1. Thông tin sơ lược về sản phụ khoa - hiếm muộn bệnh viện Mỹ Đức
Sản phụ khoa - Hiếm muộn là một trong những khoa mũi nhọn của BV Mỹ Đức. Ở đây, ngoài trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, bệnh viện còn có đội ngũ y bác sĩ giỏi và nhiều năm kinh nghiệm, đặc biệt đây còn là nơi làm việc của Nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ - GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức - IVFMD được thành lập vào tháng 4 năm 2013, đặt mục tiêu an toàn và hiệu quả trong điều trị lên hàng đầu. Trang thiết bị y tế tại IVFMD được chú trọng đầu tư bài bản từ hệ thống phòng sạch (clean room) cho đến các thiết bị chuyên môn khác nhằm tối ưu hiệu quả điều trị. Đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên phôi học tại IVFMD đều là những chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam.
Tiến sĩ Adrianne K. Pope - người có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã thẩm định cấp giấy chứng nhận RTAC - chứng nhận chất lượng quốc tế về thụ tinh trong ống nghiệm tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, bà đã bày tỏ sự ngạc nhiên về những thành quả mà Việt Nam đạt được được trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. RTAC là quy chuẩn chất lượng chuyên biệt dành cho lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, là quy chuẩn chất lượng uy tín nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả đơn vị hỗ trợ sinh sản ở Australia, New Zealand và Singapore đều phải tuân thủ các điều khoản trong bộ tiêu chuẩn này.
Địa chỉ: BV đa khoa Mỹ Đức nằm tại Số 4 đường Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TPHCM
Giờ khám bệnh: Từ thứ 2 đến thứ 7
- Sáng từ 7 giờ - 11 giờ 30
- Chiều từ 13 giờ - 16 giờ 30
- Ngoài giờ từ 16 giờ 30 - 19 giờ
Giá khám : 100.000 đồng/lần
Giá khám BS Phượng (thứ 3 và thứ 6): 150.000 đồng/1 lần
BV không nhận thẻ BHYT
Cấp cứu 24/24 - Hotline: (028) 38 100 290
Email: [email protected]
Website: myduchospital.vn
Thông tin trên đã giúp bạn nắm rõ những vài nét sơ lược về bệnh viện Mỹ Đức, mời bạn đọc theo dõi phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện Mỹ Đức tiếp sau đây nhé.
2. Thụ tinh ống nghiệm là gì?
Bác sĩ Robert G. Edwards là cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này được thử nghiệm thành công từ năm 1978 trong ống nghiệm, nên mới mang tên là thụ tinh trong ống nghiệm
Các chuyên gia sẽ giúp trứng được thụ tinh trong môi trường phòng thí nghiệm với điều kiện đặc biệt. Sau khi trứng thụ tinh và phát triển thành hợp tử, nó được đưa trở lại trong cơ thể người phụ nữ và bắt đầu quá trình mang thai như bình thường.
Tên khoa học của phương pháp này gọi là In vitro fertilisation (viết tắt là IVF). Phương pháp này dành cho các cặp vợ chồng bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung , tinh trùng ít, yếu hoặc dị dạng, tinh dịch không có tinh trùng, đã thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần đều thất bại, hiếm muộn không rõ nguyên nhân…
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 80 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Tại Việt Nam khoảng gần một triệu cặp vợ chồng khó khăn trong việc mang thai tự nhiên.
Về thời gian thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Mỹ Đức trung bình khoảng 2 tuần. Chi phí tại bệnh viện Mỹ Đức ước tính khoảng 60-70 triệu đồng cho một chu kỳ điều trị, thấp hơn khoảng 3-5 lần so với thực hiện tại nước ngoài.
3. Thời gian thụ tinh trong ống nghiệm
Quá trình thụ tinh ống nghiệm nói chung mất bao nhiêu thời gian được rất nhiều cặp đôi quan tâm, nhằm sắp xếp tốt nhất lịch trình thăm khám và điều trị.
Theo các chuyên gia cho biết, thời gian thực hiện một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, bắt đầu từ lúc tiêm thuốc chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho buồng trứng cho đến lúc tiến hành siêu âm hoặc xét nghiệm thử thai mất khoảng 4-6 tuần, tùy đáp ứng cơ thể của mỗi người phụ nữ với thuốc.
4. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm các bước như sau:
- Bước 1: Khám sức khỏe
Đầu tiên tại phòng khám hiếm muộn, hai vợ chồng sẽ làm hồ sơ bệnh bao gồm khám và làm các xét nghiệm sau:
- Khám phụ khoa, Pap’s, siêu âm
- Xét nghiệm máu cơ bản
- Tinh dịch đồ
- Xét nghiệm nội tiết…
Sau khi tất cả các kết quả trên bình thường, các cặp đôi sẽ phải nộp những giấy tờ cần thiết để hoàn thành hồ sơ, bắt đầu đợt điều trị. Thông thường, các xét nghiệm này thường được thực hiện vào ngày 2 của vòng kinh của người vợ.
- Bước 2: Tiêm thuốc chuẩn bị tử cung và buồng trứng
- Bước 3: 2 tuần sau khi tiêm thuốc bệnh nhân được thử máu và siêu âm nhằm kiểm tra đáp ứng của thuốc với cơ thể, rồi mới tiếp tục tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Thời gian tiêm thuốc này kéo dài trong khoảng 10-14 ngày, tùy thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người.
- Bước 4: Tiêm hormone HCG và tiến hành chọc hút trứng sau 36-40 giờ. Trước khi chọc hút trứng, người vợ nên nhịn đói vào buổi sáng, trong quá trình chọc hút trứng, bệnh nhân sẽ được gây tê và gây mê nhẹ. Sau khi chọc hút trứng, người vợ được theo dõi mạch, huyết áp trong 2-3 giờ tại bệnh viện.
- Bước 5: Trong ngày chọc hút trứng ở người vợ, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng của người chồng đưa vào phòng lab để chuẩn bị cấy
- Bước 6: Cấy trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm trong khoảng 16-20 giờ. Trong 2-3 ngày, các chuyên gia sẽ theo dõi sự phát triển của phôi trước khi cấy vào tử cung người mẹ.
Theo kỹ thuật cổ điển, trứng và tinh trùng được cho gặp nhau, hòa nhập một cách “tự nhiên” để hình thành phôi. Nhưng để tránh những bất thường xảy ra khi thụ tinh tự nhiên (hậu quả là không thể hình thành phôi), ngày nay các bệnh viện thường áp dụng kỹ thuật ICSI – Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Đặc biệt đối với những người chồng tinh trùng quá yếu, dị dạng, hoặc phải lấy tinh trùng từ mào tinh… số lượng tinh trùng tốt chọn được rất ít, kỹ thuật ICSI là một hỗ trợ hiệu quả (vì chỉ cần một tinh trùng cho một trứng).
- Bước 7: Bác sĩ sẽ chọn lọc các phôi khỏe mạnh và chuyển phôi vào tử cung của người vợ, nếu phôi dư, đạt chất lượng sẽ được trữ lại trong bình nitơ lỏng. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ kê thuốc đặt hoặc tiêm cho chị em nhằm hỗ trợ cho sự làm tổ của thai một cách tốt nhất. Chị em nằm nghỉ trên giường khoảng 4 giờ sau đó ra về.
- Bước 8: Sau 2 tuần chuyển phôi, người vợ quay lại để thử thai.
- Bước 9: Sau 14 ngày mẹ sẽ được xét nghiệm máu định lượng beta HCG, siêu âm tử cung và 2 phần phụ qua ngã âm đạo để biết quá trình thụ tinh có thành công không.
Theo thống kê, tỷ lệ thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng tăng cao.
5. Một số biến chứng của thụ tinh trong ống nghiệm
Tuy tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn có những trường hợp gặp các biến chứng không mong muốn. Các biến chứng do thủ thuật gây ra có thể gặp: chảy máu trong do chọc vào các mạch máu lớn trong ổ bụng, do làm tổn thương buồng trứng; nhiễm trùng do chọc hút vào ruột, đại tràng; chảy máu bàng quang do kim chọc vào bàng quang. Các tai biến này nếu có, sẽ được bác sĩ phát hiện ra sớm, tỷ lệ thấp, nên cũng không đáng ngại.
Nếu gặp hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) mức độ nặng, đây là một biến chứng của điều trị kích thích buồng trứng và của khởi động phóng noãn, mẹ có các dấu hiệu như: căng chướng bụng nhiều, đau bụng, buồn nôn, nôn ói nhiều hoặc khó thở… thì nên tái khám gấp.
6. Những điều nên và không nên làm khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm
- Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nên ăn nhiều chất đạm và uống nhiều nước có thể giúp giảm nhanh tình trạng quá kích buồng trứng.
- Lối sống
Người chồng không nên hút thuốc lá vì có thể ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng của phôi và kết quả có thai. Người vợ không làm việc nặng cũng như không tập những môn thể thao nặng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Quan hệ vợ chồng nên tránh trong giai đoạn kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi.
Tỷ lệ thực hiện IVF trên thế giới hiện nay từ 40-45%. Tỷ lệ này sẽ càng giảm nếu độ tuổi mang thai của người nữ trên 35 tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu hiện nay đã nhận thấy nếu sử dụng phôi đông lạnh để thụ tinh trong ống nghiệm thì khả năng thành công và an toàn hơn rất nhiều so việc lấy phôi tươi trực tiếp từ cơ thể người mẹ. Biện pháp này có thể dễ dàng khắc phục những trục trặc ở cơ quan sinh sản của người mẹ hoặc chất lượng tinh trùng của người cha thấp.
Ngoài ra, khi thực hiện IVF tỷ lệ mang bầu đa thai cũng cao hơn vì để tăng tỷ lệ thành công bác sĩ thường cấy đồng thời 2-3 phôi một lúc vào cơ thể người mẹ, nếu phôi này hỏng sẽ có phôi khác phát triển.
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện Mỹ Đức đạt tiêu chuẩn RTAC, bệnh nhân có thể an tâm rằng:
- Tỉ lệ thành công cao và ổn định.
- Tất cả các khâu trong quá trình được thực hiện theo quy trình chuẩn.
- Các biến cố bất lợi như quá kích buồng trứng, đa thai luôn được kiểm soát chặt chẽ.
- Nhân viên y tế được cập nhật kiến thức và đạo tạo chuyên môn thường xuyên.
- Các phản hồi của bệnh nhân trong quá trình điều trị luôn được các y bác sĩ lắng nghe và xử trí thỏa đáng.
Thụ tinh ống nghiệm ở bệnh viện Mỹ Đức là một sự lựa chọn thích hợp đối với những cặp vợ chồng mong con vì chất lượng dịch vụ, cũng như quy trình thực hiện đạt chuẩn quốc tế. Nhờ việc nắm được quy trình thực hiện IVF, phần nào các cặp vợ chồng cũng dễ hình dung và tính toán được thụ tinh ống nghiệm mất bao nhiêu thời gian, chi phí cũng như công sức. Tỷ lệ thực hiện IVF thành công càng ngày tăng cao do đó đây là phương pháp và lựa chọn thích hợp đối với những cặp vợ chồng đang mong con.
Giáng Ngọc tổng hợp