Biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ bạn có thể đã bỏ qua

Biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ là vấn đề thường gây bối rối cho các mẹ bầu. Vì một trong những căn bệnh phổ biến của thai kỳ này có những triệu chứng không rõ ràng, và phải cần tới xét nghiệm lượng đường huyết mới có thể xác định được mẹ có mắc bệnh hay không. Điều này làm cho nhiều mẹ bỏ qua triệu chứng bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về các biểu hiện dễ nhận thấy của bệnh này nhé. 

banner ads
Bà bầu nói chuyện với bác sỹ
Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh phổ biến của thai kỳ có những triệu chứng không rõ ràng. Ảnh Internet 

1. Khái quát về bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ (trong hầu hết trường hợp) là một dạng bệnh tiểu đường tạm thời diễn ra trong thai kỳ, khi cơ thể mẹ bầu không sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Nó cũng có thể được gọi là tình trạng không dung nạp glucose hay không dung nạp carbohydrate. 

Bà bầu thử tiểu đường
Bệnh tiểu đường thai kỳ trong hầu hết trường hợp là một dạng bệnh tiểu đường tạm thời diễn ra trong thai kỳ. Ảnh Internet 

2. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ

Thông thường, nhiều loại hormone trong cơ thể hoạt động để kiểm soát lượng đường máu. Tuy nhiên, khi mang thai, nồng độ các loại hormone thay đổi, làm cho cơ thể bạn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ lượng đường máu ở mức ổn định một cách hiệu quả. Điều này làm cho lượng đường huyết của bạn tăng lên.

Theo thống kê, khoảng 2-5% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ. Con số này có thể là 7-9% đối với những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được tại sao có phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ và có người thì không. Tuy nhiên, tình trạng thừa cân trước khi mang thai có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc bệnh này trong thai kỳ. 

Tiểu đường thai kỳ
Theo thống kê, khoảng 2-5% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ. Ảnh Internet 

Phụ nữ được cho là có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn nếu có các yếu tố sau:

  • Thừa cân và béo phì
  • Ít vận động
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc tiểu đường
  • Bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Thành viên trực hệ trong gia đình có tiền sử bị tiểu đường
  • Đã từng sinh con nặng trên 4,1kg (9 pound)
  • Không phải người da trắng: phụ nữ da đen, gốc Ấn Độ, gốc Á và khu vực Thái Bình Dương, gốc Tây Ban Nha có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn
Phụ nữ thừa cân béo phì
Phụ nữ thừa cân béo phì khi mang thai có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn bình thường. Ảnh Internet 

3. Biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ - những triệu chứng bạn có thể đã bỏ qua

Biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng phổ biến của thai kỳ như:

banner ads
  • Khát nước bất thường
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng âm đạo, bàng quang và da
  • Nhìn mờ

Chính vì vậy, tại cuộc khám thai định kỳ vào khoảng tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, bạn sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm lượng đường huyết, để xác định bạn có bị tiểu đường hay không.

Sở dĩ các bác sĩ tiến hành xét nghiệm lượng đường huyết của bạn trong khoảng thời gian này, vì đây là lúc nhau thai sản xuất ra lượng lớn các loại hormone và có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Nếu kết quả cho thấy lượng đường huyết tăng cao, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để xác nhận tình trạng tiểu đường của bạn.

Như vậy, việc khám thai đầy đủ, đúng hẹn rất quan trọng vì sẽ giúp các bác sĩ thực hiện được các xét nghiệm cần thiết cho bạn. 

Bà bầu uống nước
Bà bầu khát bất thường là một trong những triệu chứng của tiểu đường thai kỳ. Ảnh Internet 

4. Xét nghiệm lượng đường huyết được thực hiện như thế nào

Vào cuộc hẹn trước lần khám bác sĩ dự định sẽ thử đường huyết của bạn, bạn sẽ được dặn dò những việc làm cần thiết cho buổi xét nghiệm (ăn uống như thế nào hay trình tự đến các phòng khám,…).

Tại buổi khám thử đường huyết, bạn sẽ được chỉ định uống một loại dung dịch khá ngọt (nhưng không đảm bảo sẽ ngon) trước khi lấy mẫu máu 1 giờ. Việc này có thể khiến bạn buồn nôn hoặc nôn thật sự. Nếu bị nôn, bạn cần uống bù lại đủ lượng dung dịch để đáp ứng cho cuộc xét nghiệm. Kết quả thu được sẽ cho biết cơ thể bạn có sản xuất đủ insulin để “xử lý” lượng đường vừa nạp vào hay không. 

Thử tiểu đường
Bạn sẽ được khám thử đường huyết. Ảnh Internet 

5. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ được điều trị ra sao

Mục đích chính của việc điều trị tiểu đường thai kỳ là kiểm soát lượng đường huyết của bạn.

Bác sĩ sẽ thực hiện các bước để đảm bảo duy trì lượng đường trong máu của bạn ở mức “khỏe mạnh”. Các bước bao gồm:

  • Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bạn và thai nhi
  • Hướng dẫn bạn tự theo dõi mức đường huyết của mình
  • Sử dụng liệu pháp insulin nếu cần thiết
  • Hướng dẫn bạn áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện 
Bà bầu tập tạ
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ được hướng dẫn áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt hơn. Ảnh Internet 

6. Bạn cần lưu ý điều gì nếu bị tiểu đường thai kỳ

Nếu tiểu đường thai kỳ được điều trị hiệu quả, thì tỷ lệ biến chứng rất thấp. Trong những trường hợp đó, bạn vẫn sẽ sinh con khỏe mạnh và bệnh cũng sẽ biến mất sau khi sinh.

Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị (khi cần thiết), sức khỏe của bạn và em bé sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể gồm:

  • Em bé có cân nặng lớn khi sinh
  • Nguy cơ sinh non
  • Tăng khả năng sinh mổ
  • Tăng nhẹ nguy cơ tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh

Tình trạng bệnh của bạn cũng có thể kéo dài đến sau khi sinh, nên bạn vẫn cần tiếp tục theo dõi biểu hiện của cơ thể để thông báo cho bác sĩ tại các buổi khám định kỳ sau sinh. Các biểu hiện có thể gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khát nước liên tục
  • Tăng lượng đường trong máu hoặc nước tiểu 
Theo dõi tiểu đường
Bị tiểu đường thai kỳ có thể kéo dài đến sau khi sinh, nên bạn vẫn cần tiếp tục theo dõi. Ảnh Internet 

7. Làm thế nào để phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ

Không có gì đảm bảo được việc bạn không bị tiểu đường khi mang thai . Tuy nhiên, bạn càng duy trì các thói quen lành mạnh trước khi có thai thì càng tốt. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, thì những lựa chọn lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ bạn bị tiểu đường trở lại trong thai kỳ tới, hoặc khả năng bệnh của bạn tiến triển thành tiểu đường type 2 trong tương lai.

Những thói quen tốt bạn có thể thực hiện gồm:

  • Ăn uống lành mạnh và cân bằng : bạn hãy chọn những loại thực phẩm giàu chất xơ, ít đường béo, tập trung vào rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn hãy cố gắng duy trì thực đơn đa dạng để vẫn đạt được mục tiêu của mình mà không bị ảnh hưởng đến vấn đề dinh dưỡng và khả năng thưởng thức thực phẩm. Bạn cũng nên chú ý đến kích thước khẩu phần ăn của mình.
Ăn uống cân bằng
Bạn nên ăn uống lành mạnh và cân bằng để phòng tránh bệnh tiểu đường thai kỳ. Ảnh Internet 
  • Tập thể dục điều độ : tập thể dục trước và trong thai kỳ có thể giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và em bé cũng như giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Bạn hãy cố gắng tập các môn thể thao phù hợp (như đi bộ, bơi lội) 30 phút mỗi ngày hầu hết các ngày trong tuần. Vận động là cách khá hiệu quả để phòng ngừa nhiều bệnh thai kỳ.
  • Bắt đầu thai kỳ với cân nặng khỏe mạnh : nếu bạn dự định mang thai, việc giảm vài cân trước khi thực hiện kế hoạch sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
  • Đừng tăng cân nhiều hơn khuyến cáo của bác sĩ : tăng cân khi mang thai là việc khá bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn lên cân quá nhiều và nhanh thì nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ sẽ rất cao. Vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn trọng lượng cần tăng phù hợp với thai kỳ của mình. 
Bà bầu tập thể dục và ăn uống lành mạnh
Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục đều đặn và đừng tăng cân nhiều hơn khuyến cáo của bác sỹ bạn sẽ phòng tránh bệnh hiệu quả. Ảnh Internet 

Biểu hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ như đã đề cập ở trên, không phải mẹ bầu nào cũng nhận biết được. Nếu bạn không khám thai định kỳ đúng hẹn, khoảng thời gian có thể tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán khả năng mắc căn bệnh nguy hiểm này sẽ bị bỏ qua. Như vậy, rủi ro gặp biến chứng của bạn cũng tăng lên đáng kể. Do vậy, khi mang thai, bên cạnh việc ăn uống, tập thể dục điều độ, bạn hãy đến cơ sở y tế để được theo dõi thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé nhé.

Theo Mayo Clinic & American Pregnancy

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI