1. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với cháo và những lợi ích
Cũng như món xúp dễ tiêu hóa, thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với cháo cũng mang lại nhiều lợi ích cụ thể:
- Dễ chịu với hệ tiêu hóa non nớt của bé
- Bé dễ tập ăn
- Có thể chế biến nhiều vị cháo khác nhau khi kết hợp với đa dạng nguyên liệu khác từ rau, củ, quả đến thực phẩm giàu đạm
- Chuyển đoạn ăn dặm dễ dàng
- Phù hợp với điều kiện chăm sóc, thói quen và văn hóa ăn uống truyền thống của nhiều gia đình
2. Các loại cháo phổ biến cho bé tập ăn ở 6 tháng hiện nay
Nếu như theo truyền thống, chúng ta thường chỉ cho bé ăn gáo gạo tẻ, thì bây giờ món cháo cho trẻ ăn dặm phong phú hơn. Không chỉ có gạo tẻ với gạo trắng thông thường, các loại gạo dinh dưỡng như gạo lứt, gạo huyết rồng, hay một số loại ngũ cốc khác như yến mạch, quinoa, lúa mạch,..cũng được dùng để nấu cháo cho bé.
Tuy nhiên, hiện nay, 3 loại cháo phổ biến nhất có trong thực đơn ăn dặm của bé 6 tháng là cháo gạo tẻ từ gạo trắng thông thường, cháo gạo lứt và cháo yến mạch.
2.1. Cháo gạo tẻ thông thường cho bé ăn dặm 6 tháng
2.1.1. Nguyên liệu
- 1 nắm gạo tẻ ngon (nắm nhỏ, khoảng 15g)
- 150ml nước ấm
- Ti lệ nước và gạo thường dùng khi nấu cháo là 1:10 (1 gạo: 10 nước)
2.1.2. Cách nấu
- Mẹ vo sạch rồi ngâm gạo với một ít nước ấm khoảng 10-15 phút, gạn nước, bỏ nước này đi.
- Cho gạo vào nồi, thêm nước ấm và nấu đến khi gạo bung hạt thành cháo. Thời gian nấu khoảng 15-20 phút.
- Cháo được mẹ lấy ra 1-2 thìa canh, nghiền qua rây, ấm vừa thì cho bé ăn. Nếu không dùng rây, mẹ có thể xay bằng máy xay sinh tố nhưng nên để cháo nguội rồi xay, sau đó làm ấm lại rồi cho bé dùng.
2.1.3. Cho bé dùng
- Với bé bắt đầu tập ăn dặm ở 2 tuần đầu của tháng thứ 6, mẹ cho bé ăn cháo lỏng, mịn nhuyễn, 1-2 thìa canh/ bữa phụ/ ngày.
- Với bé quen ăn dặm, từ tuần thứ 3+tuần thứ 4 của tháng thứ 6, mẹ có thể tăng độ đặc của cháo và cho con dùng 2-3 thìa canh/ bữa phụ/ ngày.
2.2. Cháo gạo lứt
2.2.1. Nguyên liệu
- 1 nắm nhỏ (khoảng 15g)
- 180-200ml nước ấm
- Tỉ lệ nước và gạo lứt thường dùng là 1:15 (1 gạo: 15 nước)
2.2.2. Cách nấu và cho bé ăn
- Gạo lứt mẹ vo sạch, ngâm với nước ấm khoảng 15-20 phút, gạn gạo cho vào nồi nấu đến khi bung hạt.
- Thời gian nấu cháo gạo lứt có thể hơn 30 phút. Mẹ thêm nước để bảo đảm gạo chín bung hạt.
- Cháo được mẹ mang đi rây hoặc để nguội rồi xay, hâm nóng lại, là có cháo cho bé dùng.
2.2.3. Cho bé ăn
- Cũng như cháo gạo tẻ trắng thường, mẹ cho bé ăn 1-2 thìa canh cháo lỏng, mịn nhuyễn ở 2 tuần đầu tập ăn. Mỗi ngày cho bé ăn 1 bữa.
- 2 tuần sau khi đã ăn quen, mẹ có thể tăng lên 2-3 thìa canh/ bữa/ ngày. Độ đặc tăng dần.
2.3. Cháo yến mạch
2.3.1. Nguyên liệu
- 1 thìa canh yến mạch cán mỏng
- 120ml nước
2.3.2. Cách nấu
- Ngâm yến mạch với 1/2 nước khoảng 7-10 phút cho yến mạch mềm
- Sau khi ngâm, mang yến mạch đi nấu chín. Thời gian nấu khoảng 7-12 phút hoặc đến khi chín.
- Cháo được mẹ tắt bếp, lấy cháo rây nhuyễn mịn, nguội bớt thì cho bé dùng.
2.3.3. Cho bé ăn
- Với bé tập ăn ở 2 tuần đầu, mẹ cho con ăn 1-2 thìa canh/ bữa/ ngày. Cháo yêu cầu nhuyễn mịn có độ lỏng phù hợp.
- Với bé ăn quen ở 2 tuần sau của tháng thứ sau, mẹ có thể cho con ăn 2-3 thìa canh/ bữa ngày. Tăng độ đặc của cháo.
3. Các thực phẩm chế biến cùng cháo cho bé ăn dặm ở độ tuổi 6 tháng
Tương tự thực đơn cho bé ăn dặm với xúp , với món cháo mẹ cũng có thể kết hợp đa dạng các thực phẩm khác. Điều này cũng có chút khác biệt với quan điểm truyền thống của một số gia đình, khi chế biến món cháo khá giới hạn cho bé.
Về các nhóm thực phẩm, mẹ có thể kết hợp phong phú để nấu cháo cho con như dưới đây:
3.1. Nhóm rau củ quả mẹ có thể giới thiệu trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng
Nếu như trước đây, các món cháo cho bé ăn dặm chỉ quanh quẩn một số loại rau củ được xem là "lành" cho bé theo quan niệm truyền thống, thì nay đã khác nhiều. Kho rau củ quả mà bé 6 tháng có thể tập ăn khá giàu có, nên mẹ có thể tự tin sử dụng rau củ quả sạch từ nhóm này để chế biến cháo cho con như:
- Bông cải xanh
- Cà rốt
- Bí đỏ
- Bí ngòi
- Khoai lang
- Củ dền
- Khoai tây
- Các loại đậu gồm: đậu Hà Lan, đậu cô ve, lentil, pinto, đậu đỏ, đậu xanh,...
- Các loại rau lá như rau bina, rau đay, rau dền cơm, rau mồng tơi,...
3.2. Nhóm thực phẩm giàu đạm
Tương tự như các món xúp, thực phẩm giàu đạm mẹ có thể kết hợp nấu cháo cho bé từ khi tập ăn dặm là:
- Thịt ức gà
- Thịt nạc heo
- Thịt nạc bò
- Một số loại cá thịt trắng, cá hồi, tôm,
- Một số thực phẩm giàu đạm khác như gan gà, trứng (toàn trứng) và đậu phụ
3.3. Nhóm các loại trái cây
Với cháo, mẹ cũng hoàn toàn có thể kết hợp với các loại trái cây để đổi vị cho bé. Các loại trái cây trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với trái cây nghiền đều có thể kết hợp với cháo gạo cho bé tập ăn, đến khi quen.
Cụ thể các loại trái cây có thể kết hợp như táo, lê, chuối, bơ,....
4. Các lưu ý dành cho mẹ khi dùng cháo trong thực đơn ăn dặm của bé 6 tháng tuổi
4.1. Với cháo gạo
- Mẹ chọn gạo mới, sạch để nấu cháo cho bé. Các loại gạo tẻ thường ngon mẹ có thể chọn như gạo tám thơm, gạo tám thơm Điện Biên, gạo tám thơm Hải Hậu, gạo sushi Nhật bản. Các loại gạo này có độ dẻo, thơm và ngọt, món cháo sẽ ngon hơn.
- Khi nấu cháo gạo, mẹ nên ngâm qua và nấu với tỉ lệ nước tối thiểu 1:10 để giúp loại bỏ bớt độc tố asen có trong gạo.
- Nấu gạo với nước ấm sẽ mau nhừ và cháo ngon hơn.
4.2. Với cháo yến mạch
- Chọn yến mạch cán mỏng hoặc cắt đều được, yến mạch cán mỏng sẽ giúp mẹ tiết kiệm thời gian nấu.
- Không chọn yến mạch ăn liền vì loại này không giàu dinh dưỡng như các loại trên.
- Thời gian khui túi yến mạch sử dụng tối đa trong vòng 1 tháng.
4.3. Các lưu ý khác
- Nếu là gạo các loại, và cháo rau củ đơn giản mẹ có thể giới thiệu cho bé ngay trong 2 tuần đầu tập ăn. Các món cháo này có thể cho bé tập xen kẽ trong thực đơn ăn dặm với rau củ nghiền, trái cây nghiền hoặc xúp đơn giản.
- Nếu là cháo nấu cùng thực phẩm giàu chất đạm hay hỗn hợp nhiều thành phần nguyên liệu, mẹ nên giới thiệu cho bé sau các món ăn đơn giản khác. Cụ thể, mẹ có thể cho bé ăn các món cháo này khi con đã quen với rau củ, trái cây nghiền hoặc cháo loãng và cháo đơn giản thì sẽ hiệu quả hơn.
- Không thêm muối hay bột nêm hoặc đường vào các món cháo cho bé 6 tháng . Đặc biệt, không thêm muối vào cháo của con vì em bé chỉ cần 1g muối/ ngày cho đến khi 12 tháng.
- Mỗi loại cháo, mẹ nên tiến hành cho bé làm quen món cháo đơn giản trước khi dùng cháo nấu với nhiều thành phần nguyên liệu.
- Mẹ nên cho bé dùng 3-4 ngày mỗi loại cháo để theo dõi xem con làm quen và xem có biểu hiện dị ứng nào hay không.
- Các món cháo của bé có thể sử dụng một số gia vị rau thơm phù hợp.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ và hương vị của cháo trước khi cho con ăn.
5. 3 món cháo dễ chế biến nhất dành cho bé 6 tháng
5.1. Cháo gạo tẻ súp lơ
5.1.1. Nguyên liệu
- 30g-40g súp lơ xanh/ trắng
- 1 thìa canh cháo đặc
- 1 thìa cà phê dầu ăn cho bé
- 40-50ml nước đun sôi để nguội
5.1.2. Cách làm và cho bé ăn
- Súp lơ mẹ ngâm với nước muối rửa sạch nhiều lần với nước lạnh, mang đi hấp chín.
- Cháo nghiền qua rây cho nhuyễn mịn.
- Nghiền súp lơ chín qua rây, trộn vào cháo, thêm nước có độ lỏng đặc phù hợp với thời điểm ăn của bé. Hâm lại cháo cho ấm và cho bé dùng.
- Mẹ có thể cho bé làm quen cháo này khi con mới ập ăn.
5.2. Cháo yến mạch trứng gà
5.2.1. Nguyên liệu
- 1 thìa canh yến mạch cán mỏng (khoảng 30g)
- 150ml nước
- 1/2 lòng đỏ trứng gà
- 1 thìa dầu ăn cho bé, loại ăn trực tiếp (tùy chọn)
5.2.2. Cách làm
- Ngâm yến mạch 7-10 phút cho nở. Cho vào nồi nấu chín thành cháo
- Khuấy lòng đỏ trứng, cháo chín, mẹ cho lòng đỏ vào khuấy đều tay, nấu khoảng 3 phút cho trứng gà chín.
- Tắt bếp, thêm dầu ăn cho bé, khuấy đều. Nghiền cháo qua rây cho nhuyễn phù hợp với thời điểm ăn của bé. Cho bé dùng cháo khi còn ấm.
- Cháo yến mạch trứng gà mẹ có thể cho bé ăn khi ăn dặm quen và sau khi đã quen với một số món cháo thân thiện khác. Thời gian cho bé tập có thể ở tuần thứ 3 hoặc cuối tháng thứ 6 đều được.
5.3. Cháo tôm cho bé
5.3.1. Nguyên liệu
- 1/2 nắm gạo tẻ
- 2 con tôm tươi nhỏ hoặc 1 con to
- 1 củ hành tím
- 1 tép tỏi (tùy chọn)
- 1 + 1/2 thìa cà phê dầu ăn cho bé, loại dầu để nấu
5.3.2. Cách làm
- Gạo tẻ vo sạch, ngân qua nước ấm vài phút, gạn nước rồi mang đi nấu cháo.
- Hành, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn phi thơm.
- Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, chỉ đen, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Cháo chín, cho một ít nước vào tôm tán đều rồi cho vào cháo. Khuấy đều và nấu cho đến khi tôm chín. Cho thêm nước để điều chỉnh độ lỏng đặc phù hợp ở thời điểm cho bé ăn.
- Cho dầu hành tỏi phi vào cháo, khuấy đều rồi tắt bếp.
- Rây nhuyễn cháo và cho bé dùng khi còn ấm.
- Món cháo này mẹ cho bé tập khi con quen với các món cháo phổ biến khác, thường là vào cuối tháng thứ 6. Tuy nhiên, nếu con chưa tập các món cháo giàu đạm hoặc chưa làm quen với các món cháo hỗn hợp, mẹ có thể dời sang cho con tập món cháo tôm ở tháng thứ 7.
6. Thực đơn mẫu với cháo cho bé 6 tháng tuổi
Cũng tương tự như thực đơn cho bé 6 tháng ăn dặm với xúp, các món cháo cơ bản và đơn giản mẹ có thể cho bé dùng xen kẽ rau củ quả nghiền ở tuần đầu tiên.
Mẹ có thể cho bé tập làm quen ở tuần thứ 2-3 nếu là cháo rau củ hỗn hợp hoặc ở cuối tháng thứ 6 nếu là cháo giàu đạm.
6.1. Thực đơn mẫu với các bữa ăn trong 1 ngày với cháo đơn giản
- (Bữa sáng sớm): Sữa mẹ
- Bữa sáng: Sữa mẹ
- Bữa giữa sáng và trưa: sữa mẹ (hoặc trái cây nghiền)
- Bữa trưa: sữa mẹ
- Bữa xế (khoảng 3h chiều): cháo đơn giản (hoặc sữa mẹ)
- Bữa chiều tối (khoảng 5-6h): sữa mẹ
- (Bữa tối, khoảng 7h tối): sữa mẹ
- Bữa trước khi đi ngủ (khoảng 8-9h tối): sữa mẹ
6.2. Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với cháo
6.2.1. Thực đơn tuần 1 tập làm quen
- Ngày 1: Cháo trắng lỏng, mịn nhuyễn vào bữa giữa sáng hoặc sau đầu giờ chiều/ bữa xế
- Ngày 2 & ngày 3: Tương tự như ngày 1
- Ngày 4 - ngày 6: Rau/ củ/ quả nghiền hỗn hợp vào bữa giữa sáng + cháo gạo lứt hoặc yến mạch vào bữa xế
- Ngày 7: Xúp rau củ hỗn hợp vào bữa giữa sáng và bữa xế
6.2.2. Thực đơn tuần 2-3 tập làm quen
- Ngày 1: Cháo rau củ đơn giản vào bữa giữa sáng hoặc sau đầu giờ chiều/ bữa xế
- Ngày 2 & ngày 3: Tương tự như ngày 1
- Ngày 4 - ngày 6: Rau/ củ/ quả nghiền hỗn hợp vào bữa giữa sáng + cháo rau củ vào bữa xế
- Ngày 7: Xúp rau củ hỗn hợp vào bữa giữa sáng và bữa xế
- Mẹ có thể xen kẽ xúp rau củ vào thực đơn của bé. Ảnh Internet
6.2.3. Thực đơn tuần 4 đã quen và ăn tốt
- Ngày 1: Hỗn hợp rau/ củ/ quả nghiền vào bữa giữa sáng & cháo rau củ hỗn hợp hoặc cháo giàu đạm vào bữa xế
- Ngày 2-ngày 3: Như ngày 1
- Ngày 4: Xúp rau củ/ rau củ nghiền vào bữa sáng + cháo giàu đạm vào bữa xế hoặc bữa chiều tối. Hoặc ngược lại.
- Ngày 5 và ngày 6: tương tự như ngày 4
- Ngày 7: Rau củ/ trái cây nghiền/ vào bữa giữa sáng, xúp rau củ/ cháo giàu đạm vào bữa xế/ bữa chiều tối hoặc ngược lại.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với món cháo hẳn sẽ làm yên lòng rất nhiều mẹ. Đây là món ăn chúng ta tự tin hơn khi chọn áp dụng vào thực đơn ăn dặm của các bé. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế cũng có không ít mẹ thất bại vì món cháo, thế nên, mẹ hãy lưu ý và mạnh dạn chế biến cháo đa dạng cho bé tập. Đồng thời, hãy cho con ăn dặm đúng cách, phù hợp thời điểm, chuyển đoạn khi cần thiết. Như thế, chắc chắn mẹ và bé đều sẽ đi qua khoảng thời gian bé ăn dặm ở 6 tháng tuổi này rất thành công.
Cát Lâm tổng hợp