1. Vế bệnh viêm khớp mùa đông
1.1. Bệnh viêm khớp là gì ?
Viêm khớp là căn bệnh xảy ra khi sụn bảo vệ đầu xương bị mòn đi theo thời gian và nó có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, các khớp khi bị mòn sẽ cọ sát vào nhau, ma sát nhiều hơn gây viêm nhiễm khuẩn, dẫn đến khả năng chịu đựng va đập thấp, gây đau nhứt, vận động khó khăn.
Bệnh viêm khớp có thể xảy ra ở bất cứ ai, thanh thiếu niên, người trẻ tuổi, người già, phụ nữ mang thai và bệnh viêm khớp cũng gặp ở trẻ em, nhưng thường gặp nhất là ở người già trên 65 tuổi. Bệnh này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới, nhất là đối với những người béo phì, thừa cân có nguy cơ mắc phải bệnh về xương khớp nhiều hơn.
1.2. Các dạng bệnh viêm khớp thường gặp
Theo thống kê, thì bệnh viêm khớp có đến hơn 100 loại viêm khớp khác nhau và bắt nguồn từ những nguyên nhân cũng khác nhau. Một số dạng viêm khớp thường gặp nhất hiện nay là: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, viêm khớp xương, viêm khớp tự miễn, viêm khớp truyền nhiễm, viêm khớp chuyển hóa.
Viêm khớp cũng gặp ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: viêm khớp vùng đầu gối, thái dương hàm, cùng chậu, viêm khớp háng , viêm khớp tay, chân, viêm khớp vai.
1.3. Bệnh viêm khớp có gây nguy hiểm hay không?
Bệnh viêm khớp gây đau nhức khiến người bệnh khó chịu, nếu không kịp thời chữa trị có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng gây nguy hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn có thể gây ra tàn phế.
- Biến dạng khớp: nếu không được chữa trị sớm các khớp đau ngày càng nặng hơn, các khớp xương sưng to và lâu ngày sẽ gây biến dạng.
- Bị tàn phế: các cơn đau nhứt khiến di chuyển khó khăn, hay xuất hiện tình trạng co cứng cơ, ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể. Bệnh để lâu, kéo dài có thể dẫn tới bị liệt, mất khả năng vận động.
- Bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống: cơn đau diễn ra thường xuyên gây khó chịu, đau nhứt, mệt mỏi thì khả năng làm việc cũng như vấn đề sinh hoạt cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Tại sao bệnh viêm khớp hay bị tái phát vào mùa đông?
Khí hậu chuyển giao mùa từ nóng sang lạnh tác động đến cơ thể cũng sẽ thay đổi theo, chẳng hạn như: sự thay đổi của thời tiết khiến nồng độ hoạt chất trung gian trong cơ thể bị ảnh hưởng, độ nhớt máu, sự thay đổi của vận mạch,... đây đều là những tác động hàng đầu gây nên căn bệnh đau khớp.
Khi mùa đông đến, thời tiết lạnh, độ ẩm tăng cao làm cho các cơ bị co rút lại, dịch khớp bị đông khiến cho khớp hoạt động khó khăn, đau mỏi. Và thường mùa đông trời rét lạnh nên chúng ta ít vận động hơn, các khớp không được vận động thường xuyên, máu lưu thông kém. Chính vì vậy, nên vào mùa đông bệnh viêm khớp hay bị tái phát hay trở chứng nặng hơn so với những mùa khác.
3. Triệu chứng bệnh viêm khớp thường gặp
- Đau khớp : khi vận động thường hay xuất hiện cơn đau tại các vùng khớp, và xung quanh vị trí đó có tình trạng sưng tấy và đỏ.
- Cứng khớp : mỗi buổi sáng khi thức dậy hay những lúc ngồi lâu một chỗ không hoạt động sẽ xuất hiện tình trạng này, bạn phải xoa bóp một lúc mới hết được.
- Khớp bị kêu : Người bị bệnh viêm khớp khi di chuyển thì vị trí khớp sẽ cảm thấy đau, có thể phát ra tiếng kêu răng rắc, nhất là khi làm những việc có liên quan đến tay chân.
- Bị tê tay chân : Chân, tay bị tê yếu, hoạt động, đi lại kém linh hoạt. Đối với những trường hợp nặng có thể không đứng thẳng người, không thể đi lại hay di chuyển được.
4. Những nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp mùa đông
Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm khớp mùa đông là do sụn bị sần sùi và mòn đi, sụn là mô liên kết ở trong các khớp, bao lấy đầu xương và giúp ngăn ngừa các xương tiếp xúc với nhau. Sụn bảo vệ khớp xương bằng cách hấp thụ các áp lực tác động để khớp có thể hoạt động dễ dàng nhất. Khi các mô sụn này bị mòn hay sần sùi sẽ gây nên tình trạng viêm khớp.
Và những yếu tố bên ngoài tác động cũng làm sụn bị mòn dần đi và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp như:
- Do bị nhiễm trùng hay chấn thương khớp: bị va đập mạnh trong công việc, sinh hoạt hay tai nạn giao thông, những tác động này có thể phá vỡ liên kết tự nhiên của các mô sụn và gây đau nhứt, hoặc những chấn thương từ nhiều năm trước cũng có thể là nguyên nhân tăng nguy cơ viêm khớp.
- Do lão hóa xương khớp: khi xương bị lão hóa sẽ khiến sụn khớp bị khô, di chuyển khó khăn hơn, không được nhanh nhẹn. Tùy vào tính chất công việc và cơ địa của mỗi người khác nhau mà tình trạng lão hóa xương khớp nhanh hay chậm.
- Di truyền: nếu trong gia đình bạn đã từng có người mắc bệnh về xương khớp thì có nguy cơ bạn mắc bệnh này cao hơn so với những người bình thường.
- Thừa cân, béo phì: trọng lượng của cơ thể lớn sẽ gây nên áp lực lớn trực tiếp lên các khớp đầu gối, hông và dễ bị mắc bệnh viêm khớp rất cao.
- Rối loạn tự miễn dịch: hệ thống miễn dịch hoạt động trái ngược với bình thường, tấn công lên các mô cơ thể và gây ảnh hưởng đến synovium. Synovium là mô mềm có chức năng tạo ra chất lỏng nuôi dưỡng sụn và bôi trơn các khớp. Nếu tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài thì xương và sụn sẽ bị phá hủy dần.
- Do giới tính và tuổi tác: thực tế cho thấy, người già thường hay mắc bệnh viêm khớp nhiều hơn so với người trẻ, và phụ nữ cũng có nguy cơ mắc bệnh khớp cao hơn so với nam giới.
- Do chế độ ăn uống: việc ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguy cơ viêm khớp, hạn chế hoặc không ăn nhiều thực phẩm đường tinh luyện, hay có nguồn gốc từ động vật.
- Do tính chất công việc: nếu bạn thường xuyên làm những công việc nặng, có lực tác động lớn lên cơ thể trong thời gian dài, lặp đi lặp lại nhiều lần thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
5. Điều trị bệnh viêm khớp mùa đông bằng các phương pháp dân gian
Đối với những trường hợp bị viêm khớp, đau xương khớp nhẹ thì có thể sử dụng các biện pháp theo dân gian để giúp giảm bớt các triệu chứng đau nhứt, và giúp cải thiện sức khỏe. Còn đối với những trường hợp bị nặng các phương pháp này không có tác dụng nhiều, các bạn vẫn nên đến bệnh viện thăm khám để được điều trị đúng cách nhất. Dưới đây là một số cách điều trị bệnh viêm khớp bằng các biện pháp dân gian được người xưa áp dụng:
5.1. Cỏ trinh nữ giúp làm giảm cơn đau khớp
Cỏ trinh nữ hay còn được gọi là cây mắc cỡ, cây xấu hổ, thường hay mọc thành bụi. Người xưa họ dùng cành lá, rễ của cây để làm giảm sưng, đau, hạ áp, viêm,...
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Rễ cây trinh nữ: 30g
Rượu trắng: 40 độ
Nước: 0,5ml
- Cách thực hiện như sau:
Đầu tiên thái mỏng rễ trinh nữ ra rồi đem rửa sạch và tẩm rượu. Sau khi rễ đã thấm rượu thì lấy đi sao lên cho thơm, sau đó cho vào nồi sắc với khoảng 400ml nước. Đun sôi nước đến khi rút xuống còn khoảng 100ml thì tắt bếp và chắc ra ly để nguội. Chia ra uống mỗi ngày 2 lần để giảm các cơn đau từ khớp.
5.2. Chữa bệnh viêm khớp mùa đông bằng ngải cứu
Ngải cứu thường được người xưa sử dụng để chữa đau nhứt xương khớp rất tốt, có tác dụng làm giảm sưng, tiêu viêm. Đem ngải cứu kết hợp với muối trắng làm nước ngâm chân giúp giảm đau, giảm sưng viêm rất hiệu quả.
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Ngải cứu: 50g
Muối tinh
Chậu nhỏ
Nước nóng
Giấy bạc
- Cách thực hiện:
Ngải cứu mua về đem rửa sạch, rồi cho vào chậu, sau đó cho thêm muối và đổ nước nóng vào. Trộn đều ngải cứu với muối rồi dùng giấy bạc bọc ngải cứu đã trộn muối đem nướng trên bếp than. Sau khi nướng xong, để nguội bớt một chút rồi bọc vào túi vải, chườm vào vị trí khớp sưng đau. Chườm khoảng 15 phút, lưu ý không không chườm ngải cứu liên tục quá lâu và không đắp khi còn quá nóng để tránh trường hợp bị bỏng da.
5.3. Chữa bệnh viêm khớp mùa đông bằng nước muối ấm pha gừng
Gừng là thực phẩm thông dụng đối mọi gia đình, có tác dụng thông mạch, giảm đau, chống viêm. Nước muối ấm giúp cân bằng ổn định tình trạng viêm sưng trong cơ thể. Cách làm giảm đau khớp từ nước muối ấm pha với gừng rất hiệu quả.
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Củ gừng: 1 củ
Nước muối
Chậu nước ấm
- Cách thực hiện như sau:
Gừng đem đi rửa sạch và thái lát nhỏ, nước muối pha loãng với nước cho vào chậu nhỏ đã chuẩn bị sẵn, sau đó cho gừng vào chậu. Tiến hành ngâm chân, tay, thời gian ngâm khoảng 15 phút đến 30 phút. Vào mùa lạnh ngâm chân nước muối ấm pha gừng giúp làm dịu cơn đau do viêm khớp và giúp dễ chịu và giúp giấc ngủ ngon hơn.
5.4. Chữa bệnh viêm khớp mùa đông bằng các bài thuốc từ lá lốt
Lá lốt có tính nhiệt, vị cay, giúp ôn trung, tán hàn, và chữa đau nhứt rất hiệu quả. Người trong dân gian thường dùng lá lốt để phòng ngừa và cải thiện tình trạng đau khớp, nhất là vào mùa đông lạnh. Với những ai đang bị bệnh thì nên tăng cường bổ sung các món ăn được chế biến từ lá lốt. Dưới đây là một số bài thuốc rất đơn giản từ lá lốt mà dân gian thường hay sử dụng.
Bài thuốc số 1:
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Lá lốt: 20g
Thiên niên kiện: 2g
Cây gai tầm xoong: 16g
- Cách thực hiện như sau:
Tất cả nguyên liệu trên đem rửa sạch, phơi khô, thái nhỏ và sao vàng. sau đó cho hết tất cả vào nồi sắc với khoảng 500 ml nước. Sắc đến khi nào nước rút xuống còn khoảng 200 ml thì tắt bếp. Để nguội và chia ra uống hết trong ngày.
Bài thuốc số 2:
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Lá lốt: 15g
Rễ bưởi bung: 15g
Cỏ xước: 15g
- Thực hiện như sau:
Tất cả đem rửa sạch, phơi khô và sao vàng và đem đi sắc nước đặc uống hết trong ngày.
Bài thuốc số 3:
- Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Lá lốt: khoảng 20g
Ngải cứu: khoảng 20g
Cúc tần: 20g
- Cách thực hiện:
Đem tất cả nguyên liệu đi rửa sạch, để ráo và thái nhỏ ra sau đó sao cùng rượu. Sao xong có thể bỏ vào khăn sạch và chườm nóng vào vị trí khớp bị đau sẽ giúp hạn chế cơn đau hiệu quả.
6. Điều trị bệnh viêm khớp mùa đông bằng phương pháp khoa học
Khi bị đau nhức vào mùa đông hay các mùa khác trong năm, để đảm bảo chắc chắn, người bệnh tốt nhất vẫn nên đi thăm khám tại bệnh viện để có bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách và triệt để nhất, tránh xảy ra những ảnh hưởng xấu không mong muốn. Các bạn có thể đến khám tại chuyên khoa khớp để biết rõ được nguyên nhân bệnh là do tổn thương thực thể, do viêm khớp phản ứng hay thoái hóa khớp để có chỉ định điều trị chính xác và sớm nhất.
Người bệnh không nên chủ quan tự ý chuẩn đoán bệnh cho mình và không nên tự mua thuốc giảm đau khớp để điều trị tại nhà. Một số loại thuốc giảm đau chống viêm sẽ có thể gây ra những tác dụng phụ không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Người bệnh bị mắc bệnh hen suyễn nếu dùng thuốc không steroid cơn hen có thể tái phát, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hoặc người đau nhức xương khớp kèm theo viêm loét dạ dày, tá tràng.
7. Cách phòng tránh bệnh viêm khớp mùa đông
7.1. Thường xuyên vận động cơ thể
Thường xuyên vận động cơ thể là cách phòng tránh bệnh khớp vào mùa đông rất hiệu quả. Khi mùa đông đến, thời tiết trở lạnh gió nhiều hơn làm cho chúng ta không muốn ra ngoài vận động, đặc biệt là đối với những người bị các vấn đề về xương khớp lại càng không muốn ra ngoài. Mà nếu các cơ khớp không được vận động thường xuyên và đúng cách thì rất dễ bị tê cứng và dễ biến chứng xấu hơn trước đó.
Vậy nên, cho dù thời tiết có như thế nào bạn vẫn phải hoạt động các cơ khớp đều đặn để tránh bệnh nặng hơn đối với người bệnh, còn với người bình thường sẽ giúp phòng tránh bệnh về xương khớp rất tốt. Tuy nhiên các bạn cần lưu ý nên vận động đúng cách và khoa học để có tác dụng tốt nhất.
Buổi sáng khi thức dậy bạn nên tập co duỗi các khớp ngón tay, chân để chúng không bị cứng khớp, và giúp tăng cường lưu thông máu hiệu quả, vì sau một đêm ngủ không hoạt động, buổi sáng các khớp thường bị cứng.
Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập thể dục, không những rèn luyện sức khỏe tốt hơn mà còn giúp các cơ ở tay, chân, xương khớp hoạt động linh hoạt hơn. Các bạn có thể tập chạy bộ, yoga, đi bộ,.. tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người mà có những lựa chọn cho phù hợp nhất.
7.2. Luôn giữ ấm cơ thể
Trời chuyển lạnh bạn phải luôn giữ ấm cơ thể của mình, đây là cách phòng tránh bệnh viêm khớp mùa đông đơn giản nhất mà ai cũng cần phải ghi nhớ để phòng các cơn đau từ xương khớp.
Mùa đông nhiệt độ vào buổi tối sẽ xuống thấp hơn các buổi khác trong ngày nên bạn càng phải trang bị các vật dụng cần thiết để giữ ấm cho cơ thể như: tất chân, bao tay, khăn quàng cổ, áo khoác,...
Hạn chế không để tay, chân bị ẩm ướt, nếu có tiếp xúc với nước thì cần phải nhanh chóng lau khô người và sưởi ấm. Nếu bạn cảm thấy đau hay tê cứng, khó hoạt động thì có thể chườm nóng để làm ấm và giảm cơn đau.
7.3. Chế độ ăn uống hợp lí
Một chế độ ăn uống hợp lí sẽ giúp phòng tránh bệnh viêm khớp mùa đông rất hiệu quả. Các bạn nên tăng cường sử dụng những thực phẩm có chứa axit béo omega-3, vitamin A, vitamin C, vitamin E. Những thực phẩm có chứa nhiều axit béo omega-3 và vitamin A, B, C như: cá hồi, đậu nành, cá ngừ, bơ, cà rốt, rau xanh, súp lơ,...
Mỗi ngày cũng nên uống đủ nước, nếu cơ thể bị thiếu nước, máu sẽ bị cô đặc khó lưu thông đến khớp xương và gây nên tình trạng đau khớp, vì vậy các bạn nên bổ sung nước đầy đủ. Ngoài ra, những người bị viêm khớp cũng có thể sử dụng thức ăn hay đồ uống có nhiệt độ ấm để giúp giữ ấm cơ thể và giảm cơn đau ở các khớp.
8. Một số lưu ý dành cho người bị mắc bệnh viêm khớp mùa đông
- Người bị bệnh viêm khớp mùa đông nên hạn chế hoặc không dùng các thức uống có chứa nhiều cồn như: bia, rượu,...
- Hằng ngày nên tắm rửa bằng nước nóng để tránh lạnh và đau nhứt xương khớp.
- Người bị bệnh viêm khớp nếu bị sưng đau thì cần phải hạn chế vận động và nên nằm nghỉ ngơi.
- Khi bị đau nhứt không được dùng dầu hay rượu xoa bóp vì rất dễ khiến bệnh nặng hơn.
- Nên ngủ đúng giấc và đúng giờ vì dịch nhầy và mô sụn trong xương khớp duy trì độ linh hoạt, dẻo dai nhờ vào collagen và glucosamine, nếu không ngủ đủ giấc các thành phần này sẽ giảm dần và gây nên tình trạng đau nhứt.
- Người bệnh không được tự ý mua thuốc về sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Bệnh này nếu để lâu trong thời gian dài có thể sẽ gây nên những biến chứng rất nguy hiểm vì vậy khi vừa mới phát hiện bệnh nên đi đến bệnh viện khám và có biện pháp điều trị sớm nhất.
Bệnh viêm khớp mùa đông ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của bạn, và có thể gây tàn phế, rất nguy hiểm nếu không điều trị phòng tránh. Vì vậy, khi bệnh vừa mới xuất hiện những dấu hiệu như đau nhức, cứng khớp,.. thì bạn cần phải có những biện pháp chữa trị kịp thời nhất, hoặc bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh bằng những cách mà Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn đã chia sẻ ở trên. Hy vọng những thông tin trên hữu ích cho mọi người. Chúc các bạn luôn luôn khỏe mạnh suốt mùa đông gió lạnh nhé.
Diễm Diễm tổng hợp