Táo bón sau sinh - nguyên nhân và cách cải thiện mẹ nên biết

Táo bón sau sinh là tình trạng vô cùng phổ biến mà hầu hết chị em phụ nữ đều gặp sau khi sinh xong. Dù mức độ nặng nhẹ khác nhau, song chứng táo bón này đều gây khó chịu cho mẹ. Để khắc phục được tình trạng này, chị em đều phải tìm hiể, xác định nguyên nhân có thể là gì. Từ đó, sẽ có cách để cải thiện một cách hiệu quả, mà không ảnh hưởng đến việc nuôi con.

banner ads

1. Tại sao tôi lại bị táo bón sau khi sinh

Cho dù trước đây khi mang thai bạn chưa từng bị táo bón thì bây giờ bạn có thể bị. Hãy cho cơ thể bạn thư giãn vài ngày sau sinh và sau đó hoạt động của hệ tiêu hóa có thể trở lại bình thường.

Nếu bạn có một cuộc sinh nở kéo dài mà không ăn uống gì, hoặc bạn “đi nặng” trong quá trình sinh, hoặc bạn đã được thụt tháo khi chuẩn bị sinh, thì có thể mất 1 hoặc vài ngày mọi thứ mới trở lại bình thường, đơn giản vì trong ruột bạn không còn gì cả. Nếu bạn sinh mổ thì việc tiêu hóa có thể mất khoảng 3 đến 4 ngày để trở lại bình thường.

Sau những ngày này, nếu bạn vẫn tiếp tục bị táo bón thì có thể do các nguyên nhân sau:

  • Sử dụng thuốc gây tê, thuốc giảm đau (như morphine, Vicodin, hay Percocet) trong quá trình sinh hay sau khi sinh, vì những loại thuốc này làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Bị đau vùng đáy chậu do trĩ, do rách hoặc cắt tằng sinh môn. Việc bạn sợ đau hoặc sợ làm rách vết khâu nếu đi đại tiện có thể khiến bạn cố nhịn và điều này sẽ dẫn đến chứng táo bón.
  • Do tác dụng phụ của việc uống bổ sung sắt (thường chứa trong các loại vitamin bạn uống trong thai kỳ)

Với chị em sinh xong, chứng táo bón hầu như sẽ giảm hoặc biến mất sau vài ngày đặc biệt nếu bạn cố gắng từng bước để cải thiện tình hình.

Chứng táo bón sau sinh là tình trạng phổ biến với chị em phụ nữ
Chứng táo bón sau sinh là tình trạng phổ biến với chị em phụ nữ. Ảnh Internet

2. Tôi nên làm gì khi bị táo bón sau sinh?

Bạn có thể tham khảo một số mẹo giúp làm giảm tình trạng táo bón như dưới đây:

  • Đừng chần chừ đi vào nhà vệ sinh khi bạn cảm thấy có nhu cầu, mặc dù bạn có thể thấy đau và không thoải mái trong thời gian đầu. Sự chần chừ sẽ kéo dài thời gian phân ở trong ruột khiến nó cứng hơn và làm cho bạn khó đi hơn.
  • Hãy ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu (gạo lứt), các loại đậu, trái cây tươi và rau xanh mỗi ngày.
  • Hãy luôn mang theo nước bên mình và uống thật nhiều nước. Một ly nước ép trái cây đặc biệt là nước ép mận sẽ rất hữu ích cho hệ tiêu hóa. Nhiều người thấy rằng, uống nước ấm sau khi thức dậy cũng có tác dụng nhuận trường.
  • Hãy đi bộ vì việc này có thể khiến bạn đau trong thời gian đầu, đặc biệt đối với những mẹ sinh mổ hoặc trải qua thủ thuật cắt tầng sinh môn, tuy nhiên kể cả một cuộc đi bộ ngắn quanh khu nhà cũng có thể giúp cho hệ tiêu hóa đang trong tình trạng uể oải của mẹ trở nên linh hoạt, và hoạt động nhịp nhàng hơn.
  • Hãy tham khảo chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sỹ của bạn xem bạn có thể dùng thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng hay không, các loại thuốc này thường được bán ở các quầy thuốc. (Thuốc làm mềm phân giúp tăng cường sự hấp thụ nước trong phân, làm phân mềm hơn còn thuốc nhuận tràng giúp kích thích phân đi qua). Bạn sẽ cần dùng thuốc làm mềm phân ngay khi có triệu chứng bị nứt hoặc rách cơ vòng (khu vực hậu môn). Loại thuốc này cũng khá hữu ích nếu bạn đang bị đau vì bị rạch tầng sinh môn, hay bị táo bón do phải uống sắt liều cao để điều trị thiếu máu hoặc do tác dụng của thuốc giảm đau, thuốc gây tê.

Nếu tình trạng táo bón không được cải thiện trong vòng vài ngày, bạn hãy đến gặp bác sỹ, họ sẽ cung cấp cho bạn thêm các phương pháp bổ sung khác để bạn thử hoặc có thể họ phải dùng phương pháp thủ công để tháo thụt phân cho bạn.

Hãy tích cực áp dụng những cách giúp làm giảm táo bón để tình trạng của bạn được nhanh chóng cải thiện.
Hãy tích cực áp dụng những cách giúp làm giảm táo bón để tình trạng của bạn được nhanh chóng cải thiện. Ảnh Internet

3. Táo bón sau sinh có nghiêm trọng không?

Tình trạng táo bón không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hay trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên bạn phải tham khảo ý kiến bác sỹ ngay, nếu thấy trong phân có lẫn chất nhầy hoặc máu. Hoặc bạn bị đau bụng cùng với bị táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau, vì đó có thể là triệu chứng của một căn bệnh khác.

Ngoài ra, tình trạng táo bón và sự căng thẳng khi đi đại tiện có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh trĩ. Búi trĩ có thể co lại nhanh chóng hoặc tồn tại nhiều tháng sau sinh. Đôi khi các triệu chứng của bệnh trĩ có thể tiêu biến dần sau nhiều năm. Mặc dù trĩ làm cho chúng ta cảm thấy không được thoải mái nhưng nó hiếm khi gây ra hoặc dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Có thể nói rằng, táo bón sau sinh là tình trạng thường xảy ra, bạn không nên quá lo lắng. Nên lưu ý rằng, cho dù tình trạng táo bón sau sinh của bạn không nghiêm trọng, bạn cũng đừng ngại hỏi ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sỹ, nếu nó vẫn tồn tại một cách dai dẳng.

Theo Baby Center

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI