Ốm nghén không ăn uống được gì làm thế nào để cải thiện?

Ốm nghén không ăn uống được gì nếu diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Hầu hết đa số phụ nữ khi mang thai, đều sẽ gặp phải tình trạng ốm nghén trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Nhưng cũng có một số thai phụ có tình trạng ốm nghén nặng, kéo dài hơn 3 tháng hoặc thậm chí suốt cả thời gian mang thai. Nghén nặng không ăn uống được gì, khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy sợ hãi và ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Vậy, ốm nghén không ăn uống được gì phải làm sao?

banner ads
nghen khong an uong duoc gi
Ốm nghén không ăn uống được gì làm thế nào để cải thiện? Ảnh: Internet

1. Ốm nghén không ăn uống được gì có ảnh hưởng đến thai nhi?

Nếu mẹ bầu bị ốm nghén bình thường, thì không cần phải quá lo lắng về vấn đề sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Thực tế, mẹ có thể yên tâm vì đó cũng được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng ốm nghén diễn ra kéo dài và thường xuyên khiến mẹ bầu không ăn uống được gì, thì sẽ ảnh hưởng đến bé nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trong giai đoạn mang thai , bé nằm trong bụng mẹ nên sẽ nhận chất dinh dưỡng từ người mẹ thông qua nhau thai . Vậy nên, chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi . Nếu thai phụ bị nghén nặng không ăn uống được gì, thì cũng đồng nghĩa không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Khi mẹ bầu không ăn được gì, hoặc ăn vào bị ói ra hết sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, cân nặng cũng theo đó giảm sút. Cùng với đó, nôn ói nhiều mất axit dạ dày, khiến thai phụ bị mất nước và mất cân bằng điện giải gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Nếu không có biện pháp, có thể sẽ gặp phải một số vấn đề nguy hiểm như: sinh non , suy dinh dưỡng, bé phát triển chậm,... Ngoài ra, nếu đang ốm nghén nặng nhưng đột nhiên lại hết nghén, thì mẹ bầu nên đi kiểm tra để chắc chắn thai nhi phát triển bình thường.

nghen khong an uong duoc co anh huong den thai nhi khong
Ốm nghén nặng làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Ảnh: Internet

2. Ốm nghén không ăn uống được gì làm cách nào để cải thiện?

2.1. Cách giảm nghén tự nhiên

Để hạn chế cơn nghén tự nhiên tại nhà, mẹ bầu có thể tham khảo những mẹo đơn giản dưới đây. Cụ thể như sau:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngủ sớm, ngủ đủ giấc, đặc biệt là vào ban đêm để cơ thể khỏe hơn, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
  • Không nên sử dụng và tránh tiếp xúc với các thực phẩm có mùi vị kích thích như: thịt sống, cá sống, mắm tôm, mắm cái,....
  • Nôn ói thường xuyên khiến mẹ bầu bị mất nước. Do đó, cần bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Nên uống vào giữa các bữa ăn để ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.
  • Mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, hạn chế không để dạ dày trống. Vì dạ dày trống sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn.
  • Nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn ít đường, ít chất béo. Nên ưu tiên những thực phẩm giàu chất protein như sữa, thịt, trứng.
  • Mẹ bầu không được bỏ bữa ăn sáng . Không sử dụng các thực phẩm đồ cay, nhiều chất béo. Vì chúng rất khó tiêu, dễ bị đầy bụng.
  • Sau các bữa ăn, mẹ có thể sử dụng trà gừng , kẹo gừng để làm giảm cảm giác buồn nôn.
  • Ngoài ra, thai phụ còn có thể sử dụng các phương pháp như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu để giảm nôn ói.
giam nghen tu nhien
Những viên kẹo gừng sẽ giúp mẹ bầu giảm nghén hiệu quả. Ảnh: Internet

2.2. Cách giảm ốm nghén không ăn uống được gì bằng thuốc

Nếu mẹ bầu đã sử dụng phương pháp giảm nghén tự nhiên ở trên, nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, thì lúc này thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và chỉ định dùng thuốc.

  • Bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ dùng các loại thuốc chống nôn, thuốc chống ốm nghén có chứa thành phần kháng sinh histamin, thành phần pyridoxine (vitamin B6).Lưu ý thuốc giảm nghén mẹ bầu chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý ra tiệm thuốc mua về dùng, để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn.
  • Nếu trường hợp của mẹ bầu nghén quá nặng và cơ thể bị suy nhược, quá mệt mỏi, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch để bổ sung nước hoặc chất dinh dưỡng cho mẹ bầu.
giam nghen bang thuoc
Cách giảm ốm nghén không ăn uống được gì bằng thuốc. Ảnh: Internet

3. Ốm nghén nặng ăn gì để cải thiện?

  • Kẹo gừng, trà gừng: trong củ gừng có chứa hai loại hợp chất là gingerol và shogaol. Chúng có tác dụng giúp hỗ trợ điều trị chứng rối loạn tiêu hóa và giảm cảm giác buồn nôn.
  • Ngũ cốc: bột đường có trong ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp hệ tiêu hóa của thai phụ hoạt động tốt hơn, giảm cảm giác buồn nôn và ợ hơi.
  • Cháo ý dĩ: cháo ý dĩ có vị thanh nhẹ, thơm ngon và rất dễ ăn. Mẹ bầu bổ sung thường xuyên sẽ giảm được các triệu chứng ốm nghén và đồng thời, còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé.
  • Các món canh chua: vị chua thanh mát trong một số món canh như canh chua, canh me, canh sấu,.... sẽ giúp làm giảm tình trạng buồn nôn, đầy hơi cho thai phụ hiệu quả. Không những vậy, canh chua còn cung cấp chất xơ, vitamin và các thành phần khác cần thiết cho cơ thể.
  • Các món bánh mặn: bánh mặn được xem là một trong những thực phẩm cứu tinh cho mẹ bầu bị nôn ói nhiều. Mẹ có thể sử dụng bánh mặn để ăn vào buổi sáng, giúp dạ dày không bị trống, hoặc những lúc bị nghén.
canh chua
Canh chua có vị thanh, thơm ngon giúp thai phụ giảm nghén. Ảnh: Internet

Ốm nghén không ăn uống được gì khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Do đó, mẹ bầu cần phải tìm biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu không sẽ gây nên những hậu quả không mong muốn. Trường hợp, thai phụ đã thử áp dụng các phương pháp giảm ốm nghén tự nhiên, nhưng không có tác dụng thì nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp nhé.

Diễm Diễm

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI