1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng sau sinh cho mẹ và bé
Sau chín tháng mười ngày nuôi dưỡng thai nhi, cơ thể mẹ đã bị rút đi rất nhiều chất dinh dưỡng. Sau quá trình vượt cạn, mẹ lại mất đi thêm một lượng máu lớn và có những vết thương trên cơ thể. Sau khi con ra đời, mẹ còn phải cho con bú nên sẽ bị mất một lượng chất dinh dưỡng nữa. Vì những điều này, cơ thể mẹ sau khi sinh rất yếu và cần đến một chế độ dinh dưỡng thật hợp lý để đảm đương hết những vai trò này. Việc có một thực đơn ăn đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp mẹ phục hồi mà còn góp phần nuôi lớn bé với những giá trị tốt nhất thông qua sữa mẹ.
Theo một nghiên cứu khoa học công bố trên Tạp chí Tâm thần học châu Á năm 2013, chứng trầm cảm sau sinh có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Việc cơ thể bị suy giảm chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng quan trọng. Và cùng với sự thay đổi quá lớn sau khi làm mẹ, nhiều chị em phụ nữ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh .
2. Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho mẹ sau sinh
Bà mẹ sau khi sinh có một thể trạng khá yếu vì mất nhiều máu và có nhiều vết thương trên cơ thể. Chính vì thế yêu tiên hàng đầu là phải giúp mẹ phục hồi những vết thương, lấy lại sức khỏe. Bên cạnh đó, yêu cầu quan trọng hơn là mẹ cần có đủ sữa và nguồn sữa thật dinh dưỡng để cho con bú mà cân nặng ổn định không tăng nhiều. Để đáp ứng được các yêu cầu này, mẹ cần lưu ý nguyên tắc lên thực đơn như sau:
- Bảo đảm đầy đủ những nhóm dinh dưỡng cần thiết gồm thực phẩm giàu chất xơ, protein, chất béo, vitamin, canxi, sắt...
- Tăng cường rau xanh và trái cây
- Không nên cắt thực phẩm cung cấp tinh bột ra khỏi thực đơn như cơm dù mẹ có muốn giảm cân sau sinh , vì cơm cung cấp lượng tinh bột cần thiết cho cơ thể. Dùng lượng cơm cân bằng trong mỗi bữa ăn. Có thể thay thế cơm bằng các thực phẩm cung cấp tinh bột khác như khoai tây, bún, nui.
- Nên chia thực đơn thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa dùng vừa đủ.
- Luôn có món canh trong thực đơn để mẹ vừa dễ ăn, vừa đảm bảo đủ chất xơ, nước có lợi cho sản xuất sữa.
- Uống 400-600ml sữa mỗi ngày.
3. Những thực phẩm cần tránh trong thực đơn cho mẹ sau sinh
Ngoài những món nên ăn và cần ăn để phục hồi nhanh, mẹ mới sinh nên lưu ý một số loại thực phẩm cần tránh. Vì, có một số thực phẩm là những nguyên nhân khiến nhiều bà mẹ không có đủ sữa cho con bú.
3.1 Những món ăn làm mất sữa mẹ nên tránh
- Đồ khô, thiếu nước và chất xơ : Những thực phẩm như này dễ khiến mẹ bị táo bón và ít sữa nếu thường xuyên sử dụng.
- Bắp cải : Là một loại rau nhưng bắp cải lại không tốt cho mẹ sau sinh . Đây là loại thực phẩm rất dễ làm mẹ mất sữa và thường dùng để trị tắc sữa, giảm cơn đau do ngực sưng tấy.
- Rau cần tây : Một loại rau khác mà mẹ sau sinh nên tránh đó là cần tây. Dù có mùi thơm hấp dẫn nhưng cần tây lại gây mất sữa hoặc giảm khả năng tiết sữa ở mẹ.
- Bạc hà : Giống như cần tây, bạc hà cũng khiến mẹ bị giảm đi lượng sữa và mất sữa trong quá trình cho con bú.
- Canh nấu từ măng, lá lốt, đinh lăng …: Những thực phẩm này cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ đột ngột mất sữa. Thế nên mẹ không nên ăn khi còn phải cho con bú.
- Mì tôm : Trong mì tôm có rất nhiều lúa mạch, mà đây lại là thực phẩm khiến mẹ ít sản xuất sữa hơn. Chính vì thế nên kiêng mì tôm trong thời điểm cho con bú là tốt nhất.
3.2. Những thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ
- Đồ ăn cay : Đồ ăn có những gia vị cay như tiêu, ớt, tỏi…sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sữa. Bé có thể bị táo bón, đau bụng hoặc cáu gắt nếu bú phải loại sữa này.
- Tỏi : Mùi của tỏi có thể tồn tại khá lâu trong sữa mẹ, có thể kéo dài tới 2 giờ. Nếu ngửi phải mùi lạ này, trẻ nhạy cảm sẽ khó chịu, thậm chí bỏ bú.
- Đậu phộng : Với những gia đình có tiền sử dị ứng đậu phộng, đứa trẻ sinh ra có khả năng cũng bị dị ứng. Nếu mẹ ăn đậu phộng, bé cũng sẽ bị dị ứng từ trong sữa mẹ. Và điều này có thể khiến con bị khó thở, phát ban hoặc chàm.
- Quả bơ : Dù là loại quả khá tốt cho sức khỏe nhưng không phải bé nào cũng thích ứng với loại trái cây này. Với nhiều bé, bơ có thể khiến bé khó tiêu hóa và ảnh hưởng đến dạ dày. Vì vậy nếu mẹ có dùng quả bơ nên dùng xen kẽ với các loại thực phẩm khác.
- Món chiên nhiều dầu mỡ : Những loại đồ ăn chiên thường có hàm lượng calo cao nhưng lại ít dinh dưỡng. Nếu mẹ ăn đồ chiên quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của sữa. Điều này ảnh hưởng không tốt đến dạ dày của trẻ.
- Sô-cô-la : Nếu hấp thụ sô-cô-la từ sữa mẹ, bé rất dễ bị đầy hơi, đau bụng và quấy khóc. Vì thế, mẹ tốt nhất không nên ăn sô-cô-la trong thời gian cho con bú.
- Các loại cá có thủy ngân cao : Cá kiếm, cá mập, cá thu hoàng hậu, cá kình… là những loại cá có chứa nhiều thủy ngân. Thủy ngân lại là chất vô cùng nguy hiểm với trẻ sơ sinh vì có thể gây hại cho hệ thần kinh và nội tạng. Vì thế, để bảo vệ bé thông qua sữa mẹ, mẹ không nên ăn những loại cá này.
- Nước uống có caffeine và ga : Trẻ sơ sinh không có khả năng bài tiết chất caffeine như người lớn. Vì thế, khi chất này vào người, bé rất dễ bị mất ngủ, kích ứng và cáu kỉnh. Trong khi đó, khí ga cũng không tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Vì thế, mẹ nên hạn chế đến mức thấp nhất lượng caffeine và ga cho vào người trong thời gian cho con bú.
- Rượu : Rượu là một đồ uống rất dễ ảnh hưởng đến nguồn sữa tiết ra. Nếu mẹ uống quá nhiều rượu thì cũng sẽ khiến con bị buồn ngủ, suy nhược và tăng cân bất thường thông quá sữa mẹ.
Với nguyên tắc và lưu ý cần thiết mà Yeutre.vn đề cập liên quan đến việc xây dựng thực đơn cho mẹ sau sinh như trên, hy vọng thật hữu ích cho mẹ. Nhờ những ghi chú này, hẳn các mẹ sau sinh sẽ đỡ vất vả hơn trong việc thiết lập thực đơn khoa học cho mình, để vừa đảm bảo nguồn sữa, chất lượng sữa cho bé, vừa duy trì sức khỏe cho mẹ lại không sợ tăng cân.
Trang Trần tổng hợp