1. Bắt đầu tập cho bé bú mẹ trở lại như thế nào
Khi bắt đầu tập cho bé bú mẹ trở lại, việc bé không chịu bú không hẳn là vấn đề lớn nhất mẹ gặp phải. Sự sụt giảm lượng sữa mẹ cũng khiến cho quá trình này trở nên khó khăn hơn. Do vậy, làm sao để “nhà máy” của bạn tăng cường sản xuất sữa cho nhu cầu của bé cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp tăng sản xuất sữa cũng như tăng sự hợp tác của bé:
- Giúp “nhà máy” sản xuất sữa trở lại. Bạn hãy vắt sữa (bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay ) vào các cữ bú của bé để ngực sản xuất sữa đủ và đều đặn trở lại.
- Cho bé bú mẹ đầy đủ. Việc này sẽ giúp hạn chế bé liên kết cơn đói và cảm giác bực bội với vú mẹ. Vì cơn đói sẽ không khiến trẻ bú tốt hơn, mà có thể làm con bực mình hơn.
- Bạn hãy bình tĩnh. Bạn hãy bắt đầu tập cho bé bú mẹ trở lại với tư thế và tâm trạng thoải mái. Khi cho con bú mẹ , bạn hãy thả lỏng vai, mỉm cười và cố đừng tỏ ra căng thẳng hay cau có. Bạn cũng hãy nương theo các biểu hiện gợi ý của bé khi con bắt đầu khó chịu và hãy thử lại vào cữ bú sau.
- Bạn cũng hãy kiên nhẫn. Có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian để bé làm quen lại với bầu vú của mẹ. Rất nhiều trẻ đã làm được điều này. Vì vậy bạn đừng cố ép con bú mẹ việc này sẽ phản tác dụng.
2. Cách tập cho bé bú mẹ trở lại hiệu quả nhất
Để tập cho bé bú mẹ trở lại một cách hiệu quả, bạn hãy thử áp dụng một số cách sau:
2.1. Tiếp xúc da kề da để tập cho bé bú mẹ trở lại dễ dàng hơn
Tiếp xúc da kề da là bước quan trọng đầu tiên giúp tập cho bé bú mẹ trở lại dễ dàng hơn. Bú mẹ là bản năng mạnh mẽ của trẻ sơ sinh và bản năng này có xu hướng trở nên mạnh mẽ nhất khi trẻ được gần gũi với bầu ngực mẹ ở tư thế bế da kề da . Bạn hãy thử bế bé áp vào ngực của mình mà không áp lực con phải bú. Bạn để ngực trần hoặc càng ít lớp áo càng tốt.
Bạn cũng hãy lưu ý một số điểm sau:
- Tháo găng đeo tay của bé để con có thể thực sự điều chỉnh các phản xạ bú tự nhiên của mình.
- Cùng bé thư giãn trong bồn tắm dưới ánh sáng yếu và con nằm giữa hai bầu ngực của bạn. Việc này có thể kích thích phản xạ bú của con.
- Sử dụng địu trong nhà cũng giúp bé dễ dàng tiếp cận với ngực của bạn.
- Bạn đừng lo lắng nếu bé không cố gắng ngậm ti mẹ trong lần tiếp xúc da kề da đầu tiên. Điều quan trọng là bạn giúp bé liên kết giữa bầu ngực mẹ với một nơi an toàn, ấm áp, và thư giãn. Như vậy con sẽ có cơ hội sớm bú mẹ trở lại khi đã sẵn sàng.
2.2. Thử cho con bú ở nhiều tư thế khác nhau
Cho con bú ở nhiều tư thế khác nhau cũng là một cách giúp tập cho bé bú mẹ trở lại. Cách bạn bế bé có thể hỗ trợ hoặc cản trở con ngậm vú mẹ. Nếu được bế đúng tư thế, nhiều em bé có thể tự bú một cách dễ dàng. Bạn hãy thử các tư thế cho bé bú khác nhau, đặc biệt là tư thế ngả lưng để xem bé bú hiệu quả nhất ở tư thế nào.
2.3. Tránh dùng vú da
Để tập cho bé bú mẹ trở lại một cách hiệu quả hơn, bạn hãy tránh cho con ngậm vú da. Vì việc này sẽ khuyến khích một cách bú khác so với bú vú mẹ. Nó cũng có thể thay thế cảm giác thoải mái do bầu ngực mẹ đem lại. Vì vậy, để giảm sự phụ thuộc vào vú da của bé, bạn hãy cho con bú mẹ cũng như tiếp xúc da kề da để giúp con thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
Việc để trẻ ngậm ngón tay sạch cũng giúp trẻ nhận biết được cảm giác da thịt thực sự trong miệng mình. Từ đó, con sẽ bú mẹ dễ dàng hơn.
2.4. Tránh cho con bú bình trong vài cữ hoặc toàn bộ các cữ bú
Trong quá trình tập cho bé bú mẹ trở lại, bạn hãy tránh cho con bú bình trong một vài hoặc toàn bộ các cữ bú trong ngày, dựa vào thái độ hợp tác của con. Việc giảm sự phụ thuộc của bé vào hoạt động bú bình sẽ tạo thuận lợi cho con dễ dàng quen với một cách bú khác hơn.
Các biện pháp thay thế như uống sữa bằng ly hay ngón tay có thể khuyến khích việc bé bú mẹ bằng cách phá vỡ mối liên hệ giữa thức ăn và núm vú giả của trẻ.
- Cho bé bú bằng ly. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể bú sữa qua một chiếc cốc mở dưới sự giúp đỡ một cách cẩn thận từ mẹ hoặc người chăm sóc. Bé có thể uống sữa qua ly từ 29 tuần tuổi, khi còn thức và ở tư thế ngồi. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc y tá để được hướng dẫn cụ thể về cách cho bú này để đảm bảo an toàn cho con.
- Cho bé bú bằng ngón tay. Đây là cách cho bú mà bạn sử dụng ngón tay của mình cùng với một ống dẫn sữa khổ hẹp đi kèm, qua đó, sữa sẽ chảy ra khi trẻ bú. Kỹ thuật mút cần thiết cho việc bú bằng ngón tay được cho là gần với hoạt động bú mẹ hơn bú bình. Cách bú này cũng giúp trẻ có cảm giác da thịt trong miệng hơn. Sau khi cho bé bú bằng ngón tay để con đỡ đói và bình tĩnh hơn, bạn hãy thử chuyển bé qua vú mẹ. Bạn hãy đảm bảo đầu vú của mình mềm, cũng như bạn hãy giúp điều chỉnh bầu ngực để miệng bé không bị lấp quá đầy. Từ đó con sẽ nhanh nắm được thao tác bú mẹ hơn.
2.5. Làm cho hoạt động bú bình giống với bú mẹ
Làm cho hoạt động bú bình giống với bú mẹ cũng là cách giúp tập cho bé bú mẹ trở lại dễ dàng hơn.
Trường hợp bạn chưa thể ngưng cho bé bú bình, hãy cố gắng làm cho hoạt động này gần giống với bú mẹ để giúp con chuyển đổi cách bú dễ hơn. Bạn hãy mô phỏng các bước của bú bình tương tự với các bước bú mẹ. Ví dụ như:
- Sử dụng bình sữa có núm vú ngắn hoặc trung bình để con ngậm được núm vú sâu hơn, tương tự như khi ngậm vú mẹ.
- Không đưa ngay bình sữa vào miệng bé, mà dùng đầu núm chạm vào môi để khuyến khích con mở miệng tìm bình sữa. Khi bé há miệng to, bạn đưa bình vào miệng để con ngậm sâu núm ví giả. Đây là lý do bạn nên chọn núm vú ngắn hoặc trung bình để tránh làm con bị ọe.
- Đổi bên cho bé bú.
- Giữ đầu núm vú để sữa không chảy ngay vào miệng con ở những lần nút đầu tiên.
- Điều chỉnh lượng chảy của sữa từ núm bình để sữa không xuống quá nhanh và nhiều. Việc cho trẻ ăn ở tư thế ngồi cũng như tránh giữ bình thẳng đứng, và giữ bình để sữa không chảy khi trẻ ngừng mút sẽ giúp hoạt động mút sữa từ bình gần giống với bú mẹ.
- Quan sát biểu hiện của bé trong quá trình bú sữa để điều chỉnh bình cho phù hợp.
2.6. Làm cho hoạt động bú mẹ giống với bú bình
Bạn có thể dùng dụng cụ trợ ti (nipple-shield) để giúp bé chuyển đổi từ bú bình và tập bú mẹ trở lại dễ dàng hơn. Đây là một miếng silicon nhỏ có lỗ để gắn vào đầu ti. Nó khá giống với núm vú của bình sữa nên sẽ giúp bé dễ dàng làm quen với vú mẹ hơn khi bắt đầu tập cho bé bú mẹ trở lại.
2.7. Một em bé đang buồn ngủ có thể dễ ngậm vú mẹ hơn
Khi bé đang buồn ngủ hoặc không quá đói, bạn có thể bế con da kề da gần bầu ngực căng sữa của mình. Có khả năng bé sẽ bú mẹ khi ngủ. Tuy nhiên, khi bé đã bú mẹ trở lại, bạn nên tránh cho bé bú trong khi ngủ, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến thói quen ngủ lành mạnh của bé cũng như sức khỏe răng miệng của con sau này. Hoặc bạn bế bé trong suốt thời gian bé ngủ để sẵn sàng cho con bú khi thấy dấu hiệu đòi ăn của con.
2.8. Bạn hãy thử cho bé bú luôn phiên giữa bú bình và bú mẹ
Việc đổi luôn phiên giữa bú bình và bú mẹ cũng có tác dụng trong một số trường hợp khi mẹ tập cho bé bú mẹ trở lại. Vào giữa cữ bú, bạn hãy rút bình sữa và đưa bé đến vú mẹ thật nhanh trước khi con nhận ra. Nếu bé tỏ ra phản đối vì cảm nhận được sự thay đổi, bạn có thể vỗ về nhẹ nhàng để khuyến khích con bú tiếp.
2.9. Dùng trò chơi và sự hài hước cũng có thể có tác dụng
Đối với một số em bé lớn hơn, việc sử dụng trò chơi và sự hài hước cũng có thể có tác dụng để tập cho bé bú mẹ trở lại.
Bạn hãy áp dụng những tư thế cho bú mới ở các không gian khác nhau và theo cách vui nhộn để biến việc bú mẹ thành một hoạt động vui tươi hơn là gây căng thẳng và lo lắng cho cả bạn và bé.
2.10. Quan sát các em bé khác bú mẹ
Việc quan sát các em bé khác bú mẹ cũng có thể hữu ích khi bạn muốn tập cho bé bú mẹ trở lại. Trẻ nhỏ thường rất thích bắt chước hành động của trẻ khác nên sẽ có xu hướng lặp lại hoạt động mà mình quan sát được.
Tập cho bé bú mẹ trở lại không phải là việc dễ dàng nhưng mẹ hoàn toàn vẫn có thể làm được và thực hiện thành công. Bạn hãy kiên nhẫn, nhẹ nhàng và dựa vào biểu hiện cũng như mức độ hợp tác của bé, để tiến hành sự chuyển đổi một cách phù hợp nhé.
Theo Breastfeeding Support
Lily Nguyễn lược dịch