1. Một số bé có thể chơi cả đêm và ngủ cả ngày
Nhiều em bé chào đời gắn liền với việc thời gian ngày và đêm bị đảo lộn - Charles Shubin, Giám đốc Khoa nhi tại “Mercy Family Care” ở Baltimore cho biết. Những chú cú đêm bé nhỏ này thường ngủ nhiều vào ban ngày và để dành giai đoạn tỉnh táo cho ban đêm.
Một em bé cứ thức dậy sau mỗi giờ để đòi ăn, đá chân hay đòi được quan tâm thường làm cha mẹ của bé nhanh chóng bị kiệt sức. “Điều này là một thử thách đối với người lớn, vì cấu tạo sinh học của cơ thể của chúng ta không được định hướng để thức cả đêm”, ông Shubin nói, “Vì vậy việc thay đổi là rất khó khăn”
Do đó, khi chăm con, bạn hãy cố gắng ngủ một chút trong khoảng thời gian ngủ dài của bé, và hãy nhớ rằng việc hoán đổi ngày đêm đối với bé chỉ là tình trạng tạm thời. Khi não bé phát triển và hệ thần kinh trung ương hoàn thiện, chu kỳ giấc ngủ của bé sẽ dài hơn và bé sẽ ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết các bé sẽ tự điều tiết được với giờ giấc của gia đình trong khoảng 1 tháng hay hơn.
Bạn có thể hỗ trợ cho quá trình này của bé bằng cách tạo một môi trường yên ắng và tối vào ban đêm, trong khi để mặt trời chiếu sáng không gian chung quanh bé vào ban ngày. “Vào cữ ăn ban ngày, tôi nói chuyện nhiều với bé, trong khi cố gắng hạn chế ánh sáng và tiếng động nhất có thể vào cữ ăn ban đêm,” một người mẹ cho biết. “Việc này giúp bé nhận thức được ngày và đêm”.
2. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thất thường và không đoán trước được
Đúng vậy, giấc ngủ của trẻ sơ sinh - chúng ta hoàn toàn không thể đoán trước sẽ diễn ra như thế nào vì thời gian đầu giấc ngủ của trẻ thường không ổn định. Cụ thể hơn, trong những tuần đầu đời, em bé của bạn có thể ngủ như thể sinh viên ngủ bù khi được về nhà dịp nghỉ đông. Tuy nhiên, đây là điều then chốt: Hầu hết các bé sẽ không ngủ quá 2 đến 4 tiếng liên tục tại một thời điểm, dù ngày hay đêm, trong những tuần đầu tiên sau khi sinh.
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 14-18 tiếng một ngày trong tuần đầu tiền, và 12-16 tiếng khi bé được 1 tháng tuổi. (Vì mỗi bé là một cá thể riêng biệt, độc lập, nên một số bé có thể ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn mức thời gian trung bình của trẻ sơ sinh).
Thật không may, ngay cả khi bé đang ngủ thật say, thì bạn vẫn có thể thấy choáng váng, lảo đảo như chiếc khăn bị nhúng nước mà lý do chính là vì bị mất ngủ. Trong một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 71% bà mẹ của BabyCenter tiết lộ rằng thiếu ngủ là phần khó khăn nhất trong việc chăm bé sơ sinh.
Bạn có thể đổ lỗi về tình trạng thiếu năng lượng của mình cho sự thất thường trong giấc ngủ của bé. “Giấc ngủ của bé 9 tuần tuổi nhà tôi chẳng đều đặn chút nào!”, một người mẹ thổ lộ. “Có lúc bé ngủ 4 tiếng liền, trong khi những lúc khác, bé chỉ ngủ 1 tiếng là thức dậy.”
Ngược lại, một số bậc cha mẹ lại hoảng hốt và lo sợ vì thời lượng ngủ của con họ. “Em bé 9 ngày tuổi của tôi ngủ cả ngày và thức rải rác chỉ khoảng 5 phút một lần,” một bà mẹ chia sẻ. “Tôi có nên lo lắng về tình trạng này không ?”
Hoàn toàn không, ông Scott Cohen, bác sỹ nhi khoa và tác giả quyển “Eat Sleep Poop: A Common Sense Guide to Your Baby’s First Year” (Ăn Ngủ Ị: Hướng dẫn chung cho năm đầu đời của bé) cho biết. Ông nói một số trẻ sơ sinh có thể ngủ đến khoảng 20 tiếng một ngày là hoàn toàn bình thường. Nếu em bé của bạn cũng như vậy, hãy tranh thủ chợp mắt vì giai đoạn này sẽ không kéo dài lâu.
3. Trẻ sơ sinh không cần không gian yên tĩnh mới có thể ngủ
Bạn không nhất thiết phải thì thầm hay đi nhón chân khi bé ngủ. “Hầu hết trẻ sơ sinh có thể ngủ ở nơi ồn ào và nhiều ánh sáng,” ông Shubin cho biết. “Các bé không cần môi trường ngủ giống như chúng ta.”
Điều này sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên nếu bạn nhận ra rằng bé đã trải qua 9 tháng trong tử cung của mẹ - một nơi không yên ắng như bạn nghĩ. Âm thanh từ nhịp tim, hệ tiêu hóa và một số chức năng khác của cơ thể mẹ là khá lớn đối với bé.
“Trong cuộc diễu hành dịp Giáng Sinh ở thị trấn chúng tôi, tất cả xe cứu hộ, xe cảnh sát, xe cứu thương đều tham gia, hú còi inh ỏi, và con gái tôi vẫn ngủ ngon lành, bé thậm chí còn không giật mình.” Một bà mẹ của BabyCenter kể lại.
Nhiều bé ngủ ngon hơn khi được bao quanh bởi những tiếng ồn lặp đi lặp lại, như tiếng quạt hay tiếng ồn trắng. “Tôi đặt nôi của con gái cạnh máy rửa chén khi nó đang chạy một cách ồn ào, và bé ngủ như mơ vậy,” một và mẹ của BabyCenter chia sẻ.
Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, để có thể bị xao lãng bởi một chiếc vòng cổ lấp lánh của người nào đó đi ngang phòng, hoặc sự thôi thúc để phản ứng lại một trò chơi vui nhộn của một người lạ đứng thật gần bé. Bé đơn giản chỉ ngủ khi bé cần. Vì vậy, ít nhất trước tiên bạn chắc chắn không cần phải yêu cầu khách đến thăm phải giữ quá yên lặng. Và bạn cũng có thể đưa bé ra ngoài cùng, mà không cần lo lắng là sẽ phá hỏng giấc ngủ của bé.
Một số trẻ sơ sinh có khả năng ngủ tài tình bất kể xung quanh như thế nào, đến nỗi ba mẹ bé phải lo lắng là bé có vấn đề gì về thính giác hay không. Nếu bạn thấy lo ngại, hãy đưa bé đến gặp bác sỹ. Nhưng vì con bạn đã được kiểm tra về thính lực ngay sau khi sinh, nên lời giải thích hợp lý nhất là bé chỉ “ngủ như một đứa trẻ”
Hãy tận hưởng khoảng thời gian đó vì khi qua giai đoạn sơ sinh, theo đúng tiến trình, bé sẽ dần nhận thức được môi trường xung quanh và sẽ bắt đầu phát triển giai đoạn ngủ vào bất cứ lúc nào. Sau đó, tiếng ồn và các mối quan tâm khác sẽ thực sự trở thành vấn đề, và bạn sẽ phát hiện mình đang nhón chân và lướt qua phòng.
4. Mỗi trẻ sơ sinh có cách ngủ riêng
Trẻ em không gì khác hơn một chiếc bảng trống, và các bé đến với chúng ta với cách ngủ riêng biệt. “Chắc chắn có những khác biệt cá nhân trong cách ngủ của trẻ sơ sinh, cũng tương tự như ở người lớn, có người ngủ tỉnh có người ngủ say vậy.” bác sỹ Cohen chia sẻ.
Các cha mẹ có nhiều hơn 1 con có thể nhận thấy điều này từ rất sớm. Như một bà mẹ hai con của BabyCenter cho biết, “Bé đầu của tôi ngủ khá say nhưng bé thứ hai thì hay trằn trọc và thường thức dậy sau những giấc ngủ ngắn.”
Tính cách cũng có thể ảnh hưởng tới hành vi của bé và biến việc đi ngủ thành một cuộc đấu, ông Cohen nói, một số trẻ sẽ kháng cự lại cơn buồn ngủ tới khi nào có thể. Một số bé khác thì dễ chịu hơn.
Dù bạn có may mắn trúng được tấm vé độc đắc về giấc ngủ của con hay không, thì bạn cũng nên dạy bé các thói quen ngủ tốt bằng cách thiết lập thời gian ngủ và tìm hiểu thêm về những điều cơ bản về giấc ngủ của bé.
5. Trẻ sơ sinh cần một chỗ ngủ đơn sơ
Đối với thế hệ trước, một chiếc nôi được coi là đầy đủ khi có một tấm đệm mềm, một vài chiếc chăn ấm áp, và một hoặc hai chiếc gối. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Hóa ra bé sẽ an toàn hơn khi ngủ trong một không gian được sắp xếp đơn giản. Vị trí ngủ và chỗ ngủ an toàn nhất cho bé là nằm lưng, trên một mặt phẳng chắc chắn, khăn trải vừa khít và không thêm gì khác nữa.
Một chiếc giường, nôi không có chăn và gối ư? Nghe có vẻ lạnh lẽo và không thoải mái đối với người lớn, tuy nhiên với quần áo thích hợp, thì đó lại là chiếc giường hoàn hảo cho trẻ sơ sinh rồi.
Hãy loại bỏ bất cứ vật gì có thể gây ngạt, nóng hoặc cản trở việc thở quanh khu vực ngủ của bé, bao gồm chăn, khăn, gối, đệm, thú nhồi bông hay mền bông. Việc này sẽ làm giảm nguy cơ bị hội chứng SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ từ 1 tháng đến 1 năm tuổi tại Mỹ.
Và cho dù em bé của bạn chưa được ngủ trên những chiếc chăn bông êm ái – là những món quà mà bé được tặng, bạn vẫn có thể dùng chúng vào vô số việc khác. Bạn có thể treo chúng lên trong phòng bé, trải chúng lên lưng ghế ru của bé hay cho bé tập nằm sấp trên đó. Hãy cố gắng tạo không gian thoáng đãng để giúp bé yêu của bạn có giấc ngủ thật thoải mái và an toàn.
Bạn thấy đấy, giấc ngủ của trẻ sơ sinh cùng những yếu tố liên quan thực sự khác biệt so với người lớn chúng ta rất nhiều và khá rõ ràng. Nếu nhìn nhận ra những khác biệt này, chúng ta sẽ thấy giấc ngủ của trẻ không đến nỗi quá phức tạp như chúng ta nghĩ. Và cũng chính từ việc nhận biết khác biệt này, giấc ngủ của trẻ sẽ không còn là cơn ác mộng với chúng ta nữa. Thêm vào đó, nhờ nhận biết khác biệt, chúng ta còn biết xử trí theo cách có lợi nhất, để trẻ vẫn ngủ ngon như vốn dĩ trẻ cần phải thế, còn bố mẹ thì vẫn có thời gian để chợp mắt, mà không phải băn khoăn lo lắng đứng ngồi, với đôi mắt cuồng thâm và một cơ thể mệt nhoài, rũ rượi.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch