1. Tại sao mẹ nên chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với trái cây nghiền
Theo truyền thống, chúng ta thường áp dụng thực đơn các món cháo vào việc ăn dặm của bé, ngay từ những lần tập ăn đầu tiên. Không chỉ ở Việt Nam, các nước dùng gạo là thực phẩm chính, đều có xuất phát điểm tập cho trẻ ăn dặm là các món cháo. Ở phương Tây, cũng theo truyền thống của họ, trái cây rau củ kế đến là ngũ cốc và thực phẩm giàu đạm phù hợp như thịt nạc heo, thịt gà không da lại lại những thực phẩm đầu tiên có trong thực đơn ăn dặm của bé.
Vậy có ưu điểm nào từ thứ tự ưu tiên này hay không? Có nhất thiết phải sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng loại thực phẩm trên vào thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng hay không?
Câu trả lời cho chúng ta là, thực phẩm ưu tiên này không thực sự là vấn đề quá lớn khi lên thực đơn ăn dặm của trẻ. Thực phẩm ưu tiên có thể là cháo, có thể là trái cây hay rau củ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vấn đề chọn thực phẩm đầu tiên trong thực đơn ăn dặm của trẻ 6 tháng phần lớn sẽ phụ thuộc vào thói quen, địa lý, văn hóa ẩm thực và chăm sóc trẻ ở từng địa phương.
Vấn đề chính là việc áp dụng các nhóm thực phẩm thực sự phù hợp và có lợi cho hệ tiêu hóa cũng như việc tập ăn của trẻ. Và, điều quan trọng tiếp theo là cần áp dụng nguyên tắc 3-4 ngày tập ăn mỗi loại thực phẩm để cho trẻ làm quen, chấp nhận cũng như mẹ có đủ thời gian để nhận biết nếu trẻ có dị ứng hoặc khẩu vị của con.
Liên quan đến nhóm thực phẩm đầu tiên cho bé tập ăn dặm, có một số ý kiến cho rằng, các loại trái cây nghiền sẽ tạo ra những thuận lợi nhất định cho việc tập làm quen của một số bé. Không chỉ đa dạng về vị, trái cây còn phong phú về kết cấu, màu sắc dễ tiếp nhận và tiêu thụ. Đây là những điểm cộng để mẹ có thể dùng nhóm thực phẩm này xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng một cách nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn.
2. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với 6 loại trái cây tiêu biểu
Nhóm trái cây cho bé ăn dặm ở thời điểm tập ăn rất đa dạng. Có nhiều loại trái cây phù hợp với hệ tiêu hóa và yêu cầu chế biến mà mẹ có thể tận dụng, để tạo một thực đơn phong phú cho con. Trong đó, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm, nhóm nên nấu chín và nhóm có thể chế biến cho con dùng trực tiếp như dưới đây.
2.1. Nhóm trái cây cần nấu chín
- Nhóm trái cây cần nấu chín : Nhóm này bao gồm các loại trái cây có độ cứng cần phải làm mềm để con dễ tiếp nhận ở những ngày đầu tập ăn như táo và lê.
- Cách chế biến: Chế biến các loại này rất đơn giản. Mẹ dùng một miếng táo hoặc một miếng lê gọt vỏ, bỏ lõi và cắt nhỏ. Cho thêm ít nước và nấu chín sau đó xay hoặc nghiền nhuyễn qua rây rồi cho bé dùng. Táo hay lê nấu chín có thể dùng ấm hoặc lạnh đều được.
- Cho bé dùng : Ở những ngày tập ăn đầu tiên, với táo mẹ nên chọn loại táo ngọt để cho con thử trước. Lượng táo hoặc lê cho bé thử khoảng 1-3 thìa cà phê. Tập cho bé ăn khoảng 2-3 ngày khi con quen mới chuyển qua loại trái cây khác.
- Ghi chú : Mận (plum) cũng có thể được xếp vào nhóm trái cây nấu chín cho bé ăn dặm 6 tháng và hiện nay một số mẹ áp dụng trong thực đơn để bé làm quen. Cách chế biến là dùng mận chín, bỏ vỏ và hạt, nấu chín để nguội rồi xay hoặc nghiền cho bé dùng. Tuy nhiên, so với táo và lê khá phổ biến, mận ít được dùng hơn và nhiều mẹ còn e ngại cho bé dùng. Còn theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bé không có biểu hiện dị ứng thì mẹ có thể cho bé thử mận chế biến theo cách này.
2.2. Nhóm trái cây không cần nấu chín
- Nhóm trái cây không cần nấu chín : Nhóm này dùng trong thực đơn ăn dặm của bé 6 tháng khá phong phú có thể kể đến như chuối, bơ, đu đủ. Ngoài 3 loại khá an toàn vừa đề cập thì mận (plum), đào hoặc sapôchê cũng được một số mẹ đưa vào thực đơn của bé.
- Ghi chú : Cũng như nhóm trái cây nấu chín, nếu chuối, bơ và đu đủ khá phổ biến thì mận, đào và nhất là sapôchê vẫn còn nằm trong nhóm trái cây còn nhiều tranh cãi. Ví dụ, mận hay đào thì thích hợp cho các bé lớn hơn 6 tháng, còn sapôchê thì nên dùng cho các bé từ 9 tháng thậm chí là 1 tuổi trở lên vì được cho là chứa nhiều đường, không tốt cho trẻ ở độ tuổi tập ăn dặm . Tuy nhiên, tranh cãi này cũng đến từ các quan điểm khác nhau từ các vùng lãnh thổ và quan điểm dinh dưỡng cho trẻ. Về phía các chuyên gia dinh dưỡng hiện chưa có nhiều thông tin cụ thể nhất hay khuyến cáo chi tiết nhất liên quan, ngoại trừ việc lưu ý lượng cho bé ăn phù hợp, tránh lạm dụng và bảo đảm không có dị ứng nào.
- Cách chế biến : Mẹ dùng trái cây chín, tươi với một lượng phù hợp, bỏ vỏ sâu nghiền nhuyễn hoặc xay nhuyễn và cho bé dùng. Để giảm độ đặc mẹ có thể thêm một chút nước ấm để tạo thêm chút loãng cho bé dễ tiếp nhận.
- Cho bé dùng : Lượng dùng cho con ở những ngày tập ăn khoảng 1-3 thìa cà phê và tập liên tục trong 3-4 ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày.
3. Kết hợp các loại trái cây
Khi bé đã quen từng loại và không có biểu hiện dị ứng với bất cứ loại nào, mẹ có thể tiến hành kết hợp các loại trái cây phù hợp để tạo những hỗn hợp đa dạng. Đây là cách tạo vị mới và cân bằng để con có thể khám phá những điều mới mẻ khi tập ăn. Kết hợp một cách cụ thể mẹ có thể tiến hành như sau:
- Cân bằng vị : mẹ có thể kết hợp các vị như táo ngọt + táo chua, táo chua + lê ngọt, táo + chuối, chuối + bơ, bơ + lê, mận + chuối
- Cân bằng độ đặc loãng : táo + chuối, lê + chuối, táo + bơ, lê + bơ, mận + chuối
4. Thực đơn mẫu với trái cây nghiền cho bé ở 6 tháng tuổi
4.1. Thực đơn mẫu với các bữa ăn trong 1 ngày
Trước 1 tuổi, lượng bữa ăn trong ngày của bé có thể là trung bình 6 - 8 bữa/ ngày, trong đó sữa mẹ vẫn là thức ăn chính của bé. Thực đơn mẫu 1 ngày trong thời gian đầu tập ăn mẹ có thể tham khảo như sau:
- (Bữa sáng sớm): Sữa mẹ
- Bữa sáng: Sữa mẹ
- Bữa giữa sáng và trưa: sữa mẹ (hoặc trái cây nghiền)
- Bữa trưa: sữa mẹ
- Bữa xế (khoảng 3h chiều): trái cây nghiền (hoặc sữa mẹ)
- Bữa chiều tối (khoảng 5-6h): sữa mẹ
- (Bữa tối, khoảng 7h tối): sữa mẹ
- Bữa trước khi đi ngủ (khoảng 8-9h tối): sữa mẹ
- Ghi chú:
+ Với một số bé bữa sáng sớm và bữa tối là khá linh động. Một số bé bắt đầu bữa ăn ngày mới với bữa sáng và bỏ qua bữa sáng sớm. Có những bé sẽ bỏ qua bữa tối mà chỉ ăn bữa chiều tối và bữa trước khi đi ngủ sớm khoảng 7h30 - 8h tối.
+ Bữa trái cây nghiền mẹ có thể cho bé dùng vào bữa giữa sáng trưa hoặc chiều đều được. Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, thì thường bữa xế chiều khoảng 3h bé dễ tiếp nhận hơn. Vì lúc này nhiều bé đang ở tâm trạng rất dễ chịu thoải mái nên con dễ dàng tập làm quen hơn.
4.2. Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng với trái cây nghiền
4.2.1. Thực đơn tuần 1 - Tập làm quen
- Ngày 1: Táo nghiền vào bữa giữa sáng hoặc bữa xế
- Ngày 2 & ngày 3: Tương tự như ngày 1
- Ngày 4 - ngày 6: Chuối nghiền vào bữa giữa sáng hoặc bữa xế
- Ngày 7: Táo+lê nghiền vào bữa giữa sáng và bữa xế
4.2.2. Thực đơn tuần 2 - Đã quen
- Ngày 1: Táo+lê nghiền vào bữa giữa sáng và bữa xế
- Ngày 2-ngày 3: Lê+chuối nghiền vào bữa giữa sáng và bữa xế
- Ngày 4: Trái cây nghiền vào bữa giữa sáng, cháo loãng vào bữa xế hoặc bữa chiều tối
- Ngày 5 và ngày 6: tương tự như ngày 4
- Ngày 7: trái cây nghiền vào bữa giữa sáng, cháo rau củ vào bữa xế/ bữa chiều tối hoặc ngược lại
4.2.3. Thực đơn tuần 3 - Đã quen
- Ngày 1: tương tự như ngày 7 của tuần 2
- Ngày 2-ngày 6: trái cây nghiền vào bữa giữa sáng, rau củ ghiền/ cháo rau củ/ súp rau củ vào bữa xế/ bữa chiều tối hoặc ngược lại
- Ngày 7: cháo/ súp/ rau củ nghiền + làm quen một số thực phẩm giàu đạm lượng ít như thịt ức gà, thịt nạc heo, trứng, cá hồi, thịt cá trắng vào bữa sáng/ bữa trưa/ bữa chiều tối (dần tăng lượng), còn trái cây cho bé dùng vào bữa xế
4.2.4. Thực đơn tuần 4 - Đổi sang các vị hỗn hợp
Thực đơn tuần 4 áp dụng như ngày 7 của tuần 3 với các món ăn chế biến kết hợp các thực phẩm đa dạng phù hợp mà con đã làm quen.
Đồng thời, mẹ cũng có thể bắt đầu tập các món cháo / súp đa dạng hơn. Điều này nhằm chuẩn bị tốt hơn khi sang tháng thứ 7 ăn dặm bắt đầu tăng dần về lượng, cũng như các loại thực phẩm đa dạng khác.
5. Lưu ý khi chế biến trái cây nghiền cho bé ăn dặm ở 6 tháng tuổi
- Chọn trái cây sạch, an toàn cho bé.
- Ngâm nước muối, rửa sạch, bỏ vỏ trước khi sơ chế.
- Dụng cụ nghiền nhuyễn phải riêng biệt và bảo đảm sạch.
- Lấy lớp thịt trá cây không quá sát vỏ và cũng không quá sát hột.
- Cho bé tập làm quen tối thiểu 2-3 ngày mỗi loại để dễ theo dõi sự thích ứng của bé.
- Theo dõi khẩu vị của con.
- Cho con thử từ 1-3 thìa ca phê mỗi lần ăn, chỉ tăng lượng khi khả năng ăn của bé tốt hơn. Và, tăng lượng phù hợp.
- Không ép bé ăn.
- Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của con trong giai đoạn này.
Đến đây, hẳn mẹ đã có thể tích lũy thêm được một số thông tin và bí quyết, cùng lưu ý cần thiết, để chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng rồi phải không nào. Trái cây là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin và một số khoáng chất tốt cho sự phát triển của bé. Đồng thời, nhóm thực phẩm này cũng khá thân thiện, hứa hẹn sẽ giúp mẹ cùng con khởi động thời gian đầu của hành trình bé ăn dặm thật suôn sẻ thành công.
Nguồn tham khảo chính: The Bump, Wholesome Baby Food & FirstCry Parenting
Cát Lâm tổng hợp