Suy dinh dưỡng thể béo phì - nguyên nhân, hướng cải thiện và cách phòng tránh

Suy dinh dưỡng thể béo phì là tình trạng mất cân bằng giữa các nhóm chất, khi bé ăn quá nhiều chất đạm, béo và bột đường. Trong trường hợp này, nhìn bề ngoài trẻ trông bụ bẫm nhưng thực chất rất có thể trẻ đang bị thiếu canxi, vitamin D, thiếu máu, thiếu sắt,…

banner ads

Không phải gầy nhom mới gọi là suy dinh dưỡng, mà béo phì cũng là một dạng của suy dinh dưỡng và thường được gọi là thừa cân béo phì, để phân biệt với nhóm suy dinh dưỡng thực sự. Thông thường dạng bệnh này chỉ được phát hiện khi mẹ đưa bé đi khám dinh dưỡng.

Trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì
Cha mẹ cần phân biệt trẻ khỏe mạnh mũm mĩm với trẻ béo phì "mũm mĩm"- Ảnh Internet

1. Trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì là do đâu?

Thường, trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì có thể do: 

Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền tăng gấp 4 lần nếu một trong hai cha mẹ của trẻ bị béo phì và sẽ tăng gấp 8 lần nếu cả hai đều bị béo phì.

Tẩm bổ quá mức: Do sự bù đắp, bồi dưỡng bằng việc ăn uống, tẩm bổ quá mức và kéo dài của bố mẹ dành cho bé, dẫn đến tình trạng bé béo phù. Điều này khá phổ biến, vì tâm lý bố mẹ là phải nuôi con mập mạp, dành hết những gì tốt đẹp cho con.

Ít hoặc không hoạt động thể lực : Trẻ thiếu hoặc ít hoạt động thể lực, làm cho năng lượng hấp thu bị tồn đọng, tích lại dưới dạng các khối mỡ. Vấn đề này thường thấy nhiều nhất ở các bé suốt ngày chỉ thích vùi đầu vào tivi, máy vi tính, điện thoại.

Thói quen ăn uống không khoa học : Yếu tố quyết định gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ là do thói quen ăn uống thiếu khoa học. Hầu hết các bữa ăn cho bé cực kỳ thịnh soạn, nhiều thịt, cá, sơn hào, hải vị... mà thiếu mất rau xanh, củ quả. Trẻ ăn quá nhiều trong một bữa ăn, chủ yếu là cơm, thịt, bánh mỳ, hoặc ăn bánh kẹo và uống nước ngọt thường xuyên… Chế độ ăn này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng năng lượng lại chủ yếu nằm ở chất béo, chất bột đường.

Bé gái đang ăn hambuger
Bánh mì rất giàu calo nên không dành cho trẻ béo phì - Ảnh Internet

Liên quan đến nội tiết:  Ít gặp nhưng không có nghĩa là không có, do sự hoạt động bất ổn của các tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp, hoặc hội chứng di truyền về nội tiết tố tên gọi là Prader-Willi cũng gây nên tình trạng béo phì ở trẻ.

Và nếu trẻ bệnh di truyền hoặc nhiễm khuẩn sơ sinh, một khi kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, thì nguy cơ bị bệnh là khá cao.

2. Mẹ làm gì để cải thiện và phòng chống suy dinh dưỡng thể béo phì cho trẻ?

2.1 Đối với những trẻ đang trong tình trạng béo phì

  • Mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho hợp lý. Trong khẩu phần mỗi ngày cần giảm bớt những loại thực phẩm giàu chất béo, chất bột đường. Riêng sữa thì vẫn duy trì, vì sữa là nguồn cung cấp canxi, khoáng chất tốt nhất. Thực đơn phải cân bằng, đầy đủ giữa 4 nhóm dinh dưỡng: protein (thịt, trứng, cá); tinh bột, đường (bánh mỳ, gạo, ngũ cốc); vitamin (rau củ quả); canxi (sữa, pho mát).
  • Cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa, chia nhỏ các bữa ăn khoảng 5 bữa ăn mỗi ngày bao gồm cả bữa chính và bữa phụ. Tập cho trẻ thói quen tự giác, tự cầm muỗng ăn, ăn chậm và nhai kỹ.
  • Chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bữa sáng, không bỏ bữa. Bữa ăn sáng rất quan trọng, sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng cho các hoạt động cả ngày của trẻ. Đồng thời giúp trẻ tăng cường hoạt động trao đổi chất, giải phóng calo.
  • Mẹ cần khuyến khích và hỗ trợ bé tham gia các hoạt động thể dục thể thao như đi chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…để trẻ tăng thể lực và tiêu bớt năng lượng.
Bác sỹ đo vòng bụng của bé
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ thừa cân béo phì- Ảnh Internet

2.2 Phòng ngừa suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ

Mẹ cần: 

  • Cung cấp vitamin D từ thiên nhiên cho trẻ, bằng cách cho bé tắm nắng 15 phút mỗi ngày ngay từ khi trẻ sinh ra hoặc có thể cho trẻ uống bổ sung vitamin B3 (theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa, chuyên khoa dinh dưỡng).
  • Lựa chọn sữa phù hợp với thể trạng của trẻ, để bổ sung thêm các dưỡng chất, vitamin D và canxi.
  • Cung cấp đủ chất đạm cho trẻ, trẻ cần 28g chất đạm/ngày. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, lươn, lạc, vừng, đậu đỗ,...
  • Cung cấp đủ chất béo cho trẻ, chất béo trẻ cần khoảng 30-40g/ngày. Chất béo có nhiều trong: mỡ gà, mỡ lợn…. Lưu ý, cần cung cấp chất béo vừa và đủ để giảm tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì.
Các bé đang nhảy dây
Luyện tập thể dục, thể thao vừa điều trị, vừa phòng ngừa tình trạng béo phì ở trẻ- Ảnh Internet
  • Về khoáng chất theo tỷ lệ canxi/phốt pho là 1/1,5. Trong đó: 400 - 500mg canxi/ngày, 6-7mg sắt/ngày. Bố mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều các loại thức ăn như: tôm, cua, ốc, cá, ngũ cốc… để bổ sung canxi, phốt pho nhằm phát triển chiều cao cho trẻ.
  • Cung cấp vitamin cho bé: vitamin A cho bé khoảng 400 mcg/ngày, các loại vitamin khác khoảng 30-60 mg /ngày. Vitamin có nhiều trong các loại rau củ như cà rốt, đu đủ, rau cải … mẹ có thể dễ dàng bổ sung cho trẻ.

Suy dinh dưỡng thể béo phì nói riêng, suy dinh dưỡng nói chung đều có thể gây ra nhiều tác hại như tăng nguy cơ bệnh lý, trẻ chậm phát triển về mặt trí tuệ lẫn thể lý. Đặc biệt, liên quan đến suy dinh dưỡng thể béo phì, nếu trẻ bị suy dưỡng nhưng không được phát hiện sớm, mà mẹ cứ nghĩ là trẻ mũm mĩm, đáng yêu thì lại càng nguy hiểm cho sức khỏe của con. Vì vậy, ngay cả khi con mũm mĩm đi chăng nữa, mẹ cũng vẫn cần theo dõi kỹ. Việc phòng bệnh là rất quan trọng, nhằm phòng tránh những nguy cơ gây hại cho trẻ sau này.

Mai Lê tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI