Bé sơ sinh bị hăm tã nặng mẹ phải làm thế nào?

Bé sơ sinh bị hăm tã nặng là tình trạng chắc chắn khiến mẹ rất lo lắng và vất vả để chăm sóc. Làn da bé sơ sinh rất nhạy cảm, nên việc chăm sóc những vết hăm tã nhẹ nếu không được thực hiện đúng cách, thì chúng sẽ không được cải thiện, thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Vậy làm thế nào để hạn chế việc khiến tình trạng hăm tã trở nên nghiêm trọng hơn. Và trong trường hợp bị nặng, thì mẹ cần chăm sóc bé như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bé sơ sinh bị hăm tã nặng
Bé sơ sinh bị hăm tã nặng là tình trạng chắc chắn khiến mẹ rất lo lắng. Ảnh Internet

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé sơ sinh bị hăm tã nặng

Hăm tã là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vì khi mới chào đời, bé đi vệ sinh nhiều lần trong ngày và làn da nhạy cảm thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải (nhất là phân vẫn ở dạng lỏng). Bên cạnh đó, sự chà xát của tã hoặc quần áo, sự phản ứng của da bé với các sản phẩm mới (kể cả quần áo, tã, khăn,…), sự tiếp xúc với hóa chất (bao gồm cả sữa tắm, phấn rôm, kem dưỡng ẩm,…), phản ứng khi sử dụng kháng sinh, sự nhiễm khuẩn cũng gây ra tình trạng hăm ở bé.

Khi bé bị hăm tã với những vết mẩn đỏ quanh vùng mặc tã, nếu không được chăm sóc đúng cách, các vết này rất dễ tiến triển nặng hơn, dẫn đến tình trạng hăm tã nặng khiến bé rất khó chịu. Việc chăm sóc bé bị hăm tã không đúng cách có thể bao gồm:

  • Thường xuyên lau rửa, chà xát khu vực bị hăm tã hoặc không tắm, vệ sinh cho con.
  • Không thay tã cho bé ngay khi tã ướt, đặc biệt là sau khi con ị.
  • Cho bé mặc tã liên tục, không có khoảng thời gian “nghỉ” để khu vực mặc tã của con được tự do.
  • Sử dụng quá nhiều sản phẩm chứa hóa chất cho khu vực bị hăm.
  • Ủ ấm bé quá kỹ khiến con không được thoải mái và vi khuẩn dễ xâm nhập. 
Bé mặc tã
Cho bé mặc tã liên tục cũng có thể khiến bé bị hăm tã nặng. Ảnh Internet 

2. Bạn nên làm gì khi bé sơ sinh bị hăm tã nặng

Bé bị hăm tã thường có một số biểu hiện đặc trưng như:

  • Dấu hiệu trên da : các vết đỏ, nhạy cảm xuất hiện trên vùng da mặc tã của bé.
  • Sự thay đổi cử chỉ, thái độ của bé : bé khó chịu hơn bình thường, đặc biệt trong thời gian thay tã. Con cũng dễ quấy khóc khi bạn rửa hoặc chạm vào vùng mặc tã.

Khi bạn hỏi ý kiến bác sỹ để sử dụng thuốc bôi chống hăm cho bé cùng với việc chăm sóc mà tình trạng của con không cải thiện sau vài ngày, đồng thời các triệu chứng hăm tã trở nên nặng hơn, bao gồm:

  • Các vết hăm của bé ngày càng tiến triển nghiêm trọng hơn dù được chăm sóc và điều trị tại nhà
  • Các vết hăm của bé bị chảy máu hoặc rỉ nước
  • Bé bị đau mỗi lẫn đi vệ sinh
  • Bé bị sốt 
Mẹ đo nhiệt độ cho bé
Bé bị hăm tã nặng có thể bị sốt. Ảnh Internet 

Lúc này, việc đầu tiên cần làm là bạn đưa bé đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám và xác định tình trạng của bé có phải đơn thuần là bị hăm tã nặng hay không hay còn do nguyên nhân khác gây ra.

Khi đến gặp bác sỹ, bạn lưu ý hãy báo đầy đủ thông tin về tình trạng của bé bao gồm:

  • Toàn bộ các triệu chứng của bé, và bé bé bị hăm tã tiến triển nặng trong bao lâu
  • Tình trạng y tế khác của bé nếu có
  • Các loại thực phẩm lạ bạn đã ăn (trong trường hợp bạn cho bé bú mẹ)
  • Các loại sản phẩm có tiếp xúc với da của bé

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi bác sỹ điều trị cho bé như:

  • Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hăm tã nặng của bé
  • Nguyên nhân khác gây ra tình trạng này
  • Tôi có thể làm gì để giúp da bé mau lành
  • Bác sỹ có đề xuất một loại thuốc mỡ, kem hay lotion nào để bôi cho bé không 
Mẹ hỏi bác sỹ
Bạn có thể hỏi bác sỹ về việc có dùng thuốc mỡ, kem hay lotion để bôi cho bé không. Ảnh Internet 
  • Khi nào tôi cần dùng thuốc mỡ thay vì kem hay lotion cho bé
  • Bác sỹ có chỉ định phương pháp điều trị nào khác không
  • Những sản phẩm hoặc thành phần hóa học nào tôi nên tránh dùng hoặc cho tiếp xúc với bé
  • Tôi có nên tránh loại thực phẩm nào không
  • Khoảng bao lâu thì các triệu chứng của bé sẽ cải thiện
  • Tôi có thể làm gì để phòng ngừa tình trạng này tái phát
  • Các vết hăm có phải là một biểu hiện của tình trạng bất thường nào trong người bé không

Khi được bác sỹ giải đáp rõ ràng, bạn vừa có thể nắm rõ tình hình của bé, vừa có thể chăm sóc con đúng cách và không quá lo lắng về những yếu tố khác có thể tác động đến con. 

Mẹ chăm sóc bé
Việc hỏi rõ bác sỹ, nhận lời khuyên sẽ giúp bạn nắm rõ tình hình của bé và chăm sóc con tốt hơn. Ảnh Internet 

Bên cạnh việc làm theo đúng chỉ định của bác sỹ, bạn có thể thực hiện những cách sau trong quá trình chăm sóc bé:

  • Tắm nước mát cho bé : mặc dù việc này nghe có vẻ phản trực giác, vì độ ẩm thường là nguyên nhân gây hăm tã cho bé. Tuy nhiên, thực sự việc tắm với nước mát (nhiệt độ nước tắm thấp hơn so với nước tắm bình thường của bé) sẽ giúp làm dịu da và đánh lạc hướng bé khỏi cảm giác khó chịu.
  • Dành thời gian cho bé và hạn chế đưa bé ra ngoài : nếu bạn đang đi làm và em bé của bạn rơi vào tình trạng hăm tã nặng, bạn có thể xin nghỉ phép và dành thời gian bên cạnh bé để cho con được “tự do” không mặc tã bất cứ khi nào có thể. Hoặc nếu bạn có ý định đưa bé ra ngoài, hãy đợi đến khi tình trạng của bé khá hơn. Vì nhiệt độ, ghế ngồi xe hơi và sự cọ xát không cần thiết sẽ làm bé khó chịu hơn.
  • Hãy sử dụng khăn, vật dụng thật mềm : khi vệ sinh cho bé, bạn hãy dùng nước sạch rửa cho con sau đó sử dụng khăn hoặc bông cotton thật mềm để thấm khô. Hạn chế tối đa việc lau mạnh hay chà xát sẽ khiến tình trạng hăm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Hãy thay tã cho bé ngay sau mỗi lần bé đi nặng : việc tiếp xúc với chất thải sẽ làm cho các vết hăm thêm trầm trọng vì vậy bạn cần thay tã cho bé ngay sau khi con ị.
  • Dùng thuốc mỡ hoặc kem chống hăm : để hạn chế sự tiếp xúc giữa da bé và chất bẩn, bạn có thể dùng thuốc mỡ hoặc kem chống hăm để bôi cho bé. Tuy nhiên bạn cần sử dụng loại phù hợp theo chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sỹ. 
Bôi thuốc cho bé đúng chỉ định
Bôi thuốc cho bé đúng theo chỉ định của bác sỹ. Ảnh Internet 
  • Hãy giữ vùng mặc tã của bé được khô ráo : ngoài thời gian tắm và vệ sinh bạn nên giữ vùng mặc tã của bé được khô ráo để các vết hăm mau khô và lành.
  • Hãy giữ vệ sinh : trước và sau mỗi lần thay tã cho bé, bạn nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh khả năng làm cho khu vực bị hăm của bé bị nhiễm khuẩn và trở nên tồi tệ hơn.

3. Phòng ngừa tình trạng hăm tã ở bé như thế nào

Hăm tã dù rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa được hoặc hạn chế nó trở nên nặng hơn bằng cách:

  • Thay tã cho bé thường xuyên : hãy thay tã cho bé ngay khi bị ướt hoặc dơ. Nếu bé được gửi ở nhà trẻ, bạn hãy yêu cầu nhân viên làm như vậy.
  • Dùng nước rửa nhẹ nhàng mỗi lần thay tã cho bé và thấm khô bằng khăn sạch và mềm hoặc để khu vực này tự khô.
  • Đừng mặc tã hoặc quần áo quá chật cho bé.
  • Cho bé thời gian không mặc tã càng nhiều càng tốt.
  • Dùng kem chống hăm cho bé (bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng) 
Kem chống hăm cho bé
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng kem chống hăm cho bé. Ảnh Internet 

4. Tã vải hay tã dùng một lần tốt hơn cho tình trạng hăm của bé

Rất nhiều bậc phụ huynh phân vân không biết dùng loại tã nào cho bé. Khi nói về việc hăm tã, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy tã vải tốt hơn tã dùng một lần hoặc ngược lại.

Bởi vì không có loại nào được xem là tốt nhất nên hãy sử dụng bất kì loại nào có lợi cho em bé và cả bạn. Nếu một thương hiệu tã dùng một lần khiến da bé bị kích ứng, bạn hãy thử đổi loại khác. Nếu xà phòng giặt bạn sử dụng cho tã vải có vẻ góp phần gây ra tình trạng hăm tã, hãy đổi sản phẩm.

Cho dù bạn sử dụng loại tã nào thì hãy luôn luôn thay cho bé càng sớm càng tốt sau khi con tè hoặc ị, để giữ cho vùng dưới của con khô và sạch nhất có thể. 

Thay tã cho bé
Thay tã ngay cho bé sau khi con tè hoặc ị. Ảnh Internet 

5. Nếu bạn dùng tã vải thì nên giặt như thế nào

Nếu bạn sử dụng tã vải cho bé, việc giặt cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa hăm tã. Phương pháp giặt khác nhau và nhiều thói quen có thể hiệu quả. Chìa khóa của các phương pháp này là làm sạch, khử trùng và loại bỏ cặn xà phòng. Dưới đây là một cách bạn có thể áp dụng:

  • Ngâm tã trong nước lạnh.
  • Giặt tã bằng nước nóng với chất tẩy nhẹ và thuốc tẩy. Thuốc tẩy giúp diệt khuẩn. Bạn cũng có thể thêm giấm vào quá trình giặt để loại bỏ mùi hôi và cặn xà phòng.
  • Giũ tã qua hai lần nước lạnh nữa để loại bỏ hẳn hóa chất và xà phòng còn sót lại.
  • Bạn không nên dùng nước xả và giấy thơm vì chúng có thể chứa chất tạo mùi thơm, dễ gây kích ứng da trẻ.
Phơi tã
Nếu bạn sử dụng tã vải cho bé hãy giặt cẩn thận để ngăn ngừa hăm tã cho con. Ảnh Internet

Bé sơ sinh bị hăm tã nặng là tình trạng bạn cần dành sự chăm sóc thật cẩn thận. Vì mặc dù hầu hết bé hăm tã ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (trừ khi bé bị nhiễm trùng nặng), nhưng các vết mẩn đỏ đặc trưng ngay tại một khu vực nhạy cảm sẽ khiến bé khó chịu hơn. Từ đó có thể ảnh hưởng tới các sinh hoạt khác của bé như bữa ăn, giấc ngủ. Do vậy, bạn đừng nên chủ quan khi bé bị hăm tã để tình trạng này tiến triển nặng thêm bạn nhé.

T heo Mayoclinic & Baby Center

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI