Trẻ sơ sinh bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do viêm đường hô hấp. Trong một số trường hợp nguy hiểm, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị đúng cách và kịp thời.

1. Trẻ sơ sinh bị sốt

Sốt là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Sốt không phải là bệnh, mà chỉ là một dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh khác. Điều đó có nghĩa là khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công, hệ thống đề kháng sẽ khởi động, từ đó khiến thân nhiệt tăng cao và gây sốt. Và như thế, sốt hoàn toàn có lợi cho cơ thể.

Thực tế, khi trẻ sơ sinh bị sốt nhẹ, việc duy nhất chúng ta cần làm là theo dõi các biểu hiện và chăm sóc đúng cách. Có thể dùng thuốc hạ sốt nếu cần. Trong trường hợp trẻ sốt cao nhưng vẫn chơi đùa, hành động nhanh nhẹn… thì chỉ cần uống thuốc hạ sốt hoặc làm mát là được. Nếu cần sử dụng kháng sinh, phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

trẻ sơ sinh bị sốt
Sốt là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, ba mẹ không nên quá lo lắng. Ảnh Internet

1.1. Dấu hiệu nhận biết

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ đang bị sốt khi có các dấu hiệu sau:

  • Mặt, 2 bên má đỏ bừng hoặc hơi tái.
  • Mắt của trẻ giảm sự nhanh nhẹn.
  • Trẻ hay quấy khóc, ngủ nhiều, mệt mỏi.
  • Sốt, nóng ở trán, bàn tay, bàn chân.
  • Sử dụng nhiệt kế để đo là cách chính xác nhất để biết trẻ nhỏ bị sốt hay không.

1.2. Đánh giá mức độ sốt của trẻ

Cơ thể người có nhiệt độ trung bình là 37 độ C. Có một số người lại có thân nhiệt cao hoặc thấp hơn 37 độ C. Tuy nhiên, cho dù trên hoặc dưới 37 độ C thì cũng lấy theo mức nhiệt độ trung bình để đo. Ví dụ, người đó có thân nhiệt bình thường là 36.5 độ C thì khi đo được 37 độ C tức là người đó bị sốt nhẹ.

Để đánh giá trẻ bị sốt ở mức độ nào, cha mẹ nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ ở nách của trẻ:

  • Nhiệt độ trên 37.5 độ C: Trẻ bị sốt.
  • Nhiệt độ từ 37.5 độ C – 38.5 độ C: Sốt nhẹ.
  • Nhiệt độ từ 39 độ C – 40 độ C: Sốt cao.
  • Nhiệt độ trên 40 độ C: Sốt rất cao.
Đo nhiệt độ
Đo nhiệt độ là một trong những biện pháp xác định trẻ có bị sốt hay không. Ảnh Internet

2. Nguyên nhân gây sốt ở trẻ sơ sinh

2.1. Nhiễm trùng

Phần lớn sốt là do nhiễm trùng. Một số bệnh thông thường gây sốt là viêm họng, viêm Amygdales, viêm tai, sốt phát ban, nhiễm trùng đường tiểu… Sốt cũng có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm phế quản sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn huyết…..

2.2. Tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ thường gặp nhất là sốt, đau và sưng nóng quanh vị trí tiêm. Tuy nhiên, tình trạng này nếu có cũng chỉ kéo dài 1,2 ngày, ba mẹ không nên quá lo lắng.

Tỉ lệ trẻ có phản ứng nặng sau khi tiêm là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu trong những trường hợp trẻ có phản ứng như sốt cao hơn 39 độ C, co giật, tím tái, khó thở, suy chức năng thận, hô hấp,… thì ba mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.

2.3. Mặc quá nhiều quần áo

Trẻ nhỏ rất dễ bị sốt nếu ở trong một môi trường nóng hoặc bị ủ quá kín. Nguyên nhân là do trẻ chưa thể tự điều tiết thân nhiệt của mình.

Trong những trường hợp như mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ. Nếu thân nhiệt của trẻ cao hơn 37,8 độ C thì nguyên nhân không phải do mọc răng.

2.4. Một số bệnh khác

Sốt có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết,… Trẻ thường sốt cao và rất mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như: rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, tím tái, ngủ li bì, vật vã hay hôn mê. Những tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

tiêm chủng
Khi tiêm chủng, một số trẻ có biểu hiện sốt, điều này là bình thường ba mẹ không nên lo lắng .Ảnh internet.

3. Cách xử trí và chăm sóc trẻ sơ sinh bị sốt

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi bị sốt cao liên tục, 39 – 40 độ C, do hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm nên nếu không xử trí kịp thời trẻ có thể bị co giật, thiếu oxy não. Vì vậy, cha mẹ phải liên tục theo dõi thân nhiệt của trẻ để có thể xử trí kịp thời, phòng trẻ sốt cao bị co giật.

3.1. Khi trẻ sơ sinh bị sốt nhẹ

Nhiệt độ đo được là từ 37,5 độ C – 38,5 độ C thì cha mẹ chỉ cần nới lỏng, cởi bớt quần áo của trẻ. Lúc này, trẻ chưa cần dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần được cho uống nhiều nước. Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ thì có thể cho trẻ bú nhiều hơn. Đặc biệt lưu ý, cha mẹ cần tránh để trẻ ở nơi có gió lùa và tiếp tục theo dõi thân nhiệt của trẻ.

3.2. Khi trẻ sơ sinh bị sốt cao

Sốt trên 38,5 độ C thì cha mẹ cần cởi bớt quần áo và cho trẻ mặc quần áo mỏng, mềm, thoáng, rộng rãi, thoải mái. Giảm nhiệt độ trong phòng trẻ bằng cách mở cửa , bật quạt nhẹ. Lúc này, trẻ cần được cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol dành cho trẻ nhỏ …. Thuốc hạ sốt này dễ sử dụng và giúp hạ sốt nhanh.

Sau khi uống 30 phút và các tác dụng trong vòng 4 – 6 giờ, thuốc ít có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý cho trẻ uống đúng liều lượng/cân nặng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp trẻ không uống được, có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn. Nhưng nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì không nên dùng thuốc dạng viên đặt này.

Tuyệt đối, không được cho bé uống aspirin, vì thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm.

trẻ sơ sinh uống thuốc
Chỉ có trẻ sơ sinh uống thuốc khi đã có chỉ định của bác sĩ. Ảnh Internet

3.3. Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt

Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt là tình trạng tương đối nguy hiểm. Lúc này, ba mẹ nên để ý tới con một cách thường xuyên. Nếu nhiệt độ cơ thể con từ 38 độ C trở lên thì cần đưa trẻ đến bệnh viện. Tuyệt đối không sử dụng các thuốc hạ sốt, trừ khi có yêu cầu của bác sĩ.

Trong quá trình thăm khám nếu trẻ không bị sốt do cảm cúm hoặc sốt siêu vi thông thường thì trẻ sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm để kiểm tra xem con có bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc chọc ống sống thắt lưng để xem bé có bị viêm màng não hay không.

4. Những việc không nên làm khi trẻ sơ sinh bị sốt

4.1. Chườm lạnh, dán miếng hạ sốt

Nếu trẻ bị sốt mà ba mẹ không muốn con cho uống hạ sốt thì tuyệt đối không nên dùng các biện pháp vật lý mà nhiều người vẫn hay áp dụng như chườm lạnh, bôi dầu, dán miếng hạ sốt… Phương pháp này có thể giúp trẻ hạ sốt 1 giờ đầu nhanh hơn, nhưng sau trẻ sẽ sốt quay trở lại. Bôi dầu hay dùng miếng dán còn làm hại làn da của trẻ sơ sinh.

Trong trường hợp nếu trẻ sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, thì khi chườm lạnh sẽ làm bệnh càng trở nên trầm trọng khiến trẻ dễ nhiễm lạnh và viêm phổi.

4.2. Uống thuốc hạ sốt sớm khi trẻ mới bị sốt

Các bậc cha mẹ lưu ý không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ vẫn dưới 38,5 độ. Khi trẻ đang sốt nhẹ ở mức 37.5 – 38.5 độ C, cha mẹ chỉ cần cởi bớt quần áo. Cho bé uống nhiều nước hơn hoặc bú mẹ nhiều hơn.

Việc tự ý sử dụng các loại thuốc hạ sốt khi trẻ chỉ bị sốt nhẹ thì hiệu quả cũng không đáng kể và còn có nhiều nguy cơ có tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan. Bên cạnh đó, truyền dịch cho trẻ lúc này chỉ được bác sĩ chỉ định đối với trẻ bị mất nước nặng và được thực hiện trong cơ sở y tế.

4.3. Cha mẹ tự chia liều nhét hậu môn

Paracetamol hấp thu nhiều qua trực tràng. Vì thế mà nhét hậu môn có nhược điểm là hấp thu thất thường. Nếu trong trực tràng có phân sẽ có ít tác dụng. Với liều lượng nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn là liều cố định. Không được tùy ý bẻ hay nhét 2 – 3 viên vào cùng một lúc.

Hiện các viên đặt có liều lượng khác nhau, tùy vào trọng lượng cơ thể của trẻ mà bác sĩ sẽ kê sao cho phù hợp. Cha mẹ không nên coi việc dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn là giải pháp thường xuyên để hạ sốt cho trẻ. Mỗi ngày không nên dùng thuốc quá 2 lần, nên xen kẽ giữa các lần dùng thuốc uống và thuốc đặt để đảm bảo việc hạ sốt cho trẻ.

hạ sốt cho trẻ
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng khi trẻ không thể uống được thuốc. Ảnh Internet

4.4. Tránh sử dụng thuốc động kinh khi trẻ sơ sinh bị sốt

Có rất nhiều trường hợp khi thấy trẻ sốt cao bị co giật là bố mẹ đã cho con uống thuốc hạ sốt khi mới 38 độ hoặc xin bác sĩ kê đơn thuốc động kinh, thuốc an thần để không gây hại hay ảnh hưởng đến não của trẻ.

Qua quá trình theo dõi lâu dài cho thấy việc này không ảnh hưởng đến não của trẻ. Do đó bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc động kinh.

5. Sốt do vi khuẩn khác với sốt do virus

Một điều quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị sốt là ba mẹ cần phân biệt được sốt do vi khuẩn và sốt do virus. Cụ thể:

  • Sốt do virus xảy ra khi cơ thể trẻ phản ứng với bệnh do virus gây ra. Chẳng hạn như các bệnh về đường ruột, bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Sốt virus thường có xu hướng giảm dần trong 3 ngày. Các loại thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả với virus, do đó không được kê đơn trong trường hợp này.
  • Sốt do vi khuẩn xảy ra khi cơ thể trẻ phản ứng với nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Chẳng hạn như nhiễm trùng tai (có thể do vi khuẩn hoặc virus), nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm phổi do vi khuẩn. Sốt do vi khuẩn thường ít phổ biến hơn, tuy nhiên nó lại khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì nó có thể đưa đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác. Thuốc kháng sinh thường được dùng trong trường hợp này. Nếu trẻ sơ sinh bị sốt hơn 3 ngày, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi bác sĩ khám để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.
Trẻ bị sốt do vi khuẩn
Trẻ bị sốt do vi khuẩn khác với sốt do virus. Ảnh Internet

Ba mẹ cần chú ý quan sát những dấu hiệu khi trẻ sơ sinh bị sốt để đưa trẻ đi khám cũng như được kịp thời. Ngoài ra, do trẻ sơ sinh là đối tượng nhạy cảm nên việc kết hợp với chăm sóc, vệ sinh cho trẻ trong thời gian bị sốt là vô cùng cần thiết. Đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của trẻ.

Lê Linh tổng hợp