1. Bà bầu mang thai lần đầu cần được tiêm phòng những loại vắc-xin nào?
Trước khi có ý định mang bầu và ngay cả khi đang mang thai, phụ nữ nên tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella, viêm gan B, thủy đậu, cúm và uốn ván. Cụ thể như sau:
- Rubella: Trước khi có ý định mang thai khoảng 3 tháng, phụ nữ nên tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella để hạn chế nguy cơ sảy thai, sinh non, thai nhi bị dị tật, dị dạng, vv…
- Viêm gan B : Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm có thể lây truyền sang cho thai nhi. Do đó, trước khi có ý định mang thai các mẹ nên tiêm vắc-xin phòng bệnh này để đảm bảo an toàn.
- Thủy đậu: Trước khi có ý định mang thai khoảng 2 tháng, phụ nữ nên tiêm phòng thủy đậu để hạn chế nguy cơ thai nhi bị dị tật, dị dạng hình thể, khiếm khuyết tay, chân… Không những thế, đây còn là một căn bệnh có thể lây nhiễm sang cho thai nhi trong quá trình sinh nở. Do đó, phụ nữ tuyệt đối không nên bỏ qua việc tiêm phòng loại vắc-xin này.
- Cúm: Đây là một căn bệnh phổ biến nhưng lại có tác hại khôn lường đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu bị nhiễm vi rút cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi sẽ có nguy cơ chết lưu hoặc mắc phải các dị tật bẩm sinh vô cùng nguy hiểm. Nếu chưa tiêm phòng cúm trước khi mang thai, mẹ bầu vẫn có thể tiêm trong các giai đoạn của thai kỳ, tốt nhất vẫn là ở thời điểm trước khi mùa cúm diễn ra (từ tháng 10 đến tháng 2 năm tới).
- Uốn ván: Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho con, mẹ bầu nên tiêm phòng uốn ván vào tuần thứ 22 của thai kỳ, sau đó tiêm thêm 1 mũi nhắc lại ở tuần thứ 26. Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm có thể khiến thai nhi tử vong và chết lưu trong bụng mẹ, do đó mẹ bầu nên chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này để bảo vệ cho con.
2. Các xét nghiệm cần làm trong 3 tháng đầu thai kỳ
Để biết chính xác mình có mang thai hay không, các mẹ nên thử hCG trong nước tiểu vào mỗi buổi sáng sớm. Song song đó, các mẹ cũng nên tiến hành các xét nghiệm như: xét nghiệm xác định nhóm máu, công thức máu, xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu, và xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như Rubella, giang mai, HIV, viêm gan B, vv… để kịp thời có phương pháp xử lý và can thiệp phù hợp.
3. Những lưu ý cho bà bầu trong 3 tháng đầu mang thai
Nếu có cảm giác buồn nôn, khó chịu trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên ngậm kẹo hoặc uống trà gừng để dịu nhanh cơn nghén. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm nhiều nước mỗi ngày cũng là một trong những điều rất quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Ngoài ra, các mẹ cũng nên tăng cường vận động bằng cách thường xuyên tập thể dục mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ, tập yoga, chạy xe đạp, vv… để tăng cường sức khỏe.
Trong giai đoạn quan trọng này, mẹ bầu nên chú ý bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất sắt, vitamin B6 và axit folic trong khẩu phần dinh dưỡng, để hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên ăn nhẹ vào buổi sáng với bánh ngọt, ăn ít và ăn nhiều lần trong ngày.
Tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần đầu có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Không những giúp con thoát khỏi nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, việc tiêm phòng cho bà bầu còn giúp các mẹ tăng cường khả năng chống chọi với các loại vi rút gây bệnh. Đó cũng chính là lí do vì sao các bác sĩ thường khuyến cáo mẹ bầu nên tiêm vắc-xin phòng bệnh ngay từ khi có ý định mang thai.
Ái Quê tổng hợp