Trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi phổ biến bố mẹ nên dạy cho trẻ

Trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi ngày nay được chú trọng vì lợi ích thiết thực cho trẻ thơ. Trò chơi dân gian không chỉ là mang lại cảm giác thoải mái, vui tươi, dí dỏm cho trẻ, mà thông qua, trẻ còn học hỏi được nhiều điều từ một số yếu tó có tính chất truyền thống, kỹ năng sống và phát triển thể chất trí tuệ nữa. Và trong bài viết này, Yeutre.vn chia sẻ cùng bố mẹ các trò chơi dân gian phổ biến nhất để bố mẹ có thể dạy cho con chơi hoặc cùng chơi với trẻ nhé. 

banner ads

1. Ý nghĩa của trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi

Khi trẻ chơi các trò chơi dân gian thường xuyên, trò chơi sẽ giúp trẻ phát triển toán logic, ngôn ngữ, tìm hiểu nhận thức về môi trường xung quanh, đạo đức, tình cảm, thẩm mỹ... Bên cạnh đó, khi trẻ chơi các trò chơi dân gian, các hoạt động sẽ giúp con phát triển thể chất và sự nhạy bén hơn trong cuộc sống.

Trò chơi dân gian cho thiếu nhi
Trò chơi dân gian cho thiếu nhi rất được quan tâm ngày nay. Ảnh Internet

Tùy theo từng độ tuổi khác nhau sẽ có các trò chơi dân gian phù hợp. Và, cũng tùy từng độ tuổi, cách chơi các trò chơi cũng được giải thích, sắp xếp sao cho trẻ dễ hiểu, dễ tiếp nhận, áp dụng thực hành một cách dễ dàng. 

Ý nghĩa của trò chơi dân gian rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay bị ảnh hưởng bởi công nghệ quá nhiều. Nhờ trò chơi dân gian, trẻ sẽ giảm bớt được sự phụ thuộc hoặc bị chi phối bởi các trò chơi giải trí thời công nghệ hơn. Từ đây, trẻ cũng học hỏi được nhiều thứ một cách lành mạnh, góp phần tích cực hơn cho việc phát triển nói chung cho trẻ sau này. 

Để giúp bố mẹ có thể hướng dẫn hoặc chơi cùng trẻ một số trò chơi phổ biến, dễ dàng, dưới đây là chi tiết một số trò chơi dân gian khá phổ biến mà bố mẹ có thể ôn lại, để dạy con hoặc chơi cùng trẻ nhé. 

2. Một số trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi phổ biến 

Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ sẽ có các cách chơi, và luật chơi thay đổi tương ứng với độ khó của từng độ tuổi khác nhau. 3 trò chơi phổ biến dưới đây sẽ giúp bố mẹ dễ dàng dạy cho trẻ, giải thích cho trẻ thậm chí là chơi cùng con một cách thú vị.

2.1 Trò chơi Cướp cờ

Chuẩn bị một sân bãi bằng phẳng hoặc một không gian trống thoải mái đủ để chơi. Vẽ 1 vòng tròn nhỏ đường kính khoảng 50cm ở giữa, đặt cờ hoặc cành lá hoặc một vật tượng trưng nào đó ở giữa vòng tròn. Vẽ ở mỗi đầu sân chơi 1 vạch ngang làm mốc và có khoảng cách bằng nhau từ vòng tròn đến các vạch ngang. Thông thường, để chơi trò chơi này, có khoảng 10-15 trẻ cùng nhau chơi thì rất vui, song nếu ít người vẫn có thể chơi được. 

Trò chơi Cướp cờ
Trò chơi Cướp cờ dễ khiến cho trẻ có cảm giác phấn khích vui tươi hào hứng. Ảnh Internet

Chia trẻ làm 2 phe (số người bằng nhau) đứng đối diện trước vạch mốc, mỗi phe đếm số thứ tự (đếm to cho đối phương biết). Chọn 1 cháu làm trưởng trò khiển cuộc chơi. Trưởng trò gọi 1 số (ví dụ gọi số 2), hai cháu cùng số 2 chạy thật nhanh lên vị trí cắm cờ. Hai trẻ rình nhau, chờ cho đối phương sơ hở để chớp thật nhanh cờ rồi chạy về đội của mình. Nếu để cho đối phương chạy theo chạm vào người của mình sẽ không được tính điểm. Nếu đối phương không đập vào người của mình thì được tính điểm. Trưởng trò tiếp tục gọi số khác. Hết thời gian quy định phe nào được nhiều điểm thì thắng cuộc.

Trò chơi Cướp cờ luôn khiến cho trẻ cảm thấy hứng thú
Trò chơi Cướp cờ luôn khiến cho trẻ cảm thấy hứng thú. Ảnh Internet

Trường hợp ít người, cũng chia thành 2 đội và cùng tiến lên để chọn thời cơ cướp cờ. Nếu bố hoặc có anh chị cùng chơi với trẻ, thì có thể ưu tiên cho trẻ tiến đến vòng tròn cướp cờ trước và người lớn đuổi theo trẻ sau. 

Trò chơi Cướp cờ không chỉ vui, kích thích trẻ, thúc đẩy trẻ cố gắng dành lấy phần chiến thắng, khiến trẻ thêm linh hoạt, mà còn giúp trẻ biết quan sát. Bên cạnh đó trò chơi cũng giúp trẻ vận động tích cực, rất tốt cho thể chất của trẻ

2.2 Trò chơi Kéo co

Chuẩn bị một chỗ chơi rộng rãi, bằng phẳng, sạch sẽ. Chia trẻ thành hai nhóm chơi có số lượng ngang nhau và tương đối đồng đều về thể lực. Trẻ không đi giày dép khi chơi. Một người điều khiển bằng còi. Vạch một vạch làm ranh giới giữa 2 đội (hoặc giữa 2 trẻ). Sử dụng một sợi dây thừng chắc chắn, dài khoảng 2m. Cột giữa dây thừng một một dây vải để đánh dấu.

Trò chơi Kéo co
Trò chơi Kéo co giúp trẻ phát triển thể lực tốt. Ảnh Internet

Mỗi đội đứng một bên, đối diện với nhau qua vạch ranh giới, chọn một trẻ khỏe nhất đứng đầu hàng, các trẻ đứng sau cùng nắm tay vào dây để kéo, chân đứng ở tư thế chân trước, chân sau hơi choãi nhưng chắc chắn, hai đội đứng thành hàng dọc.

Khi có hiệu lệnh của người điều khiển thì hai đội bắt đầu dùng sức kéo, đội nào kéo được đối phương qua khỏi vạch ranh giới thì đội đó thắng. Toàn đội phải biết hợp lực lại để có được sức mạnh tổng hợp. Trong quá trình kéo, toàn đội phải vừa kéo vừa đồng thanh hô thật to “hò dô ta nào! Hò dô ta nào” hoặc “ đội gấu đen cố lên”.. Để cả đội cùng có động cơ chiến thắng.

Trò chơi Kéo co luôn khiến trẻ phấn khích
Trò chơi Kéo co luôn khiến trẻ phấn khích. Ảnh Internet

Trường hợp ít người chơi, có thể không dùng đến dây thừng mà có đan tay lại vào nhau như móc xích và dùng sức để kéo đối phương lại. Trò chơi Kéo co được xem là một trong những trò chơi dân gian rèn luyện thể lực và tinh thần đồng đội rất tốt cho trẻ. 

2.3 Trò chơi Ô ăn quan

Chuẩn bị khoảng 20 viên sỏi rửa sạch hoặc hạt của một vài loại quả đã rửa sạch làm quân và 2 viên to hơn (khác về hình dạng và màu sắc) để làm quân cái (quan). Vẽ một hình chữ nhật, chiều rộng hình chữ nhật khoảng 40cm, chiều dài khoảng 90cm. Ở 2 đầu hình chữ nhật vẽ hình bán nguyệt. Chia hình chữ nhật thành 10 ô chữ nhật nhỏ. Ô bán nguyệt ở 2 đầu gọi là quan (hay là chỗ để quân cái). Chia đều số quân và số quan cho mỗi người: 10 quân và 1 quan.

Trò chơi Ô ăn quan
Trò chơi Ô ăn quan được nhiều trẻ yêu thích. Ảnh Internet

Đầu tiên, mỗi người xếp vào mỗi ô hình chữ nhật của mình 2 quân và một quan. Sau đó chơi oẳn tù tì để chọn người được đi trước. Người chơi đầu tiên bốc quân trong một ô tùy theo sự tính toán của mình rồi rải vào mỗi ô một viên theo chiều đi bên phải hoặc bên trái cho đến hết lượt. Khi rải hết quân trên tay đến đâu lại bốc quân của ô kế tiếp mà rải. Nếu rải đến ô cuối cùng mà gặp ô tiếp đến là ô cái thì không được rải nữa, mà phải nhường quyền cho người đối diện chơi.

Nếu rải đến ô cuối cùng mà gặp ô tiếp đến là ô trống thì được quyền ăn những ô tiếp liền của ô trống này. Nếu tiếp đến theo ô vừa ăn là ô trống và liền kề lại là ô có quân thì người chơi lại được ăn liên tục một ô nữa (kế ô cái), có thể ăn 1 lúc liên hoàn nhiều ô nếu biết tính toán cách đi thông minh.

Trò chơi Ô ăn quan giúp trẻ phát triển trí thông minh
Các bé đang tập trung chú ý chơi trò chơi Ô ăn quan - trò chơi luôn khiến nhiều trẻ hứng thú nhất là các trẻ yêu thích tính toán hay môn toán. Ảnh Internet

Trò chơi Ô ăn quan được xem là một trò chơi thử tài tính toán và trí thông minh của trẻ. Mặt khác, đây cũng là một trong các trò chơi dân gian vô cùng thú vị để giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và trí lực. Trò chơi này chỉ cần 2 người là đã có thể chơi. Nếu có thời gian, bố mẹ hãy chơi cùng trẻ nhé. Để kích thích trẻ, bố mẹ có thể chọn quân bằng những viên sỏi đẹp bắt mắt. Cho trẻ tự chọn màu sắc quân theo ý thích của mình, chắc chắn trẻ sẽ rất hứng thú.

Trò chơi dân gian cho thiếu nhi ngày càng được phổ biến, sau một khoảng thời gian rất dài gần như bị lãng quên nhất là trong đời sống phố thị, đầy rẫy những phương tiện giải trí hiện đại. Ngày nay, nhằm giúp trẻ hứng thú hơn với các trò chơi dân gian, có rất nhiều trò chơi dân gian sáng tạo dựa trên nền tảng trò chơi truyền thống đã có, giúp trẻ có thể được chơi nhiều hơn, được học nhiều hơn, phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau một cách linh động. Chính các yếu tố này đã góp phần làm cho trò chơi dân gian sống lại, không chỉ để trẻ có cơ hội biết về nét đẹp văn hóa giải trí truyền thống, tô đẹp tuổi thơ của trẻ với các ký ức hồn nhiên dễ thương khoáng đạt, mà còn là phương tiện để con phát triển thể chất và trí tuệ, theo hướng lạnh mạnh hiệu quả từ những lợi ích rất tuyệt vời do trò chơi dân gian mang lại.

Nữ Phạm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI