Riêng tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận gần 300 ca mắc ho gà, tăng 2-3 lần so với năm 2014. Trẻ mắc chủ yếu trong độ tuổi từ 2-4 tháng tuổi. Theo thống kê, hầu hết trẻ mắc là do chưa được tiêm vaccine vì cha mẹ có tâm lý chờ đợi vaccine dịch vụ hoặc vì e ngại các phản ứng sau tiêm nên không cho trẻ tiêm đầy đủ.
Trong năm 2015, cả nước ghi nhận trên 380 trường hợp mắc ho gà, trong đó 50% ca bệnh là chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ
Và trong số các ca ghi nhận mắc ho gà tại bệnh viện, có khoảng 30% trẻ dưới 2 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Nguyên nhân được chỉ ra là do lây lan trong cộng đồng nhưng số này không nhiều mà là do các bà mẹ trước đó không được tiêm vaccine hoặc chưa mắc, vì vậy không có miễn dịch nên con cũng có thể mắc do trẻ dưới 2 tháng tuổi sức đề kháng còn yếu.
Các bác sĩ tại bệnh viện cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, sau khi tiêm cho trẻ, các phản ứng như sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm, sốt là những phản ứng hoàn toàn bình thường. Phụ huynh phải quan sát và theo dõi trẻ sát sao sau tiêm. Khi trẻ có các biểu hiện như quấy khóc dai dẳng, bỏ ăn, khó thở, dùng hạ sốt thông thường mà không hạ hoặc có biểu hiện vân tím, chi lạnh, nhợt nhạt sau tiêm chủng… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ sau sinh ở nước ta vẫn thấp, chỉ hơn 55% trong năm 2015; trước đó, năm 2014 cũng chỉ đạt 55,4%.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo TTO
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ