1. Sự phát triển của thai nhi 30 tuần tuổi
Vào tuần này, em bé nặng khoảng 1.3kg và dài gần 40cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Xương của bé đã cứng cáp và chắc chắn hơn trước nhờ hấp thụ nhiều canxi. Lúc này, các mẹ đừng quá chủ quan mà hãy ăn nhiều hải sản và bổ sung từ 1.000 - 1.300mgc/ ngày để bé nhanh phát triển hơn nhé!
Thai nhi 30 tuần tuổi có thể liếm nuốt, cử động các khớp tay chân, nhăn mặt, nhíu mày và quay đầu "qua trái qua phải". Đặc biệt, bé còn biết phân chia thời gian nghỉ ngơi và hoạt động theo nhịp độ tương tự nhau từ ngày này qua ngày khác. Ví dụ: buổi sáng bé sẽ cử động tay chân, duỗi thẳng cơ thể... và nghỉ ngơi vào buổi trưa.
2. Một số gợi ý chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu
Ở giai đoạn này, một số mẹ bầu sẽ cảm thấy đau lưng, choáng váng và thậm chí có thể ngất xỉu khi hoạt động mạnh. Do đó, các mẹ nên giảm bớt công việc, đi đứng nhẹ nhàng và tránh khiêng vác đồ đạc nặng nhọc. Trường hợp đang nằm nghỉ trên giường và muốn ngồi dậy, mẹ bầu nên thay đổi tư thế sang nằm nghiêng. Sau đó, dùng hai tay chống cơ thể lên và từ từ xích mông ra khỏi thành giường. Để giảm đau lưng, mẹ bầu nên ngồi thiền, tập một vài động tác yoga và tuyệt đối không được đứng lên, ngồi xuống quá nhanh hoặc đột ngột.
Bên cạnh đó, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về tầng sinh môn. Đây là phần mô giữa âm đạo và hậu môn. Nếu bạn có ý định sinh thường, bạn cần phải thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu giúp giãn tầng sinh môn. Từ đó, sẽ hạn chế tình trạng sinh khó và giúp em bé chui ra khỏi mẹ dễ dàng hơn.
Vào tuần này, mẹ bầu không thể sử dụng các loại quần lót trước kia vì chúng quá chật chội và làm mẹ cảm thấy khó chịu. Đây là lúc quần lót bà bầu được xem là vị cứu tinh dành cho chị em. Khi mặc, mẹ sẽ không còn cảm giác khó chịu do cấn bụng, kể cả khi đứng lên hoặc ngồi xuống.
3. Chế độ dinh dưỡng cho thai nhi 30 tuần tuổi
Vào tuần này, các bộ phận trên cơ thể của bé như não bộ, các múi cơ và phổi sẽ tiếp tục hoàn thiện. Chính vì vậy, các mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, omega3, vitamin... để giúp bé tăng cân an toàn và thông minh hơn sau khi chào đời. Một số thực phẩm chứa nhiều khoáng chất và vitamin như cải bó xôi, thịt đỏ, cá hồi, các loại đậu, dầu oliu...
Để hạn chế tình trạng thiếu máu sau khi sinh, mẹ nên bổ sung thêm thịt nạc, rau có màu xanh đậm, ngũ cốc trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đặc biệt, các mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn bánh kẹo, thức ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp. Vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thai nhi 30 tuần tuổi là thời điểm mẹ bầu nên chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, cũng như lưu ý sức khỏe thai nhi thật kỹ. Qua bài viết trên đây, Yeutre.vn hy vọng sẽ giúp cho các bố mẹ bổ sung thêm được nhiều kiến thức về những vấn đề liên quan đến sức khỏe của mẹ khi thai nhi được 30 tuần tuổi. Tuần này cũng đã rất gần với thời điểm sinh nở rồi, các mẹ nên chú ý nhiều hơn đến chế độ luyện tập, để đảm bảo an toàn cho thời điểm "vượt cạn" nhé .
Liên Tiểu Di tổng hợp