Cách tắm cho bé gái sơ sinh mẹ làm sao cho đúng

Cách tắm cho bé gái sơ sinh là việc mà các mẹ rất nên lưu ý để thực hiện đúng. Vì khác với bé trai, vùng kín của bé gái là khu vực rất nhạy cảm và cần được chăm sóc thật cẩn thận. Vậy tắm cho con như thế nào để đảm bảo vùng đặc biệt này được làm sạch một cách nhẹ nhàng và đúng kĩ thuật. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bé gái đang ngủ
Cách tắm cho bé gái sơ sinh là việc mà các mẹ rất nên lưu ý để thực hiện đúng. Ảnh Internet 

1. Cách tắm cho bé gái sơ sinh như thế nào

Cách tắm cho bé gái sơ sinh chỉ khác bé trai ở thao tác vệ sinh vùng kín. Dưới đây là những điều bạn nên lưu ý:

1.1. Những lưu ý về sản phẩm vệ sinh đối với cách tắm cho bé gái sơ sinh

Trong cách tắm cho bé gái sơ sinh, bạn hãy lưu ý một số điều về sản phẩm vệ sinh như:

  • Bạn có thể chỉ dùng nước sạch để tắm và vệ sinh vùng kín cho bé. Bạn không cần dùng xà phòng hay sữa tắm. Nếu dùng, bạn hãy chọn một loại sữa tắm dịu nhẹ và có tác dụng giữ ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Bạn nên pha vào nước tắm cho bé với một lượng nhỏ. Bạn cũng nên đảm bảo tắm sach xà phòng khỏi người bé để tránh tình trạng kích ứng da có thể xảy ra. Khăn ướt không chứa cồn và mùi thơm, dành riêng cho bé cũng sử dụng được. Chúng sẽ giúp bảo vệ làn da mỏng manh nhạy cảm của bé.
  • Bạn nên kiểm tra loại sữa tắm hoặc khăn ướt bạn định dùng cho trẻ bằng cách thử chúng trên một vùng da nhỏ của con. Bạn lưu ý nên pha loãng sữa tắm trước khi thử trên da bé nhé.
  • Bạn hãy tránh các sản phẩm vệ sinh có chứa cồn hoặc hương liệu. Vì chúng có thể phá vỡ sự cân bằng của da bé. 
Mẹ bôi kem cho bé
Bạn hãy chú ý lựa chọn những sản phẩm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Green People 

1.2. Cách tắm cho bé gái sơ sinh

Thông thường, các loại kem chống hăm tã , mồ hôi, bụi bẩn và các chất khác có thể bám xung quanh hay bên trong âm hộ của bé. Vì vậy, bạn cần lau rửa khu vực này một cách nhẹ nhàng nhưng kĩ lưỡng để giúp làm sach nhưng không gây tổn thương vùng kín của bé.

Cách tắm cho bé gái sơ sinh với thao tác vệ sinh vùng kín của bé bạn có thể thực hiện gồm:

  • Bạn chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và đồ dùng để tắm cho bé trong một không gian ấm áp, kín gió. Các đồ dùng có thể gồm: khăn tắm, khăn mặt, bông cotton, quần áo sạch, tã sạch, lotion.
  • Nếu bé chưa rụng rốn , bạn có thể áp dụng cách tắm khô cho con. Bạn sẽ không cho bé vào chậu tắm chứa nước, mà dùng khăn nhúng ướt để lau người bé. Bạn lau cho bé xong tới đâu thì quấn khăn lại cho con tới đó để bé không bị lạnh. Vùng kín bạn nên để cuối cùng vì bé có thể sẽ tè hoặc ị trong khi tắm.
  • Nếu bé đã rụng rốn , bạn có thể tắm bé trong chậu nước ấm. Trước đó bạn nên dùng 2 miếng bông cotton riêng biệt lau hai mắt cho bé. Sau đó bạn dùng khăn nhúng ướt lau mặt cho con. Bạn nên tắm kĩ những vùng có nếp gấp trên người bé như cổ, nách, khuỷu tay, khuỷu chân, bẹn vì đây là những khu vực dễ đọng mồ hôi và bụi bẩn nhất. Khi tắm đến vùng dưới của bé bạn hãy dùng khăn hoặc bông cotton lau nhẹ nhàng từ trước ra sau, tránh cọ xát quá nhiều sẽ làm tổn thương làn da mỏng manh của bé.
  • Khi tắm xong bạn hãy dùng khăn mềm thấm khô người và vùng kín của bé (tránh dùng khăn lau vì nó có thể chà xát, gây kích ứng và tổn thương da bé).

Nếu bé ị trước khi tắm thì bạn nên vệ sinh sạch rồi mới cho con vào chậu tắm. Nếu vùng kín của bé bị dây bẩn sau khi ị, bạn hãy thực hiện như sau:

  • Dùng ngón tay sạch của bạn kéo môi âm hộ của bé ra một cách nhẹ nhàng.
  • Dùng khăn cotton ướt, khăn mềm, hoặc khăn ướt không chứa cồn và hương liệu, lau sạch mặt trong môi âm đạo theo hướng từ trước ra sau, trong ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
  • Dùng miếng khăn riêng cho mỗi bên môi âm hộ.

Nếu da vùng dưới của bé bị khô, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn loại kem, dầu phù hợp để giúp cải thiện tình trạng này một cách an toàn. Đối với những loại dầu dưỡng ẩm dùng nhỏ vào nước tắm, bạn hãy cẩn thận khi sử dụng. Vì chúng có thể khiến da bé trơn trượt hơn. Và bạn cần chú ý ôm, bế bé một cách chắc chắn. 

Mẹ đang tắm cho bé
Bạn nên chú ý vệ sinh nhẹ nhàng vùng kín khi tắm cho bé gái sơ sinh. Ảnh: Verywell Family 

2. Khi nào bạn cần lo lắng về tình trạng vùng kín của bé

Một số phụ nữ mới làm mẹ lần đầu hoặc lần đầu tiên có con gái có thể bị bối rối và lo lắng khi thấy một vệt hồng trên tã của em bé khi mới sinh. Điều này khá dễ hiểu vì mọi bà mẹ đều sẽ dễ dàng rơi vào tâm trạng này khi nhận thấy một biểu hiện khác thường nào đó ở con nếu chưa nắm được ý nghĩa chính xác của nó.

Tuy nhiên, có những điểm được xem là bình thường trong giai đoạn sau sinh của bé. Trong một vài tuần đầu bạn có thể nhận thấy một số biểu hiện sau ở vùng kín của bé như:

  • Âm hộ của bé hơi sưng và đỏ.
  • Bé tiết dịch âm đạo hoặc một chút máu màu hồng nhạt.

Các biểu hiện trên đều là bình thường. Chúng xảy ra do bé bị ảnh hưởng bởi hormone từ bạn khi còn ở trong bụng mẹ.

Tình trạng âm hộ sưng, đỏ và tiết dịch sẽ biến mất sau vài tuần. Nếu không, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ vì có khả năng bé bị nhiễm trùng hoặc một tình trạng bất thường nào đó.

Bạn không nên tự ý sử dụng chất khử mùi, dung dịch vệ sinh hoặc các loại dung dịch khác cho vùng âm đạo của bé. Chúng có thể làm đảo lộn sự cân bằng hóa học tự nhiên tại khu vực này và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cho bé. 

Mẹ nâng niu chân bé
Một số biểu hiện như âm hộ sưng, đỏ, tiết dịch âm đạo được xem là bình thường đối với bé gái mới sinh. Ảnh: WebMD 

Cách tắm cho bé gái sơ sinh có lẽ khác biệt nhất so với bé trai là thao tác vệ sinh vùng kín cho bé. Vùng kín của bé gái sơ sinh còn rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Vì vậy khi làm sạch khu vực này cho con lúc tắm, bạn cần thật nhẹ nhàng nhưng cũng phải thực hiện đúng, kĩ càng và cẩn thận để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho bé.

Theo Raising Children & BabyCenter

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI