1. Tại sao trẻ thường bị ho trong mùa lạnh
Ho là một trong những biện pháp phòng vệ quan trọng nhất của cơ thể để chống lại các căn bệnh về đường hô hấp. Trong quá trình đường hô hấp bị nhiễm trùng, chất nhầy được tiết ra vào đường thở như là một phần của phản ứng với tình trạng viêm nhiễm, và ho giúp đẩy chất nhầy này ra ngoài giúp đường thở của trẻ được thông thoáng.
Chúng ta thường thấy vào mùa lạnh trẻ hay bị ho do một số nguyên nhân sau:
- Mùa lạnh là thời điểm thuận lợi cho các chủng virus cúm phát triển mạnh (có hơn 200 loại virus cảm cúm khác nhau) nên nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh là rất cao. Vì trẻ không có khả năng miễn dịch với tất cả các loại virus đó cho tới khi trẻ bị nhiễm chúng. Việc bị cảm cúm có thể khiến trẻ bị ho và sổ mũi trong một khoảng thời gian nhất định (vài hoặc nhiều ngày).
- Thời tiết lạnh và khô khiến mũi của trẻ phản ứng để tự bảo vệ bằng cách tiết nhiều chất nhầy hơn nhằm giúp duy trì độ ẩm và việc này khiến trẻ dễ bị ho hơn.
2. Bạn có thể làm gì để giúp trẻ bớt bị ho khi trời lạnh
Để giúp trẻ bớt ho và thấy dễ chịu hơn bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Giữ cho mũi trẻ thông thoáng nhất có thể (bằng cách nhỏ mũi hoặc rửa mũi bằng nước muối sinh lý ), vì tình trạng nghẹt và sổ mũi có thể làm cho cơn ho trở nên tồi tệ hơn.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí để duy trì độ ẩm giúp đường thở của trẻ không bị khô.
- Bổ sung nhiều chất lỏng cho trẻ.
- Trà ấm không chứa caffein cũng có thể giúp làm giảm ho cho trẻ, nếu trẻ không chịu uống trà hãy cho con thử một viên kem mát lạnh.
- Cho trẻ (trên 1 tuổi) uống 1 thìa mật ong trước khi ngủ để giảm đau họng do ho.
- Cho trẻ dùng tylenol hoặc ibuprofen nếu con bị sốt (không cho trẻ nhỏ uống thuốc cảm vì nó không hiệu quả và có thể gây nguy hiểm cho trẻ).
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết hỉ mũi, bạn hãy nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý và dùng dụng cụ để hút mũi cho con.
3. Khi nào bạn nên lo lắng đối với tình trạng trẻ bị ho
Với cả trường hợp trẻ bị ho mùa lạnh nói riêng, trẻ bị ho nói chung bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu tình trạng ho của trẻ diễn ra như sau:
- Trẻ bắt đầu ho trong vài tuần đầu đời
- Trẻ ho trong lúc không ăn uống gì
- Trẻ ho kéo dài
- Trẻ ho ngày càng nặng hơn khi kéo dài tới tuần thứ ba
- Trẻ bị khó thở
- Trẻ bị đổ mồ hôi đêm, giảm cân, ho ra máu
- Trẻ ho khan hoặc ho có đờm nhưng không khò khè hay thở nhanh dù ngày hay đêm
Nếu trẻ bị ho và nghẹt mũi hơn 10 không cải thiện bạn cũng nên đưa trẻ đi gặp bác sỹ vì có khả năng con bị các bệnh khác về đường hô hấp như:
- Hen suyễn
- Viêm xoang (một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập khi bị cảm lạnh)
- Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV – một bệnh nhiễm virus gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh)
4. Các bệnh lý khác có triệu chứng ho bạn cần lưu ý
Ngoài cảm cúm và các bệnh về đường hô hấp phổ biến, bạn cần chú ý quan sát và theo dõi trẻ để nhận biết được các triệu chứng khác đi kèm có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác, bao gồm:
- Trẻ bị ho khan vào ban đêm kèm theo khó thở : đây có thể là biểu hiện của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp. Trước khi tiến triển thành ho khan , trẻ có thể bắt đầu bằng cảm lạnh thông thường hoặc sụt sịt trong vài ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và cải thiện dần trong 3-4 ngày sau cơn ho khan đêm đầu tiên. Nếu không, bạn cần đưa con đến gặp bác sỹ để được kiểm tra.
- Trẻ bị ho, sổ mũi kèm theo sốt nhẹ, mất cảm giác ngon miệng : trẻ có thể bị viêm phế quản. Căn bệnh này cũng thường có biểu hiện ban đầu giống như cảm lạnh và đôi khi khó phân biệt với tình trạng hen suyễn. Nếu trẻ không gặp vấn đề gì về đường thở cũng như không sốt cao, bạn có thể chăm sóc con tại nhà bằng cách cho con uống nhiều chất lỏng, nghỉ ngơi nhiều và dùng máy làm ẩm không khí. Tuy nhiên bạn cần theo dõi trẻ thật kỹ và đưa con đến cơ sở y tế ngay nếu thấy con thở nhanh (50 nhịp thở mỗi phút hoặc hơn) vì có khả năng con bị suy hô hấp.
- Trẻ bị ho khan thường xuyên , lưỡi thè ra, mắt lồi và mặt đổi màu khi ho mà không kèm theo triệu chứng cảm lạnh hay bị sốt : đây là biểu hiện tiêu biểu của bệnh ho gà, một căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Trẻ mắc bệnh ho gà nếu không điều trị kịp thời hay đúng cách, bệnh nặng lên có thể gây tử vong. Một điều đáng mừng là căn bệnh này có thể phòng ngừa bằng vaccine. Vì vậy bạn nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh.
- Trẻ ho có đờm xanh hoặc vàng kèm mệt mỏi và sốt : trẻ có thể bị viêm phổi.
- Trẻ ho kèm thở khò khè , co thắt ngực, bắt đầu với triệu chứng cảm lạnh, ngứa và chảy nước măt : trẻ có thể bị hen suyễn. Bệnh hen suyễn ở trẻ cần được thăm khám và can thiệp y tế sớm vì nó ảnh hưởng tới khả năng thở của trẻ, vì vậy bạn nên đưa con đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.
- Trẻ đột ngột ho khi ăn hay chơi những món đồ chơi nhỏ, hoặc ho một vài cơn lúc ban đầu sau đó là ho dai dẳng hoặc khò khè nhẹ trong một vài ngày sau đó mà không kèm theo bất kì triệu chứng cảm lạnh nào, hoặc không có tiền sử bị cảm lạnh hay bệnh đường hô hấp gần đây: trẻ có khả năng bị mắc dị vật. Viêm phổi cũng có thể là kết quả của việc thức ăn bị mắc kẹt trong phổi của trẻ. Trong số các loại thực phẩm thì đậu phộng là thủ phạm phổ biến nhất.
Khi bạn nhận thấy trẻ có các biểu hiện như trên, hãy đưa con đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế sớm nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Vì những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ nếu không được can thiệp đúng lúc.
Trẻ bị ho mùa lạnh nếu không kèm theo các triệu chứng khác hoặc các vấn đề về đường thở thì bạn không nên quá lo lắng. Đó có thể chỉ là một cơn cảm mạo thông thường, hoặc là phản ứng của hệ thống hô hấp của trẻ với sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì vậy mà chủ quan, hãy luôn quan sát trẻ để nhận biết được bất kỳ biểu hiện bất thường nào nhằm can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, hãy thực hiện các cách chăm sóc trẻ mùa lạnh thật tốt nhằm giúp con đủ sức khỏe để vượt qua mùa lạnh một cách bình an và vui vẻ, bạn nhé.
Theo CHLA & Parents
Lily Nguyễn tổng hợp