, trẻ dễ bị bộc phát về cảm xúc và hành vi mà khó có thể kiềm chế được. Tình trạng này là bình thường đối với độ tuổi của trẻ, nhưng lại là thách thức với các bậc cha mẹ. 

Hiểu tâm lý trẻ
Hiểu tâm lý để bạn áp dụng các cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả hơn. Ảnh: Outside Magazine

3. Cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời như thế nào

Để dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả, bạn hãy áp dụng một số mẹo sau:

3.1. Bạn hãy bình tĩnh

Sự thật đơn giản là con cái chúng ta luôn cần chúng ta bình tĩnh hơn chúng. Cảm xúc rất dễ lây lan. Trẻ đã phải vật lộn để điều chỉnh cảm xúc của mình. Chúng không cần bạn làm tăng thêm gánh nặng này nữa.

3.2. Duy trì giao tiếp bằng mắt với trẻ

Khi muốn đưa ra một chỉ dẫn cho trẻ, bạn hãy ở bên và nhìn vào mắt trẻ. Như vậy, bạn sẽ biết mình có đang được trẻ lắng nghe hay không.

3.3. Nói với trẻ một cách nhẹ nhàng

Nếu bạn đang đối diện và nhìn vào mắt trẻ, bạn cũng hãy cố gắng thực hiện một điều nữa, đó là nói với trẻ thật nhẹ nhàng.

Nhiều bậc cha mẹ dường như nghĩ rằng trẻ bị điếc và tăng âm lượng giọng nói, cho rằng trẻ sẽ nghe lời mình. Tuy nhiên, khi bạn càng la hét, thì trẻ càng có xu hướng phớt lờ, phản kháng và nghe ít hơn.

Nói nhỏ nhẹ mới có thể làm tăng sự chú ý của trẻ vào lời bạn nói hơn. 

Hãy nói với trẻ thật nhẹ nhàng
Hãy nói với trẻ thật nhẹ nhàng để được con lắng nghe. Ảnh: Familydoctor 

3.4. Đề nghị chứ đừng ra lệnh cho trẻ

Thay vì nói “Con ngừng chơi và đi thay đồ đi, mình chuẩn bị qua nhà ông bà”, bạn hãy nói “Con hãy đi thay đồ để nhà mình cùng qua thăm ông bà được không nào? Mình đi sớm để ở chơi nhà ông bà được lâu hơn nhé”.

Bằng cách đưa ra lời đề nghị như một câu hỏi, và kết quả tích cực nếu trẻ thực hiện đề nghị đó, trẻ sẽ có động lực để làm theo yêu cầu của bạn hơn.

Điều quan trọng không phải là khiến trẻ nghe lời chỉ ở một thời điểm, mà là bạn xây dựng mối quan hệ dựa trên lòng tin tưởng của trẻ với bạn. Nếu trẻ không phản ứng trước lời nói của bạn, hãy kiên nhẫn, tiếp tục nhìn vào mắt trẻ và nói thật nhẹ nhàng cho đến khi nhận được phản hồi của con. 

Mẹ đang nói chuyện với bé gái
Bạn đề nghị chứ đừng ra lệnh cho con. Ảnh Pixabay 

3.5. Khơi gợi suy nghĩ của trẻ

Phụ huynh chúng ta thường nói quá nhiều trong khi trẻ không thể hiểu hết tất cả những lời ấy. Vì vậy, thay vì chỉ nói một chiều, bạn hãy hỏi để trẻ tự nhắc lại điều mà bạn mong muốn trẻ làm.

Ví dụ: “Mình sẽ làm gì tiếp theo con nhỉ? Vì sao mình lại làm như vậy thế con?”, hay “Con có thể nói cho mẹ biết vì sao việc nắm tay mẹ khi đi siêu thị lại rất quan trọng không?,…

3.6. Xem xét thời điểm

Bạn nên xem xét thời điểm cả khi bạn đề nghị con làm việc gì đó cũng như các yếu tố có thể tác động đến khả năng lắng nghe của trẻ.

Có phải trẻ đang thực hiện việc gì đó rất quan trọng đối với con không?

Trẻ có đang đói bụng, mệt mỏi, giận dữ hay bị áp lực chuyện gì không?

Việc bạn yêu cầu con làm có cần thiết phải thực hiện ngay không?

Có ai đó đang quan sát trẻ khiến con phân tâm trong việc nhận và làm theo các chỉ dẫn của bạn không? 

Mẹ rót nước cho bé
Bạn nen xem xét thời điểm yêu cầu con làm có cần thiết phải thực hiện hay không. Ảnh Pixabay 

3.7. Cân nhắc khả năng của trẻ

Khi yêu cầu con làm việc gì, bạn hãy xét đến khả năng hoàn thành của con. Con có thể tự thực hiện hay cần sự giúp đỡ của bạn hay không.

3.8. Cho trẻ lựa chọn

Bạn có thể cân nhắc cho trẻ lựa chọn những việc chúng sẽ làm và khi nào chúng sẽ thực hiện không? Hãy cùng trẻ thực hiện công việc cần thiết theo những cách tích cực. Bạn có thể can thiệp, trợ giúp trẻ ở từng thời điểm. Như vậy việc trẻ cần hoàn thành sẽ được nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Mẹ và bé đi dạo vườn hoa
Bạn hãy cho con lựa chọn. Ảnh Pixabay 

Cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời có lẽ là việc mọi cha mẹ đều mong muốn thực hiện tốt và hiệu quả. Với những mẹo nhỏ ở trên, hy vọng mọi thứ sẽ trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn với bạn và trẻ. Sự kiên nhẫn và cố gắng của bạn chắc chắn sẽ đem lại kết quả tuyệt vời. Đó là một đứa trẻ hiểu chuyện, tự chủ và hành xử tử tế trong tương lai.

Theo Kidspot

Lily Nguyễn lược dịch

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI