3 cách làm mứt dừa vừa ngon vừa đẹp mắt lại dễ làm nhất định chị em nên thử

Cách làm mứt dừa cứ đến hẹn lại được chị em nội trợ háo hức thử nghiệm. Qua mỗi năm, món mứt truyền thống này lại có những biến tấu độc đáo. Cũng chính những biến tấu này làm cho chúng ta dù biết mứt dừa quá quen thuộc, vẫn luôn mong ngóng những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của những bà nội trợ; đầu bếp xuất sắc với món mứt giản dị gần gũi này.

banner ads

Có lẽ ngay cả bà nội trợ vụng nhất cũng biết cách làm mứt dừa cơ bản. Đây là điều khó thấy ở nhiều món mứt được cho là dễ dàng khác. Và năm nay, để chị em vừa "nâng cao tay nghề" làm mứt dừa, vừa đổi vị và làm cho khay mứt dừa trở trên độc đáo hơn, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn chia sẻ lại 3 cách làm mứt dừa khá ấn tượng như dưới đây, chị em hãy thử nhé. Cách làm mứt dừa theo 3 cách này thực sự cũng không mất nhiều thời gian, chỉ tương đương như chúng ta làm mứt dừa cơ bản thôi.

Biến tấu mứt dừa hoa cúc
Mỗi năm, mứt dừa lại có biến tấu mới hấp dẫn người thưởng thức hơn. Ảnh Internet

1. Mứt dừa ngũ sắc

Mứt dừa ngũ sắc có thể được xem là biến tấu đơn giản nhất từ mứt dừa cơ bản. Chị em có thể dùng dừa non hoặc dừa bánh tẻ để làm đều ngon. Cũng tùy theo vị gia đình ưa thích, chị em hoàn toàn có thể thay thế từ màu đến vị để có món mứt vừa đẹp, vừa ngon, đa dạng về vị cho mọi người thưởng thức nhé.

1.1 Nguyên liệu

  • 250-300g dừa non hoặc dừa bánh tẻ
  • 180-200g đường
  • 1 hộp sữa dâu nhỏ/8-10 quả dâu tươi/ 1 củ cà rốt/ 1-2 thìa canh thịt gấc/ 1/2 củ dền nhỏ
  • 1 gói cà phê đen/ cà phê sữa uống liền (loại nhỏ 2g)/ 2 thìa cà phê bột ca cao
  • 1 quả kiwi xanh/ 1 nắm lá nếp/ 1/3 thìa cà phê bột trà xanh
  • 1 miếng cải bắp tím/ 1 nắm trái dâu tằm/ việt quất
  • 2 trái chanh leo/ 1/3 thìa cà phê bột nghệ
  • 1 thìa canh sữa đặc
Dùng rau củ quả để tạo màu đẹp cho mứt dừa ngũ sắc
Dùng rau củ quả để tạo màu tự nhiên cho mứt dừa ngũ sắc. Ảnh Internet

1.2 Cách làm

1.2.1 Sơ chế dừa và ngâm đường
  • Bước 1 : Bạn rửa sạch dừa, nếu là dừa non cắt miến nhỏ dài vừa ăn, nếu là dừa bánh tẻ bạn dùng dao 2 lưỡi bào mỏng dừa.
  • Bước 2 : Sau khi dừa được cắt miếng/ bào mỏng bạn xả sạch với nước lạnh nhiều lần cho đến khi nước trong. Bước này sẽ giúp loại bớt tinh dầu, khi sên sẽ dễ khô và mứt cũng trong đẹp sáng màu hơn.
  • Bước 3 : Để dừa ráo bớt nước để chuẩn bị trộn màu và ngâm đường.
Xả sạch dừa với nước
Xả sạch dừa với nước sau đó để ráo. Ảnh Internet
1.2.2 Chuẩn bị màu
  • Bước 1 : Chuẩn bị tông màu dâu/ đỏ

Nếu bạn dùng dâu tươi thì mang dâu đi rửa sạch ngâm nước muối 15 phút sau đó mang đi nghiền nhuyễn qua rây. Nếu bạn dùng cà rốt thì bỏ vỏ rửa sạch cắt nhỏ và bỏ vào may xay sinh tốt hoặc rau củ xay nhuyễn vắt nước. Trường hợp bạn dùng gấc thì lấy ruột gấc ngâm với chút rượu trắng vài phút để tách thịt bỏ hột.

  • Bước 2: Chuẩn bị màu nâu đậm

Bạn dùng cà phê thì pha cà phê với chút nước nóng. Trường hợp dùng bột ca cao, bạn cũng hoàn tan bột ca cao với nước nhé.

Bột ca cao
Dùng cà phê hòa tan hoặc bột cacao để tạo màu nâu đậm cho mứt dừa. Ảnh Internet
  • Bước 3: Chuẩn bị màu xanh

Nếu bạn dùng kiwi, hãy rửa sạch, gọt vỏ, cắt nhỏ và nghiền kiwi qua rây. Nếu bạn dùng lá nếp, hãy rửa sạch lá nếp, cắt nhỏ bỏ vào máy xay sinh tố hoặc máy xay thực phẩm thêm nước xay nhuyễn vắt nước.

  • Bước 4: Chuẩn bị màu tím

Bạn tách lá cải bắp tím rửa sạch, ngâm nước muối 15 phút sau đó rửa lại một lần nước lạnh nữa. Cắt nhỏ cải bắp và bỏ vào máy xay sinh tốt hoặc máy xay thực phẩm, thêm nước xay nhuyễn và vắt nước cốt.

  • Bước 5: Chuẩn bị màu vàng

Bạn bổ đôi quả chanh leo lấy ruột và lược qua rây để lấy nước cốt bỏ hạt.

Chanh leo cho màu vàng đẹp mắt
Nước cốt chanh leo cho màu vàng đẹp mắt. Ảnh Internet
1.2.3 Trộn dừa với màu và ngâm đường
  • Bước 1 : Bạn chia dừa đã sơ chế và đường thành 6 phần bằng nhau, cho mỗi màu vào mỗi phần dừa đảo đều và để 3-4 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hét, màu thấm. Riêng với màu vàng chanh leo và xanh kiwi có độ chua, bạn không thích chua thì có thể tăng đường để giảm độ chua nhé. Trong quá trình ngâm đường, mình thỉnh thoảng đảo cho dừa ngấm đều.
Ngâm dừa với đường và màu
Ngâm dừa với đường và màu đã chuẩn bị. Ảnh Internet
1.2.4 Sên mứt

Bạn cho từng phần dừa vào chảo hoặc nồi đáy dày ban đầu nấu lửa vừa cho nước đường mau cạn bớt. Nước đường cạn 1/3 bạn giảm lửa, đến khi nước đường cạn 2/3 bạn giảm lửa nhỏ nhất và đảo đều tay cho đến khi đường kết tinh tạo phấn và dừa thành mứt. Bạn kiểm tra mứt có độ khô trong ngoài thì tắt bếp, đảo mứt tiếp tục cho đến khi nguội hẳn. Sau 1 tiếng, nếu mứt vẫn khô không xuất hiện tình trạng bị ẩm là mứt đã được, bạn bỏ mứt vào lọ thủy tinh hoặc túi zip, dùng dần. Bạn nên lưu ý bảo quản mứt nơi thoáng mát để không ảnh hưởng đến chất lượng mứt nhé.

Mứt dừa ngũ sắc
Thành phẩm mứt dừa ngũ sắc đẹp thật hấp dẫn. Ảnh Internet

2. Mứt dừa viên

2.1 Mứt dừa viên dạng khối vuông

2.1.1 Nguyên liệu
  • 100g dừa non / dừa bánh tẻ
  • 80g đường cát trắng (dùng 60g nếu bạn thích ít ngọt)
  • Lá nếp/ cà rốt hoặc chanh leo để tạo màu (không bắt buộc)
  • 1 ống vani
Cơm dừa non
Để làm mứt dừa viên nguyên khối bạn dùng cùi dừa non mứt sẽ mềm, bạn dùng cùi dừa bánh tẻ mứt sẽ cứng giòn hơn. Ảnh Internet
2.1.2 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn rửa sạch cùi dừa non, cắt miếng vuông nhỏ sau đó mang đi xả nhiều lần với nước lạnh cho đến khi nước trong. Để dừa cho ráo nước. Nếu bạn sử dụng dừa bánh tẻ thì cắt dừa kích cỡ nhở hơn dừa non để viên mứt không quá cứng.
  • Bước 2 : Sơ chế lá nếp/ cà rốt hoặc chanh leo để có nước màu như ý.
  • Bước 3 : Chia cùi dừa sơ chế và đường thành các phần bằng nhau tùy theo số màu bạn muốn. Cho đường và màu vào phần dừa đã chia, ngâm đường 3-4 tiếng hoặc cho tới khi đường tan hết.
Ngâm dừa cắt viên với đường và màu tùy ý thích
Ngâm dừa với đường và màu theo ý thích. Ảnh Internet
  • Bước 4 : Mang từng phần dừa đi sên. Khi mới cho vào chảo bạn có thể nấu với lửa vừa, sau khi đường giảm 1/3 mình giảm lửa và khi đường chỉ còn 1 phần, bạn giảm lửa mức nhỏ nhất và đảo đều tay cho đến khi đường kết tinh và dừa khô thành mứt. Cho vani, tắt bếp nhưng vẫn giữ chảo mứt trên bếp đảo đến khi mứt dừa nguội hẳn. Bước này sẽ bảo đảm hơn việc dừa được sên già lửa sẽ không bị chảy nước sau sên.
  • Bước 5 : Để dừa bên ngoài 30 phút đến 1 tiếng, nếu dừa không có dấu hiệu bị ẩm lại là đạt, lúc này bạn có thể mang mứt dừa bỏ vào túi zip hoặc lọ thủy tinh có nắp để bảo quản dùng dần.
Mứt dừa viên
Mứt dừa viên góp phần tạo sự mới mẻ cho khay mứt tết. Ảnh Internet

2.2 Mứt dừa viên dạng tròn mềm

2.2.1 Nguyên liệu
  • 100g cơm dừa bánh tẻ bào hoặc nạo/ cơm dừa nạo sấy khô
  • 50-60g đường
  • 1 nắm đậu phộng rang hoặc hạt hạnh nhân rang chín, xay nhỏ/ giã nhỏ
  • 1 thìa canh bột mì
  • 1 thìa canh dầu dừa/ 1 thìa canh bơ lạt nấu chảy
  • 1 thìa canh syrup
  • 1 ống vani
  • Màu chanh leo/ cà rốt/ lá nếp tùy thích
  • 1 thìa canh cơm dừa nạo sấy khô
Dừa nạo
Dừa bào nhỏ/ nạo/ xay dạng tươi hoặc khô đều có thể dùng để làm mứt dừa viên dạng mềm. Ảnh Internet
2.2.1 Cách làm
  • Bước 1 : Bạn chia đường và dừa thành các phần bằng nhau tùy theo số màu mình có. Cho từng phần đường vào phần dừa cùng nước màu đã chuẩn bị, trộn đều, ngâm 3-4 tiếng cho đường tan hết.
  • Bước 2 : Trộn các thành phần khác cùng bơ nấu chảy (trừ 1 thìa cơm dừa nạo sấy khô) vào từng phần dừa (theo mau), mang từng phần dừa này đi sên lần lượt. Bạn dùng chảo hay nồi đáy dày, cho dừa trộn đường vào sên trên lửa nhỏ cho đến khi dừa dẻo lại có độ kết dính tốt để có thể tạo khối thì ngưng sên, cho vani và tắt bếp lấy dừa ra khỏi bếp. Tiếp tục các mẻ dừa màu khác cho đến hết.
  • Bước 3 : Cho dừa ra khay phẳng, dàn đều khối mứt dừa sao cho đều vuông vức và độ dày khoảng 2cm. Dùng đũa cả hoặc thìa xới cơm xắn khối dừa thành những ô vuông đều nhau.
  • Bước 4 : Bạn đeo găng tay ni lông, cho chút dầu dừa vào lòng bàn tay, lấy từng ô vuông dừa đã xắn vo tròn. Đến đây chúng ta đã có các viên mứt dừa rất đều. Để mứt khô hơn, bạn lại để mứt ra khay phẳng mang đi phơi nắng khoảng 1/2 nắng để viên mứt dừa khô hoàn toàn. Hoặc bạn cũng có thể áo viên mứt bằng lớp dừa nạo sấy khô thay trước khi phơi nắng, hoặc nếu dùng ngay thì chỉ cần áo dừa sấy không cần phơi.
  • Bước 5 : Viên mứt dừa đã khô bạn bỏ hũ thủy tinh, đậy nắp để nơi thoáng mát và dùng dần. Mứt làm theo cách này sẽ không để được lâu như mứt miếng, vì vậy bạn làm số lượng ít mỗi lần và dùng trong vài ngày không để lâu nhé. 
Mứt dừa viên dạng mềm
Mứt dừa viên dạng mềm có vị ngon độc đáo. Ảnh Internet

3. Mứt dừa trái tim và hoa

3.1 Nguyên liệu

  • 300g cơm dừa non
  • 180g đường cát trắng
  • Rau/ củ/ quả tạo màu như ý thích với lượng vừa phải (nếu bạn thích tạo nhiều màu cho mứt)
  • 1 ống vani
Tạo hình trái tim hình sao với dừa non
Dùng mứt dừa non để làm mứt dừa trái tim đẹp mắt. Ảnh Internet

3.2 Cách làm

  • Bước 1 : Cơm dừa non được rửa sạch và bạn dùng khuôn trái tim làm bánh cookies ấn xuống miếng dừa để tạo hình trái tim cơm dừa.
  • Bước 2 : Xả sạch cơm dừa đã tạo hình cho đến khi nước trong, để ráo.
  • Bước 3 : Chuẩn bị màu như ý thích.
  • Bước 4 : Chia đường và dừa các phần đều nhau theo số màu đã chuẩn bị, trộn từng phần dừa với màu và phần đường đã chia đều. Ngâm dừa từ 3-4 tiếng để cho màu và đường ngấm, đường tan hết hoặc tan 2/3.
  • Bước 5: Mang từng phần dừa đi sên với lửa vừa, nước đường cạn dần thì bạn cũng giảm lửa nhỏ dần. Cuối cùng, khi nước đường còn 1/3 thì bạn giảm lửa nhỏ nhất, sên cho tới khi đường kết tinh thành phần và dừa khô thành mứt. Bạn thử miếng mứt khô bên trong thì mình cho vani và tắt bếp. Vẫn để chảo mứt trên bếp, đảo mứt cho đến khi nguội hẳn. Sau khi để bên ngoài khoảng 1 tiếng, nếu mứt không có hiện tượng ẩm trở lại thì mứt đã đạt, có thể cất mứt dùng dần trong những ngày Tết , bảo quản nơi thoáng mát để mứt không bị chảy nước hoặc xuống màu, ra dầu sẽ không ngon.
Mứt dừa hình trái tim hình ngôi sao
Thành phẩm mứt dừa non hình trái tim đẹp mắt. Ảnh Internet

4. Bí quyết giúp bạn làm mứt dừa luôn ngon và an toàn dù có ý tưởng sáng tạo đến mấy

  • Chọn cơm dừa chất lượng, còn mới, màu sáng, không xuống màu, có mùi chua hoặc rờ vào mặt trong của cơm dừa có hiện tượng nhão hoặc nhớt.
  • Sau khi mua cơm dừa về, bạn nên chế biến ngay để bảo đảm mứt dừa được ngon, để được lâu.
  • Sau khi cắt dừa luôn xả sạch với nước để giảm bớt lớp dầu, sên mứt sẽ nhanh hơn, màu mứt sáng, mứt ngon để được lâu hơn.
  • Mứt thành phẩm nên để nơi thoáng mát tránh để nơi có nhiệt độ cao hoặc có ánh nắng chiếu vào chất lượng mứt sẽ mai giảm đi, mùi mứt không còn thơm, để không được lâu.
  • Sử dụng các loại rau, củ, quả có màu nổi bật để tạo màu cho mứt, màu rau củ quả tự nhiên sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe hơn.
Màu từ rau củ quả
Dùng màu từ rau củ quả sẽ an toàn cho sức khỏe hơn. Ảnh Internet
  • Sau sên mứt, để mứt ở nhiệt độ thường để chờ kiểm tra độ khô của mứt. Nếu sau một tiếng sau sên mứt vẫn khô không ẩm lại là đạt. Trường hợp mứt có dấu hiệu ẩm trở lại, bạn nên sên lửa 2 với mức lửa nhỏ nhất cho đến khi mứt khô hẳn.
  • Bắt đầu sên mứt hãy điều chỉnh lửa vừa, luôn chú ý giảm lửa đúng lúc theo độ cạn của nước đường, và giảm lửa còn ở mức nhỏ nhất, khi nước đường đã cạn 2/3, để mứt luôn được sáng màu và không bị cháy.

Với 3 cách làm mứt dừa ở trên, cùng những bí quyết đúc kết từ kinh nghiệm làm mứt dừa của nhiều người, mong rằng chị em sẽ luôn thành công với các cách làm mứt dừa mới. Hãy trổ tài làm mứt dừa vị ngon lạ và sắc màu sinh động hơn, để cả nhà có dịp thay đổi vị mứt dừa năm nay, so với mứt dừa truyền thống các năm trước bạn nhé.

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI