Thai 37 tuần - những bước cuối của cuộc hành trình thai kỳ

Thai 37 tuần là thời điểm đã rất gần với ngày dự sinh của bạn, bạn và bé yêu chỉ còn vài bước ngắn nữa là có thể gặp nhau. Tuy vậy, bạn và con vẫn cần thêm một ít thời gian nữa để “chuẩn bị” thật kĩ càng. Chúng ta hãy cùng xem có điểm gì đặc biệt diễn ra trong tuần này không nhé. 

banner ads

Thai 37 tuần gần với ngày dự sinh
Thai 37 tuần là thời điểm bạn đã rất gần với ngày dự sinh. Ảnh Internet 

1. Sự phát triển của thai 37 tuần

1.1. Hoạt động và sự phát triển của thai 37 tuần

Ở tuần thai thứ 37, em bé của bạn vẫn đang tiếp tục tăng cân (mặc dù rất ít, khoảng 15g mỗi ngày), tích tụ thêm chất béo để trở nên có da có thịt hơn trước khi chào đời.

Mặc dù đã gần đến ngày dự sinh, nhưng nếu ra đời ở tuần thứ 37, bé vẫn bị coi là sinh non, con sẽ không được xem là đủ ngày đủ tháng cho đến khi được 39 tuần tuổi trong bụng mẹ.

Thai tuần có một số đặc điểm nổi bật gồm:

  • Bé đã rụng hầu hết lanugo – lớp lông mịn màng bao phủ cơ thể (dù vậy có một số em bé vẫn còn một ít vết tích của lớp lông tơ này đến vài tuần sau khi sinh).
  • Bé đã có thể thực hiện các động tác nắm bắt bằng ngón tay.
  • Bé đã có thể phản ứng lại với ánh sáng rực rỡ ở thế giới bên ngoài bằng cách di chuyển hoặc quay về phía sáng.
  • Bé đã quay đầu xuống để chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho ngày rời khỏi tử cung của bạn để ra ngoài. 
Thai nhi 37 tuần
37 tuần tuổi bé đã rất ra dáng. Ảnh Internet 

1.2. Kích thước của thai tuần

Thai nhi tuần đã khá lớn, không thua kém nhiều so với em bé sơ sinh. Lúc này bé có kích thước bằng cỡ lá cải Thụy Sĩ (hay cải cầu vồng) với cân nặng khoảng 2,8-3kg và dài khoảng 48-50 cm (tính từ đầu đến gót chân). 

Thai 37 tuần to bằng lá cải cầu vồng
Thai nhi 37 tuần có kích thước bằng cỡ lá cải cầu vồng. Ảnh Internet 

2. Cơ thể mẹ bầu ở tuần thai 37

Khi thai 37 tuần , cổ tử cung của bạn đã bắt đầu giãn ra và nút nhầy cổ tử cung cũng có thể bung ra dẫn đến việc xuất hiện vệt máu hồng. Đây là dấu hiệu báo cho bạn biết quá trình chuyển dạ đang bắt đầu hoặc không còn bao lâu nữa. Bạn hãy lưu ý rằng nút nhầy có thể bung khỏi cổ tử cung vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần trước khi bạn bắt đầu chuyển dạ. Vì vậy bạn hãy chú ý quan sát để nhận biết được và đến cơ sở y tế để được thăm khám và xác định xem bạn có sắp sinh hay không. Đặc biệt nếu bạn mang đa thai thì khả năng sinh sớm hơn 39 tuần thai là rất cao nên bạn càng cần theo dõi dấu hiệu “máu báo” này.

2.1. Triệu chứng

Bước qua tuần thai thứ 37, bạn có thể trải qua những triệu chứng sau:

  • Bạn bị đau vùng sàn chậu hoặc cảm nhận áp lực lên vùng này tăng : do đến thời điểm này, em bé đã quay đầu để chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho lúc sinh, nên bạn sẽ thấy áp lực lên vùng chậu tăng lên, thậm chí có thể khiến bạn đau và khó đi lại. Nếu thấy khó chịu, bạn có thể tắm tắm nước ấm để giảm đau. Tại buổi khám thai định kỳ (sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi gần đến ngày dự sinh của bạn), bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ để được tư vấn cụ thể hơn về những việc cần làm để giảm đau vùng chậu hoặc đau lưng. 
Mẹ bầu hỏi bác sỹ
Hãy hỏi bác sỹ cụ thể về điều bạn cần làm để giam đau vùng chậu hoặc đau lưng. Ảnh Internet 
  • Bạn bị khó thở : nếu đến lúc này em bé của bạn vẫn chưa quay đầu và di chuyển thấp hơn xuống khung chậu của bạn, thì bạn dễ dàng bị khó thở do áp lực của tử cung lên phổi và cơ hoành. Trong trường hợp này bạn hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn, di chuyển chậm, và ngồi hoặc đứng thẳng để phổi của bạn có nhiều chỗ hơn để mở rộng theo từng hơi thở.
  • Bạn bị buồn nôn : một số thai phụ bị buồn nôn khi mang thai được 37 tuần, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dạ sắp bắt đầu. Nếu bạn ở trong nhóm này, hãy chia nhỏ bữa ăn (4-5 bữa một ngày) và thử một số loại thực phẩm nhạt như cơm trắng, bánh mì nướng hay chuối vì chúng có thể giúp bạn vượt qua cảm giác buồn nôn.
  • Bạn bị ngáy : việc này sẽ không gây rắc rối nhiều cho bạn như cho ông xã của bạn. Hầu hết các bà mẹ tương lai đều trải qua những thay đổi về đường hô hấp trong quá trình mang thai do sự thay đổi nội tiết tố khiến họ dễ bị ngáy. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hiện tượng ngáy này không hẳn là bình thường vì có thể nguyên nhân là do màng nhầy trong mũi bị khô. Vì vậy hãy đảm bảo bạn cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể và duy trì máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ nếu “đối tác” của bạn bắt đầu phàn nàn về tiếng ngáy của bạn. 
Bà bầu ngáy
Đến tuần 37 có thể bạn sẽ ngáy nhiều và to khi ngủ. Ảnh Internet 
  • Bạn thường bị mất thăng bằng : đến lúc này, việc tăng cân khá nhiều khiến trọng tâm của bạn thay đổi và làm cho bạn dễ bị mất thăng bằng. Trọng lượng tăng thêm này là từ em bé, nhau thai, nước ối và lượng chất lỏng trong cơ thể và nó khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Khi em bé quay đầu và di chuyển thấp hơn xuống vùng chậu thì sự phân bổ trọng lượng của bạn có thể thay đổi một lần nữa. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận mỗi khi định di chuyển. Để giữ cho cơ thể được ổn định, bạn hãy đứng với hai chân chỉ cùng hướng, với trọng lượng cân bằng trên cả hai chân. Bạn cũng hãy cố gắng không nghiêng phần hông của mình về trước hay sau. Đặc biệt bạn cần tránh nâng vật nặng hoặc mang vật cồng kềnh.
  • Bạn nhận thấy các cơn co thắt : ở tuần thai này, các cơn co Braxton Hicks (không đều và biến mất khi bạn di chuyển hay thay đổi tư thế) vẫn tiếp tục diễn ra để cơ thể bạn diễn tập cho cuộc sinh sắp tới. Tuy nhiên, nếu bạn thấy các cơn co ngày càng tăng về cường độ cũng như tần suất thì có khả năng đó là các cơn co chuyển dạ. Đây là một trong các dấu hiệu chuyển dạ mà khi nó xuấ hiện, bạn cần đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và nhập viện chờ sinh nếu cần thiết. 
Mẹ bầu ôm bụng
Các cơn co Braxton Hicks vẫn diễn ra ở tuần này. Ảnh Internet 

2.2. Những việc bạn cần cân nhắc ở tuần thai thứ 37

Ở tuần thai cận thời điểm dự sinh này, bạn nên suy nghĩ và cân nhắc về một số điểm sau (nếu bạn chưa nghĩ đến trước đó):

  • Tư thế sinh thường : có rất nhiều tư thế (một số có thêm sự trợ giúp của các vật dụng như ghế, bóng, giường hay bể bơi nhỏ,…) có thể giúp bạn thấy thoải mái hơn khi sinh thường. Bạn hãy liên hệ trước với bệnh viện bạn dự định sinh em bé để được tư vấn và đăng ký. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng một khi bạn bước vào quá trình chuyển dạ, thì những gì giúp bạn thấy thoải mái lại có thể là những thứ/ những việc rất khác so với những gì bạn mong đợi.
  • Cách cho em bé ăn : việc lựa chọn cho bé bú mẹ hay sữa công thức là của bạn, tuy nhiên bạn vẫn nên tìm hiểu kĩ càng về hai phương pháp này. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ hoặc chuyên gia về bú mẹ để có thêm thông tin.
  • Khi đưa bé từ bệnh viện về nhà : bạn nên chuẩn bị ghế/ nôi chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh để dảm bảo an toàn khi đưa bé từ bệnh viện về nhà. Dù đó là đồ dùng cũ (của trẻ lớn nhà bạn hay của người thân, bạn bè) hay mới thì bạn cũng nên kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng trước khi sử dụng cho bé.
  • Nhờ người giúp đỡ trong thời gian đầu sau khi bạn sinh : bạn có thể nhờ người thân, bạn bè hay hàng xóm mà bạn tin tưởng giúp đỡ một số công việc (nấu ăn, mua thực phẩm, đồ dùng, làm việc nhà, chăm sóc trẻ lớn,…) trong thời gian đầu bạn mới sinh. Bạn hãy lập một danh sách các công việc để mọi người biết chính xác những việc bạn muốn nhờ họ giúp. 
Bình pha sữa
Bạn cần tìm hiểu kỹ về việc cho bé bú mẹ lẫn sữa công thức nhé. Ảnh Internet 

3. Một số câu hỏi bạn nên hỏi bác sỹ ở buổi khám thai định kỳ

Bạn cũng nên lưu ý một số câu hỏi để hỏi bác sỹ ở buổi khám thai định kỳ như:

  • Việc em bé chưa quay đầu vào tuần thai này có ảnh hưởng gì không?
  • Trong trường hợp nào thì tôi cần phải sinh mổ?
  • Chồng tôi có được ở cùng khi tôi sinh không? Nếu tôi sinh mổ thì như thế nào?
  • Bao nhiêu người có thể ở cùng tôi khi tôi sinh con ?
  • Chuyện gì sẽ diễn ra ngay sau khi tôi sinh con?
  • Theo bác sỹ thì tôi sẽ ở lại bệnh viện bao lâu sau khi sinh con, và chuyện gì diễn ra trong thời gian đó? 
Mẹ bầu nói chuyện với bác sỹ
Bạn nên hỏi bác sỹ khi khám định kỳ những câu hỏi cần thiết cho việc chuẩn bị sinh em bé. Ảnh Internet 

4. Về việc hoàn thành những vấn đề nhỏ trong danh sách của bạn

  • Đóng gói đồ đi sinh : nếu bạn chưa thực hiện việc này thì bạn cần làm ngay vì ngày bạn sinh có thể đến bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào ngày dự sinh của bạn.
  • Chuẩn bị sẵn đồ ăn : bạn nên tranh thủ nấu một ít đồ ăn và để đông vì sau khi sinh bạn sẽ chưa thể nấu ăn ngay được.
  • Quyết định chọn người trông trẻ và những vật dụng dành cho em bé mà bạn chưa mua đủ : vì càng đến ngày dự sinh, bạn sẽ càng nặng nề mệt mỏi khiến việc đi lại và mua sắm càng khó khăn hơn.
  • Chọn một tấm trải giường không thấm : bạn nên chọn một tấm trải giường không thấm nước để đề phòng trường hợp bạn bị vỡ ối khi ngủ.
  • Chọn áo lót dành riêng cho con bú : những chiếc áo chuyên dụng này sẽ rất hữu dụng đối với bạn khi cho con bú. 
Túi đồ đi sinh
Bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng túi đồ đi sinh nhé. Ảnh Internet 

Thai 37 tuần đã là những bước cận cuối của cuộc hành trình “thai kỳ” mà bạn và bé yêu cùng trải qua. Mặc dù không còn bao lâu nữa bạn sẽ gặp được bé một cách trực tiếp, tuy nhiên đến thời điểm này, quá trình chuyển dạ và cuộc sinh lại có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Vì vậy, bạn hãy luôn ở trong tư thế chuẩn bị để dù là ngày hay đêm, bạn vẫn “xử lý” được “tình huống” một cách an toàn và nhanh chóng nhất, bạn nhé.

Theo Pampers

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI