1. Có ốm nghén thai mới khỏe là quan niệm có cơ sở
1.1. Tình trạng ốm nghén
Bất kỳ phụ nữ nào đã từng đối mặt với chứng ốm nghén sẽ nói với bạn rằng: không gì khó chịu bằng cảm giác khi bị ốm nghén. Bạn sẽ rất mệt mỏi và chán nản khi thấy buồn nôn suốt ngày đêm, chán ăn và nôn ói thường xuyên.
Đối với các mẹ bầu đang trải qua tình trạng ốm nghén ở những tháng đầu tiên, thì bạn không hề cô đơn. Có rất nhiều phụ nữ mang thai trải qua quá trình ốm nghén giống như bạn. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu tốt. Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ bị ốm nghén ở tam cá nguyệt đầu tiên có tỷ lệ sảy thai thấp hơn so với phụ nữ không có các triệu chứng này.
Như vậy, có ốm nghén thai mới khỏe là quan niệm có cơ sở? Mối liên hệ ở đây là gì?
1.2. Quan niệm có ốm nghén thai mới khỏe không phải là lời đồn thổi
Trước đây, người ta vẫn từng suy đoán rằng, qua hoạt động nôn ói, phụ nữ mang thai đang loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Việc này nhằm giữ cho thai nhi được an toàn trước ảnh hưởng của những yếu tố gây hại.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng mẹ bầu bị nôn ói ở đầu thai kỳ nghĩa là nồng độ hormone cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh đang tăng lên.
Qua một số kết quả nghiên cứu, thì tình trạng ốm nghén có khả năng cao là do tác động của hormone thai kỳ (human chorionic gonadotropin – HCG) gây ra. Hormone này được sản xuất rất sớm sau khi trứng thụ tinh cấy ghép thành công vào thành tử cung. Theo đánh giá các triệu chứng từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, ngay sau khi thụ thai, thì có mối liên hệ giữa biểu hiện buồn nôn, nôn ói với sự giảm nguy cơ sảy thai .
Những mẹ bầu bị chứng ốm nghén nặng thường có mức HCG cao hơn phụ nữ mang thai khác. Cũng như phụ nữ mang đa thai - những người thường bị ốm nghén nặng hơn - cũng có mức độ HCG cao.
Tương tự như vậy, sự gia tăng hormone estrogen cũng có liên quan đến tình trạng ốm nghén nặng trong thai kỳ.
Như vậy, có thể thấy quan niệm có ốm nghén thai mới khỏe không phải là lời đồn thổi, mà thực sự có cơ sở khoa học ở một tỷ lệ nhất định.
2. Có ốm nghén thai mới khỏe có phải luôn luôn đúng
Có ốm nghén thai mới khỏe đã được khẳng định qua một số nghiên cứu nhất định. Nhưng như thế không có nghĩa là phụ nữ mang thai không bị ốm nghén là biểu hiện bất thường. Một số phụ nữ có thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh mà không trải qua bất kỳ triệu chứng ốm nghén nào.
Dù ốm nghén được cho là có lợi đối với phụ nữ mang thai, nhưng mẹ bầu cũng không nên nản lòng nếu đang tìm kiếm cách điều trị tình trạng này. Đặc biệt nếu nó ảnh hưởng tiêu cực và đáng kể đến chất lượng cuộc sống của họ.
Theo ý kiến của một số bác sĩ, chỉ vì ốm nghén là một điều tốt không nhất thiết phụ nữ phải chịu đựng nó.
Đôi khi tình trạng ốm nghén khiến bạn không thể chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân và em bé. Hoặc nó tác động tiêu cực đến công việc và cuộc sống của bạn. Lúc này bạn hãy đến gặp chuyên gia, bác sĩ sản khoa để được tư vấn và giúp đỡ. Những lời khuyên, chỉ dẫn phù hợp sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn triệu chứng ốm nghén của mình. Đồng thời, bạn cũng sẽ thấy yên tâm khi thực hiện chúng, hơn là chỉ ngồi nhà lo lắng liệu thai kỳ của mình có ổn hay không.
3. Mẹ nên nhìn nhận ý kiến có ốm nghén thai mới khỏe như thế nào
Chúng ta cần lưu ý rằng các kết quả nghiên đưa đến nhận định có ốm nghén thai mới khỏe là dựa trên đo lường thống kê. Chúng không phải là mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Ốm nghén có khả năng cao là dấu hiệu tốt dự báo một thai kỳ khỏe mạnh. Nhưng điều này không phải là vấn đề có thể khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm. Bạn không thấy buồn nôn, nôn ói khi có thai cũng không nhất định là dấu hiệu cho thấy sự bất thường đang xảy ra cho thai kỳ của bạn.
Mỗi cá nhân đều khác nhau. Giống như vậy, không phải tất cả các trường hợp mang thai đều giống nhau.
Khi mang thai và trải qua giai đoạn ốm nghén, bạn không nên quá lo lắng sợ thai kỳ có vấn đề. Cũng như bạn cũng không nên quá chủ quan vì cho rằng có ốm nghén thai mới khỏe.
Điều bạn cần làm trong thời gian có thai là bạn hãy:
- Thay đổi lối sống, đặc biệt các thói quen có hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Ví dụ như uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích, ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán.
- Ăn uống lành mạnh.
- Vận động điều độ, tránh hoạt động quá nặng, quá lâu.
- Tránh các yếu tố/ môi trường có thể gây hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi.
Đặc biệt bạn cần phải khám thai định kỳ , bổ sung dưỡng chất và thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ sản khoa. Như vậy, bạn sẽ hạn chế được rủi ro đối với thai kỳ của mình ở mức thấp nhất.
Có ốm nghén thai mới khỏe là một điều rất quen thuộc mà chúng ta thường mặc định giống như có thai là sẽ bị ốm nghén. Mặc dù đây là quan niệm có cơ sở, nhưng nó cũng không phải là điều luôn xảy ra. Mỗi phụ nữ với đặc điểm sinh lý khác nhau sẽ trải qua những thai kỳ khác nhau. Vì vậy, kinh nghiệm hay những lời khuyên từ người đi trước có thể là bài học thêm mà bạn tiếp nhận cho kiến thức thai kỳ của mình. Nhưng đồng thời, bạn cũng nên thực hiện những việc cần thiết phù hợp với đặc điểm của chính bạn.
Cho dù có ốm nghén thai mới khỏe có cơ sở, song bạn không nên lơ là phần khám thai định kỳ nhé. Vì bác sĩ sản khoa với chuyên môn cùng các thiết bị sẽ giúp theo dõi thai kỳ của bạn một cách chính xác nhất.
Nguồn tham khảo: Mayo Clinic, Live Science & Parents
Lily Nguyễn tổng hợp và lược dịch