Thực đơn cho bé ăn dặm - 7 điều giúp mẹ lập kế hoạch chinh phục con dễ dàng thành công

Thực đơn cho bé ăn dặm nếu được thiết lập có kế hoạch chi tiết và hợp lý, ngoài việc cung cấp cho trẻ những bữa ăn vừa khẩu vị, còn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn phát triển của bé. Vậy các yếu tố giúp bạn thiết lập thực đơn sao cho thành công gồm những yếu tố nào, Yeutre.vn mời mẹ tham khảo ngay 7 điều sau nhé. 

banner ads

Thực đơn cho trẻ ăn dặm
Thực đơn cho bé ăn dặm hiệu quả khi mẹ có kế hoạch lên thực đơn khoa học. Ảnh Internet 

1. Lưu ý thực phẩm đầu tiên cho trẻ sơ sinh và kết cấu thực phẩm ở các giai đoạn

1.1. Giai đoạn 6 tháng tuổi - khi con bắt đầu tập ăn dặm

1.1.1. Giới thiệu thực phẩm và việc cho con ăn ở giai đoạn đầu tiên

Mặc dù trong độ tuổi sơ sinh tức sau sinh đến 1 tuổi, nhất là 6 tháng đầu đời sữa mẹ là nguồn thực phẩm chính cho bé, nhưng từ 6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp để mẹ giới thiệu các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ cho con.  

Bé 6 tháng tuổi
6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp để mẹ cho con bắt đầu ăn dặm. Ảnh Internet 

Giới thiệu thực phẩm rắn cho bé từ 6 tháng tuổi là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp con phát triển các kỹ năng đúng với giai đoạn của mình, nhất là về ăn uống như kỹ năng nhai chẳng hạn. Liên quan đến thực phẩm đầu tiên cho con, bạn cần lưu ý:

  • 6 tháng tuổi, con mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu tập nhai nên thực phẩm đầu tiên mà bé tiếp cận phải bảo đảm có độ mềm phù hợp và dễ nuốt. Các thực phẩm phù hợp điển hình như cháo, trái cây và rau củ nghiền nhuyễn mịn. Tuy nhiên mẹ cũng lưu ý rằng, thức ăn quá loãng sẽ không cung cấp con nhiều dinh dưỡng, vì thế hãy làm cho các món ăn có độ đặc ít nhất là không chảy ra khỏi muỗng.
  • Cho bé ăn khi con thấy đói và dấu hiệu con đói thường là đưa tay mút hoặc khóc hay nhìn không rời mắt lúc bạn ăn. Khi bắt đầu cho bé ăn, bạn chỉ cần cho con ăn 2-3 thìa cà phê thức ăn mềm và nhiều nhất là 2 lần/ ngày. Vì, ở độ tuổi này, dạ dày của con hãy còn rất nhỏ, nên con cũng chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ thức ăn mà thôi. 
Bé mút bàn tay
Dấu hiệu con đói là thường mút tay và có vẻ muốn ăn. Ảnh Internet 
  • Hương vị thực phẩm mới luôn mang đến cho bé sự ngạc nhiên, nhưng bạn cũng cần bảo đảm con có đủ thời gian để làm quen. Do vậy hãy kiên nhẫn tập cho bé và đừng cố ép bé ăn. Khi con từ chối thì có thể là con chưa thích hoặc con đã no nên bạn hãy dừng lại và có thể thử lại vào bữa ăn tới.
  • Nên bổ sung dần trong thực đơn của bé các thực phẩm phong phú và đa dạng từ màu sắc cho tới hương vị. Và, trước hết bạn nên tập cho con làm quen từng loại riêng lẻ rồi mới đến bước chế biến dạng hỗn hợp. Cách này giúp con khám phá và cảm nhận được từng hương vị riêng. Đồng thời, bạn cũng có thể theo dõi được tình trạng tiếp nhận thực phẩm của bé có biểu hiện dị ứng hay không và sở thích của con như thế nào. 
Món ăn dặm đa dạng
Nên tập cho bé dùng thực phẩm đa dạng, món ăn phong phú. Ảnh Internet 

1.1.2. Chú ý lượng sắt bổ sung cho bé

Ngăn ngừa thiếu sắt ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Do vậy, trong giai đoạn đầu tiên tập ăn, theo các chuyên gia, bạn nên ưu tiên giới thiệu và tập cho bé các thực phẩm giàu chất sắt. Các thực phẩm bổ dưỡng khác có thể được giới thiệu theo bất cứ thứ tự nào miễn là phù hợp với trẻ.

Về các thực phẩm giàu sắt mẹ có thể giới thiệu và tập cho bé ăn ngay ở thời gian tập ăn dặm có thể kể đến như: ngũ cốc, thịt xay nhuyễn, thịt gia cầm và cá, trứng, đậu phụ nấu chín và các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu lima, đậu pinto, đậu azuki,...)

1.1.3. Sữa mẹ và sữa công thức vẫn cần được tiếp tục duy trì cung cấp cho con

Trong thời gian con tập ăn dặm, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn thực phẩm quan trọng mẹ cần duy trì cung cấp cho trẻ, để đảm bảo con nhận được đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, mà 2 nguồn thực phẩm này cung cấp cho trẻ. 

Sữa vẫn là thực phẩm chính
Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thực phẩm chính của bé. Ảnh Internet 

1.2. Giai đoạn quen ăn dặm đến 8 tháng tuổi

  • Ở giai đoạn này, bạn có thể cho bé ăn 1/2 chén thức ăn mềm và ăn 2-3 lần/ ngày.
  • Bé có thể thử và ăn các thực phẩm đa dạng ngoại trừ mật ong (thực phẩm mà bạn chỉ nên cho bé dùng khi con trên 1 tuổi thậm chí hơn 3 tuổi.)
  • Trong lịch các bữa ăn của bé, bạn có thể thay thế hoặc thêm 1 bữa ăn nhẹ cho con. Bữa ăn nhẹ có thể là sữa chua hay trái cây nghiền.
  • Mặc dù giai đoạn này thức ăn rắn bắt đầu tăng về lượng để phù hợp với tuổi tăng của bé, nhưng sữa mẹ hay sữa công thức cũng vẫn là nguồn thực phẩm chính cần được duy trì đầy đủ.
  • Kết cấu thức ăn có độ thô tăng dần thay vì chỉ ở dạng nhuyễn mịn. 
Kết cấu thức ăn thay đổi
Kết cấu thức ăn cần có độ thô tăng dần. Ảnh Internet 

1.3. Giai đoạn 9-11 tháng tuổi

  • Trong giai đoạn này con có thể ăn 3-4 bữa mỗi ngày và mỗi bữa lượng thức ăn có thể là 1/2 chén. Kèm theo có thể có bữa ăn nhẹ trong thực đơn ăn dặm của bé.
  • Lúc này, thay vì những thức ăn mềm, nghiền; bạn cần tập cho bé thức ăn dạng miếng con có thể cầm cắn và để cho con tự ăn.
  • Bạn vẫn duy trì việc cho bé bú bất cứ khi nào con có nhu cầu.
  • Ở giai đoạn 9-11 tháng tuổi, thực đơn ăn dặm cho bé cần đa dạng và rất phong phú, đầy đủ dinh dưỡng cũng như giàu năng lượng vì con lúc này đã họa động rất nhiều. Các thực phẩm bạn có thể dùng để xây dựng thực đơn cho bé có thể kể đến ngoài ngũ cốc bạn có thể tăng cường khoai tây, các loại rau, các loại trái cây và các loại hạt. Bên cạnh đó, nên thêm một ít chất béo từ dầu ăn. Đặc biệt, bạn cần bảo đảm các thực phẩm giàu đạm và dinh dưỡng luôn có trong thực đơn của con như thịt, trứng, cá, sữa, thịt gia cầm.
  • Nếu bé từ chối một loại thức ăn nào đó và phản ứng mạnh mẽ với thức ăn đó, bạn cần lưu ý món/ thực phẩm này trong thực đơn để điều chỉnh. Bạn có thể cho con thử lại ở các lần sau bằng cách trộn thực phẩm này với các loại mà bé thích, hoặc bạn cũng có thể thêm ít sữa mẹ lên trên để kích thích bé ăn ngon hơn, dễ tiếp nhận hơn. 
Bé không chịu ăn
Nếu bé từ chối ăn, hãy kiên nhẫn thuyết phục con có thể ở các lần ăn sau. Ảnh Internet 

2. Thực đơn cho bé ăn dặm không bú mẹ

2.1. Ở giai đoạn tập ăn từ 6 tháng tuổi

Trường hợp bé của bạn không bú mẹ vì các lý do nào đó, bạn cần bảo đảm bữa ăn của con phải dày hơn so với trẻ bú mẹ. Hẳn chúng ta đều thấy rõ ràng, khi bé không bú mẹ thì con buộc phải nhờ vào những nguồn thực phẩm khác trong đó bao gồm cả sữa công thức và các sản phẩm từ sữa. Với cách này, con mới có đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Với các bé không bú mẹ, thì việc cho con ăn dặm cũng bắt đầu như trẻ bú mẹ vậy. Bạn nên cho bé ăn thức ăn đặc khi con sang tháng thứ 6. Bé cũng bắt đầu bằng việc làm quen từng ít một, từng loại thực phẩm riêng lẻ một. Như vậy, việc xây dựng thực đơn cho bé ăn dặm mà con không bú mẹ hầu như không khác biệt quá nhiều so với trẻ bú mẹ. Vấn đề là, bé trong trường hợp này có thể ăn nhiều bữa hơn và lượng thức ăn cũng có thể nhỉnh hơn. 

Bé ăn dặm đặc
Bé không bú mẹ cũng bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6. Ảnh Internet 

2.2. Giai đoạn trên 6-8 tháng tuổi

  • Bé sẽ cần khoảng 1/2 chén thức ăn mềm và ăn 4 bữa/ ngày + 1 bữa ăn nhẹ.
  • Thực phẩm cho bé cũng tương tự như bé bú mẹ.
  • Kết cấu thức ăn thay đổi dần từ nghiền nhuyễn mịn sang độ thô tăng dần.

2.3. Giai đoạn 9-11 tháng tuổi

  • Bé sẽ cần khoảng 1/2 chén thức ăn mỗi lần ăn và ăn 4-5 lần/ ngày + 2 bữa ăn nhẹ.
  • Thực phẩm cho bé cũng tương tự như bé bú mẹ.
  • Độ thô của thức ăn phù hợp để bé có thể cầm nắm được, giúp bé tập nhai , nghiền thức ăn tốt hơn. 
Bé ăn rau
8 tháng tuổi, bạn có thể chuẩn bị thức ăn có độ thô phù hợp để con có thể cầm nắm được. Ảnh Internet 

3. Thức uống trong thực đơn cho bé ăn dặm

  • Trong 12 tháng đầu đời, trong thực đơn cho bé ăn dặm, phần nước uống chính sẽ là sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Từ 6 tháng tuổi một lượng nước nhỏ đun sôi để nguội có thể được cung cấp bổ sung.
  • Nước táo ép có thể được bổ sung trong trường hợp cần dùng loại nước này để giúp con cải thiện tình trạng táo bón.
  • Nước trái cây như nước cam có thể bổ sung vào thực đơn cho bé gần 1 tuổi với lượng pha loãng phù hợp.
  • Sữa ít béo hay giảm béo dù không có khuyến cáo trong việc dùng cho trẻ trong 2 năm đầu đời nhưng phù hợp cho trẻ trên 2 tuổi hơn. 
Bé uống nước
Bé 6 tháng tuổi trở đi có thể uống thêm nước đun sôi để nguội. Ảnh Internet

4. Những thực phẩm nào không bao gồm trong thực đơn cho bé ăn dặm?

Khi xây dựng thực đơn cho bé ăn dặm, bạn cần lưu ý các điều sau:

  • Trong 3 năm đầu đời cần tránh cho bé ăn những thực phẩm có nguy cơ mắc nghẹn cao. Luôn giám sát trong giờ ăn của trẻ kể cả những bữa ăn nhẹ.
  • Sữa bò không dùng làm thức uống chính thức cho trẻ trước 12 tháng tuổi.
  • Không nêm muối hay đường vào thức ăn của trẻ nhưng thực đơn ăn dặm cho bé có sử dụng gia vị phù hợp như các gia vị thực vật chẳng hạn là có thể, vì các gia vị này sẽ kích thích bé ăn ngon miệng hơn. 
  • Cung cấp thực phẩm ngọt và mặn trong giai đoạn tập ăn dặm có thể dẫn tới việc trẻ phát triển sở thích những thực phẩm này trong tương lai.
  • Không thêm các thực phẩm có chất béo bão hòa, nhiều đường hay có muối như một số loại bánh, bánh quy, bánh kẹo thông dụng và khoai tây chiên vào thực đơn của bé.
  • Không cho mật ong vào thức ăn của trẻ như đã đề cập ở trên. Vì, mật ong có thể chứa các bào tử vi khuẩn dễ gây ngộ độc cho trẻ nhất là trẻ độ tuổi dưới 12 tháng.
  • Nước ngọt, nước ép trái cây nhất là đóng hộp, sữa có hương liệu,...không phù hợp với trẻ đang ở độ tuổi ăn dặm. Vì những đồ uống thêm đường hoặc chứa nhiều đường trong thực đơn của bé sẽ làm tăng nguy cơ con bị thừa cân béo phì, cũng như các vấn đề về răng miệng.
  • Trà kể cả trà thảo dược hay cà phê và các thức uống có hàm lượng caffein dù thấp cũng không phù hợp trong thực đơn cho trẻ sơ sinh. 
Mẹ giám sát bé ăn
Bạn nên luôn giám sát khi trẻ ăn. Ảnh Internet 

5. Về chế độ ăn kiêng đặc biệt trong thực đơn ăn dặm của bé

Nếu bạn đang băn khoăn về việc có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào được áp dụng hay lưu ý trong việc xây dựng thực đơn cho trẻ ăn dặm hay không, thì dưới đây là các thông tin rất hữu ích dành cho bạn:

  • Theo các nghiên cứu mới nhất từ các chuyên gia dinh dưỡng, việc trì hoãn giới thiệu các thực phẩm rắn cho bé quá 7 tháng tuổi có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.
  • Việc tránh sử dụng thực đơn ăn dặm cho bé có trứng, đậu phộng và các loại hạt, đậu nành,...không còn được khuyến cáo thường xuyên, ngay cả với các bé có tiền sử gia đình bị dị ứng.
  • Bạn có thể sẽ giống một số bố mẹ khác không cho con mình ăn một số loại thực phẩm cụ thể nào đó vì sợ trẻ dị ứng. Để ngừng lo lắng về điều này hoặc giải quyết vấn đề phải chọn lọc thực phẩm cho trẻ, bạn nên trao đổi với bác sỹ một cách thật cụ thể.
  • Thực phẩm bổ sung phù hợp nên được cung cấp cho các bé bị dị ứng những thực phẩm đã qua chẩn đoán và xem xét. 
Nói chuyện với bác sỹ
Bạn nên trao đổi với bác sỹ kỹ càng để nắm rõ về thực phẩm có khả năng khiến con dị ứng. Ảnh Internet 

6. Chế độ ăn chay

Hiện nay, không ít bố mẹ có chế độ ăn chay và cũng muốn thực hiện điều này cho con ngay từ thời kỳ đầu tiên của việc tập ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Bạn nên biết rõ rằng, chế độ ăn chay không cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là các chất dinh dưỡng quan trọng ở thời gian sơ sinh này như sắt, kẽm và vitamin B12. Trong đó, đặc biệt quan trọng là chất sắt vì liên quan đến sự phát triển thần kinh của trẻ. Vì vậy, nếu có quyết định áp dụng chế độ ăn chay với bé, bạn cần lưu ý trong thực đơn cho bé ăn dặm phải có bổ sung các thực phẩm tăng cường chất sắt như ngũ cốc chẳng hạn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc áp dụng cho các bé có chế độ ăn chay hay thực đơn chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cần phải có trao đổi kỹ lưỡng với các chuyên gia. Điều này nhằm chắc chắn rằng, bạn thực sự bảo đảm được chế độ ăn của trẻ có đầy đủ dinh dưỡng cần cho sự phát triển của bé. 

Bé đang ăn rau củ
Nếu bạn cho bé ăn chay theo gia đình, hãy bảo đảm thực đơn đủ dinh dưỡng với các thực phẩm bổ sung phù hợp. Ảnh Internet 

7. Điều chỉnh hay thay đổi thực đơn cho bé ăn dặm

Đây cũng là một trong các yếu tố cần thiết phải lưu ý với bất cứ bà mẹ nào khi xây dựng thực đơn cho bé ăn dặm lẫn khi con lớn hơn.

Mỗi bé có nhu cầu và khẩu vị khác nhau nên bé cũng nên có thực đơn của riêng mình. Để làm được điều này bạn chú ý:

  • Không cứng nhắc trong việc tuân thủ theo các thực đơn mẫu bạn học hỏi hay sưu tầm được.
  • Điều chỉnh thực đơn phù hợp với khẩu vị, độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
  • Thay đổi thực đơn đa dạng để giúp bé ăn ngon miệng, có cơ hội trải nghiệm khám phá thực phẩm cũng như nhận được nguồn dinh dưỡng phong phú từ các loại thực phẩm khác nhau.
  • Luôn có bước lựa chọn thực phẩm, lên thực đơn và kế hoạch cho bữa ăn một cách chu đáo, để đảm bảo tính khoa học, cũng như chắc chắn hơn về việc tiếp nhận thực phẩm của trẻ. Điều này cũng vừa giúp mẹ tổ chức thực đơn dễ dàng không gặp áp lực, vừa tạo cho bé một thói quen tốt về việc sẵn sàng khám phá, tạo sự tò mò, kích thích trẻ hứng thú với thực phẩm thay vì từ chối khi gặp các thực phẩm hay món ăn lạ. 
Thực đơn đa dạng
Thay đổi thực đơn đa dạng để giúp trẻ ăn ngon miệng. Ảnh Internet 

Có thể nói rằng, thực đơn cho bé ăn dặm vừa dễ xây dựng lại vừa khó. Việc này dễ khi chúng ta nắm rõ nhu cầu và tiến trình phát triển của bé hay khẩu vị và khả năng ăn của con qua từng mốc thời kỳ. Nếu không, việc tổ chức thực đơn sẽ trở thành một nhiệm vụ khá khó khăn, cũng như mẹ và con khó có thể thành công ở giai đoạn ăn dặm này. Chuyên mục Bé ăn dặm rất hy vọng, những thông tin cập nhật chia sẻ ở trên thực sự hữu ích cho các mẹ. Và từ đây, các mẹ sẽ bình tĩnh hơn trong việc lên thực đơn cho bé một cách phù hợp nhất, khoa học nhất, để con ăn ngon, nhận đủ dinh dưỡng, còn mẹ thì chăm bé ăn dặm thật nhàn.

Nguồn tham khảo: Healthy Eating A.S, UNICEF & Healthy Children

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI