1. Khi nào nên dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Có lẽ khi nào nên dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh là thắc mắc hàng đầu của cha mẹ về vấn đề này.
Trẻ tự kỷ nhìn chung cũng sẽ thể hiện những dấu hiệu về việc sẵn sàng tập đi vệ sinh như trẻ bình thường. Tuy nhiên, các dấu hiệu sẽ xuất hiện khi trẻ đã lớn hơn. Đồng thời quá trình dạy trẻ cũng sẽ kéo dài lâu hơn.
Bạn có thể chọn thời điểm thuận tiện, khi mà cả bạn và trẻ cùng thấy thoải mái để dạy con. Một số chỉ báo về thời điểm tốt để bắt đầu gồm:
- Khi trẻ bắt đầu ý thức về việc cần phải đi vệ sinh.
- Khi bạn nhạn thấy những thay đổi trong cách cư xử của trẻ về vấn đề vệ sinh. Chẳng hạn trẻ tỏ ra mất tập trung hoặc bồn chồn khi bị ướt hoặc bị bẩn.
- Khi trẻ cho bạn biết con cần được thay tã.
- Khi bạn quan sát thấy trẻ nhận thức được mình bắt đầu đi tè/ ị hoặc đã đi xong.
- Khi trẻ tỏ ra thích sử dụng hoặc tự dùng nhà vệ sinh mà không cần phải được nhắc nhở.
- Khi trẻ đã cải thiện được khả năng kiểm soát bàng quang/ ruột. Nghĩa là con đã tránh được tình trạng tè dầm, ị đùn trong một đến hai giờ.
2. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh theo lịch trình như thế nào
2.1. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh cần trải qua một quá trình
Bạn cần lưu ý rằng khả năng tự đi vệ sinh là mục tiêu cuối cùng mà bạn muốn trẻ đạt được. Nhưng để đến được mục tiêu ấy, bạn và trẻ cần trải qua nhiều bước nhỏ. Sẽ có những thành công và thất bại trong quá trình thực hiện mà bạn phải đối mặt.
Riêng đối với dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, sẽ có cả những yếu tố về thể chất và xã hội liên quan mà bạn cần xem xét. Trẻ tự kỷ có thể không có động lực xã hội là muốn làm giống bố/ mẹ/ anh chị hay bạn bè trong vấn đề đi vệ sinh.
Và đôi khi bạn cũng phải chấp nhận thực tế rằng sau một số năm dùng tã, trẻ có thể không bắt đầu đi vệ sinh được. Điều quan trọng bạn cần nhớ là mỗi trẻ đều khác nhau. Không phải tất cả trẻ sẽ đáp ứng với các kỹ thuật dạy dỗ giống nhau.
2.2. Xây dựng lịch trình cố định dựa và đặc điểm đặc biệt của trẻ tự kỷ
2.2.1. Thói quen và tính nhất quán
Trẻ em mắc ASD thường thích một lịch trình cố định. Bạn có thể xây dựng nó dựa trên đặc điểm này để tạo thói quen cho trẻ một cách thành công.
Bạn hãy:
- Thay tã cho con ở nhà vệ sinh. Việc này sẽ giúp con bắt đầu liên hệ các hoạt động đi vệ sinh với nhà vệ sinh.
- Bắt đầu tập cho con đi vệ sinh trên bồn cầu mà không qua dùng bô. Vì trẻ tự kỷ có thể cư xử rất khác thường khi thói quen bị thay đổi. Do vậy, nếu bạn bắt đầu bằng bô, bạn và trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang bồn vệ sinh.
- Đảm bảo tất cả những người chăm sóc trẻ đều thực hiện việc dạy trẻ đi vệ sinh một cách nhất quán. Bạn có thể gửi các đồ dùng cần thiết như bệ ngồi toilet, quần áo dự phòng, khăn ướt,…Điều quan trọng là bạn phải giữ liên lạc với trường học của trẻ để chia sẻ những mối quan tâm, sự khó khăn cũng như thành công.
2.2.2. Thời điểm con đi vệ sinh
- Quan sát trẻ trong một vài ngày để biết khoảng thời gian nào trẻ thường đi tè hoặc ị. Việc này sẽ giúp bạn đưa trẻ đến nhà vệ sinh để dạy trẻ đúng thời điểm. Nó cũng tăng khả năng trẻ đi tè, ị và cũng củng cố phản ứng tích cực của trẻ.
- Tiếp tục đưa trẻ đến nhà vệ sinh vào những thời điểm đã định dựa vào quan sát của bạn. Nếu trẻ có tè ra quần vào một lúc khác, bạn vẫn hãy đưa con đến nhà vệ sinh càng nhanh càng tốt, chỉ cần vài “giọt” rơi vào bồn cầu cũng được. Bạn hãy bỏ qua việc trẻ tè dầm và tiếp tục phần còn lại của thói quen đi vệ sinh.
2.2.3. Các minh họa hỗ trợ hướng dẫn trẻ
- Hãy dán những hướng dẫn bằng hình ảnh hoặc một hình thức mà trẻ yêu thích cạnh bồn cầu để minh họa cho trẻ về các bước đi vệ sinh. Bạn có thể hiển thị chúng bằng các ô và che đi ô nào mà trẻ đã hoàn thành để chuyển sang bước tiếp theo.
- Hãy chắc chắn rằng các hình ảnh hướng dẫn phải thật cụ thể để tránh hiểu lầm cho trẻ. Ví dụ nếu bạn muốn dạy trẻ đứng để đi tè vào bồn cầu, hình ảnh hướng dẫn cũng phải hiển thị như vậy. Tương tự với các bước khác.
- Cho trẻ xem một bức ảnh về nhà vệ sinh và nói “tên trẻ, đi vệ sinh”. Sau đó bạn đưa trẻ vào nhà vệ sinh, thực hiện các bước của quá trình đi vệ sinh. Dù trẻ không tè hay ị, bạn vẫn hãy tiếp tục thực hiện theo hình ảnh hướng dẫn.
- Tương tự, bạn cũng hãy dùng các hình ảnh minh họa quá trình rửa tay dán trên bồn rửa tay để dạy trẻ.
2.2.4. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh thành một thói quen toàn diện
- Hãy dạy trẻ đi vệ sinh thành một thói quen toàn diện. Việc này bắt đầu từ truyền đạt nhu cầu đi vệ sinh, sử dụng nhà vệ sinh, đến bước cuối cùng là lau khô tay thay vì chỉ ngồi trên bồn cầu mà thôi.
- Duy trì chuỗi hành vi mọi lúc. Vì khi dự đoán được trước một hành động nào đó, trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn.
- Tập trung vào giải quyết một hành vi tại một thời điểm. Đối với trẻ tự kỷ, rất khó để thay đổi hai hành vi cùng một lúc.
- Dựa vào đặc điểm của trẻ để quyết định có khen ngợi trẻ hay không và nên thực hiện vào lúc nào hoặc như thế nào khi cuộc huấn luyện thành công. Một số trẻ thích lời khen ngợi, trẻ khác lại thích quà (một đồ vật nào đó). Có những trẻ không phản ứng với lời khen nhưng lại thích một hoạt động nào đó sau khi đi vệ sinh.
3. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh cụ thể theo các bước như thế nào
3.1. Về việc cởi đồ và mặc đồ khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh không chỉ là cho trẻ ngồi lên bồn cầu. Bạn cần chú ý đến tất cả các hoạt động liên quan nữa. Trước tiên là dạy con cởi đồ và mặc đồ. Bạn hãy lưu ý những điểm sau:
- Cho trẻ mặc đồ thoải mái để con dễ dàng cởi hoặc mặc lại khi đi vệ sinh. Ví dụ như quần lưng thung, váy hay những bộ đồ không quá dài.
- Khuyến khích trẻ mặc đồ lót bằng cách mua đồ có in hình mà trẻ yêu thích.
- Sử dụng “chuỗi quay ngược” để dạy trẻ các kỹ năng mới. Điều này có nghĩa là bạn chia một kỹ năng thành các bước nhỏ hơn, và bạn dạy giai đoạn cuối của trình tự trước. Ví dụ, nếu bạn đang dạy trẻ kéo quần lên, bạn sẽ kéo quần trẻ lên đến ngang hông và con sẽ kéo chúng lên thắt lưng. Lần tới, bạn sẽ kéo quần trẻ dưới hông và để con tiếp tục. Đây là cách dạy trẻ kỹ năng mới đặc biệt tốt. Vì nó nâng cao lòng tự trọng của trẻ khi con đã tự thực hiện bước cuối cùng của nhiệm vụ để hoàn thành trình tự.
3.2. Về việc rửa tay khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Về việc rửa tay khi dạy trẻ đi vệ sinh:
- Bạn hãy thực hiện các bước theo trình tự giống nhau mỗi lần dạy trẻ. Chúng bao gồm: xắn tay áo lên, mở vòi nước, làm ướt tay, bôi xà phòng, xoa tay, rửa tay, khóa nước, vẩy tay trong bồn, lau khô tay.
- Bạn hãy đứng phía sau trẻ và dùng hành động để nhắc trẻ nếu cần thiết. Sau đó hãy nhẹ nhàng rút tay ra khỏi tay trẻ.
- Bạn hãy tránh dùng lời nói để nhắc trẻ, vì con sẽ dễ bị phụ thuộc vào chúng mà bạn không nhận ra. Thay vào đó, bạn hãy dùng hành động hoặc các hình ảnh để nhắc nhở con.
- Bạn có thể chỉ muốn dạy trẻ sử dụng vòi nước lạnh. Nên lưu ý rằng nếu bạn dạy con tự mở nước nóng ở nhà, khi trẻ đến các môi trường khác và rửa tay, nước có thể quá nóng khiến trẻ bị bỏng.
3.3. Khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, bạn nên dạy bé trai đứng hay ngồi
Đối với việc dạy bé trai đứng hay ngồi khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, bạn cần cân nhắc các câu hỏi sau:
- Trẻ đã phân biệt được nhu cầu muốn đi tè hay ị của mình chưa.
- Trẻ đã có đủ sự tập trung và kiểm soát cần thiết chưa.
- Nếu trẻ học bằng cách bắt chước, ai có thể làm mẫu cho con.
Nếu câu trả lời cho bất kì câu hỏi nào ở trên là có, thì bạn có thể dạy trẻ đứng để đi tè. Để bắt đầu dạy trẻ đứng tè, bạn có thể đặt một số vật vui nhộn vào bồn cầu để giúp trẻ tập trung vào đó.
3.4. Kiểm soát nhu động ruột trong dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh, việc kiểm soát nhu động ruột là một bước khó khăn khác sau khi trẻ đã học được cách kiểm soát bàng quang của mình. Một số trẻ có thể rất sợ hãi việc đi ị vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lúc này, một quyển sách có hình ảnh để giải thích quá trình tiêu hóa có thể có ích cho bạn và trẻ.
Một số trẻ tự kỷ lại có cảm giác thoải mái và thích thú do một chiếc tã đầy và nặng mang lại. Bạn hãy tìm cách thay thế để loại bỏ cảm giác này, như vậy bạn sẽ tiếp tục dạy trẻ đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Bạn có thể:
- Quấn trẻ trong một chiếc khăn dầy, ấm áp cho phù hợp với thói quen và cảm giác của trẻ.
- Cho trẻ ngồi vào bồn cầu, vẫn mặc tã nhưng bạn có thể khoét một lỗ ở đáy tã. Bạn từ từ thực hiện như vậy cho đến khi bỏ hẳn tã và trẻ có thể đủ thoải mái để tự đi mà không còn mặc tã nữa.
3.5. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh thông qua rèn luyện thói quen
Một số trẻ được huấn luyện đi vệ sinh thông qua thói quen. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh qua rèn luyện thói quen khá hiệu quả trong trường hợp:
- Trẻ thiếu nhận thức, không hiểu tầm quan trọng hoặc ý nghĩa liên quan đến các cảm giác thể chất.
- Trẻ bị hạn chế bởi các cảm giác thể chất giảm hoặc
- Trẻ không có hoặc đã thử tập đi vệ sinh trước đó nhưng không thành công.
Cách dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh này bao gồm các hoạt động:
- Quan sát để nhận biết thời gian trẻ thường đi vệ sinh.
- Đưa trẻ vào toilet vào những giờ nhất định trong ngày và thực hiện như vậy mỗi ngày.
- Hãy giúp trẻ thấy thật thư giãn để có thể đi vệ sinh một cách thoải mái. Ví dụ bạn có thể mở vòi nước chảy trong khi con ngồi trên bồn cầu.
- Cho trẻ cầm một món đồ (không nhất thiết là đồ chơi) để con được thoải mái hơn khi ngồi trên bồn cầu. Và bạn chỉ cho con cầm món đồ đó khi đi vệ sinh mà thôi.
- Nếu trẻ thiếu nhận thức hoặc cảm giác, trẻ có thể cần được dạy những chiến lược trước khi ra khỏi nhà vệ sinh, để tránh vô tình tè hoặc ị ra sàn nhà. Bạn hãy khuyến khích trẻ đếm to từ 1 – 10 khi đã đi tè/ ị xong, trước khi rời khỏi bồn cầu. Hoặc bạn cũng có thể cho trẻ quan sát một chiếc đồng hồ cát để biết khi nào nên rời bồn cầu.
- Để giúp trẻ tự kiểm soát việc đi vệ sinh của mình, bạn có thể trang bị cho con một chiếc đồng hồ được cài đặt chế độ rung. Sau đó, bạn dạy trẻ khi nào đồng hồ rung là đến giờ trẻ đi vệ sinh.
3.6. Vai trò của môi trường trong việc dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Trong việc dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh thì môi trường cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Bạn hãy:
- Đảm bảo môi trường nhà vệ sinh tạo cảm giác thoải mái, an toàn để khuyến khích trẻ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Loại bỏ mọi vật dụng không liên quan đến nhà vệ sinh, vốn có thể gây xao nhãng cho trẻ.
- Hãy trang bị cho nhà vệ sinh những vật dụng tạo sự thoải mái cho trẻ nhất có thể. Ví dụ như giá đỡ chân, tay vịn hay bồn vệ sinh nhỏ hơn nếu cần.
- Khuyến khích sự độc lập bằng cách đảm bảo rằng mọi thứ phù hợp với tầm với và cách sử dụng của trẻ.
- Hãy nghĩ về cảm nhận của trẻ để điều chỉnh mọi thứ cho phù hợp với con. Ví dụ mùi xà phòng có quá mạnh, tiếng nước chảy có quá to, nhiệt độ nước có cần điều chỉnh, ánh sáng có quá sáng không,…
- Đảm bảo trẻ được ngồi thoải mái trên bồn cầu và đặt chân lên một bệ đỡ chắc chắn.
3.7. Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh vào ban đêm
Khi lịch trình ban ngày đã được thiết lập thành công, dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh vào ban đêm tiếp tục là một thử thách nữa cho bạn. Bạn hãy:
- Thiết lập giờ ngủ cố định, không thay đổi vào cả cuối tuần hay ngày nghỉ.
- Giới hạn lượng đồ ăn thức uống của trẻ trước khi ngủ. Bạn hãy ngưng cho trẻ uống chất lỏng 1 giờ trước khi ngủ. Nhưng bạn cần bảo đảm trẻ được cung cấp đủ chất lỏng vào ban ngày.
- Đưa trẻ đến nhà vệ sinh trước khi con lên giường ngủ. Sau đó trẻ có thể cần đi vệ sinh một lần nữa vào ban đêm. Bạn có thể cho con đi trước khi bạn đi ngủ.
- Nếu trẻ vẫn tè dầm vào ban đêm, bạn có thể thử cho con đi vệ sinh vào thời điểm khác.
- Dùng các vật dụng để “bảo vệ” giường ngủ của trẻ.
4. Một số mẹo có thể áp dụng khi bạn dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh
Dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng khi dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh:
- Cho trẻ uống nước 10 – 15 phút trước giờ đi vệ sinh. Việc này sẽ làm tăng nhu câu đi tè của trẻ. Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ uống quá nhiều nước vì nó sẽ làm thay đổi lịch trình quen thuộc của trẻ.
- Quyết định xem bạn sẽ dạy trẻ đóng cửa như một phần của quy trình đi vệ sinh hay chỉ trong một số tình huống nhất định.
- Tránh dùng các thuật ngữ khác để nói về việc đi vệ sinh. Vì trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi cách nói sau này.
- Nếu trẻ sợ việc xả nước bồn cầu, bạn có thể loại bỏ nó khỏi quy trình mà hãy để đến giai đoạn hoàn thành. Khi trẻ đã lau khô tay, con có thể đứng ở cửa trong khi bạn xả nước. Sau đó, bạn khuyến khích con đứng lại gần hơn mỗi lần cho đến khi con tự mình thực hiện được. Bạn có thể mở nhạc êm dịu để át tiếng ồn khi xả nước. Việc giải thích nguyên nhân gây ra tiếng ồn cũng có thể có ích đối với trẻ.
- Khi trẻ ngồi trên ô tô, bạn hãy trang bị dụng cụ bảo vệ ghế đề phòng trường hợp có “tai nạn” xảy ra vì trẻ mất kiểm soát về vấn đề vệ sinh. Tốt nhất, bạn nên hạn chế cho con uống chất lỏng trước khi di chuyển đường dài.
- Bạn hãy lưu ý rằng một số trẻ sẽ nhịn cho đến khi mặc tã. Ví dụ nếu trẻ biết mình sẽ mặc tã trước khi lên xe thì dù mắc tè/ ị, con cũng sẽ nhịn cho đến khi mặc tã vào.
- Có nhiều loại tã cho trẻ lớn có thể phù hợp với con.
- Khi trẻ đã được dạy đi vệ sinh ở nhà, bạn sẽ muốn dạy con sử dụng nhà vệ sinh khi ra ngoài. Khi đến những địa điểm mới, bạn hãy chỉ cho trẻ vị trí của nhà vệ sinh và sử dụng các thói quen tương tự như ở nhà. Bạn hãy dùng cùng một bức tranh/ đồ chơi/ sách giống như ở nhà.
Dạy trẻ tự kỷ đi vệ sinh cũng giống như dạy bất kì kỹ năng nào khác. Đây là một việc không bao giờ dễ dàng đối với cha mẹ và người chăm sóc. Bạn cần rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực và tình yêu để giúp con thực hiện được kỹ năng cơ bản nhưng quan trọng này. Hy vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn và trẻ thành công dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Theo Autism
Lily Nguyễn lược dịch