Tâm lý trẻ mới lớn có nhiều đặc điểm ba mẹ cần lưu ý

Tâm lý trẻ mới lớn trải qua giai đoạn phát triển khá phức tạp, có nhiều thay đổi đột ngột khiến trẻ bỡ ngỡ và phải tập thích nghi. Trẻ mới lớn có thể trải qua một số khó khăn tâm lý nhất định, khiến cả ba mẹ cũng phải đau đầu theo.

banner ads

1. Sự phát triển nhận thức và hành vi trẻ mới lớn 

con gái không nghe lời mẹ nói
Trẻ mới lớn thường xem mình là "cái rốn của vũ trụ", tự đánh giá bản thân cao hơn hiện thực - Ảnh Internet

Tuổi mới lớn được xác định là trong khoảng từ 10 đến 16 tuổi, nghĩa là bao gồm cả giai đoạn dậy thì. Trong quá trình phát triển, các em độ tuổi này có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn so với hiện thực và khả năng thật của mình, tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ”. Khi gặp thất bại hay không hoàn thành được nhiệm vụ được giao, trẻ rất dễ đau khổ, dẫn tới trách móc và không chấp nhận bản thân. Từ đó, trẻ dễ mất bình tĩnh, nghi ngờ khả năng của bản thân mỗi khi không làm được việc, liên tục so sánh khả năng của mình với các bạn cùng lứa.

Động lực cố gắng của các em thường là do đi theo đám đông, phải giỏi hơn bạn của mình, chứ chưa thực sự xuất phát từ mục đích của chính bản thân. Do vậy, ba mẹ phải đồng hành cùng trẻ mới lớn để giúp con xác định mục tiêu phấn đấu, và nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê của chính mình, tránh rơi vào trạng thái hoang mang, xao lãng bởi sự so sánh năng lực giữa bản thân với bạn bè.

nhóm nhạc thần tượng tuổi teen
Trẻ mới lớn có xu hướng thần tượng các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng - Ảnh Internet

Ở giai đoạn mới lớn này, hình mẫu lý tưởng của trẻ bắt đầu thay đổi, từ thần tượng ba mẹ ở tuổi nhi đồng chuyển sang thần tượng các ca sĩ, diễn viên, nhân vật mà trẻ yêu thích. Trẻ đơn giản thấy người nào đó đẹp, giỏi về khía cạnh này hay khía cạnh khác thì đều đánh giá cao người đó. Trẻ còn ít trải nghiệm, ít kiến thức xã hội, nên trẻ có cách nhìn nhận và đánh giá người khác theo chiều hướng khá cực đoan, cứng ngắc.

Những người được trẻ đánh giá cao thì sẽ được trẻ tin tưởng, yêu quý, thích hoàn thành nhiệm vụ người đó giao phó. Và ngược lại, đối với những người trẻ cho rằng hành vi, lời nói của họ không đúng, không tốt, trẻ sẽ tỏ thái độ chán ghét, không tin tưởng. Vậy nên, ba mẹ nên hướng dẫn trẻ mới lớn đọc sách báo, xem các chương trình truyền hình mang nhiều ý nghĩa để định hướng phát triển tâm lý trẻ mới lớn theo chiều hướng tích cực hơn. Trẻ sẽ học theo những hành vi, lời nói tốt đẹp của nhiều nhân vật đáng tin cậy, từ đó hướng đến hoàn thiện bản thân.

2. Sự phát triển tình cảm, quan hệ bạn bè - đặc điểm rất cần lưu ý trong tâm lý trẻ mới lớn

nhóm bạn tuổi mới lớn
Tình cảm bạn bè tuổi mới lớn trở nên khăng khít hơn giai đoạn trước đó - Ảnh Internet

Với trẻ mới lớn, tình bạn là vô cùng quan trọng, và được trẻ quan tâm hàng đầu. Trẻ thích chơi với những người bạn giỏi như mình hoặc hơn mình, trẻ chú ý đến phẩm chất của bạn, sự thông minh, vốn kiến thức rộng về mọi mặt chứ không chỉ đơn thuần là kết quả cao trong học tập. Trẻ xem bạn như người thân của mình, khi đã thân với bạn nào đó, trẻ dễ dàng chia sẻ, tâm sự với bạn của mình.

banner ads

Trẻ cũng có thể nhận bạn thân làm anh chị em của mình - người mà trẻ có thể đồng hành và san sẻ mọi thứ. Vậy nên, nhiệm vụ của ba mẹ trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ mới lớn rất quan trọng. Ba mẹ dạy con cách chọn bạn , dõi theo các hoạt động chung của con để có thể can thiệp trong những tình huống cấp bách nhất. Không những thế, ba mẹ cần dành thời gian trò chuyện riêng với con đang tuổi mới lớn để nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của trẻ, từ đó, định hướng đúng đắn với thái độ tôn trọng, không kỷ luật áp đặt.

Cảm xúc, tình cảm trong tâm lý trẻ mới lớn rất đa dạng, đầy màu sắc. Các trạng thái cảm xúc của trẻ mới lớn cũng dễ thay đổi đột ngột. Trẻ bắt đầu nảy sinh tình cảm với bạn khác giới đồng trang lứa, với những thần tượng trên tivi, chương trình truyền hình, phim ảnh,... Trẻ bắt đầu quan tâm tới ngoại hình, quần áo, giày dép, tóc tai, luôn muốn làm cho mình xinh đẹp mỗi khi ra đường. Những tình cảm này cũng mang tính chất tạm thời và không bền lâu.

bé gái tuổi teen ngồi một góc
Tuổi dậy thì cảm xúc vui buồn thất thường, dễ mắc chứng trầm cảm - Ảnh Internet

Trẻ ở giai đoạn này rất dễ khóc khi buồn, và cười nói vô tư thoải mái khi cao hứng hoặc cảm thấy vui. Tính dễ nhạy cảm là điều rất đáng quan tâm trong tâm lý trẻ mới lớn. Trẻ rất coi trọng những điều người khác nói về mình, do đó, ba mẹ phải cẩn thận tránh so sánh trẻ với người khác hay mắng trẻ ở nơi đông người.

Tâm lý trẻ mới lớn nếu không được ba mẹ quan tâm định hướng, đồng hành chia sẻ, rất dễ rơi vào những khủng hoảng, hay thậm chí là nguy cơ trầm cảm tuổi teen . Vậy nên, bên cạnh việc hướng dẫn con cách chọn bạn, ba mẹ hãy là bạn của con, là hình mẫu tốt đẹp để con có thể tâm sự, chia sẻ và noi gương theo, hướng tới hoàn thiện bản thân, ba mẹ nhé.

Minh Tâm tổng hợp

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI