COVID 19 và Bài phát biểu liên quan của Giám đốc WHO

Chúng ta đang sống trong thời điểm bị dịch bệnh do virus corona – COVID 19 hoành hành khắp nơi, từ châu Âu đến châu Á, châu Phi, châu Mỹ,…Do vậy việc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình là điều vô cùng quan trọng. Một trong những điều góp phần rất lớn để giúp bạn thực hiện điều này ngoài giữ gìn vệ sinh, đó là cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để nắm được tình hình đang diễn ra. 

banner ads
COVID 19
Dịch bệnh do COVID 19 đang hoành hành và chúng ta cần phải cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng. Ảnh Internet 

Bài phát biểu mới nhất vào ngày 26 tháng 2 dưới đây của giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh, cũng như chi tiết về vấn đề này. Chúng ta hãy cùng theo dõi nhé.

Thưa các bạn,

Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi chúng tôi tóm tắt tình hình về COVID 19 cho các ban vào thứ tư tuần trước. Điều này cho thấy bản chất phát triển nhanh chóng của dịch bệnh này.

Tính đến 6 giờ sáng giờ Geneve hôm nay, Trung Quốc đã báo cáo 78.190 trường hợp bị nhiễm bệnh cho WHO, trong đó có 2718 trường hợp tử vong. Hôm qua chỉ có 10 trường hợp mới được báo cáo ở Trung Quốc ngoài tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên, đây không phải là lúc để tự mãn mà là thời gian để chúng ta tiếp tục cảnh giác.

Một số phát hiện quan trọng của nhóm nghiên cứu hiện trường từ WHO và Trung Quốc

Hôm thứ hai, phái đoàn chung của WHO và Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm đến một số tỉnh khác nhau tại nước này (bao gồm cả Vũ Hán) và đưa ra báo cáo. Trong chuyến khảo sát này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt các vấn đề liên quan đến COVID 19 như khả năng truyền bệnh của virus, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của các biện pháp được thực hiện, cụ thể là:

  • Dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm và bị đánh bại trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và đã giảm dần kể từ đó.
  • Không có thay đổi đáng kể trong cấu trúc di truyền của virus
  • Các biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc đã ngăn chặn một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh

Báo cáo chứa rất nhiều thông tin khác, những câu hỏi nổi bật mà chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời và bao gồm 22 khuyến nghị.

Nhưng thông điệp chính cần cung cấp cho tất cả các quốc gia để củng cố hy vọng, sự can đảm và tự tin đó là virus này có thể được ngăn chặn.

Thật vậy, có rất nhiều quốc gia đã thực hiện được điều đó. Có 14 quốc gia đã không báo cáo một trường hợp nhiễm bệnh mới nào trong hơn một tuần. Và thậm chí quan trọng hơn, có 9 quốc gia đã không báo cáo một ca bệnh mới nào trong hơn 2 tuần đó là: Bỉ, Campuchia, Phần Lan, Ấn Độ, Nepal, Philippines, Liên bang Nga, Sri Lanka và Thụy Điển.

Điều này không có nghĩa là các quốc gia này không còn bị nhiễm bệnh nữa, nhưng chúng ta có thể thấy các trường hợp nhiễm virus trước đó đã được kiểm soát.

Ngoài Trung Quốc, hiện có 2790 người mắc bệnh ở 37 quốc gia và 44 trường hợp tử vong.

Hôm qua, lần đầu tiên số ca mới được báo cáo bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá số trường hợp mới ở nước này.

Sự gia tăng đột ngột số người nhiễm bệnh ở Ý, Iran và Hàn Quốc cần được xem xét một cách cẩn thận.

Có những trường hợp liên quan đến Iran ở Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman.

Có những trường hợp liên quan đến Ý ở Algieria, Áo, Croatia, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Hôm qua, một nhóm chung của WHO và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Châu Âu đã đến Rome để xem xét các biện pháp y tế công cộng đã được đưa ra và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Một nhóm của WHO sẽ tới Iran vào cuối tuần này để hỗ trợ. 

Phòng thí nghiệm
Thông điệp chính cần cung cấp cho tất cả các quốc gia để củng cố hy vọng, sự can đảm và tự tin đó là virus này có thể được ngăn chặn. Ảnh Internet 

Vì sao WHO không công bố đại dịch đối với COVID 19

Sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đã khiến một số phương tiện truyền thông và chính trị gia hối thúc việc tuyên bố đại dịch. Tuy nhiên chúng ta không nên quá vội vàng thực hiện điều này khi chưa có sự phân tích cẩn thận và rõ ràng về các sự kiện liên quan.

WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở mức độ toàn cầu – đây là mức báo động cao nhất của chúng tôi.

Sử dụng từ đại dịch một cách bất cẩn không đem lại lợi ích hữu hình nào. Ngược lại, nó có rủi ro đáng kể về mặt khuếch đại nỗi sợ hãi và sự kì thị không cần thiết, cũng như khiến các hệ thống bị tê liệt.

Nó cũng có thể báo hiệu rằng chúng ta không còn khống chế được virus mà điều này thì không đúng. Chúng ta đang trong một cuộc chiến có thể thắng lợi nếu làm đúng.

Tất nhiên chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng từ đại dịch nếu đó là một mô tả chính xác về tình hình đang diễn ra.

Chúng tôi đang theo dõi sự phát triển của dịch bệnh một cách sát sao, suốt ngày đêm, 24/7 và đang kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề này.

Hiện tại, chúng tôi không chứng kiến sự lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng của virus này cũng như các ca bệnh nặng hoặc tử vong trên diện rộng.

Trung Quốc có ít hơn 80.000 trường hợp bị bệnh trên tổng dân số hơn 1.4 tỷ người. Ở phần còn lại của thế giới, tỷ lệ nhiễm bệnh là 2790 trường hợp trên 6,3 tỷ dân.

Các bạn đừng hiểu lầm ý tôi: tôi không hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay hay khả năng căn bệnh này sẽ trở thành đại dịch, vì điều này rất có thể sẽ xảy ra.

Mọi kịch bản vẫn còn đang để ngỏ.

Ngược lại, chúng tôi đang nói rằng, loại virus này có khả năng gây đại dịch và WHO đang cung cấp các công cụ cho mọi quốc gia để chuẩn bị một cách phù hợp.

Mục tiêu hiện nay của WHO và các quốc gia trên toàn cầu

Mục tiêu chính của tất cả các quốc gia có trường hợp nhiễm bệnh đó là phải khống chế được virus. Như tôi đã nói, có 9 quốc gia đã không báo cáo một ca nhiễm bệnh mới nào trong hai tuần. Chúng ta nên làm như vậy: cố gắng kiểm soát virus.

Đồng thời tất cả các quốc gia, dù có người bị bệnh hay không, đều phải chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng.

Mỗi quốc gia cần sẵn sàng phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, cách ly người bệnh, theo dõi người tiếp xúc, cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng chất lượng, ngăn chặn dịch bệnh viện và ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng.

Có ba ưu tiên:

  • Bảo vệ nhân viên y tế
  • Bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, đặc biệt là người lớn tuổi và những người có bệnh mãn tính
  • Bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn hại nhất 
Nghiên cứu
Mỗi quốc gia đều phải sẵn sàng phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, cách ly, theo dõi tiếp xúc,...để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng. Ảnh Internet 

WHO đã làm gì để hỗ trợ các quôc gia

WHO đã công bố các hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động để hỗ trợ các quốc gia, với các hành động cụ thể theo tám lĩnh vực:

  • Phối hợp, lập kế hoạch giám sát cấp quốc gia
  • Truyền thông về rủi ro và sự tham gia của cộng đồng
  • Đội giám sát, phản ứng nhanh và điều tra liên quan đếnn các trường hợp nhiễm bệnh
  • Điểm nhập cảnh
  • Phòng thí nghiệm quốc gia
  • Phòng chống và kiểm soát sự lây nhiễm
  • Quản lý các trường hợp nhiễm bệnh
  • Hoạt động hậu cần

Các hướng dẫn cũng bao gồm các chỉ số hiệu suất chính và các tài nguyên ước tính cần thiết để chuẩn bị và đáp ứng một cụm lên đến 100 trường hợp bệnh.

Để bổ sung các hướng dẫn hoạt động kể trên, chúng tôi cũng đã xuất bản hướng dẫn kỹ thuật trong các lĩnh vực này. Hướng dẫn cũng có sẵn trên website của WHO.

Vào thứ bảy, tôi đã thông báo một cuộc họp của các bộ trưởng y tế từ các nước Liên minh Châu Phi (AU). Hiện có 41 quốc gia có phòng thí nghiệm đủ điều kiện để thử nghiệm về COVID 19, sử dụng bộ dụng cụ phòng thí nghiệm do WHO gửi. Chúng tôi đang làm việc để gửi nguồn cung cấp đến các quốc gia AU khác. Trước đây chỉ có một quốc gia có thể thử nghiệm, và con số hiện nay đã là 41. Nhưng chúng ta nên đảm bảo rằng mọi quốc gia đều có khả năng đó.

Tôi cũng vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã bổ nhiệm 6 đặc phái viên về COVID 19 để cung cấp lời khuyên chiến lược cũng như vận động chính trị cấp cao và tham gia vào các khu vực khác nhau trên thế giới. Họ bao gồm:

  • Giáo sư Maha El Rabbat, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Ai Cập
  • Tiến sĩ David Nabarro, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững
  • Bác sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi
  • Tiến sĩ Mirta Roses, cựu Giám đốc khu vực Châu Mỹ của WHO, PAHO
  • Tiến sĩ Shin Young, cựu Giám đốc khu vực của WHO ở Tây Thái Bình Dương
  • Giáo sư Samba Sow, Tổng Giám đốc Trung tâm Phát triển vắc xin ở Mali

Chúng tôi cũng đang tiếp tục tăng cường phối hợp với Nhóm Quản lý Khủng hoảng của Liên Hợp Quốc. Hôm qua, Nhóm tư vấn chiến lược về các mối nguy truyền nhiễm đã họp và chiều nay chúng tôi sẽ có cuộc gọi hàng tuần với nhóm chuyên gia không chính thức mà chúng tôi đã mời để tư vấn cho chúng tôi.

Tôi xin cảm ơn tất cả các quốc gia và đối tác đã đóng góp cho Kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược cũng như Quỹ dự phòng khẩn cấp: Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức, Ireland, Nhật Bản, Kuwait, Hà Lan, Na Uy, Slovakia, Thụy Điển, Vương Quốc Anh, Quỹ Bill và Melinda Gates, Vital Strategies và Resolves to Save Lives.

Chúng tôi cũng công nhận cam kết hỗ trợ hào phóng từ Chính phủ Hoa Kỳ để hỗ trợ Trung Quốc và các nước bị ảnh hưởng khác, chiến đấu để ngăn chặn COVID 19.

Chúng tôi hiện đang làm việc để phân phối các quỹ này càng nhanh càng tốt cho các quốc gia ưu tiên mà chúng tôi đã xác định.

Hầu hết các khoản đóng góp cho đến nay là các cam kết, vì vậy thay vì chờ nhận tiền, chúng tôi đang sử dụng cơ chế cho vay nội bộ của chính mình để đẩy nhanh việc phân phối tài chính.

Chúng tôi mong muốn nhận được các khoản tiền cam kết càng sớm càng tốt vì nguồn tài trợ của chúng tôi tương đối hạn chế.

Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là quá nhiều quốc gia bị ảnh hưởng vẫn không chịu chia sẻ dữ liệu với WHO.

WHO không thể cung cấp hướng dẫn y tế công cộng phù hợp nếu không nhận được dữ liệu và thông tin chi tiết.

Chúng tôi đang tiến hành liên lạc trực tiếp với các bộ trưởng và nhận thấy có sự tiến triển. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hãy chia sẻ dữ liệu với WHO ngay lập tức.

Các bạn thân mến, chúng ta đang không chỉ chiến đấu để khống chế virus và cứu sống những mạng người. Tất cả chúng ta đang trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn thiệt hại về kinh tế xã hội mà một đại dịch toàn cầu có thể gây ra.

Chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Thế giới và IMF để ước tính tác động kinh tế tiềm tàng của dịch bệnh và phát triển một chiến lược và các lựa chọn chính sách để giảm thiểu thiệt hại.

Một lần nữa đây là khoảng thời gian cần sự đoàn kết toàn cầu về cả chính trị, công nghệ và tài chính. Đó là cách duy nhất để ngăn ngừa sự nhiễm bệnh và cứu sống người dân.

Một lần nữa, xin cảm ơn vì các bạn đã tham gia cùng chúng tôi.

Hy vọng bài phát biểu trên từ Giám đốc của một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới sẽ giúp bạn có thêm thông tin về tình hình dịch bệnh do COVID 19 , cũng như những gì tổ chức này đang phối hợp cùng các quốc gia trên thế giới, trong nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như Bộ Y tế đã hướng dẫn, để cùng với người dân và các chính phủ trên toàn cầu, ngăn chặn COVID 19 một cách hiệu quả nhất nhé.

Theo WHO

Lily Nguyễn dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI