Thai nhi 29 tuần tuổi: Bé đã có hình hài như em bé sinh đủ tháng

Thai nhi 29 tuần tuổi đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và có hình hài như em bé đủ tháng. Đây cũng là giai đoạn bà bầu nên chuẩn bị tâm lý vượt cạn trong những ngày sắp tới.

banner ads

1. Thai nhi 29 tuần tuổi nặng bao nhiêu kg?

Thai nhi 29 tuần

Ở tuần này, bé nặng khoảng 1,2 - 1,25kg, dài khoảng 32 - 35cm, lượng nước ối trong tử cung lúc này còn khoảng 0,8 lít và sẽ giảm dần khi bé lớn thêm. Móng tay, móng chân, tóc cũng đang bắt đầu hình thành và mọc dần.

Thú vị hơn, trong tuần này, răng em bé bắt đầu hình thành, tuy nhiên, lúc này chỉ là mầm răng nằm trong lợi thôi, khi em bé sinh ra, khoảng 4 tháng trở đi mầm răng sẽ bắt đầu phát triển tiếp và trở thành những chiếc răng sữa đầu tiên. Thị lực bé cũng đang phát triển dần. Thai nhi có thể cảm nhận được hướng nào có nguồn sáng và quay đầu về hướng đó. Thai nhi cũng có thể nghe thấy những âm thanh bên ngoài, đây chính là thời điểm thích hợp để mẹ cho bé nghe nhạc, đọc sách nhằm kích thích não bộ thai nhi.

Trong tuần này, não bộ thai nhi tiếp tục phát triển, các tế bào thần kinh tiếp tục sản sinh, khi bé sinh ra bé sẽ có hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và không phát triển nhiều sau khi chào đời. Đó là lí do, kích thích não bộ trẻ trong thai kỳ rất quan trọng.

Sự phát triển của thai nhi từ 28 - 37 tuần

Các chất béo trong cơ thể dần phát triển tạo nên các mô mỡ, nhờ vậy, 29 tuần tuổi trông bé bụ bẫm và đáng yêu rất nhiều. Chất béo cũng có tác dụng giữ ấm cơ thể bé giúp bé không bị lạnh khi trong bụng mẹ. Bé cũng hoạt động và đạp hơn nhiều vào bụng mẹ, bé có vẻ thích ngủ ban ngày và hoạt động ban đêm hơn, vì vậy, mẹ có thể bị bé đánh thức vào nửa đêm hoặc sáng sớm.

2. Mẹ thay đổi thế nào khi thai nhi 29 tuần tuổi?

Trọng lượng cơ thể mẹ bắt đầu tăng nhanh hơn, mẹ có thể đạt mức tăng từ 9,5kg - 12,5kg trong tuần này. Một số mẹ có thể có sữa non ở giai đoạn này, đây là khởi đầu hoàn hảo cho giai đoạn mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

Vào tuần 29, mẹ cũng sẽ gặp rắc rối với chứng mót tiểu và tiểu nhiều hơn. Do thai nhi lớn chèn ép vào bàng quang, để hạn chế tình trạng này, khi ngủ mẹ hãy chịu khó nằm nghiêng về bên trái.

Chân mẹ bầu cũng bắt đầu có dấu hiệu phù nề, tích nước, sưng to. Các vết rạn bắt đầu hình thành ở mông, ngực, bụng. Tùy theo cơ địa mà vết rạn mờ hay đậm, nhiều hay ít. Các mẹ có thể áp dụng một số cách để phòng chống rạn khi mang thai như sử dụng dầu dừa hoặc dầu oliu bôi vào ngực, bụng, mông trước khi đi ngủ.

Mẹ có thể bị chuột rút thường xuyên. Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính gây nên chuột rút ở bà bầu là gì. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mẹ bị chuột rụt do thiếu hụt canxi, vì vậy bà bầu nên thường xuyên bổ sung canxi từ thực phẩm và thuốc do bác sĩ chỉ định.

3. Dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu mang thai 29 tuần

Bà bầu nên ăn nhiều rau xanh trong giai đoạn này

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ đừng quên tăng cường thêm rau xanh, trái cây, các loại họ hạt đậu, hạt sen... Để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, bà bầu nên thường xuyên ăn hoặc uống các loại cam, quýt, bưởi, thêm tỏi vào trong mỗi bữa ăn để phòng chống cảm cúm thai kỳ.

Ngoài ra, trong tuần này mẹ sẽ cảm thấy cơ thể rất mệt mỏi vì thai nhi đang cần dinh dưỡng từ mẹ, do đó mẹ hãy bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt, các loại rau xanh, đậu lăng, ngũ cốc...

Tình trạng ợ nóng, đầy hơi sẽ quay trở lại vào tuần này, do đó mẹ hãy ăn các thực phẩm dễ tiêu để hệ tiêu hóa tốt hơn.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI