Suy dinh dưỡng trẻ em và 5 điểm cơ bản nhất bố mẹ nào cũng phải nắm

banner ads

Bé không chịu ăn
Suy dinh dưỡng là vấn đề gây ám ảnh đối với mọi bậc cha mẹ hiện đại. Ảnh Internet

Đối với một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, thì trẻ phải mũm mĩm mới khỏe mạnh và đáng yêu. Do vậy khi thấy trẻ hơi gầy, chưa cần xét đến các yếu tố khác, người lớn đã liên tưởng ngay đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Vậy thực chất suy dinh dưỡng trẻ em là gì, nhận biết nó như thế nào, cải thiện và phòng tránh ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và ghi nhớ 5 điểm cơ bản sau đây, để có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng này nhé.

1. Hiểu rõ về tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em là gì

Suy dinh dưỡng trẻ em - là kết quả của chế độ ăn nghèo nàn hoặc thiếu thực phẩm, hoặc không cân bằng dinh dưỡng. Nó dẫn đến chậm tăng trưởng hoặc nghiêm trọng hơn là suy kiệt cơ thể.

Ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng thiếu dinh dưỡng là do thiếu thực phẩm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể xuất phát từ tình trạng sức khỏe như rối loạn ăn uống , hoặc một căn bệnh mãn tính nào đó làm cho cơ thể không thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng có thể do thiếu thực phẩm nhưng cũng có thể xuất phát từ tình trạng sức khỏe. Ảnh Internet

Cụ thể hơn:

  • Đối với chế độ ăn uống kém : Chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân bằng, hoặc thiếu thực phẩm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin , khoáng chất và các chất cần thiết khác ảnh hưởng đến quá trình phát triển, đặc biệt là trẻ em. Sự thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng trong thời gian dài có thể dẫn đến suy kiệt cơ thể thậm chí tử vong.
  • Đối với một số bệnh mãn tính làm cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng : Mặc dù không quá phổ biến nhưng suy dinh dưỡng do nguyên nhân này thường khó khắc phục hơn, vì những căn bệnh gây ra tình trạng này đôi khi khó điều trị và phục hồi.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe về lâu dài, cũng như những thách thức đối với giáo dục và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường sinh con có thể trạng nhỏ hơn sau này.

Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi vết thương và bệnh tật, cũng như làm phức tạp thêm một số căn bệnh như sởi, sốt rét, viêm phổi và tiêu chảy. Nó cũng khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.

Suy dinh dưỡng làm chậm quá trình phục hồi bệnh tật
Suy dinh dưỡng làm chậm quá trình phục hồi bệnh tật, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Ảnh Internet

2. Một số triệu chứng giúp nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Để xác định được trẻ bị suy dinh dưỡng, chúng ta cần quan tâm đến nhiều yếu tố khác nhau. Các biểu hiện thường gồm:

  • Trẻ không có hứng hoặc không thấy ngon miệng khi ăn uống
  • Trẻ thường mệt mỏi và cáu kỉnh
  • Trẻ khó tập trung
  • Trẻ luôn cảm thấy lạnh
  • Trẻ bị mất mỡ, khối lượng cơ và mô cơ thể
  • Trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và mất nhiều thời gian hơn để chữa lành
  • Trẻ lâu lành vết thương
  • Trẻ có nguy cơ bị biến chứng cao hơn sau phẫu thuật
  • Trẻ thường xuyên thấy chán nản
Trẻ cáu kỉnh
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có biểu hiện mệt mỏi và cáu kỉnh. Ảnh Internet

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thế thấy trẻ có những biểu hiện sau:

  • Khó thở
  • Da có thể trở nên mỏng, khô, không đàn hồi, nhợt nhạt và lạnh
  • Má hốc hác, mắt trũng xuống, tóc khô và thưa thớt, dễ rụng
  • Suy hô hấp, suy tim và mất ý thức

Tổng thời gian cơ thể bị đói, thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng gây suy kiệt cơ thể đến tử vong là khoảng 8-12 tuần.

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em

Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân khác nhau: từ yếu tố môi trường đến tình trạng sức khỏe, tiêu biểu là những nguyên nhân sau:

3.1 Trẻ ăn quá ít

Tình trạng này có thể xảy ra do ảnh hưởng của một căn bệnh nào đó ví dụ như chứng khó nuốt.

Trẻ không chịu ăn
Trẻ không chịu ăn có thể do mắc bệnh nào đó. Ảnh Internet

3.2 Trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần

Trẻ có thể bị tác động bởi môi trường sống hay một cú sốc nào đó gây chán ăn tâm thần hay cuồng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.

3.3 Các vấn đề về xã hội và hoàn cảnh sống

Trẻ có thể chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh sống (không có người quan tâm chăm sóc, gia đình nghèo khó không đủ ăn…) dẫn đến bị thiếu ăn.

3.4 Trẻ bị rối loạn tiêu hóa và vấn đề về dạ dày

Trẻ có thể bị các bệnh liên quan đến dạ dày và tiêu hóa (như tiêu chảy, nôn mửa kéo dài, không dung nạp gluten …) gây mất và thiếu dinh dưỡng.

Trẻ đau dạ dày
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa hay gặp vấn đề về dạ dày, dẫn đến biếng ăn rồi suy dinh dưỡng. Ảnh Internet

3.5 Trẻ bị bệnh ảnh hưởng đến khả năng ăn uống

Trẻ có thể mắc một căn bệnh nào đó (như chứng khó nuốt, không dung nạp gluten…) gây ảnh hưởng đến việc ăn uống và lượng dưỡng chất nạp vào cơ thể.

3.6 Trẻ không được bú mẹ

Trẻ không được bú mẹ (đặc biệt ở các nước phát triển) có thể dẫn đến bị suy dinh dưỡng giai đoạn sơ sinh và lớn hơn.

4. Điều trị tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ như thế nào

Việc điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống, như ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng và dưỡng chất
  • Hỗ trợ gia đình trẻ để quản lý các yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng thực phẩm tiêu thụ của trẻ
  • Điều trị bất kỳ nguyên nhân y tế nào gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất bằng các viên uống bổ sung
Viên uống bổ sung
Bổ sung vitamin và khoáng chất bằng các viên uống bổ sung. Ảnh Internet
  • Bổ sung năng lượng và đạm dinh dưỡng bằng các viên uống bổ sung nếu các phương pháp điều trị khác là chưa đủ.

Một số trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng cần được cho ăn và cấp nước một cách đặc biệt, nên không thể áp dụng sự thay đổi chế độ ăn ngay được, mà cần trải qua quá trình chăm sóc tại bệnh viện trước. Khi trẻ đã đủ khỏe, trẻ có thể quay trở về chế độ ăn một cách bình thường và tiếp tục áp dụng tại nhà.

Điều quan trọng trong việc điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ đó là phải đảm bảo các phương pháp áp dụng có hiệu quả, và tình trạng của trẻ được cải thiện theo hướng tích cực. Vì vậy, các số đo cân nặng và chiều cao của trẻ cần được theo dõi thường xuyên liên tục. Nếu tình hình không được cải thiện, trẻ cần được đưa đến các chuyên gia để được giúp đỡ.

Đo cho trẻ suy dinh dưỡng
Với trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, con cần được theo dõi kỹ lưỡng thường xuyên và liên tục. Ảnh Internet

5. Làm thế nào để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

Để phòng tránh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, các cha mẹ cần áp dụng chế độ ăn uống cân bằng với các loại thực phẩm đa dạng từ các loại vitamin, khoáng chất, đạm, chất béo, carbohydrate, các loại chất lỏng đặc biệt là nước. Bên cạnh đó bạn cũng cần cho trẻ vận động thường xuyên để tăng cường thể lực cũng như giúp trẻ tiêu thụ năng lượng để ăn uống ngon miệng hơn.

Thực phẩm đa dạng
Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng khoa học, thực phẩm đa dạng cho trẻ để phòng tránh suy dinh dưỡng hiệu quả. Ảnh Internet

Qua 5 điểm cơ bản trên, hy vọng các cha mẹ thực sự hiểu rõ hơn và nắm bắt được thực sự về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em. Như thế, phụ huynh và gia đình có cơ sở đánh giá về thể trạng của trẻ một cách chính xác. Từ đó không tự tạo áp lực lên trẻ và lên chính bản thân mình về việc ăn uống, hay áp dụng những cách khắc phục không phù hợp trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ vẫn vui vẻ, nhanh nhẹn, tăng trưởng đều đặn thì dù có hơi gầy một chút vẫn không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bạn hãy cung cấp cho trẻ một chế độ ăn, môi trường ăn uống lành mạnh và để con tự quyết định lượng thực phẩm tiêu thụ. Đây là cách tốt nhất để phòng tránh tình trạng suy dinh dưỡng, đồng thời có thể giúp con phát triển một cách khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo Medical News Today & NHS

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI