10 bí quyết rèn cho con thói quen ăn uống lành mạnh

Nhiều bố mẹ thường than phiền con mình chỉ thích ăn bánh ngọt, uống nước có ga…mà không ăn những món bổ dưỡng khác. Tuy nhiên, bạn có nghĩ đấy là một thói quen mà vô tình chính bạn đã tạo cho bé hay không?

banner ads

Nếu muốn thay đổi, bạn hãy cùng bắt tay huấn luyện lại từ đầu nhé!

1. Giữ quyền quyết định con cần ăn những gì

18404-thoi-quen-an-3.jpg

Hãy giữ vững quyền được quyết định lựa chọn món ăn và lịch ăn của bé.

Trẻ con không mấy mặn mà với những món ăn dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng chỉ có bạn mới là người biết món ăn nào thực sự tốt cho sức khỏe của bé. Hãy giữ vững quyền được quyết định lựa chọn món ăn và lịch ăn của bé.

Để tránh bé mang bụng đói đi học, bạn có thể mua đồ ăn dữ trữ trong tủ lạnh nhưng cũng cần đảm bảo đó là những món ăn dinh dưỡng. Mặc dầu vậy, bạn không nên quá áp đặt con trong chuyện ăn uống. Thi thoảng cho bé một que kem hay một viên kẹo cũng thực sự không quá nguy hại.

2. Cho trẻ quyết định chọn thức ăn trong danh mục

Bạn biết đấy, món ăn bạn làm sẵn và bắt bé ăn sẽ không gây thích thú cho lắm! Nhưng khi bạn để bé tự quyết định thực phẩm, món ăn bạn làm ra từ đó sẽ khiến bé hào hứng hơn. Lưu ý, khi bạn chọn cách này, hãy chắc chắn giờ giấc và lượng thức ăn trong khẩu phần mỗi bữa ăn phải tuân thủ đúng như những gì trong kế hoạch nhé!

3. Không ép trẻ ăn

18406-thoi-quen-an-5.jpg

Khi bạn càng cố ép trẻ ăn nhiều, trẻ sẽ càng thấy “căm ghét” đồ ăn nhiều hơn.

Khi bạn càng cố ép trẻ ăn nhiều, trẻ sẽ càng thấy “căm ghét” đồ ăn nhiều hơn mà thôi! Chính vì thế, hãy để trẻ được ăn uống trong sự tự nguyện và ngừng ăn khi bụng đã thấy no. Có thể bạn sốt ruột cân nặng của con mình với con hàng xóm nhưng điều đó không có ý nghĩa nhiều cho bằng sức khỏe của con. Thực ra, việc để trẻ tự ăn cũng là một cách bạn để chúng tự cảm nghiệm cảm giác đói hay no; ngon miệng hay không ngon miệng.

4. Luyện tập cho trẻ ăn nhiều món khác nhau ngay từ đầu

Ngay từ thuở còn ăn dặm, bạn đã cần phải tập ngay cho trẻ thói quen ăn uống với nhiều thực phẩm khác nhau từ rau, củ, quả đến thịt, trứng, cá… Khi đã quen với vị của nhiều loại thức ăn khác nhau, bé sẽ không quá kén chọn khi đã lớn trừ khi cơ thể bé không khỏe. Ban đầu, bạn có thể cho bé nếm từng ít một. Nếu bé bị dội bởi vị của chúng, bạn hãy ngưng và tập lại sau đó ít hôm. Tránh thúc ép quá nhiều khiến bé ám ảnh với cả thức ăn.

5. Cho bé xem thực đơn mỗi bữa ăn

Nếu bạn cho rằng trẻ chỉ thích ăn những món vặt và uống những thức uống có hại thì bạn nên xem lại cách cho ăn của bạn đã thực sự kích thích được trẻ hay chưa? Trẻ con rất thích khám phá, bạn có thể viết ra giấy những món ăn trong bữa với một số hình vẽ thú vị và để bé được đoán xem hôm nay bé muốn ăn gì. Với cách này, bạn sẽ được thấy một thái độ tích cực của bé đối với chuyện ăn uống đấy!

6. Cân nhắc lượng calories trong đồ uống

18403-thoi-quen-an-2.jpg

Hãy cho bé dùng những loại thức uống có lợi cho sức khỏe hơn như nước lọc, nước ép trái cây nguyên chất, sữa chua, sữa…

Nếu bạn không quan tâm những loại nước có ga, soda hay nhiều đồ uống khác có bao nhiêu calories bạn sẽ không thể đảm bảo được chương trình cho ăn lành mạnh của mình được diễn ra như mong muốn. Vì thế, hãy cho bé dùng những loại thức uống có lợi cho sức khỏe hơn như nước lọc, nước ép trái cây nguyên chất, sữa chua, sữa… Lưu ý, nếu dùng nước trái cây cho trẻ uống, bạn chỉ nên giới hạn từ 100-150ml trong ngày là đủ.

7. Hạn chế đồ ngọt

Những cái bánh ngọt, kẹo ngọt không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho trẻ. Trái lại, chúng có thể là “thủ phạm” làm hỏng một vài cái răng của trẻ và khiến trẻ sinh ra biếng ăn. Vì thế, đừng bao giờ thỏa thuận với bé về một chiếc bánh ngọt trước bữa ăn hay trước lúc đi ngủ.

8. Không chứng minh tình yêu bằng đồ ăn

Những viên kẹo ngọt không phải là phần thưởng để bạn “dụ” bé. Nếu muốn bé thật sự cảm nhận giá trị thành tích của mình, hãy dùng những lời yêu thương để thủ thỉ cùng bé, hoặc đơn giản chỉ là những cái ôm trìu mến.

9. Bố mẹ cũng phải làm gương

18402-thoi-quen-an-1.jpg

Bố mẹ làm gương cho con về thói quen ăn uống lành mạnh.

Trẻ sẽ không nghe những gì bạn chỉ bảo về một thói quen ăn uống lành mạnh nếu bạn luôn miệng ăn vặt và bỏ những bữa ăn chính. Trẻ sẽ tự động thấy mình khác biệt và điều này sẽ gây ra phản ứng tiêu cực. Cũng vậy, nếu bạn muốn ăn giờ nào thì ăn, ăn ở đâu thì tùy,trẻ cũng sẽ “học” được ở bạn một ít hoặc thậm chí nhiều hơn những thói quen xấu này của bạn đấy!

10. Hạn chế thời gian trẻ xem ti vi

Ăn trong lúc xem tivi là một trong những thói xấu trong ăn uống mà bạn không nên bao giờ để trẻ được thử. Không ít nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trẻ giảm béo nhanh hơn nếu bố mẹ tắt tivi vào những bữa ăn.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI