Thai 34 tuần và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Thai 34 tuần là thời điểm mà mẹ và bé đã tiến rất gần đích đến. Em bé lúc này vẫn đang tiếp tục phát triển để hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể và mẹ thì đang ngày càng nặng nề hơn. Vậy có điểm gì đáng lưu ý khi mẹ bầu và thai nhi bước qua tuần thai 34 hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads

Mang thai 34 tuần
Thai 34 tuần là thời điểm mẹ và bé đã tiến rất gần đích đến. Ảnh Internet 

1. Sự phát triển của thai 34 tuần

1.1. Hoạt động và sự phát triển của thai 34 tuần

Khi được 34 tuần, bé sẽ có một số hoạt động và sự phát triển đáng chú ý như:

  • Bé có thể đã quay đầu và di chuyển sâu hơn xuống vùng xương chậu của bạn để chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho cuộc sinh.
  • Nếu em bé là bé trai thì tinh hoàn của con đã di chuyển xuống bìu. Đôi khi 1 hoặc cả 2 tinh hoàn không vào đúng vị trí trước khi bé chào đời, nhưng chúng có khả năng sẽ ở “đâu vào đó” khi bé được 6 tháng tuổi.
  • Lúc này bạn có thể tự hỏi mắt bé sẽ có màu gì khi sinh ra? Màu mắt phụ thuộc vào lượng melanin. Trẻ sinh ra với ít hoặc không có sắc tố thường sẽ có màu mắt xanh khi chào đời, nhưng nó cũng có thể thay đổi trong 1 hoặc 2 năm đầu tiên. Nếu em bé của bạn có đôi mắt sẫm màu khi mới sinh thì chúng thường sẽ ít thay đổi sau này.
  • Ở tuần thai này em bé của bạn vẫn đang ngày càng lớn hơn và không gian trong tử cung vì đó mà trở nên hẹp lại, khiến cho cử động của bé không còn được thoải mái như trước.
  • Bạn sẽ thấy thời khóa biểu hoạt động của em bé khác biệt hơn những tuần thai trước nhưng vẫn cảm nhận được khi bé khua khoắng hay duỗi tay chân.

1.2. Kích thước của thai 34 tuần

Thai 34 tuần đã khá lớn và có kích thước cỡ một quả dưa vàng hay quả bí đỏ. Bé dài từ hoặc hơn 40cm và nặng khoảng hơn 2kg. Đó là lý do bụng bạn ngày càng trở nên chật chội với bé. 

Quả dưa vàng
34 tuần là khi em bé của bạn có kích thước bằng cỡ một quả dưa vàng. Ảnh Internet 

2. Cơ thể mẹ bầu ở tuần thai 34

Do tuần thai thứ 34 đã rất gần với ngày dự sinh nên bạn cần chú ý đến những dấu hiệu có thể dự báo khả năng em bé ra đời sớm hơn, bao gồm:

  • Chuột rút nhẹ ở bụng có hoặc không kèm theo tiêu chảy.
  • Tăng lượng dịch tiết âm đạo.
  • Có sự thay đổi trong dịch tiết âm đạo như lỏng hơn, có lẫn máu hoặc có nhiều chất nhầy.
  • Đau âm ỉ liên tục ở phần lưng dưới.
  • Những cơn co thắt tử cung thường xuyên và tăng dần về cường độ cũng như tần suất.
  • Vỡ hoặc rỉ nước ối.

Nếu bạn mang đa thai thì càng cần phải chú ý các dấu hiệu trên vì khả năng bạn sinh non cao hơn đến 50% so với khi bạn chỉ có một em bé. 

banner ads
Mẹ bầu khám bụng
Khi thai 34 tuần, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu dự báo khả năng em bé ra đời sớm. Ảnh Internet 

2.1. Triệu chứng

Những triệu chứng thường gặp khi thai được 34 tuần có thể gồm:

  • Cơn co Braxton Hicks : khi càng gần đến ngày dự sinh, các cơn co thắt giả - Braxton Hicks càng diễn ra thường xuyên và mạnh hơn, có lẽ vì cơ thể bạn đang “diễn tập” cho cuộc sinh nở sắp tới. Bạn không cần phải lo lắng nếu khi bạn thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi, các cơn co này giảm dần. Tuy nhiên, bạn cần đến cơ sở y tế ngay nếu các cơn co không giảm dù bạn thay đổi tư thế hay nghỉ ngơi, mà còn ngày càng tăng về cường độ và tần suất, vì có thể bạn đang trải qua quá trình chuyển dạ.
  • Ngực bạn lớn hơn : ngực của bạn trở nên đầy đặn hơn khi càng gần đến những tuần cuối của tam cá nguyệt thứ ba vì chúng đang phải chuẩn bị cho việc sản xuất sữa để cung cấp cho em bé. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy nặng nề và khó chịu khi vì da căng và có thể bị ngứa. Lúc này, một chút kem dưỡng ẩm hoặc dầu chuyên dụng cho mẹ bầu sẽ giúp bạn dễ chịu hơn. Ngoài ra, một chiếc áo ngực vừa vặn có thể nâng đỡ và hỗ trợ tối đa cho bộ ngực của bạn. 
Ngực tăng kích cỡ
Tuần 34, ngực bạn sẽ đầy đặn hơn. Ảnh Internet 
  • Đau vùng xương chậu : khi thai 34 tuần , khi em bé đang ngày càng di chuyển thấp xuống vùng xương chậu của bạn để chuẩn bị chào đời, bạn có thể gặp một số cơn đau ở vùng này, bị khó chịu ở lưng hay áp lực lên bàng quang. Bù lại, lúc này áp lực lên cơ hoành và phổi của bạn lại giảm giúp bạn thấy dễ thở hơn. Để làm giảm các cơn đau vùng chậu, bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào thấy không thoải mái. Ngâm chân vào nước ấm có thể khiến bạn dễ chịu hơn.
  • Phù chân : tình trạng này khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai những tuần cuối. Nguyên nhân gây ra phù chân có thể gồm nhiều yếu tố như: áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, lượng chất lỏng tăng trong thai kỳ, sự thay đổi hormone, đứng quá lâu, thiếu kali, dư natri, làm việc nặng,…Một trong những cách giúp giảm phù chân là bạn hãy hạn chế đứng quá lâu, tránh mang giày cao gót, không làm việc nặng, ăn nhạt, uống nhiều nước, dùng gối kê khi ngồi.
  • Táo bón : táo bón cũng là một trong những tình trạng phổ biến đối với phụ nữ mang thai đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kì như thai 34 tuần. Để giảm táo bón khi mang thai nhất là mang thai ở tuần thai 34, bạn hãy uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ (như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám), nước ép mận hay nước ép trái cây khác. Ngoài ra đi bộ hoặc tập những bài thể dục nhẹ nhàng dành cho thai phụ cũng giúp ích khác nhiều cho bạn. 
Bà bầu bị chuột rút
Phù chân, chuột rút là tình trạng phổ biến với các bà bầu ở tuần 34. Ảnh Internet 

2.2. Những việc bạn cần lưu ý ở tuần thai thứ 34

Bạn đang cùng bé yêu tiến dần đến ngày gặp gỡ trực tiếp nên hãy chuẩn bị mọi thứ một cách chu đáo nhất. Dưới đây là những việc bạn nên cân nhắc ở tuần thai này:

  • Chuẩn bị tâm lý cho các anh chị của em bé : mặc dù đây là một quá trình bạn cần thực hiện từ trước khi có thai đến tận khi em bé ra đời. Tuy nhiên càng gần đến ngày trọng đại đó, bạn càng cần phải chú ý một cách kỹ càng hơn. Vì khi bạn dành hầu hết thời gian để chăm sóc em bé mới sinh, các anh chị của bé có thể sẽ ganh tỵ và phản ứng tiêu cực đôi khi gây nguy hiểm cho em bé mà bạn không thể lường trước được. Do vậy, bạn hãy tiếp tục trò chuyện với trẻ lớn về thành viên sắp xuất hiện trong gia đình như giải thích cách em bé chào đời một cách phù hợp với độ tuổi của trẻ (có rất nhiều loại sách có thể giúp bạn trong việc này).

Bạn cũng hãy cho các con tham gia vào việc chuẩn bị những thứ liên quan tới em bé như dẫn trẻ cùng đi mua sắm đồ đạc cho em, hay bàn về những trò chơi những câu chuyện mà trẻ sẽ chơi/ kể với em,…Những việc này sẽ giúp trẻ lớn thấy hào hứng hơn cũng như không có cảm giác mình là thành phần thừa (theo cách nói dân dã là “ra rìa”) khi trẻ có em . Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên nên dành khoảng thời gian một mình với trẻ lớn để chúng thấy rằng mình vẫn là một thành viên quan trọng của gia đình và mình vẫn được cha mẹ yêu thương. 

Em bé lớn
Nếu bạn có bé lớn, đừng quên dành thời gian cho con nhé. Ảnh Internet 
  • Bổ sung calcium đầy đủ : calcium là khoáng chất quan trọng giúp xây dựng hệ xương và răng của bé ngay từ trong bụng mẹ, việc bổ sung đủ calcium trong thai kỳ là ưu tiên hàng đầu của bạn. Bạn hãy uống đầy đủ các viên uống calcium theo chỉ định của bác sỹ sản khoa cũng như ăn/ uống các loại thực phẩm giàu calcium hàng ngày như rau lá xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa, nước trái cây,…
  • Chuẩn bị túi đồ đi sinh : tuần thai thứ 34 không phải là quá sớm để bạn chuẩn bị hành lý đi sinh. Bạn hãy dành thời gian lập danh sách những món đồ cần mang (dành cho em bé mới sinh, cho bạn và cả bố của bé nữa) và sắp xếp chúng vào một chiếc túi hoặc va li gọn nhẹ nhất có thể. Sau đó bạn hãy để túi/ va li ở một vị trí thuận tiện nhất để có thể mang theo bất cứ khi nào cần thiết.
  • Hãy nghĩ về việc khi nào bạn muốn mọi người đến thăm bạn và em bé tại bệnh viện : khi mới sinh, bạn còn đau và rất mệt mỏi nên cần phải nghỉ ngơi. Gia đình và một vài người bạn thân thiết đến thăm bạn thì có thể ổn nhưng quá nhiều người sẽ khiến bạn thêm căng thẳng và mất sức. Vì vậy bạn nên suy nghĩ về việc để ai đến thăm mình và em bé tại bệnh viện.  
Chuẩn bị đồ cho em bé
Đã đến lúc mẹ chuẩn bị sẵn đồ đi sinh. Ảnh Internet 

Ngoài ra, tại buổi khám thai định kỳ, bạn hãy hỏi bác sỹ những câu hỏi sau để nắm được tình hình của em bé:

  • Em bé đang ở vị trí nào?
  • Nếu em bé đang ở ngôi mông thì có khả năng bé sẽ quay xuống ngôi đầu hay không?
  • Nếu gần đến ngày dự sinh mà em bé vẫn ở ngôi đầu thì bác sỹ có khuyến cáo điều gì không?
  • Tôi có thể tập những bài tập/ động tác nào để giúp giảm áp lực cho vùng lưng dưới?
  • Tôi muốn học một khóa đào tạo CPR (hồi sức tim phổi) cho trẻ sơ sinh, bác sỹ có đề nghị hay giới thiệu một khóa cụ thể nào không? 
Trao đổi với bác sỹ
Trao đổi thêm với bác sỹ khi đi khám thai định kỳ để bạn nắm rõ tình hình của em bé hơn. Ảnh Internet 

Thai 34 tuần là thời điểm chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là bạn và gia đình có thể đón bé yêu chào đời. Có lẽ bạn sẽ không khỏi hồi hộp và lo lắng khi gần đến ngày gặp con yêu. Tuy vậy bạn không nên quá căng thẳng mà hãy tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị sức khỏe thể lý và tinh thần tốt nhất, cho ngày chào đón thành viên mới của gia đình bạn nhé.

Theo Pampers

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI