1. Hãy tìm sự giúp đỡ sau khi bạn sinh con - điều có lợi mà bạn không nên bỏ qua trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh
Bạn có thể không nhận ra nhưng có rất nhiều nguồn giúp đỡ xung quanh bạn:
- Khi còn ở bệnh viện, bạn hãy tranh thủ tham khảo ý kiến của bác sỹ, các chuyên gia về trẻ sơ sinh và sữa mẹ, các y tá hay nữ hộ sinh để nhận được những hướng dẫn, sự tư vấn và những lời khuyên hữu ích cho việc chăm sóc bé.
- Khi bạn đã về nhà, ngoài việc thuê y tá, nữ hộ sinh hoặc một người phụ việc trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè, đặc biệt là chồng bạn, chắc chắn mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy không thoải mái bạn có thể hạn chế thời gian thăm hỏi hoặc gặp gỡ của mọi người mà không cần phải thấy áy náy.
2. Về việc bế trẻ
Nếu bạn chưa có chút kinh nghiệm nào về chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn có thể thấy sợ hãi vì sự “mỏng manh, dễ vỡ” của trẻ. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, hãy thật cẩn thận và lưu ý những việc sau:
- Hãy rửa tay (hoặc dùng dung dịch khử trùng) trước khi bế bé. Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn khá non yếu nên dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng. Bạn cũng nên nhắc nhở những người khác về việc rửa tay nhé.
- Hãy nâng đỡ đầu và cổ của bé khi bế hay đặt con nằm xuống.
- Hãy đừng bao giờ rung lắc trẻ khi chơi hay muốn dỗ con, vì việc này có thể khiến trẻ bị chảy máu não thậm chí tử vong. Nếu bạn muốn đánh thức bé, hãy cù nhẹ bàn chân hoặc cằm bé.
- Hãy đảm bảo trẻ được đai chắc chắn khi ở trong địu, xe đẩy hay ghế ô tô và hạn chế các hoạt động mạnh hoặc có độ nẩy cao.
- Hãy nhớ rằng em bé mới sinh của bạn chưa sẵn sàng cho các trò chơi có cường độ mạnh ví dụ như kéo-đẩy, rung lắc hay tung trẻ lên cao.
3. Về việc vuốt ve, dỗ dành và xây dựng mối liên kết với trẻ
3.1. Âu yếm và dỗ dành trẻ
Âu yếm vuốt ve và xây dựng mối liên kết có lẽ là phần dễ chịu nhất trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Việc này được chú trọng khi trẻ đang ở giai đoạn yếu ớt và nhạy cảm nhất – trong khoảng những giờ và những ngày đầu sau sinh. Sự tiếp xúc về thể lý có thể tăng cường mối liên hệ về cảm xúc giúp bạn và trẻ gần gũi hơn. Đồng thời nó còn thúc đẩy sự phát triển các khu vực khác của não bộ và cơ thể trẻ.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc bế và vuốt ve trẻ một cách nhẹ nhàng. Cả bạn và chồng hãy thay phiên nhau thực hiện da tiếp da (skin-to-skin) với trẻ khi bế hoặc cho trẻ bú.
Ngoài ra việc mát xa cũng có tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là những trẻ sinh non.
Trẻ sơ sinh rất thích những âm thanh do bạn tạo ra, từ tiếng nói bình thường đến những âm miệng khác. Ngoài ra, âm nhạc cũng sẽ khiến trẻ thích thú, việc thường xuyên cho trẻ nghe nhạc, nghe bạn nói chuyện và đọc sách có thể giúp phát triển khả năng nghe rất tốt.
Một số trẻ rất nhạy cảm với sự đụng chạm, âm thanh hay ánh sáng và rất dễ khóc, dễ giật mình, ngủ rất ít hoặc thường quay mặt đi khi người khác nói chuyện với mình. Nếu em bé của bạn rơi vào trường hợp này, bạn hãy hạn chế tối đa các yếu tố có thể gây kích thích với trẻ đặc biệt là âm thanh và ánh sáng.
3.2. Đối với việc quấn bé
Quấn/ bọc bé trong khăn rất hữu ích đối với trẻ trong những tuần đầu sau sinh. Việc quấn/ bọc bé đúng cách giữ cho tay bé nằm sát vào thân, trong khi chân bé có thể cử động được. Tư thế này không chỉ giúp giữ ấm cho trẻ mà còn giúp bé cảm thấy an toàn – như khi nằm trong bụng mẹ. Ngoài ra, quấn khăn cho trẻ còn giúp trẻ đỡ bị giật mình – một tình trạng dễ khiến trẻ bị tỉnh giấc khi ngủ.
Dưới đây là những kỹ thuật quấn bé bạn có thể tham khảo:
- Bạn trải khăn quấn theo hình thoi, một đầu vài gấp xuống một chút.
- Bạn đặt trẻ nằm lên khăn sao cho phần vải gấp ở ngang cổ, gần vai bé.
- Bạn quấn phần khăn bên trái qua người trẻ và luồn xuống tay phải và lưng trẻ.
- Bạn gấp phần khăn ở phía chân lên, hướng về phía mặt trẻ, nếu góc khăn sát mặt trẻ thì bạn có thể gập xuống. Bạn hãy đảm bảo khăn không quấn quá chặt ở hông trẻ.
- Bạn quấn phần khăn còn lại về phía thân bên trái của trẻ và luồn xuống lưng.
3.3. Lưu ý về việc quấn bé mẹ nên ghi nhớ
Sau khi quấn xong, toàn bộ người trẻ nằm trong khăn, chỉ hở đầu và cổ. Bạn nên kiểm tra lại để chắc chắn khăn quấn không quá chặt bằng cách luồn tay vào giữa khăn và ngực trẻ. Bạn cũng chú ý không để khăn quá lỏng sẽ dễ tuột và mất tác dụng đối với việc trấn an trẻ.
Bạn nên lưu ý không thực hiện quấn bé sau 2 tháng tuổi. Vì một số bé đã có thể lật ở độ tuổi này, và việc lật trong tình trạng đang quấn trong khăn sẽ làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome – SIDS).
4. Về việc thay tã và vấn đề hăm tã trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh
4.1. Tã và việc thay tã cho bé
Bạn có thể quyết định sử dụng tã vải hay tã giấy cho trẻ. Dù bạn dùng loại nào cho bé thì cũng nên lưu ý rằng trẻ sẽ làm dơ tã ít nhất 10 lần một ngày hay 70 lần một tuần.
Trước khi thay tã cho bé, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết để hạn chế thời gian trẻ nằm một mình, những đồ dùng cần thiết gồm:
- Tã sạch
- Khăn ướt hoặc khăn sạch/ bông cotton và nước ấm
- Móc cài (nếu bạn sử dụng tã vải)
- Dầu chống hăm dành cho trẻ sơ sinh
- Sau mỗi lần trẻ tè hoặc ị, bạn hãy lau sạch cho trẻ, bôi dầu hoặc kem chống hăm và mặc tã sạch cho con.
- Đối với bé trai: bạn hãy “cẩn thận” vì việc tiếp xúc với không khí có thể kích thích trẻ đi tè.
- Đối với bé gái: bạn hãy lau sạch cho trẻ từ trước ra sau để tránh bị nhiễm trùng đường tiểu cho con.
- Việc dùng dầu hoặc kem chống hăm có thể giúp hạn chế tình trạng bị hăm tã ở trẻ.
- Sau mỗi lần vệ sinh cho con, bạn cần rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn nhé.
4.2. Về tình trạng hăm tã
Hăm tã là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Chúng là những mụn nước nhỏ màu đỏ, xuất hiện do làn da quá nhạy cảm của trẻ phải tiếp xúc với các chất bẩn (nước tiểu và phân). Các vết hăm này thường sẽ tự biến mất sau vài ngày khi trẻ được tắm nước ấm, bôi dầu/ kem và được “thả” tự do không mặc tã.
Để phòng tránh hăm tã cho trẻ, bạn hãy lưu ý một số mẹo sau:
- Thường xuyên thay tã cho bé, đặc biệt là ngay sau khi bé ị.
- Rửa vùng mặc tã của bé với nước và xà phòng dành riêng cho bé một cách nhẹ nhàng (vì việc lau bằng khăn đôi khi có thể làm tăng kích ứng da bé), sau đó bôi một lớp mỏng kem chống hăm (loại kem chứa kẽm được khuyên dùng vì nó giúp tạo một “rào chắn” ngăn ngừa ẩm ướt – một nguyên nhân góp phần làm bé dễ bị hăm).
- Nếu bạn sử dụng tã vải cho bé, hãy giặt chúng với xà phòng không chứa màu và mùi hương.
- Hãy cho trẻ được “tự do” – không mặc tã một khoảng thời gian trong ngày. Việc này sẽ giúp da bé được khô thoáng và thoải mái hơn.
Nếu tình trạng hăm tã kéo dài quá 3 ngày và có xu hướng tệ đi, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ vì đó có thể là dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn và cần điều trị.
5. Về việc tắm cho bé
5.1. Tắm khô cho bé
Đối với việc tắm cho bé, bạn nên “tắm khô” (không ngâm cả người bé trong nước) cho đến khi:
- Dây rốn của bé tự rụng và gốc rốn lành hẳn (sau khoảng 1-4 tuần tùy bé).
- Vết cắt bao quy đầu của bé (nếu có) lành hẳn (sau khoảng 1-2 tuần).
Bạn không cần tắm cho bé hàng ngày mà có thể tắm cho con 2-3 lần một tuần trong năm đầu đời là ổn. Việc tắm quá thường xuyên dễ làm da bé bị khô.
Tương tự như khi thay tã, trước khi tắm cho bé bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, tránh không để bé nằm một mình. Các vật dụng gồm:
- Một chiếc khăn rửa mặt loại mềm, sạch
- Dầu gội và sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh
- Một bàn chải mềm để vệ sinh da đầu cho bé
- Một chiếc khăn tắm
- Tã sạch
- Quần áo sạch
5.2. Cách tắm khô cho bé
Bạn chọn một mặt phẳng đủ rộng, vững chắc (như bàn thay tã cho bé) trong một phòng ấm, kín gió và chuẩn bị một chậu nước ấm.
Bạn thực hiện các bước tắm cho bé như sau:
- Bạn cởi đồ cho bé và dùng khăn tắm quấn con lại
- Bạn dùng khăn mặt hoặc bông cotton nhúng nước ấm và lau mắt cho bé, bắt đầu từ góc mắt ra đuôi mắt. Bạn nên lau mỗi mắt bằng một góc khăn sạch hoặc một miếng bông riêng. Sau đó bạn giặt sạch khăn rồi lau mũi và tai cho bé.
- Bạn tiếp tục giặt sạch khăn, lau mặt cho bé (có thể dùng xà phòng hoặc không) và thấm cho khô.
- Tiếp theo, bạn lấy xà bông gội đầu, tạo bọt và xoa nhẹ lên đầu bé và xối nước một cách nhẹ nhàng cho sạch.
- Cuối cùng, bạn dùng khăn ướt và xà bông tắm để lau người bé. Bạn cần đặc biệt lưu ý các vùng sau tai, quanh cổ, nách, và khu vực mặc tã của bé.
Sau khi tắm cho bé xong, bạn hãy lau khô và mặc tã cũng như quần áo sạch cho con.
5.3. Cách tắm chậu cho bé
Khi bé đã sẵn sàng để tắm chậu bạn nên thử một lần tắm nhẹ nhàng và nhanh để giúp bé làm quen với cách tắm mới. Nếu con phản ứng không tích cực, khóc hoặc tỏ ra sợ hãi bạn hãy quay lại tắm khô và thử áp dụng tắm chậu mọt vài tuần sau đó.
Khi tắm chậu cho bé, ngoài các vật dụng tương tự như tắm khô, bạn cần chuẩn bị thêm:
- Chậu tắm dành cho trẻ sơ sinh, với khoảng 5-8 cm (2-3 inch) nước ấm (để kiểm tra nhiệt độ nước, bạn hãy sử dụng mặt trong cổ tay hoặc khuỷu tay).
Bạn thực hiện các bước tắm cho bé như sau:
- Bạn cởi đồ và đưa bé vào nước ngay (không để vòi nước tiếp tục chảy vào chậu tắm), dùng một tay đỡ đầu và cổ bé, tay còn lại đưa chân bé vào nước trước, sau đó là phần thân, sao cho nước ngập ngang ngực con.
- Bạn dùng khăn mặt sạch hoặc bông cotton để lau mặt và đầu trẻ. Hãy nhẹ nhàng mát xa da đầu trẻ (kể cả phần thóp) bằng đầu ngón tay của bạn hoặc một bàn chải mềm. Khi bạn xoa xà bông lên đầu bé, hãy dùng bàn tay che trước trán bé để xà bông và nước chảy về hai bên và không vào mắt con.
- Bạn tiếp tục dùng khăn mặt sạch và một ít xà phòng để tắm người cho bé.
Trong khi tắm, bạn hãy thường xuyên xối nước lên người bé để con không bị lạnh. Sau khi tắm xong, bạn cần quấn bé lại ngay, đặc biệt là phần đầu của con. Bạn dùng loại khăn có mũ trùm đầu là tốt nhất.
Một điều quan trọng bạn cần lưu ý đó là không bao giờ để trẻ một mình trong chậu tắm. Nếu bạn cần rời đi để làm một việc gì đó gấp, hãy bế trẻ theo nhé.
6. Về việc chăm sóc bao quy đầu và dây rốn cho trẻ
6.1. Chăm sóc vết thương sau cắt bao quy đầu ở trẻ
Sau khi cắt bao quy đầu , phần đầu dương vật của bé thường được bôi thuốc mỡ và băng gạc để không bị dính vào tã. Khi vệ sinh cho bé, bạn hãy nhẹ nhàng lau phần này bằng nước ấm và bôi lại thuốc mỡ. Vết đỏ và sưng ở vị trí bị cắt sẽ lành sau vài ngày, tuy nhiên nếu nó sưng đỏ nhiều hơn, xuất hiện mụn nước hay mủ thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ ngay vì con có thể đã bị nhiễm trùng.
6.2. Chăm sóc rốn cho trẻ sau sinh
Theo các khuyến cáo hiện nay thì phần rốn của trẻ nên được để khô thoáng và không nên vệ sinh bằng cồn. Bạn nên để rốn trẻ khô và tự rụng đi (trong khoảng 10 ngày đến 3 tuần). Cho đến lúc đó thì bạn không nên để vùng rốn của trẻ bị ngâm trong nước. Nếu vùng này bị dơ, bạn có thể dùng nước ấm lau sạch, sau đó thấm khô.
Khi rốn của trẻ rụng đi, gốc rốn sẽ đổi màu từ vàng sang nâu hoặc đen và có thể tiết một chút dịch hoặc máu, điều này là bình thường. Tuy nhiên nếu gốc rốn của trẻ sưng đỏ hay chảy dịch có mùi thì bạn cũng nên đưa con đến gặp bác sỹ để được thăm khám nhé.
7. Về việc cho trẻ ăn và giúp trẻ ợ hơi
7.1. Việc cho trẻ ăn
Dù trẻ bú mẹ hay bú bình thì bạn cũng nên cho trẻ ăn theo nhu cầu – nghĩa là bất cứ khi nào bé đói. Con có thể “ra dấu” cho bạn khi đói bằng cách khóc, mút tay hoặc tạo ra âm thanh nút sữa.
Thông thường trẻ sơ sinh cần được ăn mỗi 2-3 giờ. Nếu bú mẹ, bạn nên cho trẻ ăn khoảng 10-15 phút một lần bú. Đối với bú bình, bạn có thể cho trẻ ăn khoảng 60-90 ml một lần.
Một số trẻ cần được đánh thức để ăn mỗi vài giờ. Nếu bạn phải đánh thức trẻ thường xuyên hoặc thấy trẻ không hào hứng trong việc bú mẹ hay bú bình thì nên tham khảo ý kiến bác sỹ.
- Đối với trẻ bú bình, bạn có thể dễ dàng biết được lượng sữa trẻ tiêu thụ.
- Đối với trẻ bú mẹ, việc xác định lượng ăn của trẻ khó hơn một chút. Bạn hãy quan sát trẻ: nếu con làm ướt tã khoảng 6 lần và ị nhiều lần một ngày, con ăn tốt, ngủ ngoan và lên cân đều nghĩa là con ăn đủ.
Một cách khác giúp bạn xác định trẻ được ăn đủ đó là theo dõi “bình sữa” của bạn, bạn thấy căng sữa trước khi cho trẻ bú và hết căng sau khi trẻ ăn xong.
7.2. Giúp trẻ ợ hơi
Trẻ sơ sinh khi bú mẹ hay bú bình đều có nuốt cả không khí nên có thể bị đầy hơi. Vì vậy bạn hãy giúp trẻ ợ hơi để hạn chế tình trạng này.
- Đối với trẻ bú bình, bạn hãy giúp trẻ ợ sau khi ăn mỗi 60-90 ml.
- Đối với trẻ bú mẹ, bạn hãy giúp trẻ ợ mỗi khi bạn đổi bên ngực cho bé bú.
Nếu trẻ có dấu hiệu quấy khóc hoặc nôn trớ trong khi ăn, bạn hãy giúp con ợ hơi sau khi ăn mỗi 30 ml (đối với trẻ bú bình) hoặc mỗi 5 phút (đối với trẻ bú mẹ).
Bạn có thể giúp trẻ ợ hơi bằng cách thực hiện những thao tác sau:
- Bạn bế trẻ ở tư thế đứng dựa vào người bạn, cằm trẻ tựa vào vai bạn, một tay bạn đỡ lưng và đầu, cổ trẻ, tay còn lại vỗ nhẹ lưng con.
- Bạn cho bé ngồi trên đùi xoay lưng về phía bạn, một tay bạn đỡ ngực và cằm bé, tay kia vỗ nhẹ lưng để bé ợ.
- Bạn cho bé nằm úp trên đùi bạn, một tay đỡ đầu bé cao hơn ngực, tay còn lại vỗ nhẹ lưng để bé ợ.
Nếu bé không ợ sau vài phút, bạn có thể đổi cách ợ hơi cho con bằng cách đổi tư thế để giúp trẻ ợ trước khi cho trẻ ăn tiếp. Bạn hãy lưu ý luôn cho trẻ ợ sau khi ăn xong và bế đứng trẻ trong vòng 10-15 phút để tránh tình trạng trẻ nôn trớ.
8. Về việc cho trẻ ngủ
Trẻ sơ sinh thường ngủ khá nhiều (16 giờ hoặc hơn) đặc biệt là những tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên đó là những giấc ngủ ngắn và không xuyên đêm vì dạ dày trẻ còn khá nhỏ nên sẽ có nhu cầu ăn sau mỗi 2-3 giờ. Bạn cần đánh thức để trẻ ăn nếu con ngủ quá 4 giờ (hoặc ngắn hơn nếu bác sỹ lo ngại về cân nặng của con).
Khi nào thì việc bạn mong đợi – trẻ ngủ xuyên đêm – có thể xảy ra? Thông thường ở 3 tháng tuổi trẻ có thể ngủ liên tục 6-8 tiếng. Mặc dù vậy, nếu em bé của bạn không ngủ được dài như vậy khi đến 3 tháng tuổi thì bạn cũng không cần lo lắng. Vì mỗi trẻ sẽ tự xây dựng lịch trình ngủ của riêng mình. Nên nếu con vẫn khỏe mạnh, ăn ngoan, lên cân đều đặn thì bạn không nên thất vọng về việc con chưa ngủ xuyên đêm nhé.
Một điều khá quan trọng trong việc chăm sóc bé sau sinh liên quan đến giấc ngủ mà bạn cần lưu ý đó là, luôn đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa để hạn chế hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome – SIDS). Bạn cũng không nên đặt những vật dụng khác như: khăn, chăn, gối, thú nhồi bông quanh chỗ ngủ của trẻ để đảm bảo an toàn cho con. Ngoài ra, việc cho bé ngủ chung với ba mẹ trong 6 tháng đến 1 năm đầu sau sinh cũng nên hạn chế. Bạn cũng nên cho trẻ xoay đầu đổi bên mỗi đêm để tránh tình trạng trẻ bị dẹt một bên đầu do nằm một tư thế trong thời gian dài.
Có rất nhiều trẻ bị “lẫn lộn” giữa ngày và đêm do vậy bé thường thức đêm ngủ ngày làm cho ba mẹ khá vất vả trong quá trình chăm sóc. Để giúp trẻ phân biệt được ngày đêm bạn hãy nói chuyện và chơi với trẻ để giúp con thức dài hơn vào ban ngày. Đồng thời vào buổi tối bạn giảm các yếu tố gây kích thích như ánh sáng và âm thanh để giúp con ngủ ngon và dài hơn vào ban đêm.
Bạn thấy đấy, cách chăm sóc trẻ sơ sinh sao cho đúng khoa học đòi hỏi bạn phải học và thực hành trong một khoảng thời gian nhất định mới thành thạo được. Mặc dù bạn có thể cảm thấy lo lắng trong thời gian đầu nhưng mọi thứ sẽ dần đi vào quỹ đạo và bạn sẽ sớm trở thành một chuyên gia trong việc chăm sóc trẻ mà thôi. Chăm con là một hành trình dài và đầy khó khăn nên nếu bạn có bất kì thắc mắc nào, hãy đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sỹ, chuyên gia, và những người xung quanh mình để nhận được lời khuyên cũng như sự giúp đỡ một cách kịp thời nhé.
Theo Kid Health
Lily Nguyễn lược dịch