Vệ sinh bình sữa đúng cách mẹ nhất định nên biết

Vệ sinh bình sữa đúng cách rất quan trọng khi bạn đang nuôi con nhỏ và cho bé bú bình. Cho bé bú bình hoàn toàn hiện nay không chỉ liên quan đến việc cho con ăn loại sữa nào, lượng ăn bao nhiêu, ăn bao nhiêu lần một ngày. Nó còn bao gồm cả khâu vệ sinh bình sữa và các dụng cụ khác nữa. Đây cũng là công đoạn khá quan trọng giúp đảm bảo vệ sinh khi bạn cho bé ăn. 

banner ads
Vệ sinh dụng cụ cho ăn đúng cách rất quan trọng
Vệ sinh bình sữa đúng cách rất quan trọng khi bạn cho bé bú bình hoàn toàn. Nguồn ảnh: Healthfully 

Thực hiện vệ sinh bình sữa đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ bé bị nhiễm khuẩn từ bình sữa và các dụng cụ pha sữa cũng như từ chính tay của bạn. Chúng ta hãy cùng hiểu quá trình vệ sinh này nhé.

1. Vệ sinh bình sữa đúng cách khi cho bé bú bình hoàn toàn

Vệ sinh bình sữa đúng cách và tất cả các dụng cụ liên quan được xem như một nguyên tắc. Bất cứ mẹ nào cho bé bú bình hoàn toàn cũng phải lưu ý và nắm rõ nguyên tắc này.

Vệ sinh bình sữa bao gồm: bình sữa, núm bình, nắp và các vòng cao su ở miệng bình. Một số loại bình có thể có cả van hoặc màng. Một số bé có thể được cho ăn bằng ống xi lanh, cốc đựng thuốc, thìa hoặc hệ thống cho bú bổ sung.

Để vệ sinh sạch và hạn chế nhiễm khuẩn vào bình sữa cũng như các dụng cụ, bạn hãy thực hiện các bước sau:

1.1. Sử dụng máy rửa chén để vệ sinh bình sữa khi cho bé bú bình

Nếu bạn sử dụng máy rửa chén để vệ sinh bình sữa khi cho bé bú bình hoàn toàn, bạn hãy làm như sau:

  • Tháo rời các phần của bình sữa.
  • Tráng bình. Bạn tráng bình sữa và các bộ phận liên quan khác bằng cách cầm chúng dưới vòi nước chảy. Bạn có thể sử dụng nước ấm hoặc lạnh.
  • Rửa bình. Bạn đặt bình sữa và các bộ phận vào máy rửa chén. Các bộ phận nhỏ nên được đặt trong túi lưới để tránh bị rơi vào bộ lọc của máy. Nếu có thể, bạn hãy chạy máy rửa chén bằng nước nóng cùng như cài đặt chu trình sấy nóng hoặc chế độ khử trùng. Điều này sẽ giúp tiêu diệt nhiều vi khuẩn hơn.
  • Lấy bình sữa và các bộ phận ra khỏi máy rửa chén. Bạn hãy rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi lấy bình sữa ra khỏi máy rửa chén.

+ Nếu bình và các bộ phận khác đã được sấy khô, bạn hãy cất vào một khu vực sạch, không có đất và bụi.

+ Nếu bình và các bộ phận khác chưa khô hoàn toàn, bạn hãy đặt chúng lên một chiếc khăn chưa sử dụng hoặc khăn giấy sạch cho khô hoàn toàn. Sau đó bạn cất vào một khu vực sạch, không có đất và bụi. Bạn không nên dùng khăn lau chén để lau bình và các bộ phận khác liên quan. Vì việc này có thể khiến chúng bị nhiễm khuẩn từ khăn. 

Bạn có thể rửa bình sữa của bé bằng máy rửa chén
Bạn có thể rửa bình sữa của bé bằng máy rửa chén. Nguồn ảnh: Asko 

1.2. Vệ sinh bình sữa bằng tay

Nếu bạn vệ sinh bình sữa bằng tay khi cho bé bú bình, bạn hãy thực hiện như sau:

  • Rửa sạch tay trước khi rửa bình sữa. Bạn hãy rửa sạch tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây.
  • Tháo rời các phần của bình sữa.
  • Tráng bình. Bạn tráng bình sữa và các bộ phận liên quan khác bằng cách cầm chúng dưới vòi nước chảy. Bạn có thể sử dụng nước ấm hoặc lạnh. Bạn lưu ý không nên ngâm bình sữa trong bồn rửa.
  • Rửa bình sữa:

+ Bạn cho bình sữa và các bộ phận vào trong một chiếc chậu sạch chuyên dùng để rửa bình sữa. Bạn không nên rửa trực tiếp chúng trong bồn rửa vì bồn có thể chứa nhiều vi khuẩn gây nhiễm bẩn bình sữa của bé.

+ Bạn đổ nước nóng vào chậu và cho thêm xà phòng.

+ Bạn dùng một chiếc cọ chuyên dùng để rửa bình sữa và các bộ phận.

+ Bạn cho nước chảy qua lỗ ở núm bình để đảm bảo nó được làm sạch.

  • Tráng lại bình sữa. Bạn tráng lại bình bằng cách cầm chúng dưới vòi nước chảy, hoặc bạn để chúng dưới vòi nước, trong một chiếc chậu sạch khác dành riêng cho việc rửa bình.
  • Hong khô bình. Bạn bạn hãy đặt toàn bộ dụng cụ vừa rửa lên một chiếc khăn chưa sử dụng hoặc khăn giấy sạch cho khô hoàn toàn. Sau đó bạn cất vào một khu vực sạch, không có đất và bụi. Bạn không nên dùng khăn lau chén để lau bình và các bộ phận khác liên quan. Vì việc này có thể khiến chúng bị nhiễm khuẩn từ khăn.
  • Rửa chậu và cọ. Bạn tráng lại chậu cùng cọ rửa và để chúng khô tự nhiên sau mỗi lần sử dụng. Mỗi vài ngày, bạn nên rửa chậu và cọ bằng máy rửa chén bằng nước nóng cùng như cài đặt chu trình sấy nóng hoặc chế độ khử trùng (nếu được). Hoặc bạn cũng có thể rửa chúng bằng xà phòng và nước ấm. Nếu em bé của bạn dưới 3 tháng tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu, hãy thực hiện thao tác rửa chậu và cọ bằng máy rửa chén hoặc bằng tay với xà phòng sau mỗi lần sử dụng. 
Rửa bình sữa bằng tay
Rửa bằng tay đúng cách vẫn giúp đảm bảo vệ sinh đối với dụng cụ cho ăn của bé. Nguồn ảnh: The Gentle Nursery 

2. Khử trùng bình sửa để đảm bảo vệ sinh

Để tăng mức độ vệ sinh an toàn đối với các dụng cụ cho ăn khi cho bé bú bình , bạn hãy thực hiện thêm công đoạn khử trùng. Bạn nên khử trùng dụng cụ cho ăn của bé ít nhất một lần mỗi ngày. Việc này đặc biệt quan trọng khi em bé của bạn dưới 3 tháng tuổi, sinh non hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Đối với các em bé lớn hơn và khỏe mạnh, bạn không cần thiết phải khử trùng bình sữa hàng ngày nếu bạn thực hiện tốt công đoạn vệ sinh sau mỗi lần cho bé ăn.

Bạn tiến hành công đoạn khử trùng bình sữa như sau:

  • Luộc bình :

+ Bạn cho các phần của bình sữa vào một chiếc nồi và đổ ngập nước.

+ Bạn cho nồi lên bếp và đun sôi trong khoảng 5 phút.

+ Bạn lấy các phần của bình ra ngoài bằng một chiếc gắp sạch.

  • Hấp bình : Bạn cho các phần của bình sữa vào lò vi sóng hoặc nồi hấp và thực hiện theo hướng dẫn cho các công đoạn khử trùng, làm nguội và sấy khô. 
Nồi hấp bình sữa
Bạn có thể hấp bình bằng nồi hấp hoặc lò vi sóng. Ảnh Internet 
  • Tẩy bình : (nếu bạn không thể luộc, hấp hay sử dụng máy rửa chén để vệ sinh bình sữa)

+ Bạn chuẩn bị 2 muỗng cà phê thuốc tẩy không mùi cho mỗi 3.8 lít nước trong một chậu sạch.

+ Bạn nhúng chìm toàn bộ dụng cụ trong dung dịch tẩy, đảm bảo không còn bọt khí trong bình.

+ Bóp dung dịch tẩy qua lỗ của núm bình.

+ Bạn ngâm dụng cụ trong dung dịch ít nhất 2 phút.

+ Bạn lấy dụng cụ ra bằng tay (đã rửa sạch) hoặc kẹp sạch. Bạn lưu ý không rửa lại dụng cụ bằng nước vì vi khuẩn có thể bám lại vào những bộ phận bạn đã khử trùng. Bất kỳ lượng thuốc tẩy nào còn sót lại đều sẽ trở nên vô hại khi ra ngoài không khí khô và sẽ không gây hại cho em bé. Quá trình này tương tự như những gì được thực hiện trong nhà hàng để khử trùng bát đĩa.

Sau khi khử trùng bạn hãy đặt toàn bộ dụng cụ lên một chiếc khăn chưa sử dụng hoặc khăn giấy sạch cho khô hoàn toàn. Sau đó bạn cất vào một khu vực sạch, không có đất và bụi. Bạn không nên dùng khăn lau chén để lau bình và các bộ phận khác liên quan. Vì việc này có thể khiến chúng bị nhiễm khuẩn từ khăn.

3. Cất giữ bình sữa của bé một cách an toàn sau khi được làm sạch

Việc cất giữ bình sữa của bé cũng khá quan trọng khi bạn cho bé bú bình. Việc thực hiện đúng cách công đoạn này sẽ giúp hạn chế vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây nhiễm khuẩn dụng cụ cho ăn của bé.

Bạn hãy thực hiện công đoạn này như sau:

  • Rửa sạch tay.
  • Ráp các bộ phận của bình sữa lại.
  • Cất giữ bình sữa và các dụng cụ pha sữa, các dụng cụ để rửa bình trong một khu vực khô ráo, và kín để hạn chế bụi bẩn. Ví dụ như ngăn tủ trong bếp, nơi chuyên cất giữ chén đĩa sạch. 
Cất giữ bình sữa
Bạn cần cất giữ bình sữa của bé ở nơi đảm bảo vệ sinh sau khi đã được làm sạch. Nguồn ảnh: BabyCenter Australia  

Vệ sinh bình sữa đúng cách là một phần quan trọng không thể lơ là ngoài các vấn đề liên quan đến sữa, lượng ăn và cữ ăn khi bạn cho bé bú bình. Bạn nên cố gắng thực hiện các bước vệ sinh, khử trùng dụng cụ cho ăn của bé đúng cách nhất có thể. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế tình trạng bé bị nhiễm khuẩn từ chính bình sữa cho con ăn.

Theo CDC

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI