Cảm cúm khi mang thai - bà bầu chớ coi thường

Cảm cúm khi mang thai có thể gây nhiều ảnh hưởng thai nhi. Trước khi có ý định mang thai phụ nữ đều được khuyên tiêm phòng cúm. Hoặc khi đã có thai, bà bầu cũng được khuyên nên cân nhắc việc tiêm phòng cúm để bảo vệ cả mẹ và em bé trong suốt thai kỳ. Dù vậy, không phải chị em nào cũng chuẩn bị được, nên trong thời gian mang thai bị bệnh cúm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

banner ads
Bị cảm cúm khi mang thai
Bị cúm trong thai kỳ là điều hoàn toàn có thể xảy ra với mẹ bầu. Ảnh Internet 

1. Cảm cúm khi mang thai và cách nhận biết

1.1. Cảm cúm khi mang thai do đâu

Cảm cúm do virus truyền nhiễm lây lan qua ho và hắt hơi. Bệnh có thể gây nghẹt mũi, tiếp đó là sổ mũi, hắt hơi, đau họng, kho. Cảm cúm thường kéo dài khoảng một tuần hoặc hơn. Đây là giai đoạn cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.

Cảm cúm có thể bị nhiễm vào mọi thời điểm quanh năm, nhưng phổ biến nhất vẫn là vào mùa đông.

Nếu bạn đang mang thai và bị nhiễm cúm, bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Phụ nữ mang thai bị cúm nên được điều trị bằng thuốc kháng virus vì nguy cơ biến chứng cao hơn. Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất khi được dùng trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng cảm cúm xuất hiện. 

Bà bầu bị cảm cúm
Cảm cúm khi mang thai do nhiễm virus truyền nhiễm lây lan. Ảnh Internet 

1.2. Dấu hiệu cảm cúm khi mang thai

Dấu hiệu cảm cúm không khó để nhận biết, tiêu biểu bầu có thể gặp như:

  • Đau cơ dữ dội
  • Sốt, chóng mặt
  • Ớn lạnh
  • Đau họng
  • Đau tức ngực
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Hắt hơi thường xuyên
  • Ho nhiều và tiếng ho nặng dần
  • Có thể thỉnh thoảng buồn nôn hoặc tiêu chảy

Chị em cũng lưu ý rằng, những ai đang ở giai đoạn đầu tiên của thai kỳ tức mới mang thai, đôi khi dấu hiệu có thai tuần đầu và bệnh cảm cúm có thể bị nhầm lẫn. Vì thế, chị em cũng cần chú ý, theo dõi chính xác biểu hiện của cơ thể để có thể phân biệt. 

Dấu hiệu mang thai và cảm cúm có thể bị nhầm lẫn
Đôi khi dấu hiệu có thai tuần đầu và bệnh cảm cúm bị nhầm lẫn. Ảnh Internet 

2. Vì sao bà bầu dễ mắc cảm cúm hơn những người khác?

Cùng trong một độ tuổi, cùng sống trong một môi trường giống nhau, nhưng phụ nữ mang thai dễ nhiễm cảm cúm hơn phụ nữ đang không mang thai khác, bởi hệ miễn dịch của bà bầu thường yếu và nhạy cảm hơn. Những thay đổi về cơ thể từ lúc mang bầu về nội tiết, sức đề kháng, tim, các chức năng phổi khiến hệ miễn dịch bị suy giảm so với người bình thường, nên bà bầu dễ bị nhiễm cảm cúm. Và khi nhiễm bệnh, các triệu chứng của bà bầu thường nặng hơn so với người không mang thai.

Các biến chứng khác của cảm cúm của bà bầu bao gồm cơ thể mất nước, sẩy thai, sinh non, viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu, viêm nhiễm toàn thân, thậm chí là tử vong nếu nặng và không điều trị kịp thời.

Một đánh giá năm 2014 trên tạp chí khoa học sinh sản cũng có báo cáo, phụ nữ mang thai có số lượng tế bào miễn dịch thấp, đồng thời một số chất gây viêm như cytokine lại tăng lên làm thúc đẩy quá trình viêm nhiễm, khiến phụ nữ mang thai dễ bị cúm hơn những người không mang thai.

Như vậy, khi bạn mang thai việc mắc bệnh cúm là không thể xem nhẹ. Do đó nếu bạn chưa chích ngừa để phòng bệnh thì cần xem xét điều này và cẩn trọng đề phòng bệnh tốt nhất có thể, nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình, nhất là cho thai nhi. 

Bà bầu chích ngừa cúm
Bà bầu nên chích ngừa cúm để bảo vệ sức khỏe thai kỳ. Ảnh Internet 

3. Bà bầu cần ngăn ngừa cảm cúm bằng cách nào?

  • Do bị lây lan từ virus, bà bầu nên tránh tiếp xúc với những người đang mắc cảm cúm và hạn chế, tránh xa nơi đông người.
  • Cần giữ thói quen rửa tay thường xuyên, ăn uống hợp lý, khoa học, đặc biệt là uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, rau tươi, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao vừa sức để tăng cường sức đề kháng.
  • Bà bầu nên tiêm phòng cúm để bảo vệ cả mẹ lẫn thai nhi. Bạn nên yên tâm vì các mũi tiêm phòng cúm đã được chứng minh là an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con.
  • Phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng ngừa cúm trong bất cứ thời điểm nào, mặc dù các bác sĩ luôn khuyên bạn nên tiêm phòng sớm hoặc trễ nhất là vào mùa cúm (từ tháng 10 hàng năm). Ngoài lợi ích ngăn việc bị cảm cúm cho mẹ, vắc-xin cúm còn có một số lợi ích tích cực cho thai nhi. Cụ thể như, khi mẹ được tiêm vắc xin trong thời gian mang thai, các kháng thể được truyền từ mẹ được tiêm phòng sang trẻ qua nhau thai. Việc tiêm phòng có thể bảo vệ trẻ sơ sinh đến 6 tháng sau khi sinh.
  • Tiêm phòng cúm cũng được chứng minh là an toàn cho các bà mẹ đang cho con bú, vì các kháng thể truyền qua sữa mẹ vô hại với bé. Các tác dụng phụ duy nhất có thể gặp bao gồm đau nhức và ửng đỏ tại vị trí tiêm thuốc. 
Mẹ vui đùa cùng bé
Mẹ tiêm phòng cúm có thể bảo vệ trẻ sơ sinh đến 6 tháng sau khi sinh. Ảnh Internet 

4. Cảm cúm khi mang thai và cách chữa

  • Nếu phát hiện mình bị cảm cúm trong thời gian mang thai, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus an toàn để điều trị cúm hiệu quả. Thuốc kháng virus giúp giảm thời gian bị bệnh nhanh nhất có thể.

Các bước khác kết hợp để điều trị cúm gồm:

  • Lưu ý chế độ nghỉ ngơi hợp lý và uống nhiều nước.
  • Ăn, uống nhiều thực phẩm giàu Vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch như ăn bưởi, cam, dứa, cà chua, cải xoăn, bông cải xanh cùng các thực phẩm chứa nhiều kẽm như thịt đỏ nạc, ngũ cốc, trứng, đậu xanh, bí ngô…
  • Nhấm nháp vài thìa mật ong để làm dịu và giảm ho nếu bà bầu bị ho .
  • Trường hợp bị sốt, bạn có thể làm giảm sốt bằng cách uống thuốc hạ sốt nhưng phải theo đơn của bác sĩ.
  • Tắm nhanh bằng nước ấm.
  • Uống nhiều đồ mát, ăn những thực phẩm lành mạnh dễ tiêu hóa.
  • Mặc quần áo mỏng, nhẹ nhàng nhưng đừng quá phong phanh.
  • Đặt máy làm ẩm không khí trong phòng để có thêm độ ẩm, giúp giảm tắc nghẽn, nghẹt mũi, khô họng.
  • Khò nước muối để giảm khó chịu cho cổ họng. 
Mẹ bầu gặp bác sỹ
Bạn cần gặp bác sỹ ngay khi phát hiện mình bị cúm và tuân thủ liệu trình điều trị của bác sỹ. Ảnh Internet 

Cảm cúm khi mang thai nhất định không phải là những trải nghiệm dế chịu. Với người bình thường, cảm cúm có thể không quá nghiêm trọng, thậm chí có thể để tự khỏi. Tuy nhiên, với các bà bầu thì khác, cảm cúm là một trong những bệnh nhất định mẹ không được chủ quan xem thường. Vì, cảm cúm có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến mẹ và sự phát triển của thai nhi. Do đó, nếu bị bệnh, bầu cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức khi có những dấu hiệu của bệnh, để việc điều trị được triển khai càng sớm càng tốt các bầu nhé.

Phương Linh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI