1. Dạy trẻ thông minh sớm bằng âm nhạc
Chúng ta đều biết âm nhạc là liều thuốc bổ nuôi dưỡng tâm hồn con người ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển trí não. Những chương trình đào tạo âm nhạc có thể giúp ích trong việc bù đắp một số tác động có hại của quá trình lão hóa.
Bạn có thể cho bé nghe nhạc từ khi còn trong bụng mẹ. Những thể loại nhạc bạn yêu thích đem lại sự thư giãn cho bạn cũng sẽ có tác động tích cực đến trẻ.
2. Dạy trẻ thông minh sớm bằng các trò chơi vận động
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, những trò chơi mà trẻ phải vận động cơ thể nhiều, sẽ không giúp ích cho sự phát triển trí thông minh của trẻ bằng việc con đọc sách trong thư viện.
Tuy nhiên trên thực tế, sự vận động giúp trẻ học tập và ghi nhớ tốt hơn. Vận động thường xuyên và đều đặn sẽ giúp trẻ tăng khả năng ghi nhớ và học hỏi. Vì lượng máu lưu thông đến các khu vực có chức năng này tăng lên sau khi trẻ hoạt động.
Do vậy, việc để trẻ kết hợp giữa vận động cơ thể và trí não là một cách tuyệt vời trong dạy trẻ thông minh sớm.
3. Hãy cùng đọc sách với con
Sách rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, nếu muốn dạy trẻ thông minh sớm, bạn đừng chỉ đọc sách cho con mà hãy đọc cùng con.
Tùy theo độ tuổi của trẻ mà bạn có cách đọc sách cho con phù hợp. Trong quá trình đọc, hãy thu hút sự chú ý của trẻ không chỉ vào hình ảnh, mà cả câu chữ. Đồng thời bạn hãy hỏi con các câu hỏi để khơi gợi óc tư duy, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con.
4. Giấc ngủ là nhân tố quan trọng trong việc dạy trẻ thông minh sớm
Muốn trẻ thông minh sớm, bạn nên chú trọng đến giấc ngủ của trẻ về cả thời lượng và chất lượng. Thiếu ngủ một giờ có thể khiến trí não của một đứa trẻ 6 tuổi xuống cấp chỉ còn 4 tuổi. Mất ngủ một giờ tương đương với mất hai năm trưởng thành và phát triển nhận thức. Cách so sánh này thực sự không quá, vì giấc ngủ rất quan trọng với sự phát triển trí não của trẻ. Có một mối tương quan nhất định giữa điểm số và thời lượng giấc ngủ khi trẻ học tập.
5. IQ sẽ không có giá trị gì nếu trẻ không có tính kỷ luật nề nếp
Trẻ phát triển một cách thông minh là rất quan trọng. Tuy nhiên IQ sẽ không có giá trị gì nếu trẻ không có kỷ luật và nề nếp. Vì vậy, dạy trẻ kỷ luật là một phần của việc dạy trẻ thông minh sớm.
Trên thực tế thì kỷ luật bản thân trong việc dự đoán ai sẽ thành công trong cuộc sống.
Hàng chục nghiên cứu chỉ ra rằng ý chí là thói quen then chốt quan trọng nhất cho sự thành công của mỗi cá nhân. Những đứa trẻ, những học sinh có sức mạnh ý chí cao có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn trong lớp. Bên cạnh đó, những đứa trẻ này cũng có xu hướng được nhận vào các trường chọn lọc hơn. Chúng cũng vắng mặt trên lớp ít hơn, xem ti vi ít hơn và dành nhiều thời gian làm bài tập hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những thanh thiếu niên có tính kỷ luật cao thường vượt trội hơn so với các bạn đồng lứa bốc đồng của họ về mọi biến số và kết quả học tập.
Kỷ luật bản thân dự đoán kết quả học tập mạnh mẽ hơn so với chỉ số IQ. Tính tự kỷ luật cũng dự đoán học sinh nào sẽ tự cải thiện điểm số của mình trong suốt năm học, trong khi chỉ số IQ thì không. Tự kỷ luật có ảnh hưởng lớn hơn đến kết quả học tập hơn là tài năng trí tuệ.
Điểm số học tập của trẻ trong tương lai cũng liên quan nhiều đến sự tận tâm hơn là trí thông minh thô. Sự tận tâm cũng đem lại những kết quả tích cực trong cả học tập, cuộc sống và làm việc tương lai của trẻ.
Chính vì vậy, việc dạy trẻ thông minh phải đi kèm với tính kỷ luật nề nếp. Như vậy, trẻ mới có thể trở thành những người có tinh thần làm việc tận tâm, tích cực.
6. Tạo điều kiện cho con thực hành hơn là chỉ học vẹt
Não bộ của trẻ học hỏi được mọi thứ nhờ được thực hành chứ không phải bằng việc nghe về chúng. Đây là một trong những lý do mà đối với rất nhiều kỹ năng, tốt hơn hết là bạn nên cho trẻ dành 2/3 thời gian để thực hành và tự kiểm tra kỹ năng đó hơn là chỉ học lý thuyết.
7. Phần thưởng đúng thời điểm sẽ có tác dụng tích cực
Trong quá trình dạy trẻ thông minh sớm , nếu bạn sử dụng phần thưởng một cách hợp lý và đúng thời điểm, mọi thứ sẽ hiệu quả hơn.
Phần thưởng đối với trẻ nhỏ rất đơn giản, đó có thể chỉ là một cây kem, một viên kẹo, một chiếc bánh hay một chút nước ngọt. Hầu hết chúng ta đều mong muốn con mình ăn uống lành mạnh. Nhưng trên thực tế, trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng làm được hoặc muốn làm điều đó. Những thực phẩm mà bạn loại bỏ khỏi thực đơn hoặc nằm trong danh sách cấm như kể trên, lại là thứ gì đó vô cùng hấp dẫn đối với trẻ. Hậu quả là trẻ thường ăn chúng vào sai thời điểm đặc biệt khi không có mặt bạn.
Vì vậy, tốt nhất, chúng ta hãy xem đó như một phần thưởng nhỏ. Thay vì để trẻ ăn “lén lút”, thỉnh thoảng bạn có thể cho con thưởng thức một cây kem hoặc một ly soda trong giờ nghỉ giải lao của con. Như vậy, bạn vừa kiểm soát được việc trẻ ăn uống thực phẩm không lành mạnh, mà trẻ cũng cảm thấy mình không bị cấm đoán quá mức, đến nỗi con có thể ăn uống mất kiểm soát khi không có sự giám sát của bạn.
Tuy nhiên, đối với phần thưởng dạng này, bạn không nên lạm dụng hoặc sử dụng thường xuyên. Bạn hãy xen kẽ với phần thưởng là những buổi dã ngoại, đi nhà sách, đi mua sắm đồ đạc để con có cơ hội trải nghiệm nhiều thứ hơn là chỉ mong ngóng vào những chiếc bánh ngọt.
8. Hạnh phúc cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của trẻ
Dạy trẻ thông minh sớm không có nghĩa là chỉ chú trọng về tri thức. Niềm vui, hạnh phúc là một lợi thế to lớn trong một thế giới ngày càng đề cao hiệu suất. Tính trung bình, những người hạnh phúc thường thành công hơn trong cả công việc và tình yêu. Họ nhận được đánh giá về hiệu suất tốt hơn, có nhiều công việc uy tín hơn và kiếm được mức lương cao hơn. Họ dễ kết hôn hơn và một khi kết hôn, họ hài lòng hơn với cuộc sống của mình.
Như vậy, dạy trẻ thông minh sớm không có nghĩa là chỉ chú trọng đến tri thức. Niềm vui, hạnh phúc cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của con.
Bước đầu tiên để tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc là bản thân bạn phải là những bậc cha mẹ hạnh phúc. Cùng với đó, bạn hãy hướng con tự xây dựng các mối quan hệ và tạo cho con có điều kiện được chơi đùa nhiều hơn.
Sự lạc quan cũng là yếu tố giúp hình thành nên một đứa trẻ hạnh phúc. Bạn cần lưu ý trong quá trình học tập và hoạt động của trẻ. Bạn hãy mong đợi sự nỗ lực của con chứ không phải sự hoàn hảo.
9. Sự ảnh hưởng của bạn đồng trang lứa
Sự ảnh hưởng của bạn đồng trang lứa cũng ảnh hưởng đến việc dạy trẻ thông minh sớm. Vấn đề di truyền có ảnh hưởng rất lớn đến những đứa trẻ. Nhưng cách nuôi dạy con của bạn cũng có tác động lớn không kém. Đặc biệt việc đảm bảo trẻ chơi với những bạn đồng trang thông minh, chăm chỉ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của trẻ.
Không chỉ virus mới lây nhiễm, các thói quen tốt và xấu cũng có khả năng như vậy. Có lẽ chúng ta không còn lạ gì với câu nói “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Trẻ nhỏ thường cũng dễ có động lực học hỏi khi bạn bè thân thiết của mình học giỏi. Và chúng cũng rất dễ bị lôi kéo vào các thói hư tật xấu từ những bạn bè không ngoan.
10. Hãy tin tưởng vào trẻ
Việc tin tưởng và cho trẻ biết con là một đứa trẻ thông minh sẽ tạo ra sự khác biệt khiến bạn bất ngờ. Sự tin tưởng này khác với sự kỳ vọng quá mức vì nó dễ gây áp lực lên trẻ.
Sự tin tưởng của bạn thể hiện qua việc bạn ở bên cạnh, động viên. Và bạn đánh giá cao nỗ lực của trẻ đối với quá trình học hỏi của con cả về thể chất lẫn tinh thần.
Dạy trẻ thông minh sớm là việc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực học hỏi và rèn luyện của cả bạn và trẻ. 10 bước trên đây chỉ là một phần nhỏ trong những cách thức giúp bạn và con thành công. Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và khác biệt. Vì vậy, bạn hãy nhìn vào con mình cũng như dựa vào hoàn cảnh cụ thể của mình để áp dụng những phương pháp dạy con một cách phù hợp nhất.
Theo Time
Lily Nguyễn lược dịch