Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái - mối quan hệ tưởng chừng hiển nhiên nhưng rất cần nỗ lực xây dựng

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một người. Đây là một trong những kết nối sớm nhất mà trẻ có, mối quan hệ với cha mẹ sẽ thiết lập hướng đi của trẻ sau này. Nói đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng ta tưởng chừng là một mối quan hệ tất nhiên, song thực tế lại cần nỗ lực xây dựng rất nhiều.

banner ads

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi người. Ảnh Internet

Giữa cha mẹ và con cái, một mối quan hệ tích cực được xây dựng sẽ thúc đẩy sự tự chủ, mong muốn tìm tòi, khám phá, lòng tự trọng và kỹ năng ra quyết định của trẻ. Để xây dựng hoặc cải thiện mối quan hệ với trẻ, các cha mẹ hãy tham gia vào cuộc sống của con và xây dựng mối tương tác mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng hãy học cách thích nghi với mối quan hệ đặc biệt này theo thời gian (khi trẻ lớn dần). Để làm được điều đó, chúng ta hãy cùng tham khảo những cách sau đây nhé.

1. Hãy trở thành một phần cuộc sống của con

1.1. Hãy thích nghi với độ tuổi của con

Bạn có thể củng cố mối quan hệ với con bằng cách kết nối với chúng một cách phù hợp với độ tuổi. Hãy dạy hay chơi với trẻ ở cấp độ mà con quen thuộc. Điều này sẽ giúp trẻ gắn kết với bạn và cũng làm cho bạn có vẻ dễ tiếp cận hơn.

Ví dụ: nếu con bạn mới biết đi, bạn hãy ngồi trên sàn và chơi trò lắp ghép cùng con. Nếu trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, bạn có thể cùng chơi một vòng game với con. Bạn sẽ có nhiều khả năng để gợi mở một cuộc nói chuyện với trẻ trong những hoạt động dạng này hơn là ở bàn ăn tối.

1.2. Nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian cùng với gia đình

Mặc dù con cái cần biết rằng bạn thừa nhận và tôn trọng cá tính của chúng, tuy nhiên việc đề cao gia đình như một khối thống nhất cũng cần được cho trẻ biết. Hãy tạo cho các thành viên trong gia đình thói quen thường xuyên ở cùng nhau trong các bữa ăn tối (cùng chia sẻ những vấn đề mỗi người gặp phải hàng ngày trong cuộc sống), các hoạt động thể thao, giải trí hay cộng đồng…Thói quen tốt này sẽ tạo nên sự gắn kết giá trị giữa bạn và con cái

Các thành viên trong gia đình thường xuyên bên nhau
Bạn hãy tạo cho các thành viên trong gia đình thói quen thường xuyên bên nhau. Ảnh Internet

1.3. Dành riêng thời gian cho mỗi trẻ

Mọi người trong gia đình dành thời gian ở cùng nhau là việc cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng cần dành thời gian riêng cho mỗi trẻ, khoảng thời gian bạn chỉ tập trung vào một mình trẻ mà thôi. Sự ưu tiên này sẽ giúp bạn hình thành kết nối với từng trẻ, cũng như tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của con.

Để thực hiện việc này, bạn hãy chia sẻ một sở thích nào đó cùng con. Ví dụ dạy con trai lớn câu cá vào cuối tuần, hay cùng luyện tập piano với con gái nhỏ vào tối thứ năm…Bạn hãy cố gắng dành một khoảng thời gian nào đó trong lịch trình hàng tuần của mình để xây dựng mối quan hệ đặc biệt với mỗi trẻ.

1.4. Hãy giữ liên lạc với trường học, bạn bè và các khoa ngoại khóa của con

Cha mẹ có mối quan hệ tốt với con cái sẽ quan tâm đến cuộc sống của chúng. Bạn không thể mong đợi một mối liên kết chặt chẽ với trẻ, nếu chỉ đơn giản chúc con buổi sáng tốt lành hay chúc con ngủ ngon mỗi tối.

Việc bạn bận rộn với công việc và các trách nhiệm khác cũng khá dễ hiểu với trẻ, nhưng bạn hãy cố gắng tìm hiểu trẻ và những gì diễn ra trong cuộc sống của chúng.

Nếu bạn có thời gian rảnh, hãy tham gia vào các hoạt động tình nguyện ở trường, huấn luyện một trò chơi hoặc thường xuyên gặp gỡ giáo viên của trẻ, để cập nhật kết quả học tập của con. Hãy ngồi cùng trẻ khi trẻ làm bài tập, động viên con trong các hoạt động ở trường. Bạn cũng có thể mời bạn bè của con đến nhà để xem con đang chịu ảnh hưởng như thế nào bởi những mối quan hệ xung quanh.

Tham gia hoạt động ngoại khóa cùng trẻ
Hãy tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con trẻ. Ảnh Internet

1.5. Hãy để trẻ thấy được cuộc sống của bạn

Đôi khi bạn không cần quá nghiêm khắc hoặc nghiêm túc với trẻ. Tất nhiên, bạn muốn trẻ tôn trọng mình như một người bề trên, tuy nhiên bạn cũng nên vui đùa với trẻ. Một cảm giác vui vẻ sẽ làm cho cuộc sống của trẻ thêm sống động và để lại những kỷ niệm đẹp trong tâm trí con.

Hãy giả vờ thực hiện những biểu cảm hoặc âm thanh ngộ nghĩnh trong giờ ăn hoặc giờ chơi với trẻ nhỏ, kể chuyện cười hoặc giả vờ chơi khăm đối với trẻ lớn hơn hoặc trẻ tuổi teen.

Tất cả những nỗ lực của bạn sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt với trẻ. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ, bạn cần phải duy trì nó với thái độ tích cực nữa.

2. Hãy duy trì sự giao tiếp tích cực

2.1. Hãy là những người lớn đáng tin cậy

Là cha mẹ, việc quan trọng là bạn phải xây dựng được nền tảng niềm tin với trẻ vì niềm tin rất quan trọng trong nhiều vai trò khi bạn nuôi dạy con cái. Trẻ cần biết rằng chúng có thể dựa vào bạn và bạn luôn có mặt ở đó khi trẻ cần. Khi bạn nói với trẻ bạn sẽ làm một việc gì đó, hãy làm nó, hãy giữ lời. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành sự gắn bó vững chắc về niềm tin đối với bạn – một bước đệm cơ bản quan trọng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, tin tưởng cũng có nghĩa là tôn trọng, trẻ cũng cần sự riêng tư và được giữ kín những tâm sự chúng chia sẻ với bạn.

Niềm tin không có nghĩa là bạn tin bất cứ những gì trẻ nói, nhưng là bạn sẽ cố gắng và cho trẻ thấy bài học về ích lợi của sự nghi ngờ (trong hoàn cảnh phù hợp).

Mẹ nghe điện thoại và luôn có mặt khi trẻ cần
Hãy làm cho trẻ tin tưởng rằng, con có thể dựa vào bạn và bạn luôn có mặt khi trẻ cần. Ảnh Internet

2.2. Thực hành việc lắng nghe trẻ một cách tích cực mà không mất tập trung

Cha mẹ là những người lớn bận rộn, nhưng bạn cũng muốn chắc chắn rằng trẻ biết bạn quan tâm đến những gì chúng nói. Ngay cả khi trẻ phàn nàn về một vấn đề ở trường hay ở nhà, hoặc liên tục nói về một bộ phim tuổi teen nào đó, thì bạn cũng hãy cố gắng tập trung nghe trẻ. Vì khi bạn tích cực lắng nghe, bạn sẽ củng cố mối liên kết giữa bạn và con, đồng thời bạn chứng tỏ được tầm quan trọng của chúng đối với bạn.

Hãy đặt chế độ im lặng cho điện thoại và tắt ti vi. Hãy thực sự lắng nghe trẻ và cố gắng hiểu thông điệp của con bằng cách: đối diện với trẻ, giao tiếp bằng mắt với con và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Bạn nên lắng nghe và không cắt ngang cũng như phán xét trẻ, hay thể hiện biểu cảm tiêu cực trên mặt. Sau khi trẻ nói xong, bạn hãy tóm tắt lại những gì đã nghe. Ví dụ con gái bạn nói rằng “Tất cả các bạn gái ở trường sẽ đi cắm trại vào cuối tuần tới”. “Nhưng chúng ta lại phải đi đến đám cưới ngu ngốc đó”. Bạn có thể nói với con “Có vẻ như con thấy thất vọng vì không tham gia được buổi cắm trại?”

2.3. Thực hiện chính sách 3F của phương pháp nuôi dạy con một cách hiệu quả

Là cha mẹ, bạn hãy phản ứng thật chín chắn trước lời nói và hành vi sai trái của con. Hãy thực hiện nguyên tắc 3F sau để giúp bạn xây dựng và bảo vệ mối quan hệ với con cái một cách kỷ luật:

  • Hãy nhất quán (be firm) : Bạn hãy nêu những hậu quả có thể xảy ra và áp dụng chúng một cách nhất quán.
  • Hãy công bằng (be fair) : Bạn hãy chắc chắn rằng hình phạt áp dụng phù hợp với hoàn cảnh và độ tuổi của trẻ, tránh áp dụng hình phạt quá khắc nghiệt với con.
  • Hãy thân thiện : Bạn hãy truyền đạt lời nói của bạn với trẻ một cách ôn tồn và lịch sự, tránh cao giọng. Hãy đơn giản giải thích những điều khoản trẻ đã vi phạm và hậu quả kèm theo. Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian để khen ngợi khi trẻ làm tốt việc gì đó.
Bố nói chuyện thân thiện ôn tồn với con cái
Bạn nên ôn tồn, lịch sự và thân thiện với trẻ. Ảnh Internet

2.4. Hãy trò chuyện thoải mái với trẻ trong một không gian phù hợp

Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên có thể cảm thấy e sợ và đề phòng nếu phải trò chuyện theo kiểu mặt đối mặt quá nhiều. Vì vậy, bạn hãy giảm áp lực cho con bằng cách lên kế hoạch cho những cuộc trò chuyện theo cách khác. Ví dụ như:

  • Bạn có thể hỏi con trai về tình trạng bắt nạt ở trường của con khi đang lái xe đưa con đi tập bóng bầu dục hay một môn thể thao nào đó.
  • Hoặc hỏi con gái về mối quan tâm tình cảm mới của con khi bạn cùng nấu nướng trong bếp với con.

Hãy tận dụng những khoảng thời gian như vậy để hiểu trẻ hơn về sở thích, những mối quan tâm, quan hệ bạn bè của con. Trẻ sẽ có nhiều khả năng tham gia và cởi mở hơn khi trò chuyện theo cách này.

Việc hiểu con không chỉ dừng lại ở độ tuổi mà cần đi cùng theo sự phát triển của con. Vì trẻ càng lớn thì tâm lý sẽ càng phức tạp hơn, do đó bạn cũng cần phải thay đổi để thích nghi với trẻ.

Nói chuyện cùng con khi đang lái xe trên đường
Bạn có thể hỏi han truyện trò cùng con trên đường đưa trẻ đi tập thể thao hay đi mua sắm. Ảnh Internet

3. Bạn hãy thay đổi để thích nghi với mối quan hệ với trẻ theo thời gian

3.1. Hãy xem lại các quy tắc và tăng các đặc quyền khi trẻ lớn hơn

Khi trẻ lớn dần, việc quan trọng là bạn cần xem lại các quy tắc và thay đổi chúng khi cần thiết. Trẻ cần thấy rằng bạn tin tưởng chúng với trách nhiệm nhiều hơn khi chúng lớn lên. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khi trẻ phá vỡ các quy tắc mà bạn đã đặt ra. Vì vậy, hãy khuyến khích sự hợp tác của con bằng cách cùng thảo luận về các nguyên tắc của gia đình. Bạn có thể nói với trẻ: “Có vẻ như con thực hiện rất tốt quy định về giờ giới nghiêm và trước giờ chưa xảy ra vấn đề nào cả. Giờ con lớn rồi, con nghĩ sao nếu ba mẹ kéo dài giờ giới nghiêm muộn thêm 1 giờ nữa.”

Như vậy, chắc chắn trẻ sẽ thấy mình được tin tưởng và ý thức được trách nhiệm của bản thân hơn.

Quy tắc gia đình
Cha mẹ nên đổi quy tắc trong gia đình khi cần thiết. Ảnh Internet

3.2. Hãy cho trẻ tham gia vào các quyết định của gia đình

Nhiều bậc cha mẹ chỉ đưa ra quyết định thay vì để con cái tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, các cha mẹ nên biết rằng cảm giác của trẻ lớn khi cha mẹ thực sự muốn ý kiến của chúng là vô giá. Nó làm cho trẻ cảm thấy tự chủ và được tôn trọng như một thành viên của gia đình. Để thực hiện việc này, bạn hãy cho trẻ quyết định nhiều hơn trong việc chọn quần áo, món ăn, hoạt động hoặc kế hoạch nghỉ phép…

Ví dụ bạn có thể hỏi trẻ: “Con có gợi ý gì cho đêm phim gia đình tuần này không?” hoặc “Con muốn đi nghỉ hè ở đâu?”,...

3.3. Hãy khuyến khích trẻ chấp nhận thử thách và sự tự lập

Khi trẻ có mối quan hệ bền chặt với bạn, trẻ sẽ thấy mình có khả năng đi ra thế giới và chấp nhận thử thách. Hãy là người hỗ trợ trẻ giúp con phát huy năng lực bản thân theo thời gian.

Bạn có thể động viên con thực hiện dần từ những việc nhỏ như tự giặt đồ để chuẩn bị cho cuộc sống đại học. Và lớn hơn là lên tiếng về nạn bắt nạt hay bạo lực học đường, hoặc phản đối (với thái độ tôn trọng thích hợp) đối với giáo viên vì đã cho điểm không công bằng hoặc không đúng…

Trong quá trình này, bạn hãy hướng dẫn con đảm nhận những việc đòi hỏi khắt khe dần và mức độ trách nhiệm tăng dần, như vậy sẽ giúp con ngày càng trưởng thành hơn.

Mẹ và con trai
Hãy cho trẻ tham gia vào các quyết định của gia đình. Ảnh Internet

3.4. Hãy cởi mở và cho con thấy khía cạnh yếu đuối của bạn

Khi trẻ lớn dần, bạn có thể cởi mở hơn và cho trẻ thấy con người của bạn bên dưới chiếc vỏ trách nhiệm của bậc cha mẹ. Việc này sẽ giúp củng cố các bài học mà bạn đã dạy trẻ.

Bạn hãy chia sẻ những câu chuyện bản thân đã trải qua khi lái xe đưa con đến trường hoặc về nhà. Ví dụ nếu bạn đã từng bị bắt nạt ở trường, hãy kể cho con nghe cách bạn vượt qua như thế nào. Trẻ sẽ thấy bạn gần gũi hơn và cũng mạnh mẽ hơn vì đã vượt qua được khó khăn.

Đến đây, bạn cũng thấy chính xác rằng, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tưởng chừng là lẽ tất nhiên nhưng chắc chắn cũng rất cần được xây dựng, vun đắp, để được phát triển và bền chặt. Là cha mẹ, bạn cần nỗ lực củng cố mối quan hệ với con cái mình, vì điều này sẽ giúp con vững vàng bước vào cuộc sống độc lập trong tương lai. Đó sẽ là một phần thưởng vô giá, mà tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới đều mong muốn dành cho các con của mình.

Theo Wikihow

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI