Cách chăm sóc trẻ mùa lạnh và những điều cơ bản cha mẹ cần lưu ý

Cách chăm sóc trẻ mùa lạnh là việc các cha mẹ rất nên quan tâm khi chúng ta đang bước vào những tháng cuối năm, thời điểm mà mùa lạnh đang cận kề. Dù thời tiết ở các khu vực không phải lúc nào cũng giống nhau, nhưng những điểm chung cơ bản về bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi trời trở lạnh thì đều cần được cha mẹ nắm rõ. 

banner ads

Cách chăm sóc trẻ trong mùa lạnh
Cách chăm sóc trẻ trong mùa lạnh đúng cách là việc các cha mẹ cần quan tâm. Ảnh Internet 

1. Vào mùa lạnh, trẻ nên được mặc quần áo ấm như thế nào?

Chúng ta thường nghĩ rằng để giúp giữ ấm cho trẻ thì cần mặc thật nhiều quần áo ấm cho con, tuy nhiên trong cách chăm sóc trẻ mùa lạnh, thì điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tùy thuộc vào thời tiết và nhiệt độ hoặc khu vực dự định đưa trẻ tới mà bạn nên cho trẻ mặc đồ ấm một cách phù hợp, cụ thể đó là:

  • Bạn hãy mặc đồ ấm cho trẻ theo nhu cầu của con : bạn hãy mặc cho trẻ thêm một lớp quần áo ấm so với số lớp quần áo mà người lớn mặc, trong cùng điều kiện thời tiết hoặc cùng khu vực định đến.
  • Bạn hãy hạn chế tối đa phần da thịt trẻ tiếp xúc với không khí lạnh : trong cùng một điều kiện thời tiết, sức chịu đựng của trẻ nhỏ không giống như người lớn. Vì vậy bạn nên hạn chế thời gian ở ngoài trời của trẻ trong những ngày quá lạnh.
  • Bạn hãy đừng quên trang bị các “phụ kiện” mùa lạnh cho trẻ : một đôi ủng ấm, găng tay và mũ có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong việc giúp trẻ thấy dễ chịu trong thời tiết lạnh. Và, mùa lạnh đến bạn đừng quên cho trẻ mang những món đồ bé xinh này. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý che phủ tai cho bé thật kỹ nữa nhé. 
Trẻ mặc ấm mùa lạnh
Bạn đừng quên cho trẻ đi ủng ấm đeo găng tay và đội mũ ấm khi mùa lạnh về nhé. Ảnh Internet 

2. Cách chăm sóc trẻ mùa lạnh đúng giúp trẻ tránh được bệnh theo mùa

Chúng ta vẫn nghe đồn đại rằng thời tiết lạnh sẽ khiến trẻ bị cảm cúm , nhưng sự thật lại không phải như vậy. Bệnh cảm cúm là do virus gây ra, và chẳng qua trẻ vô tình bị nhiễm virus trong thời tiết lạnh nên bị cảm mà thôi.

Loại virus này rất dễ lây lan trong trường học hay khi trẻ tiếp xúc với nước bọt có virus do người bị cảm hắt hơi vào không khí.

Để tránh bị cảm khi trời lạnh, bạn hãy chăm sóc trẻ đúng bằng cách giúp:

  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch : việc này sẽ giúp giảm sự phát tán của virus cũng như hạn chế nhiễm phải chúng.
  • Dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi : bạn hãy dạy trẻ gập khuỷu tay và che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh bắn nước bọt hoặc nước mũi ra không khí, hạn chế phát tán virus trong trường hợp trẻ bị cảm.
  • Tiêm phòng cúm : bạn hãy tiêm phòng cúm cho trẻ để giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này. 
Trẻ hắt hơi
Hãy dạy trẻ và nhắc để con ghi nhớ che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Ảnh Internet 

3. Giúp trẻ chơi đùa một cách an toàn trong thời tiết lạnh như thế nào?

Trẻ em rất hiếu động và mải chơi. Chúng có thể chơi đùa hàng tiếng đồng hồ mà không quan tâm đến thời tiết. Vì vậy bạn nên giám sát trẻ cẩn thận để đảm bảo sự an toàn khi chúng chơi đùa. Bạn hãy chú ý những điểm sau:

  • Hãy trang bị đủ đồ ấm và phụ kiện cho trẻ (theo nguyên tắc đã đề cập ở trên) trước khi con ra ngoài chơi. Ngoài ra, bạn cần thường xuyên kiểm tra xem trẻ có bị ướt hay bị đổ mồ hôi nhiều hay không. Nếu có, hãy thay quần áo khô cho trẻ.
  • Hãy bôi kem chống nắng cho con : trời lạnh không có nghĩa là không có tia cực tím. Nếu trẻ ở ngoài trời, bạn hãy bôi kem chống nắng (loại dành cho trẻ em) để bảo vệ da con trước tác hại của tia cực tím.
  • Hãy cẩn thận với việc đốt lửa : một trò chơi khá thú vị trong thời tiết lạnh đó là đốt lửa trại, tuy nhiên những thanh gỗ cháy, khói, than nóng và bụi than có thể gây nguy hiểm cho trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu bạn và trẻ ở trong khu vực có đốt lửa, hãy dựng rào chắn và giữ các dụng cụ mồi/ thổi lửa ở khoảng cách an toàn đối với trẻ. 
Trẻ gần đống lửa
Hãy chú ý đến độ an toàn của trẻ ở những khu vực đốt lửa sưởi ấm hay cắm trại. Ảnh Internet 
  • Hãy trang bị đồ bảo hộ cho trẻ : đối với các trò chơi như trượt ván, patin, xe trượt scooter, xe đạp bạn nên cho trẻ mang nón bảo hiểm và đồ bảo vệ khuỷu tay, chân.
  • Hãy ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam ở trẻ : không khí khô kèm theo thời tiết lạnh sẽ dễ khiến trẻ bị chảy máu cam. Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy sử dụng máy giữ ẩm không khí. Ngoài ra, thuốc/ nước muối nhỏ mũi cũng có thể giúp giữ ẩm mũi cho trẻ.
  • Hãy nhắc nhở trẻ uống đủ nước : dù trời lạnh không khiến trẻ bị khát nước nhưng không khí khô lại làm trẻ mất nhiều nước hơn qua hơi thở. Vì vậy bạn hãy nhắc trẻ uống nhiều nước, nước trái cây hoặc cho con thử những loại đồ uống ấm hay súp để bổ sung đủ nước cho con. 
Bé uống nước
Dù trời lạnh, bạn cũng cần bảo đảm rằng con luôn uống đủ nước. Ảnh Internet 
  • Hãy theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm : tình trạng trẻ bị tê cóng trong thời tiết lạnh là khá phổ biến. Các dấu hiệu dễ nhận biết là làn da xám hoặc nhợt nhạt, ngón tay, tai, mũi và ngón chân bị phồng rộp. Trong trường hợp này, bạn hãy đưa trẻ vào nhà và ngâm vùng bị tê cóng trong nước ấm (không nóng). Ngoài ra tình trạng hạ thân nhiệt cũng rất nguy hiểm. Nếu bạn nhận thấy trẻ bị run rẩy, nói chậm và vụng về bất thường – những dấu hiệu của hạ thân nhiệt, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
  • Hãy kiểm tra và theo dõi nhiệt độ ngoài trời khi bạn dự định đưa trẻ ra ngoài : nếu nhiệt độ quá thấp, bạn có thể dời lịch hoặc hạn chế tối đa thời gian trẻ ở ngoài trời để đảm bảo sức khỏe cho con.
  • Hãy luôn để mắt đến trẻ : trong điều kiện bình thường bạn cần chú ý đến trẻ một thì trong mùa lạnh bạn cần tăng sự chú ý đó lên nhiều lần. Việc này sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho trẻ cũng như phát hiện được bất kỳ điểm bất thường nào xảy ra với trẻ. 
Trẻ ra ngoài chơi
Hãy luôn để mắt đến trẻ khi con ra ngoài trơi vào tiết trời lạnh. Ảnh Internet 

Cách chăm sóc trẻ mùa lạnh như đã chia sẻ ở trên hy vọng sẽ có ích thật nhiều cho các cha mẹ, khi không khí lạnh đã sắp tràn về. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt nhưng lại không ý thức được mức độ nguy hiểm của nó. Vì vậy, làm cha mẹ , chúng ta cần luôn để mắt đến trẻ, dù trong nhà hay ngoài trời, để con có thể vui chơi trong giới hạn an toàn và khỏe mạnh.

Theo Save the Children & Health Cleveland Clinic

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI