1. Thai 37 tuần em bé đã phát triển như thế nào?
- Thai 37 tuần là lúc thai nhi đã có cân nặng khoảng 2,8kg - 3kg, cũng có những bé ở thời điểm này nằm trong khoảng cân nặng 3-4kg.
- Thị giác bé rất phát triển, con đã có những phản ứng với ánh sáng.
- Xương của con tất cả đều đã cứng cáp trừ xương sọ vẫn còn mềm để con có thể đi qua đường sinh dễ dàng.
- Lớp lông tơ (hay lanugo) bao phủ bé đã biến mất. Tuy nhiên, một số bé vẫn còn những mảng nhỏ cho đến khi sinh ra.
- Các ngón tay của con lúc này đã rất khéo léo, cong đang học nắm giữ và có thể nắm cả giây rốn của mình. Và điều này sẽ không có gì ngạc nhiên, khi bé được sinh ra, con có thể nắm ngón tay của mẹ trông rất dễ thương.
- Bé cũng đang học và luyện tập kỹ năng hít vào thở ra, mút tay, chớp mắt. Tất cả nhằm chuẩn bị để thích ứng với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ không bao lâu nữa.
2. Ở tuần thai 37 tuần mẹ bầu ra sao?
- Bụng bầu tụt xuống : Ở tuần thai 37, hầu như mọi người đều có thể dễ dàng quan sát bụng bầu của mẹ có vẻ đang tụt xuống, trông nặng nề hơn. Mẹ bầu sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và có cảm giác đau lưng dưới do đầu em bé quay xuống, tạo áp lực vào bàng quang của mẹ. Dù cảm thấy bụng bầu khá nặng nề, song mẹ sẽ cảm thấy dễ thở hơn trước.
- Phù chân : Khi thai 37 tuần , mẹ cũng bị sưng phù chân trông thấy rõ hơn trước đó. Nếu mức độ phù chân không quá nghiêm trọng thì mẹ không quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu mức độ phù chân nghiêm trọng, thì mẹ cần lưu ý mọi dấu hiệu dù là nhỏ nhất xảy ra. Vì có thể liên quan đến dấu hiệu sắp sinh của mẹ.
- Khó ngủ : Càng về cuối thai kỳ, nhiều mẹ càng khó ngủ do bụng bầu đã to và nặng hơn. Bên cạnh đó, do thai nhi quay đầu di chuyển xuống nên gây áp lực lên bàng quang sẽ khiến mẹ phải đi tiểu thường xuyên. Điều này cũng làm cho mẹ bị khó ngủ.
- Ngủ ngáy : Có thể trước đây mẹ chẳng khi nào ngủ ngáy, nhưng khi mang thai và càng về cuối thai kỳ, khả năng ngủ ngáy là hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân phổ biến là do hormone thay đổi, đường hô hấp cũng có những tác động nhất định nên khiến mẹ ngáy. Hoặc, do màng nhầy ở mũi bị khô, cũng có thể khiến mẹ bị ngáy khi ngủ. Do vậy, hãy bảo đảm không gian phòng ngủ thoáng và có đủ độ ẩm, kê gối thoải mái khi nằm và nhớ luôn uống đủ nước mẹ nhé.
- Buồn nôn : Có không ít phụ nữ khi càng về cuối thai kỳ càng nhạy cảm và dễ bị buồn nôn như lúc ốm nghén song nó lại không quá khó chịu như lúc nghén. Buồn nôn cũng được xem là một trong những dấu hiệu chuyển dạ sớm ở một số mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu buồn nôn ở mức độ nghiêm trọng thì cần phải chú ý, thậm chí là cần phải theo dõi, thông báo cho bác sỹ bởi nó cũng được cho là có thể liên quan đến tiền sản giật.
- Các cơn thắt Braxton Hicks : Từ tuần 37 trở đi, các cơn co thắt Braxton Hicks sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và có thể kéo dài. Nó cũng dễ khiến mẹ nhầm lẫn với các cơn co thắt chuyển dạ thật. Vì thế mẹ bầu cần chú ý, các cơn co thắt Braxton Hicks thường sẽ giảm và chấm dứt khi mẹ thay đổi tư thế, trong khi các cơn đau chuyển dạ thật thì không.
3. Sinh ở tuần 37 em bé có sao không?
37 tuần là khi con đã sẵn sàng có thể ra đời bất cứ lúc nào. Thực tế không hiếm gặp các trường hợp mẹ bầu sinh ở tuần 36-37 vì lý do sức khỏe hoặc tình trạng bất khả kháng. Nhưng cũng không hiếm gặp có mẹ bầu chủ động chọn sinh mổ khi thai 37 tuần vì lý do khác, không phải do sức khỏe thai kỳ vì cho rằng, thai 37 tuần là lúc con đã đủ cứng cáp để ra đời.
Tuy nhiên, các bé nếu ra đời ở tuần 37 của thai kỳ được gọi là sinh sớm.
Theo các chuyên gia và bác sỹ sản khoa, trừ những trường hợp bất khả kháng, còn không em bé ra đời sớm ít nhất là ở tuần 38 hoặc ra đời ở tuần 39 luôn tốt hơn. Vì, từ tuần 37 đến 39 của thai kỳ, con có thêm 2 tuần để tiếp tục phát triển não và phổi hoàn thiện, khi ra đời con sẽ khỏe mạnh hơn.
4. Những điều mẹ bầu cần chú ý ở tuần thai thứ 37
Thai tuần 37 đã gần đến thời điểm sinh, cũng như từ tuần này trở đi, em bé có thể ra đời bất cứ lúc nào. Do đó, có một số điểm quan trọng mà mẹ bầu nào cũng phải lưu ý, cụ thể như:
- Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình và những biểu hiện của thai nhi thông qua thai máy để biết rằng sức khỏe của cả bé và mẹ đều bình thường, ổn định.
- Nếu gặp bất cứ bất thường nào như mẹ mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, rỉ nước ối, dịch tiết âm đạo có lẫn máu hoặc màu dịch tiết âm đạo bất thường,...mẹ đều cần phải đến bệnh viện để thăm khám kiểm tra. Vì những dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến tiền sản giật, tình trạng bất thường của nước ối hoặc em bé đang gặp vấn đề nào đó,...
- Chú ý chế độ dinh dưỡng và ngủ nghỉ hợp lý để sức khỏe thai kỳ được duy trì ổn định. Đồng thời em bé cũng được đảm bảo về dưỡng chất để phát triển tốt ở những tuần cuối thai kỳ này.
- Tránh căng thẳng, tránh làm việc nặng hay quan hệ tình dục mạnh vì những yếu tố này đều có thể góp phần tác động khiến con ra đời sớm.
- Chuẩn bị đồ sơ sinh, túi đồ đi sinh và những vật dụng cần thiết khác cho sinh nở.
- Nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ để có thể nhận biết dễ dàng nếu các dấu hiệu này thực sự xuất hiện.
- Tuân thủ đúng lịch khám thai những tuần cuối và nếu có bất cứ thắc mắc băn khoăn nào về sức khỏe thai kỳ của mình hay việc sinh em bé, đừng ngại trao đổi với bác sỹ của mình.
Đến đây, hẳn mẹ cũng biết rõ rằng, trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại thai 37 tuần chưa phải là thời điểm để sinh em bé. Cho dù chúng ta có nóng lòng gặp con đến nhường nào, thì mẹ vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi thêm. Hãy tích cực chăm sóc bản thân và giữ gìn thai kỳ an toàn cao nhất có thể từ tuần 37 này trở đi, để đảm bảo con ra đời được khỏe mạnh mẹ nhé.
Nguồn tham khảo: The Bump, Pregnancy Birth Baby & Healthline
Cát Lâm tổng hợp