1. Chửa ngoài dạ con là gì?
Chửa ngoài dạ con hay mang thai ngoài tử cung là một biến chứng của thai kỳ. Thông thường, trứng đã được thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung để làm tổ và phát triển bình thường tạo thành bào thai. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ, trứng không di chuyển được đến thành tử cung mà làm tổ và phát triển ở ống dẫn trứng bên ngoài tử cung. Trường hợp chửa ngoài dạ con này rất nguy hiểm và thường xảy ra ở những tuần đầu của thai kỳ.
2. Nguyên nhân dẫn đến chửa ngoài dạ con?
Các nguyên nhân gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung thường không rõ ràng. Nhưng chủ yếu là do hai yếu tố sau đây:
2.1 Những yếu tố bên ngoài tác động
- Phụ nữ từng phẫu thuật vùng chậu, bụng.
- Nạo phá thai nhiều lần.
- Quá trình thụ thai được hỗ trợ bởi thuốc hoặc các biện pháp y tế khác ví dụ như thụ tinh nhân tạo .
- Sự thụ thai diễn ra bất ngờ khi người mẹ đã thắt ống dẫn trứng hoặc sử dụng các biện pháp ngừa thai.
- Hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích nhiều.
2.2 Do tình trạng sức khỏe của người mẹ
- Những phụ nữ bị lây lan các bệnh qua đường tình dục như lậu, giang mai,...
- Phụ nữ trên 35 tuổi.
- Đã từng bị viêm vùng khung chậu, lạc nội mạc tử cung.
- Ống dẫn trứng của người mẹ có cấu trúc bất thường hoặc bị tật bẩm sinh.
- Những phụ nữ có khối u trong ống dẫn trứng cũng rất dễ bị chửa ngoài dạ con.
- Mắc những bệnh viêm nhiễm , đặc biệt là viêm phần phụ hoặc viêm tiểu khung.
- Những phụ nữ có tiền sử bị thai ngoài tử cung sẽ có nguy cơ tái diễn cao hơn rất nhiều lần.
3. Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không?
Đây chắc hẳn là câu hỏi mà rất nhiều chị em quan tâm. Hậu quả của việc mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm , thậm chí là rất nguy hiểm vì khi thai lớn dần, sẽ khiến vòi trứng bị vỡ ra bất kì lúc nào. Trong trường hợp bị vỡ, máu sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng, khiến người mẹ có thể bị ngất xỉu thậm chí là tử vong do sốc mất máu nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chửa ngoài dạ con có thể làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và khả năng sinh sản sau này. Vì thế, nếu cảm thấy bản thân có những triệu chứng chửa ngoài dạ con được nêu ra ngay dưới đây, thì bạn nên đến các cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt.
4. Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài dạ con
Theo các chuyên gia y tế, thời gian đầu khi bạn mang thai ngoài dạ con hầu như sẽ không có dấu hiệu gì đặc biệt và vẫn sẽ có những triệu chứng tương tự như việc có thai bình thường. Tuy nhiên, các dấu hiệu có thai ngoài dạ con sẽ bắt đầu rõ ràng hơn, khi phôi thai lớn dần và những dấu hiệu cụ thể có thể xuất hiện như sau:
- Chảy máu âm đạo bất thường: Thông thường việc chảy máu âm đạo chị em sẽ nghĩ đó là điều bình thường của máu báo thai. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu do chửa ngoài tử cung sẽ kéo dài hơn, máu ra ít một, màu thẫm và không đông lại, nhưng một số trường hợp cá biệt sẽ không xảy ra hiện tượng này.
- Không thấy túi thai: Nếu bạn cảm thấy cơ thể mình có những dấu hiệu mang thai bình thường nhưng khi siêu âm thai vẫn không thấy túi thai thì khả năng rất cao là bạn đã mang thai ngoài tử cung.
- Đau bụng bất thường: Tình trạng táo bón khi mới mang thai và kèm theo những chứng đau bụng bất thường, đau dữ dội một bên bụng kèm theo xuất huyết.
- Nồng độ hCG trong máu giảm dần: Một thai kỳ khỏe mạnh thì lượng hormone hCG cũng sẽ tăng dần, nhưng nếu lượng hCG đang giảm dần từng ngày và có dấu hiệu ngưng lại bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra sớm.
- Trong trường hợp túi thai bị vỡ bạn sẽ có các dấu hiệu như toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể thể ngất.
5. Biện pháp đề phòng giúp chị em có thể hạn chế việc mang thai ngoài tử cung
Tuy việc chửa ngoài dạ con có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ nào nhưng nếu chị em có những biện pháp đề phòng hợp lý, cũng sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc phải việc mang thai ngoài dạ con.
- Giữ vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ và khô thoáng nhất là trong kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa và sau sinh nở để hạn chế viêm nhiễm vùng kín.
- Trong trường hợp bạn đã từng mang thai ngoài tử cung và có ý định mang thai lại thì bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ nhằm có được những lời khuyên cũng như chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
- Luôn luôn đảm bảo việc quan hệ tình dục một cách an toàn và đề cao tiêu chí 1 vợ 1 chồng để tránh lây lan các bệnh qua đường tình dục.
- Ngưng hút thuốc và sử dụng các chất kích thích ít nhất là một năm khi có ý định mang thai.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bạn muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi đang mang thai.
- Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và việc khám thai định kỳ để tầm soát được tình trạng chửa ngoài dạ con.
Nếu tình trạng chửa ngoài dạ con được phát hiện sớm và điều trị sớm và triệt để, thì sẽ không ảnh hưởng gì đến thiên chức làm mẹ của chị em về sau nên đừng lo lắng quá. Tuy nhiên, nếu chị em đang chuẩn bị mang thai sau này thì vẫn nên hết sức cẩn thận, thường xuyên đi khám thai định kỳ và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, để có thể đảm bảo hơn cho một thai kỳ khỏe mạnh nhé.
Hiền Anh tổng hợp