Dạy trẻ kỷ luật có phải là dùng đòn roi?

Dạy trẻ kỷ luật là một việc mà hầu hết các bậc cha mẹ đều rất muốn thực hiện với con cái. Mục đích của phụ huynh là để rèn luyện trẻ biết sống nề nếp và hướng trẻ trở thành con ngoan trò giỏi. Tuy vậy, nhiều người nhầm lẫn giữa kỷ luật với đòn roi, do đó thực hiện những chiến lược sai lầm, phản tác dụng. Từ đó thay vì dạy trẻ thành con ngoan, thì chúng lại trở nên chống đối và bất trị. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề dạy trẻ kỷ luật này để hiểu đúng và áp dụng đúng đối với con nhé. 

banner ads
Mẹ dạy trẻ kỷ luật
Dạy trẻ kỷ luật là điều cha mẹ nào cũng muốn thực hiện với con cái. Ảnh Internet 

1. Vấn đề kỷ luật đối với trẻ

Dạy trẻ kỷ luật là cách giáo dục giúp trẻ học được cách xử sự nào là đúng, nên làm và cách xử sự nào là sai, không nên thực hiện. Cách dạy này sẽ đạt hiệu quả cao nếu bạn có mối quan hệ gần gũi, yêu thương đối với trẻ.

Tuy nhiên, bạn đừng nhẫm lẫn giữa kỷ luật với đòn roi hay hình phạt bạo lực. Vì hai hình thức này là một biểu hiện của sự bất lực của bạn khi đối mặt với trẻ.

Sự thật thì kỷ luật và các chiến dịch giúp rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ đều mang ý nghĩa tích cực. Nó được xây dựng dựa trên sự trò chuyện, lắng nghe, và chỉ dẫn để hướng trẻ:

  • Nhận biết được đâu là hành vi phù hợp dù là ở nhà mình, nhà bạn bè, nhà trẻ, trường mầm non hay trường học
  • Biết kiểm soát hành vi của bản thân và phát triển các kỹ năng quan trọng như khả năng hòa hợp với người khác
  • Học cách hiểu, quản lý và bày tỏ cảm xúc của mình
Dạy trẻ về hành vi phù hợp
Dạy trẻ kỷ luật là giúp con nhận biết được đâu là hành vi phù hợp. Ảnh Internet

2. Chọn cách tiếp cận với kỷ luật

Kỷ luật không được áp dụng đúng và đủ sẽ khiến trẻ thấy bất an và cha mẹ thì thấy mất kiểm soát.

Ngược lại, kỷ luật quá nghiêm khắc, tiêu cực, cùng với sự không đủ lời khen và phần thưởng phủ hợp, có thể khiến trẻ cư xử tốt nhưng luôn trong trạng thái sợ sệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ sau này cũng như làm chúng dễ bị lo lắng hơn.

Kỷ luật sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu như nó vững chắc và công bằng, nghĩa là bạn đặt giới hạn cũng như hậu quả cho hành vi của trẻ, đồng thời khuyến khích hành vi tốt bằng lời khen ngợi, phần thưởng phù hợp và các chiến lược khác.

Cách tiếp cận kỷ luật của bạn còn phụ thuộc vào phong cách làm cha mẹ của bạn cũng như giai đoạn phát triển và tính khí của trẻ.

  • Bạn cần lưu ý rằng hình phạt về thể lý (như đánh đòn) không dạy được trẻ cách cư xử. Khi cha mẹ sử dụng hình phạt về thể lý, trẻ có nhiều khả năng có hành vi thách thức, lo lắng hoặc trầm cảm. Bên cạnh đó, hình thức phạt này còn làm tổn thương trẻ về cả mặt tình cảm và tinh thần. 
Mẹ nói chuyện với bé gái
Cách tiếp cận kỷ luật của bạn phụ thuộc vào cách làm cha mẹ của bạn và giai đoạn phát triển cùng tính khí của trẻ. Ảnh Internet 

3. Cách áp dụng kỷ luật đối với trẻ theo độ tuổi

Cách bạn dạy trẻ tuân theo kỷ luật sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi của trẻ.

3.1. Đối với trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ làm mọi thứ để kiểm tra sự phát triển các kỹ năng của bản thân. Chúng cũng thích thú khi tạo ra việc gì đó (có thể là việc khiến bạn không mấy dễ chịu). Ví dụ, trẻ sẽ kéo tóc bạn chỉ để xem bạn phản ứng như thế nào.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ không hiểu được hậu quả của việc chúng gây ra cũng như không hiểu được thế nào là đúng sai. Điều này có nghĩa là các hình phạt, hay hậu quả tiêu cực không có tác đụng đối với đối tượng tí hon này.

Thay vào đó, trẻ cần được chăm sóc một cách ấm áp và đầy tình yêu thương của bạn để cảm thấy được an toàn. Vì vậy, khi bé kéo tóc bạn, bạn có thể nói “không” đồng thời hướng dẫn cho bé cách chạm và vuốt tóc bạn một cách nhẹ nhàng. Đối với mỗi “kiểu” hướng dẫn như vậy, bạn có thể phải làm đi làm lại nhiều lần vì trẻ không thể nhớ được cho đến lần tiếp theo thực hiện hành động đó. 

Trẻ nhỏ muốn thử phản ứng của bạn
Trẻ nhỏ có thể kéo tóc hoặc đập vào tay vào mặt bạn chỉ để xem bạn phản ứng thế nào. Ảnh Internet 

3.2. Đối với trẻ mới biết đi

Trẻ mới biết đi là đối tượng đang phải vật lộn với những cảm xúc lớn như thất vọng và tức giận. Kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ ở độ tuổi này mới bắt đầu phát triển và chúng có thể đang trải nghiệm sự độc lập ngày càng tăng của mình.

Bạn có thể giúp trẻ mới tập đi cư xử tốt bằng cách bắt nhịp với cảm xúc của trẻ để điều chỉnh chúng, thay đổi môi trường xung quanh, đánh lạc hướng trẻ và lên kế hoạch trước cho các tình huống thử thách. 

Mẹ bắt nhịp cảm xúc của trẻ
Bạn có thể giúp trẻ mới tập đi cư xử tốt bằng cách bắt nhịp cảm xúc của trẻ để điều chỉnh đúng. Ảnh Internet 

3.3. Đối với trẻ mầm non

Từ 3 tuổi, hầu hết trẻ mầm non đã bắt đầu hiểu được hành vi nào có thể được chấp nhận và hành vi nào không. Chúng sẽ thử các hành vi khác nhau và cư xử theo những cách nhất định hơn một lần khi tìm hiểu về hậu quả.

Bạn có thể giúp trẻ ở độ tuổi này về kỷ luật bằng cách thiết lập ranh giới và thể hiện cho trẻ một cách rõ ràng những hành vi mà bạn muốn thấy. 

Trẻ vừa ăn vừa nghịch bánh
Trẻ độ tuổi mầm non đã hiểu được hành vi nào được chấp nhận hoặc không và chúng sẽ thử hành vi để tìm hiểu về hậu quả. Ảnh Internet 

3.4. Đối với trẻ ở tuổi đi học

Khi đã đi học, hầu hết trẻ sẽ ý thức được về việc thực hiện các hành vi phù hợp ở các môi trường khác nhau ví dụ như ở nhà, ở trường học hay thư viện. Tuy nhiên trẻ vẫn cần được bạn nhắc nhở về các giới hạn cũng như được bạn khen thưởng cho những hành vi tốt. 

Trẻ giúp đỡ mẹ lấy chén
Trẻ đã đi học cần được bạn nhắc nhở giới hạn, đồng thời cũng mong đợi được khen thưởng cho hành vi tốt của mình. Ảnh Internet 

4. 4 bước giúp bạn dạy trẻ tuân theo kỷ luật một cách hiệu quả

Bạn có thể bắt đầu dạy trẻ kỷ luật bằng cách thực hiện 4 bước sau:

4.1. Phân xử dựa trên quy tắc gia đình

Một nơi phù hợp nhất để bắt đầu dạy trẻ kỷ luật chính là môi trường gia đình. Bạn có thể bắt đầu với 4-5 quy tắc, ví dụ như:

  • Chúng ta nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự với nhau
  • Chúng ta chăm sóc người khác
  • Mọi người cùng giúp đỡ nhau làm các công việc nhà
  • Chúng ta giữ gìn đồ dùng của mình

Trẻ em từ 3 tuổi đã có thể giúp bạn đưa ra các quy tắc và nói về lý do tại sao lại cần các quy tắc đó. 

Trẻ lấy bánh cho mẹ
Dạy trẻ giúp đỡ và chia sẻ công việc nhà, biết quan tâm chăm sóc người khác. Ảnh Internet 

4.2. Bạn hãy là tấm gương cho hành vi mà bạn mong đợi

Trẻ nhỏ thường học hỏi bằng cách quan sát những gì bố mẹ hoặc người lớn làm (chứ không phải nói). Bạn hãy thể hiện cho trẻ thấy hành vi mà bạn mong muốn trẻ sẽ thực hiện. Ví dụ, nếu bạn muốn trẻ ngồi ăn nghiêm túc, chính bạn và các thành viên khác trong gia đình hãy ngồi ăn cùng nhau. Việc này vừa tạo nên không khí gia đình đầm ấm, vừa là hình mẫu để trẻ học hỏi.

4.3. Bạn hãy khen ngợi hành vi tốt của trẻ

Khen ngợi là khi bạn nói những gì bạn thích về trẻ hay hành vi của trẻ. Khi trẻ được khen ngợi vì cư xử tốt, trẻ có thể sẽ muốn tiếp tục cách cư xử đó.

Khi khen ngợi trẻ, bạn cần lưu ý nói với trẻ chính xác những gì bạn thích ở hành vi của con, tránh việc khen thái quá hoặc sáo rỗng. Ví dụ, “Ali, mẹ rất thích cách con nói “xin vui lòng” và “cảm ơn” ngay sau đó. Con cư xử thật tuyệt vời.” 

Trẻ vui vẻ với mẹ
Bạn hãy làm gương cho trẻ, khen ngợi con khi con có hành vi tốt. Ảnh Internet 

4.4. Bạn hãy đặt giới hạn và hậu quả rõ ràng

Bạn hãy đưa ra quyết định về hậu quả của việc phá vỡ một quy tắc gia đình. Ví dụ nếu con trai tám tuổi của bạn không hoàn thành việc nhà, bé sẽ không nhận được tiền tiêu vặt của tuần đó.

Bạn cần áp dụng nhất quán hậu quả cho hành vi của trẻ. Việc sử dụng hậu quả theo cùng một cách cho cùng một hành vi mỗi lần sẽ giúp trẻ rút ra được bài học. 

Đặt giới hạn rõ ràng với trẻ
Bạn hãy đặt giới hạn và hậu quả rõ ràng với trẻ. Ảnh Internet 

5. Những lưu ý khi dạy trẻ kỷ luật

Trong quá trình dạy trẻ kỷ luật, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:

  • Bạn hãy thưởng phạt phân minh : thưởng cho hành vi tốt và phạt đối với hành vi chưa đúng mực của trẻ một cách phân minh sẽ giúp trẻ phân biệt được đâu là việc nên làm.
  • Bạn hãy dùng phần thưởng một cách phù hợp : khi muốn thưởng cho những hành vi đáng khen ngợi của trẻ, bạn nên dùng những phần thưởng phù hợp và có ý nghĩa, ví dụ như một buổi dã ngoại, buổi đi chơi công viên hay đến thư viện hoặc nhà sách, một buổi chơi tập thể,…Bạn nên hạn chế dùng vật chất như đồ chơi hay món ăn.
  • Bạn hãy giải thích những quy tắc  mà mình đưa ra hay tại sao bạn áp dụng thưởng phạt đối với trẻ một cách rõ ràng chính là một cách áp dụng kỷ luật với trẻ . Khi trẻ hiểu được lý do, trẻ sẽ thực hiện quy tắc hoặc chấp nhận hình phạt hay hậu quả một cách tự nguyện hơn. 
Mẹ phạt trẻ
Giải thích quy tắc hay tại sao bạn lại áp dụng thưởng phạt trẻ rõ ràng. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy kiên nhẫn trong việc dạy kỷ luật cho trẻ : Vì đây là một quá trình bạn cần thực hiện từng bước một, nó sẽ giúp trẻ dần hình thành nề nếp cũng như duy trì và phát huy chúng một cách vững chắc hơn.
  • Bạn hãy dạy trẻ kỹ năng xử lý vấn đề : Khi trẻ thực hiện một hành vi không tốt, bên cạnh việc áp dụng hậu quả theo quy tắc, bạn hãy giúp con đưa ra giải pháp để xử lý nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thực hiện những hành vi đó. Như vậy, bạn vừa rèn luyện được tính kỷ luật cho trẻ, vừa giúp xử lý tận gốc vấn đề về hành vi của con. 
Dạy trẻ xử lý vấn đề
Dạy trẻ kỹ năng xử lý vấn đề đồng thời, con rèn luyện được tính kỷ luật và bạn thì xử lý được tận gốc vấn đề hành vi của trẻ. Ảnh Internet 

Dạy trẻ kỷ luật là một quá trình lâu dài, và bạn nên bắt đầu ngay từ sớm khi trẻ có thể còn chưa biết đi. Dạy con tính kỷ luật không nghĩa là phải dùng đến đòn roi. Với những cách áp dụng phù hợp ở từng độ tuổi, chắc chắn bạn sẽ rèn luyện được tính kỷ luật cho trẻ có hiệu quả, giúp con từng bước sống có nề nếp và ý thức không những đối với bản thân, gia đình mà còn với cộng đồng xung quanh mình.

Theo Raising Children & Verywell Family

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI