Bệnh uốn ván ở trẻ em và những điều mẹ cần biết

Bệnh uốn ván ở trẻ em có tỷ lệ ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau và có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ. Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cực kỳ nguy hiểm, nếu không phòng tránh và điều trị kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

banner ads

1. Bệnh uốn ván ở trẻ em là gì?

Sơ cứu vết thương ở tay cho trẻ
Vết thương hở tạo điều kiện vi khuẩn uốn ván sinh sôi nảy nở - Ảnh Internet

Bệnh uốn ván còn có tên gọi khác là phong đòn gánh, đây là một trong những bệnh nhiễm khuẩn phát sinh từ các vết thương hở. Bệnh uốn ván ở trẻ em phát sinh do tính tình hiếu động, các em thường xuyên bị té ngã, gây nên các vết thương hở mà không kịp thời xử lý, tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván sinh sôi nảy nở.

Bệnh uốn ván ở trẻ em gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, loại bệnh nguy hiểm này đã được khuyến cáo tiêm phòng ngay từ khi bé mới sinh, để có thể đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh uốn ván ở trẻ em

vi khuẩn clostridium tetani
Ảnh soi kính hiển vi của vi khuẩn Clostridium tetani gây bệnh uốn ván ở trẻ - Ảnh Internet

Bệnh uốn ván ở trẻ em là do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, từ các vết thương hở bị nhiễm trùng khi tiếp xúc với bụi bẩn, đất cát không được xử lý sạch sẽ. Lọai vi khuẩn này sẽ xâm nhập từ các động vật trung gian hoặc từ vết côn trùng cắn, vết kim tiêm, các vết loét, vết thương phẫu thuật và cũng có thể từ chính các dụng cụ cắt dây rốn bị nhiễm đinh gỉ.

Khi các em lớn hơn một chút, nếu không được tiêm phòng đúng và đủ thì khi bị té ngã, gặp tai nạn, rách da gây ra vết thương hở - chính điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ phát bệnh uốn ván ở trẻ.

3. Biểu hiện của bệnh uốn ván ở trẻ em

cặp nhiệt kế theo dõi bé bị sốt
Trẻ bị phơi nhiễm uốn ván nếu không được phát hiện kịp thời sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, hô hấp khó khăn,... - Ảnh Internet

Khi trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ thì thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 tới 7 ngày. Ngay sau đó, những biểu hiện của bệnh uốn ván ở trẻ em bắt đầu xuất hiện như đau nhức vùng cổ, bị cứng hàm, kèm theo những triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, da dẻ bị tái đi. Sau đó, triệu chứng bệnh lan ra cả cơ thể, đặc biệt, các vùng bụng, bắp tay và bắp chân cũng bị cứng lại, cơ mặt hoạt động không được linh hoạt, đơ cứng và méo mó.

Trên đây là những biểu hiện ban đầu của bệnh sau khi phơi nhiễm. Nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời thì trẻ sẽ rơi vào trạng thái co giật mạnh, toàn thân cứng lại, cơn đau kéo dài gây nên sốt cao, hô hấp khó khăn, tay chân co quắp lại, lưng cong đi và ngực ưỡn lên trông như đòn gánh.

4. Cách điều trị bệnh uốn ván ở trẻ em

cho bé uống thuốc
Tuyệt đối không tự cho trẻ uống thuốc tại nhà, phải tuân thủ toa thuốc bác sĩ - Ảnh Internet

Các mẹ cần theo dõi liên tục tình trạng của con. Nếu bé có những biểu hiện trên thì phải đưa bé đến ngay các trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời. Bé sẽ được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt, dùng những loại thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, các bác sĩ sẽ tìm hướng can thiệp để củng cố lại những chức năng còn sống của cơ thể bé.

Các mẹ tuyệt đối không được cho bé sử dụng những loại thuốc kháng sinh , kháng khuẩn tại nhà khi có những biểu hiện trên. Vì nếu không đúng liều lượng thuốc sẽ phản tác dụng, làm tình trạng bệnh của bé nguy kịch hơn.

5. Cách phòng ngừa bệnh uốn ván ở trẻ em và khi nào thì cần đưa bé đến bác sĩ điều trị?

băng bó vết thương cho con trai
Băng bó cho trẻ để phòng ngừa bệnh uốn ván ở trẻ em - Ảnh Internet

Giải pháp đầu tiên và hiệu quả nhất là mẹ nên đưa bé đi tiêm vắc xin đầy đủ phòng tránh bệnh uốn ván ở trẻ em. Kế đến, cần quan tâm và theo dõi các vết thương hở của trẻ, xử lý một cách vệ sinh sạch sẽ và băng bó ngay lập tức để tránh các mầm bệnh có có hội để sinh sôi.

Hãy chủ động tìm hiểu thông tin về các loại vắc xin cần tiêm phòng cho bé hoặc liên hệ ngay cho bác sĩ để lên lịch tiêm phòng cho con. Trong trường hợp bé có những vết thương hở sâu, sau khi đã xử lý ở nhà rồi thì các mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra dự phòng. Nếu thấy bé có các biểu hiện co cứng hàm, cơ tay và cơ chân sau khi bị thương thì phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.

Bệnh uốn ván ở trẻ em là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, bố mẹ hãy chú ý phòng tránh và biết cách điều trị kịp thời cho bé nhà mình. Đặc biệt, cần quan tâm, chăm sóc cẩn thận khi bé có những vết thương hở để ngừa bệnh một cách khoa học và hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, phụ huynh phải đảm bảo an toàn khi cho bé tham gia bất kì hoạt động vui chơi nào, giữ bé tránh xa các vật dụng nguy hiểm trong nhà để hạn chế những vết thương, tai nạn khó kiểm soát nhé.

Kiều Duyên tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI