Theo thống kê của các bệnh viện Nhi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước cho biết, có khoảng 50% số trẻ khi khám bệnh là khám về thần kinh so với các bệnh khác. Trong đó, tỉ lệ khám do có biểu hiện bất thường liên quan đến thần kinh như đau đầu, động kinh chiếm không nhỏ. Tỉ lệ này cho thấy, vấn đề về thần kinh của trẻ cũng rất đáng lo ngại và phải quan tâm, không kém các căn bệnh phổ biến khác mà trẻ gặp phải.
Động kinh là căn bệnh liên quan đến não bộ, khiến cho bệnh nhân dễ tái phát những cơn co giật không rõ nguyên nhân. Căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, điều đáng ngại bệnh động kinh đang ngày càng có chiều hướng gia tăng ở trẻ em. Vậy nguyên nhân gây bệnh này do đâu, biểu hiện cụ thể về bệnh như thế nào, cách điều trị ra sao và có thể phòng chống hay không...các bố mẹ hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé.
1. Nguyên nhân của bệnh động kinh
Động kinh là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các rối loạn có tính chất là co giật tái phát, do những sóng điện bất kỳ của tế bào thần kinh trong não bộ gây ra.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh động kinh ở trẻ em. Hiện nay các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh đã thống kê được một số nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh động kinh ở trẻ như sau:
- Dị tật bẩm sinh ở não, màng não.
- Sang chấn trong sản khoa như vỡ nước ối, trẻ ngạt thở gây tổn đến não bộ ở trẻ.
- Các bệnh lý về mạch máu não gây viêm màng não hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
- Các rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hóa, hạ đường huyết ở trẻ.
- Phát hiện trẻ có khối u trong não .
- Động kinh do trẻ sốt cao. Trong trường hợp này cơn động kinh sẽ chấm dứt sau khi trẻ hết sốt.
2. Dấu hiệu của bệnh động kinh ở trẻ
Triệu chứng nhận biết trẻ có dấu hiệu sắp động kinh gồm: trẻ thay đổi sắc khí, nét mặt thờ ơ, đau đầu, cứng người, lên cơn trật cơ thường xảy ra trong một vài phút đến một vài giờ.
Theo hiệp hội chống động kinh của quốc tế dựa vào các triệu chứng lâm sàng chia làm các loại động kinh như sau:
- Cơn co giật xảy ra hiện tượng giật mình nếu xảy ra ở 2 tay, trẻ thường làm rớt đồ vật, nếu ở 2 chân thường trẻ bị khụy xuống nhưng mà ít bị té xảy ra, có thể có nhiều cơn trong một ngày.
- Cơn co cứng toàn thân và mất ý thức, trong lúc mất ý thức có thể gây nên té, cắn vào lưỡi hoặc chấn thương, sau cơn có sự rối loạn ý thức nhẹ.
- Cơn co cứng và co giật có đặc trưng là mất ý thức đột ngột, gồng cứng khoảng vài chục giây đến 1 phút, lên cơn co giật khoảng 2-3 phút, tiếp theo là hôn mê. Trong cơn động kinh, bệnh nhân có thể tiêu tiểu trong quần, có thể cắn môi và cắn lưỡi mạnh. Sau cơn, có một số bệnh nhân lên cơn co giật tiếp theo, lú lẫn mệt đừ, buồn ngủ, đau mỏi cơ.
- Cơn mất trương lực là trẻ mất trương lực toàn thân, đang đi có thể bị té ngã xuống, đang ngồi có thể bị tụt xuống ghế, cơn này thường dễ bị chấn thương nhưng không rối loạn tri giác.
3. Cách điều trị bệnh động kinh
Khi phát hiện trẻ lên cơn động kinh cần xử lý tại chỗ ngay lập tức:
- Giữ trẻ ở tư thế an toàn, đỡ đầu, kê gối hoặc vật mềm nơi gáy, dùng gạt đè lưỡi hoặc cây đè lưỡi đè giữa 2 hàm răng cho bệnh nhân, tránh tình trạng cắn vào môi, vào lưỡi, giữ và nắn bóp chân tay.
- Không nên nhỏ chanh vào miệng trẻ vì trong trường hợp này trẻ mất ý thức, nước chanh có thể chảy ngược vào phổi.
- Muốn trẻ tỉnh nên ấn vào huyệt nhân trung và dũng tuyền ở giữa lòng bàn chân để lay trẻ tỉnh dậy.
- Khi cơn động kinh qua đi, nên đưa trẻ đi khám.
Để xác định trẻ có mắc bệnh động kinh hay không, các bác sĩ tiến hành khám bệnh và chẩn đoán bệnh. Mục đích điều trị hiện nay chủ yếu là cắt cơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ để hạn chế các cơn động kinh có thể xảy ra. Thường, bác sỹ sẽ dùng thuốc theo từng cơn động kinh của trẻ. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà bác sỹ có phương án điều trị phù hợp nhất. Theo thống kê xấp xỉ 70% trẻ động kinh có thể hoàn toàn khỏi bệnh và có chất lượng cuộc sống như bình thường.
4. Phòng ngừa bệnh động kinh ở trẻ
Hầu hết bệnh động kinh không rõ nguyên nhân nên rất khó có cách phòng ngừa phù hợp cụ thể nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp động kinh do tổn thương ở não , hoặc do các bệnh lý khác gây ra, với nguyên nhân này thì vẫn có cách phòng ngừa tương ứng.
Phòng ngừa trẻ động kinh một cách chủ động trong khả năng có thể là việc bố mẹ nào cũng nên làm và làm được cụ thể như:
- Tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh gây nên tổn thương não ở trẻ như các bệnh viêm màng não , viêm màng não nhật bản...
- Hạn chế để trẻ sốt quá cao không kiểm soát được dễ gây nên động kinh.
5. Dinh dưỡng cho trẻ động kinh và một số lưu ý khác
5.1 Dinh dưỡng
Đối với bệnh động kinh ngoài vấn đề điều trị, vấn đề chăm sóc hết sức quan trọng. Mẹ cần:
- Bổ sung trong khẩu phần ăn của trẻ các thực phẩm nhiều canxi, protein, ăn nhiều các thực phẩm xanh như rau, củ, quả... và tăng cường vitamin E . Các thực phẩm này sẽ giúp trẻ kiểm soát tốt cơn động kinh.
- Cần giảm các thực phẩm quá béo, cay, nóng, nhiều muối.
Mẹ luôn theo dõi và thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, thật tốt cho trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ có sức khỏe tốt còn là cơ sở để giúp con có thể lực tốt, góp phần hạn chế các cơn động kinh.
5.2 Một số lưu ý quan trọng khác khi chăm sóc trẻ động kinh
Ngoài dinh dưỡng, bố mẹ cũng nên lưu ý những điều sau đây để giúp con kiểm soát, hạn chế cơn động kinh cũng như có thái độ sẵn sàng ứng phó để bảo đảm an toàn cho mình hơn khi biết các cơn động kinh chuẩn bị xảy ra:
- Giữ cho trẻ có tinh thần sảng khoái, tránh tình trạng căng thẳng, xúc động mạnh. Hướng dẫn trẻ biết kềm chế sự giận dữ, dễ bị kích động. Điều này giúp con giảm thiểu được mức độ của cơn động kinh, cũng như giảm được tần suất các cơn động kinh.
- Khuyến khích trẻ vận động ngoài trời ở những nơi an toàn, tập một môn thể thao yêu thích, phù hợp với thể trạng.
- Tùy từng độ tuổi, bố mẹ có thể giải thích sơ qua về bệnh động kinh để con có hiểu biết nhất định về bệnh của mình. Từ đó con cũng biết cách ứng phó khi có cảm nhận về một cơn động kinh có thể sắp xảy ra.
- Khuyến khích con rèn luyện ý trí để tạo phản xạ ứng phó với cơn động kinh.
- Bố mẹ hướng dẫn con một số cách tự xử lý tức thời khi cảm nhận có thể cơn động kinh sắp xảy ra như: nhanh chóng tới vị trí an toàn nhất gần nhất nơi mình đang đứng có thể, quan sát nhanh nơi mình đang đứng để tránh những chỗ có đồ vật không an toàn có thể gây hại cho mình nếu có khả năng bị té xuống mạnh không thể kiểm soát khi cơn động kinh xảy đến.
Trẻ động kinh cản trở nhiều đến cuộc sống thường ngày và tiến trình phát triển của con. Vì vậy, nếu con không may mắc bệnh, bố mẹ cần chăm sóc đúng cách , kiên trì đồng hành với con trong thái độ tích cực, cho con điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng hơn đến tâm sinh lý ở trẻ. Còn lại, bất kỳ phụ huynh nào, cũng nên cẩn trọng trong quá trình chăm sóc con, để phòng chống động kinh cho trẻ từ những việc rất đơn giản như cần tiêm ngừa vaccine phòng các bệnh có khả năng gây ra động kinh, giảm sốt ngay và đúng cách cho con không để con sốt cao kéo dài bố mẹ nhé.
Nữ Phạm tổng hợp