Bệnh uốn ván ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng tiêm vaccine. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ không được tiêm ngừa và không may bị nhiễm bệnh, gây hậu quả về sức khỏe cũng như phải tốn khá nhiều chi phí điều trị. Điển hình là một cậu bé 6 tuổi ở bang Oregon của Mỹ, bé đã phải trải qua 57 ngày ở bệnh viện với chi phí điều trị lên tới gần 800.000 đô la Mỹ vì bị mắc uốn ván và chưa được tiêm ngừa. Cụ thể câu chuyện như thế nào chúng ta hãy cũng theo dõi nhé.
1. Câu chuyện bị bệnh uốn ván của cậu bé tại Oregon
Theo báo cáo của CDC – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) được công bố trong Báo cáo hàng tuần về tỷ lệ tử vong và bệnh tật (MMWR), thì một cậu bé ở Oregon năm 2017 đã bị nhiễm uốn ván, điều đáng chú ý ở đây là cậu bé này chưa được tiêm ngừa bất kỳ loại vaccine nào kể cả vaccine uốn ván. Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo bị uốn ván tại Oregon trong hơn 30 năm qua.
Mọi thứ bắt đầu khi cậu bé bị một vết cắt trên đầu khi đang chơi ngoài trời tại một trang trại. Bố mẹ bé đã không đưa em đến bác sỹ hay bệnh viện mà tự rửa và khâu vết thương tại nhà.
Sáu ngày sau vụ tai nạn, cậu bé bắt đầu có các triệu chứng “kêu khóc, nghiến răng và co thắt cơ tay, tiếp theo là ưỡn cong cổ và lưng, sau đó là co cứng toàn thân”, như mô tả trong báo cáo sau đó. Cậu bé bắt đầu khó thở khiến cha mẹ cậu phải liên lạc với trung tâm y tế và đưa cậu đến đó một cách khẩn cấp.
Khi được đưa đến bệnh viện, cậu bé bị tình trạng co cứng cơ hàm (trimus). Do đó dù khát nước nhưng bé không thể mở miệng để uống nước. Bé cũng không thể tự thở, các bác sỹ phải cho bé thuốc an thần cũng như đặt nội khí quản để giúp con thở. Bác sỹ cũng tiêm cho bé 3.000 đơn vị miễn dịch uốn ván globulin, vaccine bạch hầu, ho gà , uốn ván (DTaP) và kháng sinh. Một đứa trẻ 6 tuổi trong tình trạng phải thở bằng máy cơ học và tiêm nhiều loại vaccine, kháng sinh cùng một lúc thực sự không phải là một hoàn cảnh dễ chịu chút nào.
Tuy vậy, mọi thứ vẫn tiếp tục xấu đi. Tình trạng ưỡn cong cổ và lưng của cậu bé ngày càng nghiêm trọng. Tim của bé đập gấp gáp hơn, huyết áp tăng cao, nhiệt độ cơ thể có lúc lên tới hơn 40oC (104.9oF), và bé vẫn tiếp tục bị co thắt cơ.
Tình trạng này của cậu bé đòi hỏi phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và 44 ngày sử dụng máy thở. Trong khoảng thời gian đó, bé cũng không thể ăn hay uống gì, mà phải truyền mọi thứ qua tĩnh mạch để duy trì sự sống.
May mắn thay, y học hiện đại đã cứu được cậu bé. Đối với tỷ lệ tử vong khá cao của những trường hợp bị uốn ván (13.2%), thì cậu bé đã sống sót. Em đã có thể chạy và đi xe đạp trở lại cũng như tham gia nhiều hoạt động bình thường khác.
Tuy nhiên, cái giá phải trả đối với em và gia đình không hề rẻ chút nào: tổng cộng em đã phải trải qua 57 ngày điều trị trong bệnh viện (trong đó 47 ngày ở phòng chăm sóc đặc biệt và 10 ngày ở các khoa khác), và sau đó thêm 17 ngày nữa tại một trung tâm phục hồi chức năng. Tất cả những việc này tiêu tốn đến 811.929 đô la Mỹ, chưa kể đến các chi phí khác như phí vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng, phí tại trung tâm phục hồi chức năng và phí theo dõi tại cơ sở khám bệnh ngoại trú.
Điều đáng nói ở đây là, sau tất cả mọi chuyện mà cậu bé và gia đình đã trải qua, cũng như sau khi nghe bác sỹ giải thích kỹ càng về những rủi ro và lợi ích của vaccine uốn ván, gia định cậu vẫn từ chối cho em tiêm liều DTaP thứ hai, cũng như bất kỳ loại vaccine nào khác trong chương trình tiêm chủng . Rõ ràng khoảng thời gian cậu bé phải chịu thử thách với nhiều đau đớn và khoản chi phí kia vẫn chưa đủ để làm lung lay quyết định của cha mẹ cậu. Tự hỏi rằng không biết cậu bé sẽ nghĩ gì khi sau này lớn lên và có quyền quyết định đối với sức khỏe và cơ thể của mình nhỉ.
2. Bệnh uốn ván nguy hiểm như thế nào?
Các cha mẹ cần biết rằng bệnh uốn ván rất nguy hiểm, nó gồm những triệu chứng như đã mô tả đối với cậu bé ở trên. Đối với những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván chính là vi khuẩn uốn ván, một loại vi khuẩn kị khí và có thể tồn tại khá lâu (có thể tới vài năm) trong môi trường (đặc biệt là môi trường dơ bẩn như phân, súc vật, phân người, những đồ vật bị nhiễm phân…) dưới dạng bào tử. Khi bào tử này xâm nhập được vào cơ thể người qua các vết thương, vết bỏng, vết tiêm chích...bị nhiễm bẩn, chúng sẽ phát triển và tiết ra chất độc để ức chế cơ và hệ thần kinh, gây ra tình trạng co cơ không kiểm soát. Tình trạng co cơ ở thể nặng có thể gây gãy xương thậm chí gãy cột sống.
Ngoài ra khi bị bệnh uốn ván, trẻ có thể bị tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thậm chí là ngưng tim. Nếu may mắn thoát chết như cậu bé trên, trẻ hoặc bất cứ ai bị uốn ván phải trải qua quá trình vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cơ. Sau khi bị bệnh này, cơ thể không được miễn dịch và vẫn có thể bị lại, vì vậy, việc tiêm ngừa để tạo miễn dịch cơ bản sau bệnh vẫn được chỉ định.
3. Vaccine ngừa uốn ván đã làm được gì?
Trước những năm 1940 tại Mỹ bệnh uốn ván khá phổ biến, nhưng sau đó, tỷ lệ bệnh giảm tới 95% và tỷ lệ tử vong giảm tới 99% đối với các ca liên quan đến uốn ván. Tại sao lại thần kỳ như vậy? Không phải do thuốc, thuốc bổ, hay phép thuật mà chính là nhờ vaccine. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới khi vaccine ngừa uốn ván được triển khai tại những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine giảm (như xu hướng hiện nay tại nhiều nước) thì bệnh uốn ván cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ quay lại. Tiêu biểu là bệnh sởi đang tạo thành dịch tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay và tiếp theo hoàn toàn có thể là căn bệnh uốn ván.
Qua câu chuyện trên, các cha mẹ có thể thấy, bệnh uốn ván ở trẻ em nguy hiểm như thế nào. Nguy cơ bệnh xuất hiện ngày càng lớn khi nhiều bậc phụ huynh từ chối tiêm phòng cho con. Và khi không tiêm phòng, bệnh xuất hiện không những gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ, tài chính của gia đình, mà còn làm cho trẻ phải chịu những trải nghiệm không đáng có. Do vậy, cũng từ bài học và lời cảnh báo này, hy vọng các cha mẹ hãy chủ động giúp con phòng ngừa những bệnh tật nguy hiểm bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho con , các cha mẹ nhé.
Theo Forbes
Lily Nguyễn lược dịch