1. Vì sao nhiều người lo lắng khi ốm nghén về chiều tối?
Ốm nghén là một triệu chứng thường xuyên của các bà bầu. Thuật ngữ này để chỉ tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng... trong thời kỳ mang thai. Theo các chuyên gia, trên 90% phụ nữ bị ốm nghén trong thời gian này, thậm chí các ông chồng cũng có thể ốm nghén theo vợ mình nên có trường hợp gọi là ốm nghén dùm vợ .
Tuy nhiên, điều đáng nói (và gây ra lo lắng cho nhiều người) có lẽ xuất phát từ tên gọi ốm nghén trong tiếng Anh: Morning sickness. Theo cách gọi này ốm nghén là tình trạng xảy ra vào buổi sáng - từ đó nhiều người ngầm hiểu khái niệm này phủ định ốm nghén không xảy ra buổi chiều hoặc tối muộn.
Nhiều tờ báo phương Tây ví cách đặt tên này là "kỳ lạ nhất" và có thể gây ra hiểu nhầm cho nhiều người, đặc biệt các bà bầu. Mặc dù buổi sáng là thời điểm dễ ốm nghén nhất, nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia y tế, tình trạng ốm nghén có thể ập đến bất cứ lúc nào, ngày hoặc đêm, sáng hay chiều.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người lo lắng khi bị ốm nghén về chiều tối. Đơn giản là họ thuộc nhóm thiếu sổ khi so sánh với nhóm đa số ốm nghén về sáng.
2. Nguyên nhân nào gây ốm nghén vào buổi chiều hoặc ban đêm?
Ốm nghén thường xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng khi bà bầu thức dậy và chưa ăn gì, nhưng nó có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thậm chí kéo dài suốt buổi chiều hoặc ban đêm. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên tình trạng này:
- Do sự thay đổi của các hormone khi bắt đầu mang thai : Cụ thể, thời điểm này estrogen và progesterone tăng lên khiến bà bầu bị ốm nghén.
- Ốm nghén do di truyền : Nếu cha mẹ hoặc anh chị em từng ốm nghén khi mang thai thì có bà bầu sẽ có khả năng ốm nghén cao hơn.
- Một số nguyên nhân khác do cảm giác đói, khát hoặc cách cơ thể phản ứng với thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ. Thậm chí một số bà bầu bị ốm nghén khi tiếp xúc với một số mùi nồng nặc như nước hoa, mùi thức ăn...
Như vậy có khó có thể khẳng định nguyên nhân chính nào gây nên tình trạng ốm nghén vào buổi chiều, buổi tối. Điều này sẽ tùy thuộc vào từng môi trường sống, công việc, thể trạng lẫn cách mà bà bầu đi lại, hoạt động. Nhưng dù nguyên nhân nào thì tình trạng ốm nghén này cũng là điều hoàn toàn bình thường bà bầu không nên hoang mang, lo lắng.
3. Một số mẹo làm giảm ốm nghén về chiều hiệu quả
Như vây, ốm nghén về chiều cũng như ốm nghén về sáng hay tối là tình trạng rất bình thường. Các bà bầu không nên quá lo lắng hay so sánh sao mình ốm nghén khác nhiều người? Hoặc cũng đừng cố gắng vượt qua hay loại bỏ cơn ốm nghén này. Thay vào đó, các bà bầu có thể áp dụng một số mẹo nhỏ hữu ích sau để làm giảm tình trạng này nhé.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay : Đây là nhóm thực phẩm gây cảm giác buồn nôn nhiều nhất ở phụ nữ mang thai chính vì thế bà bầu nên hạn chế dùng. Thay vào đó hãy thứ chế độ ăn tốt gồm chuối, táo, cơm, bánh mì nướng để đảm bảo luôn no, tránh các cơn ốm nghén khi đói.
- Thử ngậm một viên kẹo vị chua , một lát cam, chanh hoặc gừng cũng có thể giảm cơn ốm nghén khi chiều tối.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ , ăn thường xuyên trong ngày. Theo các chuyên gia, bà bầu nên chia thành 6 bữa ăn nhẹ thay cho 3 bữa ăn hằng ngày.
- Không nên vừa ăn thức ăn đặc vừa uống nước , sữa cùng một lúc. Ví dụ, đừng cố gắng ăn một cái bánh mì và uống sữa cùng lúc vì dễ gây buồn nôn nhiều hơn.
- Không nên ăn quá nhiều cũng không nên ăn quá ít. Việc nạp quá nhiều thức ăn hoặc để bụng đói đều kéo cơn ốm nghén đến bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Khi bà bầu cảm thấy đói đừng vận động nhiều . Thay vào đó hãy ngồi xuống và ăn một ít bánh quy giòn chẳng hạn sẽ giúp giảm cơn ốm nghén.
- Tránh xa các nơi có mùi mạnh như toa-let, bếp, nơi có chất tẩy rửa hoặc nơi có mùi nước hoa...
Cuối cùng, nếu bạn đang bị ốm nghén về chiều thì đừng lo lắng hay cố gắng tìm mọi cách để vượt qua tình trạng này nhé. Bởi vì càng lo lắng bạn sẽ càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn nên chấp nhận và thay đổi thói quen theo một số gợi ý ở trên từ các chuyên gia. Còn với những người thân, nếu trong gia đình có bà bầu đang gặp phải tình trạng này, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là động viên, chia sẻ, tâm sự để họ dễ dàng vượt qua và nhanh lấy lại niềm vui trong cuộc sống.
Đức Lộc