Dưới đây là nội dung câu trả lời của một số câu hỏi về dịch bệnh do Coronavirus 2019 hay COVID 19 và thai kỳ của bạn từ website của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Bạn hãy xem qua để nắm những điều cần thiết để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của chính mình nhé.
Về khả năng nhiễm bệnh
1. Có phải phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm bệnh hoặc dễ bị bệnh nghiêm trọng hay tử vong bởi COVID 19 so với cộng đồng nói chung hay không?
Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có thông tin từ các báo cáo khoa học được công bố về mức độ nhạy cảm của phụ nữ mang thai với COVID 19. Phụ nữ mang thai trải qua sự thay đổi về miễn dịch và sinh lý khiến họ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus, bao gồm COVID 19 .
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng, hoặc tử vong so với dân số chung như đã thấy trong các trường hợp nhiễm coronavirus khác có liên quan (bao gồm hội chứng hô hấp cấp SARS – CoV, và hội chứng hô hấp do coronavirus Trung Đông MERS – CoV) và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác như cúm, trong khi mang thai.
Mặc dù sự lây lan của COVID 19 đã được quan sát thấy ở những người tiếp xúc gần gũi với mầm bệnh, nhưng mức độ lan truyền của virus trong cộng đồng Hoa Kỳ trước mắt vẫn còn thấp. Tuy vậy, phụ nữ mang thai vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường để hạn chế lây nhiễm như rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người bệnh.
2. Phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID 19 có nguy cơ tăng kết quả thai kỳ bất lợi không?
Hiện tại, chúng tôi không có thông tin về kết quả thai kỳ bất lợi ở phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID 19. Hiện tượng mất thai bao gồm sảy thai và thai lưu đã được quan sát thấy trong các trường hợp nhiễm các coronavirus khác có liên quan (SARS – CoV và MERS – CoV). Sốt cao trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ (với mức độ nhất định) dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
3. Nhân viên y tế đang mang thai có nguy cơ tăng kết quả thai kỳ bất lợi nếu họ chăm sóc bệnh nhân mắc COVID 19 không?
Nhân viên y tế mang thai (pregnant healthcare personnel – HCP) nên tuân theo các hướng dẫn về đánh giá rủi ro và kiểm soát nhiễm trùng khi tiếp xúc với những trường hợp nhiễm bệnh (đã được xác nhận) hoặc nghi ngờ nhiễm COVID 19. Tuân thủ các thực hành được khuyến nghị trong kiểm soát và phòng ngừa nhiễm trùng là một phần quan trọng trong việc bảo vệ tất cả các HCP trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Thông tin về COVID 19 trong thai kỳ rất hạn chế, vì vậy các cơ sở y tế có thể muốn xem xét việc hạn chế phơi nhiễm cho các HCP đối với bệnh nhân nhiễm COVID 19 đã được xác nhận. Đặc biệt là trong các quy trình y tế có rủi ro cao (như quy trình tạo khí dung), nếu khả thi.
Về khả năng lây bệnh từ mẹ sang con khi mang thai hay trong quá trình sinh
4. Phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID 19 có thể truyền virus cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh không?
COVID 19 được cho là lây lan chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh thông qua dịch tiết hô hấp (từ mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi). Việc một phụ nữ mang thai có COVID 19 có thể truyền virus cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh bằng các đường lây truyền dọc khác (trước, trong hoặc sau khi sinh) vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, theo tài liệu công bố về một số trường hợp hạn chế gần đây, trong số trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm COVID 19, không có trẻ nào được xét nghiệm dương tính với loại virus này. Ngoài ra, virus cũng không được phát hiện trong mẫu nước ối hoặc sữa mẹ.
Thông tin hạn chế có sẵn về lây truyền dọc cho các loại coronavirus khác (SARS – CoV và MERS – CoV), nhưng lây truyền dọc không được báo cáo cho các nhiễm trùng do COVID 19.
Đối với trẻ sơ sinh
5. Trẻ sơ sinh có mẹ bị COVID 19 khi mang thai có nguy cơ tăng kết quả bất lợi không
Dựa trên các báo cáo về những trường hợp hạn chế, kết quả bất lợi ở trẻ sơ sinh (ví dụ sinh non) đã được báo cáo ở những trẻ sinh ra từ mẹ dương tính với COVID 19 trong khi mang thai . Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy được rõ ràng rằng những kết quả này có liên quan đến việc mẹ bị nhiễm virus khi mang thai. Và tại thời điểm này, nguy cơ về kết quả bất lợi ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết đến.
Với các dữ liệu hạn chế liên quan đến COVID 19 trong thai kỳ, kiến thức về các kết quả bất lợi từ có giá trị tham khảo. Ví dụ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác trong thai kỳ, chẳng hạn như cúm, có liên quan đến kết quả bất lợi đối với trẻ sơ sinh bao gồm cân nặng khi sinh thấp và sinh non.
Ngoài ra, bị cảm lạnh và cảm cúm kèm sốt cao trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nhất định ở trẻ.
Đã có những trường hợp trẻ có mẹ bị nhiễm coronavirus khác (SARS – CoV và MERS – CoV) trong khi mang thai bị sinh non và nhỏ so với tuổi thai.
6. Có nguy cơ COVID 19 ở phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh có thể có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ đến mức cần đến sự hỗ trợ y tế hay không?
Tại thời điểm này, không có thông tin về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài đối với trẻ sơ sinh mắc COVID 19 hay thai nhi bị nhiễm COVID 19 từ trong bụng mẹ. Nhưng nhìn chung, sinh non và nhẹ cân có liên quan đến ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của trẻ xét về mặt lâu dài.
Về khả năng truyền virus qua sữa mẹ
7. Mẹ bị nhiễm COVID 19 trong thời kỳ cho con bú có liên quan đến nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ không?
Sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần gũi với người được xác nhận nhiễm COVID 19 đã được báo cáo và được cho là xảy ra chủ yếu qua các dịch tiết hô hấp khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.
Trong loạt trường hợp giới hạn được báo cáo cho đến nay, không có bằng chứng về virus được tìm thấy trong sữa mẹ của phụ nữ có COVID 19. Không có thông tin nào về việc truyền virus COVID 19 qua sữa mẹ.
Trong các báo cáo hạn chế về phụ nữ cho con bú bị nhiễm SARS – CoV, virus chưa được phát hiện trong sữa mẹ. Tuy nhiên, các kháng thể chống SARS – CoV đã được phát hiện trong ít nhất một mẫu sữa.
Sức khỏe thai kỳ qua những câu hỏi và câu trả lời trên, hy vọng đã phần nào giúp các mẹ bầu và người thân hiểu hơn về sự tác động của COVID 19 đối với thai kỳ. Chúng ta có thể thấy dữ liệu về loại virus nguy hiểm này với phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh vẫn còn hạn chế, nhưng các nhà khoa học, chuyên gia sức khỏe ở khắp các quốc gia trên thế giới vẫn đang miệt mài thu thập thông tin để cung cấp cho cộng đồng toàn cầu một cách sớm nhất.
Bên cạnh đó, họ cũng đang tiến hành nghiên cứu về phương pháp điều trị hiệu quả cũng như chế tạo vắc xin để ngừa bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta hãy chung tay trong cuộc chiến chống dịch bệnh mới đầy cam go này, và hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện và ổn định trong thời gian sớm nhất.
Theo CDC
Lily Nguyễn lược dịch