1. Vai trò của Vitamin A đối với sự phát triển của bé
Vitamin A là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của bé. Nhìn chung vi chất này có chức năng đặc biệt trong việc hỗ trợ các bộ phận trong cơ thể trẻ được hoạt động khỏe mạnh.
- Nguồn dinh dưỡng hỗ trợ bé phát triển toàn diện: Vitamin A có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của bé, nhờ chất dinh dưỡng này mà cơ thể trẻ có thể hấp thu các chất dinh dưỡng khác hiệu quả nhất.
- Bảo vệ các biểu mô trong cơ thể trẻ: Vi chất A tham gia hỗ trợ quá trình biệt hóa của các tế bào biểu mô, đồng thời, bảo vệ toàn vẹn các tế bào khác như biểu mô giác mạc, niêm mạc đường hô hấp, tuyến nước bọt,...Vì vậy, khi bé thiếu hụt Vitamin A, rất có thể các biểu mô sẽ bị tổn thương, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Hỗ trợ hệ miễn dịch của bé khỏe mạnh: Với vai trò bảo vệ các tế bào, chất dinh dưỡng này giúp các kháng thể của trẻ hoạt động tốt hơn. Từ đó, giúp cơ thể bé có thể chống lại các tác nhân xấu từ bên ngoài.
- Giúp bé có thị lực tốt: Vitamin A là một trong những nhân tố hình thành cấu trúc tế bào thị giác. Ngoài ra, nhóm dinh dưỡng này còn cấu tạo nên Rhodopsin giúp bé có thể nhìn thấy mọi vật kể cả trong điều kiện thiếu ánh sáng.
- Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư: Tiền chất của Vitamin A hay còn được gọi là Beta-carotene có khả năng chống Oxy hóa rất mạnh, vì vậy nhóm dinh dưỡng này còn có khả năng ngăn ngừa ung thư cho một số cơ quan trong cơ thể con người.
2. Thông tin về bệnh khô mắt ở trẻ mà mẹ cần biết
2.1. Biểu hiện của bệnh ở trẻ nhỏ
Việc thiếu Vitamin A ở trẻ là vấn đề hết sức nghiêm trọng mà các bậc cha mẹ cần phải lưu ý. Khi thiếu nhóm dinh dưỡng này, cơ thể bé thường sẽ có một số biểu hiện nhất định. Các mẹ nên theo dõi sức khỏe bé thường xuyên để thực hiện các biện pháp kịp thời, phù hợp nhé.
- Bệnh quáng gà (XN): Đây được coi là triệu chứng sớm nhất nếu bé thiếu Vitamin A trong cơ thể. Biểu hiện rõ nhất của bệnh là thị giác của trẻ suy yếu trong điều kiện thiếu ánh sáng. Theo dân gian, khoảng thời gian lúc gà lên chuồng thường là khi chập tối, lúc này ánh sáng đang yếu dần nên người bị bệnh quáng gà sẽ không thể nhìn rõ các đồ vật, lối đi hoặc không nhìn rõ mọi người xung quanh. Theo đó, bé mắc bệnh này thường hay vấp ngã, đi quờ quạng trong tối. Bệnh này nếu được phát hiện sớm và bổ sung Vitamin A kịp thời thì sẽ khỏi trong vòng 2-3 ngày.
- Khô kết mạc (X1A): Khi cơ thể bé thiếu lượng vi chất A cần thiết, các thực thể ở phần trước nhãn cầu sẽ bị biến đổi. Điều này gây nên hiện tượng mắt bé hay chớp, lim dim, tròng mắt mất đi độ bóng và sáng. Thay vào đó, mắt trẻ có biểu hiện xù xì, hơi vàng, quan sát kỹ có bọt nhỏ và nhăn nheo. Nếu bệnh được phát hiện sớm và bổ sung Vitamin A hợp lý, bé cũng sẽ nhanh hồi phục.
- Vệt Bitot (X1B): Khi kết mạc của bé bị tổn thương, mẹ để ý sẽ thấy trong nhãn cầu con xuất hiện các vệt trắng như bọt xà phòng, đôi khi có thể lổm nhổm như bã đậu. Bitot là các tế bào tiểu mô kết mạc bị sừng hóa, dày lên và bong vảy. Các biểu hiện này thường xuất hiện tại kết mạc nhãn cầu sát rìa giác mạc, gây suy giảm thị lực ở bé. Tuy nhiên, bệnh này cũng dễ điều trị nếu bé được bổ sung Vitamin A kịp thời.
- Khô giác mạc (X2): Bệnh này thường làm cho giác mạc mất đi độ bóng sáng, mờ đi như có làn sương phủ trong mắt, bé mắc bệnh này thường sợ ánh sáng, nheo mắt và chói mắt khi thấy ánh sáng trực tiếp. Hơn nữa, giác mạc của bé có thể bị mờ đục do nhu mô bị nhiễm tế bào viêm, có thể có mủ tiền phòng và có cả khô kết mạc, đây là yếu tố để các bác sĩ chẩn đoán bé bị khô giác mạc do thiếu Vitamin A.
- Loét nhiễm giác mạc dưới 1/3 diện tích (X3A): Đây được coi là tổn nghiêm trọng đối với giác mạc của bé, các tổn thương này sẽ để lại sẹo giác mạc và giảm thị lực nghiêm trọng. Hơn thế nữa, các vết loét sâu có thể gây ra dính mống mắt và để lại loại sẹo dày. Vì vậy khi khô giác mạc còn chưa sâu, mẹ cần đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.
- Loét nhiễm giác mạc trên 1/3 diện tích (X3B): Đây là tổn thương nặng nề nhất đối với giác mạc của trẻ. Khi loét nhiễm giác mạc đến mức độ này, giác mạc sẽ bị hoại tử, gây biến dạng hoặc phá hủy nhãn cầu. Khi các mống mắt lộ ra ngoài, thủy tinh thể và dịch kính cũng sẽ bị ảnh hưởng, đây sẽ là những di chứng nặng nề nhất đối với sự phát triển của bé.
- Sẹo giác mạc (Xs): Đây là di chứng của loét giác mạc, tùy vào mức độ bệnh trước đó của bé mà sẹo có thể to hoặc nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, sẹo giác mạc ở trẻ còn có nhiều nguyên nhân khác nhau. Để xác định nguyên nhân chính xác gây ra sẹo, chúng ta cần dựa vào các yếu tố như: Trẻ có tiền sử bệnh tiêu chảy, sởi, rối loạn tiêu hóa , trẻ suy dinh dưỡng đã đi điều trị tại cơ sở y tế và được chẩn đoán khô mắt hoặc có thể trẻ đã có sẹo giác mạc ngay khi sinh ra.
- Khô đáy mắt (Xf): Đây là biểu hiện khi cơ thể bé thiếu Vitamin A mãn tính. Hiện tượng này hay gặp ở các bé lớn đã đi học, thường đi cùng bệnh quáng gà. Biểu hiện này được kết luận chắc chắn khi bé có các biểu hiện khô kết mạc, giác mạc và vệt Bitot kèm theo.
2.2. Nguyên nhân của bệnh khô giác mạc ở trẻ
Thiếu Vitamin A và bệnh khô mắt ở trẻ em không chỉ kìm hãm sự phát triển của bé mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị lực và tương lai của trẻ sau này. Bệnh khô mắt thường xảy ra khi cơ thể bé thiếu đi lượng Vitamin A tối thiểu. Thực tế cho thấy nhiều bà mẹ chưa biết cách bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho con, từ đó gây nên tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng này nhưng lại thừa nhóm chất khác. Bữa ăn của trẻ quá nghèo nàn hoặc thiếu đi sự cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng , từ đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của trẻ.
Ngoài ra, nếu cơ thể bé bị rối loạn hấp thu dinh dưỡng thì nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ tăng cao. Khi trẻ mắc các loại bệnh như: Kiết lỵ, tiêu chảy kéo dài, sởi, viêm phế quản, nhiễm trùng tiết niệu,...mà không nhận đủ được lượng dinh dưỡng cần thiết cũng sẽ có nguy cơ thiếu Vitamin A trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ khô giác mạc ở trẻ.
3. Điều trị và Cách phòng bệnh cho bé mà mẹ cần lưu ý
3.1. Cách điều trị bệnh khô mắt cho bé
Khi bé có biểu hiện của bệnh, mẹ nên đưa con đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ cần được uống Vitamin A với liều lượng 200 ngàn đơn vị quốc tế, ngày hôm sau tiếp tục uống liều lượng tương tự, từ 1 đến 4 tuần sau uống thêm 1 lần với liều lượng như trên. Tuy nhiên, đối với những bé dưới 12 tháng tuổi, chúng ta chỉ dùng một nửa liều (100 đơn vị quốc tế).
3.2. Cách phòng bệnh khô mắt cho trẻ nhỏ
- Bổ sung Vitamin A hợp lý cho con theo từng thời kỳ
Khi mẹ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú. Các mẹ cần ăn đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước, đảm bảo cho con được hình thành khỏe mạnh. Trong khoảng 6 tháng tuổi đầu, mẹ cần nuôi bé hoàn toàn bằng sữa mẹ, đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cung cấp đầy đủ Vitamin A cho trẻ.
Sau khi bé hơn 6 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung các nhóm dinh dưỡng khác nhau như chất béo, chất đạm và các loại muối khoáng để bé hấp thu đầy đủ hơn. Đây cũng là thời gian mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế địa phương để được bổ sung Vitamin A liều cao theo chính sách hỗ trợ của nhà nước. Điều này sẽ giúp bé dự trữ lượng vi chất A cần thiết trong vòng 4-6 tháng.
Khi bé được 9 tháng tuổi, mẹ nên đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi, điều này giúp giảm 50% nguy cơ thiếu vitamin A và bệnh khô mắt ở trẻ em. Khi trẻ bị tiêu chảy dài ngày, các mẹ không nên chủ quan mà phải đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất để điều trị kịp thời nhé.
- Tăng cường Vitamin A qua bữa ăn hàng ngày
Để bổ sung thêm vi chất A cho cơ thể bé, mẹ có thể chế biến những món ăn từ các loại thịt, lòng đỏ trứng, gan động vật, sữa, các loại rau củ quả có màu vàng cam hoặc xanh sẫm như: Cà rốt, bí đỏ, đu đủ, rau dền,...Đây đều là những nhóm thực phẩm bổ sung vitamin hiệu quả cho trẻ nhỏ.
Thiếu Vitamin Avà bệnh khô mắt ở trẻ em là những vấn đề quan trọng, mà bất cứ bà mẹ nào cũng nên tìm hiểu, ghi nhớ kỹ càng. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tham khảo thêm nhiều về các nguồn thực phẩm giàu vitamin A, để chế biến bữa ăn hàng ngày cho con, từ đó bổ sung Vitamin A cho bé hiệu quả hơn.
Thương Biện tổng hợp