Tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi và vai trò của cha mẹ đối với sự phát triển của con

Tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi có nhiều biến động, vì trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Ở thời kì này, các đặc điểm phát triển tư duy, tình cảm của trẻ có những bước phát triển mạnh mẽ. Phụ huynh hãy cùng Yeutre.vn khám phá những điều này qua bài viết dưới đây nhé.

banner ads

1. Đặc điểm tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi

Tâm lý trẻ 10 12 tuổi
Tâm lý trẻ 10 - 12 tuổi có nhiều bước phát triển rất quan trọng - Ảnh Internet

1.1. Sự phát triển tư duy

Đây là giai đoạn chiếm ưu thế của tư duy trực quan hình tượng và sự hình thành của tư duy ngôn ngữ. Trẻ nắm được các mối quan hệ của khái niệm. Những thao tác về tư duy như phân loại, phân hạng tính toán, không gian, thời gian,.. phát triển mạnh.

Trẻ biết xem xét yếu tố động cơ, hoặc lý luận giả thuyết đưa đến sự việc. Điều này chỉ mới theo tuyến tính thời gian chứ chưa phân tích được toàn diện. Trẻ có thể trả lời các câu hỏi mang tính chất xác định như ai, cái gì, ở đâu, còn những câu hỏi mang tính chất lý giải như tại sao lại gây khó khăn hơn cho trẻ.

1.2. Sự phát triển cảm xúc – tình cảm

các bé chơi chong chóng trên bãi biển
Tình bạn ở trẻ độ tuổi dậy thì có những biến đổi mới mẻ - Ảnh Internet

Bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ có những cảm xúc, tình cảm mới mẻ đối với bản thân và các bạn đồng trang lứa. Đời sống tình cảm trong giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi khá đa dạng, phong phú và cơ bản mang tính tích cực. Trẻ bắt đầu nhìn nhận và đánh giá qua cách nhìn, trang phục bề ngoài. Trẻ thường chơi với bạn cùng trang lứa, tầng lớp.

Bên cạnh đó, khả năng kiềm chế và tự giác ở trẻ được tăng cường hơn. Các em biết tự trách nhiệm về bản thân, ít muốn nghe người lớn nhắc nhở về công việc thường ngày như vệ sinh cá nhân hay làm bài tập về nhà. Trong thời gian này, nhiều trẻ cảm thấy rất háo hức với chuyện học hành, sinh hoạt nhóm, bạn bè.

2. Vai trò của cha mẹ đối với sự phát triển tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi

Ba mẹ giúp trẻ
Trẻ đến tuổi dậy thì luôn cần sự đồng hành của cha mẹ - Ảnh Internet

2.1. Dạy trẻ biết quan tâm người khác

Cha mẹ nên nắm bắt tâm lý của trẻ khi con chuẩn bị lên 12 tuổi, dạy trẻ hiểu sâu sắc về lòng nhân hậu, biết cách quan tâm tới những người xung quanh bằng hành động và lời nói phù hợp. Giai đoạn này, trẻ nảy sinh rất nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, ba mẹ nên lưu ý định hướng trẻ phát triển những cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực.

Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con tham gia các hoạt động làm từ thiện, đi phát quà cho những người già neo đơn, trẻ em mồ côi , chia sẻ với người thiếu thốn hơn mình, nhường nhịn các em nhỏ tuổi, cố gắng thấu cảm người khác hơn bằng cách tưởng tượng, đặt bản thân mình vào vị trí của những người xung quanh để cảm nhận. Hãy dạy trẻ đừng thất vọng nếu cảm thấy khó khăn, chán nản khi giúp đỡ người khác, đồng thời, dành lời khen cho những nỗ lực mà trẻ đã đạt được để cải thiện tâm trạng cho con.

2.2. Giúp trẻ rèn tính kiên nhẫn 

bé trai tập câu dây bóng đèn
Tập bé tính kiên nhẫn khi làm bất cứ việc gì - Ảnh Internet

Kiên nhẫn là đức tính rất cần thiết cho trẻ, đặc biệt ở độ tuổi 10 – 12. Sự kiên nhẫn chính là nền tảng để khi trẻ lớn hơn, con có sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, sự thành công ngay cả những lúc khó khăn. Để hình thành và rèn đức tính kiên nhẫn cho con , ba mẹ cần phải là người làm gương trước. Trẻ sẽ nhìn cách ba mẹ giải quyết và thực hiện các công việc, vấn đề hàng ngày mà học theo.

Thêm vào đó, khi trẻ gặp khúc mắc, khó khăn gì cần được giúp đỡ, ba mẹ chớ nên giúp liền mà hãy khuyến khích, động viên và hướng dẫn trẻ tìm cách giải quyết trong khả năng của trẻ. Điều này giúp trẻ hiểu được bản chất và mục tiêu các vấn đề của mình. Ví dụ như, khi trẻ nhờ ba mẹ giải bài tập khó, hãy yêu cầu con đọc kỹ đề bài, phân tích các nội dung chính và hướng dẫn trẻ tự đi theo từng bước nhỏ để tìm ra lời giải.

2.3. Rèn tính tự lập cho trẻ

Trẻ tự lập
Trẻ 10 - 12 tuổi có thể tự làm được nhiều việc khác nhau - Ảnh Austin Nicomedez

Hầu hết trẻ đều làm được nhiều công việc khác nhau cho bản thân, gia đình và trường lớp. Ba mẹ nên giúp trẻ phát triển tính tự lập , biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Cần cùng trẻ lập thời gian biểu cụ thể, động viên trẻ tự hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà không cần phải nhắc nhở.

Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi này cũng bắt đầu học nhiều môn, tham gia nhiều hoạt động hơn ở trường lớp. Ba mẹ có thể tập cho con cách xác định các mục tiêu để có định hướng rõ ràng trong tương lai. Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần hiểu là tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi còn có những xáo động nhất định, nên việc thay đổi mục tiêu là điều dễ hiểu. 

Trẻ thay đổi mục tiêu
Trẻ thay đổi mục tiêu là điều dễ hiểu. Ảnh Internet

Với những chia sẻ cơ bản về đặc điểm tâm lý trẻ 10 – 12 tuổi trên đây,   Yeutre.vn   hy vọng có thể giúp ích môt chút nào đó cho ba mẹ, trong quá trình nuôi dạy con ở lứa tuổi này. Mục đích cuối cùng khi dạy trẻ trong độ tuổi nhạy cảm trên vẫn là tập cho con cách xác định và tập trung vào mục tiêu của mình, không đánh mất chính kiến bản thân, giúp phát triển tính tự lập cũng như khả năng quyết định của trẻ khi trưởng thành.

Minh Tâm tổng hợp

Đã có 21 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 6 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI